Thursday 8 May 2014

TQ: ‘Không có đụng độ với VN'


TQ: ‘Không có đụng độ với VN'

Cập nhật: 10:18 GMT - thứ năm, 8 tháng 5, 2014

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình vào hôm thứ Năm 08/05 nói rằng Trung Quốc và Việt Nam có thể giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình và rằng một sự cố giữa giữa hai nước hồi đầu tuần này tại Biển Đông không phải là một "cuộc đụng độ".
"Tôi không tin đó là một vụ đụng độ. Tôi nghĩ có khác nhau về quan điểm trong một số tranh chấp.

"Tuy nhiên tôi tin rằng Trung Quốc và Việt Nam nên giải quyết vấn đề một cách hòa bình và gìn giữ tình hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia," ông nói với các phóng viên bên lề một hội thảo tại Bắc Kinh."Nơi xảy ra vụ việc vẫn luôn thuộc về vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc tất nhiên phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích cốt lõi khác của chúng tôi. Việt Nam nên ý thức về vấn đề này.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ kêu gọi Việt Nam rút tàu ra khỏi khu vực đang có tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 8/5, cáo buộc Việt Nam gửi tàu vũ trang trong khi Trung Quốc “chỉ có tàu dân sự” tại khu vực gần giàn khoan.
Việt Nam vào hôm thứ Tư nói cáo buộc tàu Trung Quốc cố tình đâm hai tàu của Việt Nam tại một khu vực ở Biển Đông nơi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu vào hồi cuối tuần trước.
“Việc Trung Quốc tiến hành di chuyển giàn khoan của họ vào khu vực có tranh chấp ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến bốn nước châu Á vào cuối tháng Tư cho thấy cố gắng của Bắc Kinh trong việc kiểm tra quyết tâm của Việt Nam, ASEAN, và Washington," ông Ernest Bower, phân tích gia Đông Nam Á từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Washington bình luận trong bài viết mà ông là đồng tác giả.
Bài viết cũng dẫn chiếu tới Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) mà Trung Quốc ký với các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Tuyên bố này nói “Tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định.”
Mạng xã hội

Sự cố va chạm tàu hai nước là chủ đề đang được bình luận nhiều trên mạng xã hội ở hai nước.
Gửi về Diễn đàn BBC Tiếng Trung (bbcchinese.com), bạn đọc từ Úc ký tên là George viết: "Là người Trung Quốc, tôi luôn biết chúng tôi không bao giờ phát động chiến tranh, chỉ khi bị bắt nạt mới phải làm thế và cũng luôn tha thứ. Thế nhưng thói quen dân tộc như thế đã tạo thành lệ là nhút nhát và sẽ bị bắt nạt. Nhưng khi các nhân vật theo chủ thuyết Mao xuất hiện, học cách làm của Putin thì Trung Quốc sẽ thành con hổ thực thụ.”
"Nếu có chiến tranh mấy người có bỏ bàn phím này mà ra trận không?"
Thu Nguyễn, facebook.com/bbcvietnamese
Một người khác, chỉ ký tên là DI thì viết, “Việt Nam từ bao nhiêu năm qua đã khai thác dầu khí ở địa vực phía Nam Hải, hiện cũng đang có nhiều giếng dầu, và đã chẳng mời cả các công ty Hoa Kỳ vào khai thác. Mỹ Quốc từ trước chưa bao giờ nói rằng Việt Nam có hành động khiêu khích. Nay, Trung Quốc bắt đầu khai thác thì lại bị cho là khiêu khích? Mỹ cứ như là ‘sen đầm quốc tế’, ngay từ đầu đã không công bằng, thì còn đòi làm cảnh sát quốc tế sao được”.
Trên trang Facebook của BBC tiếng Việt, một người lấy tên là Mõ Làng viết: "Nếu Việt Nam không kiện đòi Hoàng Sa thì khu vực này vẫn mãi là khu vực tranh chấp chủ quyền. Tranh chấp chủ quyền thì luôn luôn có xung đột và kẻ thắng luôn là kẻ mạnh hơn. Chính phủ Việt Nam nên chứng minh tính đúng đắn trong việc khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa với tòa án công lý quốc tế, với liên hợp quốc. Đừng đóng cửa mà tuyên bố, khẳng định với nhau như thế chỉ là tự an ủi, mị dân mà thôi."
Còn Thu Nguyễn thì viết: "Nếu có chiến tranh mấy người có bỏ bàn phím này mà ra trận không? Cầu mong chiến tranh không xảy ra, chú tôi là sĩ quan hải quân cấp tá, con chú cũng là lính hải quân, nếu có chiến tranh có hi sinh thì người thân những người này sống sao nổi. Đừng trách ai chần chừ không đánh, đó là đường cùng."
Hình tàu Kiểm ngư Việt Nam 'bị tàu Trung Quốc đâm vào'
source
BBC Vietnamese

Saturday 26 October 2013

Bác sĩ thẩm mỹ thú tội vứt xác nữ bệnh nhân



Cập nhật lúc: 10/22/2013 11:49:15 PM
Bác sĩ thẩm mỹ thú tội vứt xác nữ bệnh nhân


Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bị bắt chiều 22/10. Ảnh: Duy Linh
 
Sau khi hút mỡ bụng, phát hiện bệnh nhân tử vong, bác sĩ ngoại khoa Nguyễn Mạnh Tường, chủ thẩm mỹ viện Cát Tường đã cùng một nhân viên bảo vệ khiêng xác nạn nhân ra ôtô chở tới sông Hồng phi tang.

Chiều nay, Đại tá Dương Văn Giáp (Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội) cho biết cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Nguyễn Mạnh Tường, 40 tuổi và nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh để điều tra hành vi giết người. 10 nhân viên của Cát Tường bị triệu tập để làm rõ mức độ liên quan.

Nghi can Tường khai là bác sĩ Khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai. 6 tháng trước, ông khai trương Thẩm mỹ viện Cát Tường tại số 45 đường Giải Phóng, gần đối diện bệnh viện, trong khi chưa được Sở Y tế cấp phép.

Theo lời khai, giữa tháng 10, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Cát Tường đặt cọc 50 triệu đồng để phẫu thuật hút mỡ bụng và nâng ngực. 10h ngày 19/10, ông Tường trực tiếp gây mê, hút 11 ống mỡ ở vùng bụng của chị Huyền. Sau đó, ông Tường bơm số mỡ này vào vùng ngực của chị.

Cuộc phẫu thuật kéo dài đến 16h thì kết thúc. 30 phút sau, chị Huyền sùi bọt mép, chóng mặt và được ông Tường tiêm, cấp cứu. Ông Tường rời Cát Tường không lâu thì nhân viên thông báo chị Huyền tím tái, sùi bọt mép. Ông Tường quay lại truyền dịch, chống sốc nhưng phát hiện chị Huyền đã chết.

Để ỉm chuyện này, ông Tường lập tức cho một số nhân viên đi về, chỉ đạo mang sổ sách, thiết bị đi tẩu tán. Trực tiếp ông Tường cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh mang xác chị Huyền ra ôtô. Ông Tường lái xe đi trước, Khánh đi xe máy của chị Huyền bám theo sau.

Đến khu vực đường Cổ Linh, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Khánh để xe máy ở bên đường, lên xe của ông Tường. Sau khi chạy lòng vòng, đến khoảng 23h cùng ngày, giữa cầu Thanh Trì, hai người bê xác nạn nhân vứt xuống sông.

Đêm hôm đó, một thanh niên phát hiện xe Lead của chị Huyền, kiểm tra trong túi xách phát hiện hai chiếc điện thoại, chứng minh thư. Thấy trong điện thoại có nhiều cuộc gọi nhỡ, anh này gọi lại và thông báo về chiếc xe. Người nhận tin là anh Nguyễn Hữu Huy (40 tuổi, chồng chị Huyền).

Trình báo cảnh sát, anh cho biết vợ ra khỏi nhà lúc 8h45 ngày 19/10. Sau đó, gia đình có tổ chức đi nhiều nơi tìm kiếm nhưng không thấy. Phát hiện tờ biên nhận của Cát Tường tại nhà, anh báo cảnh sát và hướng điều tra tập trung theo hướng này.

Hiện, theo lời khai của ông Tường, Công an Hà Nội đang cùng Công an các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng tìm kiếm xác nạn nhân dọc trên sông.

Theo một nguồn tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Tường thuộc biên chế khoa Ngoại, là bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa, được đánh giá nhân thân tốt. Trả lời câu hỏi của phóng viên VnExpress về phòng khám tư của bác sĩ Tường, một cán bộ của bệnh viện Bạch Mai cho hay, không quản lý bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân sau giờ hành chính.

Theo Việt Dũng/ VnExpress

source
TiVi Tuan San

Monday 7 October 2013

Người dân tại VN thương tiếc Tướng Giáp


Người dân tại VN thương tiếc Tướng Giáp

Cập nhật: 10:28 GMT - thứ hai, 7 tháng 10, 2013
Trong làn sóng thể hiện lòng thương tiếc với vị tướng mà khi còn sống đã trở thành huyền thoại trong cuộc chiến Việt Nam, hàng vạn người dân nước này đang bày tỏ tình cảm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người qua đời thứ Sáu tuần qua.
Các nguồn tin từ Việt Nam cũng cho hay nơi an táng ông Giáp là "một hòn đảo còn khá hoang sơ ở Quảng Bình".

Sau một sự chậm trễ đưa tin cuối tuần qua khiến xảy ra nhiều bình luận từ bên ngoài, nay các báo Việt Nam tích cực đứng ra ghi nhận tình cảm này trong dân chúng đối với Tướng Giáp.Các báo Việt Nam đăng nhiều hình ảnh và bài về hiện tượng hiếm có từ rất nhiều năm qua khi đông đảo người dân công khai thương tiếc một cựu lãnh đạo quân sự hoặc chính trị ở Việt Nam.
Chẳng hạn báo Giáo dục Việt Nam còn thông báo “rất mong nhận được các bài viết của các độc giả trong và ngoài nước viết về công lao, cảm xúc, những câu chuyện, kỷ niệm của vị Đại tướng vô cùng đáng kính của chúng ta”.

'Nhân cách vĩ đại'

Báo Tuổi Trẻ thì có bài viết về “những giọt nước mắt, sự thảng thốt... được thể hiện qua từng con chữ trên máy tính dường như không thể nói hết được niềm tiếc thương” với ông Giáp.
Trang VnExpress viết: “Dòng người xếp hàng kéo dài cả cây số bên ngoài cổng nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để chờ tới lượt viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.”
Nhiều bạn trẻ tự mang hình đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Những trang như VTC News cũng có các dòng chữ đầy cảm xúc như “kính cẩn nghiêng mình trước nhân cách vĩ đại, trí tuệ tầm cỡ và tâm hồn nhân ái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Ngôn ngữ viết về sự ra đi của Tướng Giáp trên mặt báo Việt Nam gồm những tính từ thường chỉ dành cho ông Hồ Chí Minh trước đây.
Báo chí mô tả những người dân, mang thơ và ảnh đứng xếp hàng vào viếng vị Đại tướng ở nhà riêng ở đường Hoàng Diệu, khu Ba Đình, Hà Nội vốn là khu vực thường được canh phòng cẩn mật vì có nhiều tư gia của các lãnh đạo cao cấp nhất trong Quân đội và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây cũng là nơi có nhiều sứ quán nước ngoài như Đại sứ quán Trung Quốc, vốn là địa điểm một số nhà hoạt động ở Việt Nam từng đến biểu tình về chủ đề biển đảo nhưng bị chặn lại.
Theo báo BấmThanh Niên, “khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình được gia đình chọn làm nơi an táng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Vẫn theo nguồn tin này, đây là hòn đảo cách đất liền chừng hơn 1 km, có diện tích khoảng 10 ha, khung cảnh trên đảo còn khá hoang sơ.
Hiện chính quyền đã công bố sẽ làm lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào hai ngày 12 và 13 tháng 10.
source
BBC Vietnamese

Sunday 2 June 2013

Thầy chạy! Khỏa thân để thiền


Cập nhật lúc: 5/7/2013 1:03:12 AM
Thầy chạy! Khỏa thân để thiền


“Nhà phong thủy” Huệ Phong, diễn viên T.N.V và nhiếp ảnh Nguyễn Trung. Ảnh: thoat.net
 
“Về danh chính ngôn thuận, chúng tôi chưa hề cấp phép cho bất cứ triển lãm nào đối với bộ ảnh kết hợp thiền và khỏa thân của ông Huệ Phong”.
Ông Trần Văn Thông, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định như vậy khi VietNamNet liên lạc với ông vào trưa ngày 6/5. Ông cho biết, qua phát hiện của anh em, Sở đã cử thanh tra ngành phối hợp với công an xuống kiểm tra Thoát Art tại địa chỉ 550 đường 30 – 4, TP. Vũng Tàu.

“Anh em có điện về báo lại cho tôi là việc giới thiệu những bức ảnh này mang tính nội bộ. Nếu họ có xin được triển lãm, chắc chắn chúng tôi cũng không cho phép”, ông Thông nói.

Được biết, cơ quan quản lý văn hóa địa phương đã từng ngăn, không cấp phép cho triển lãm nói trên diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu của nó vào lúc 12h12 ngày 12/12/2012. Trên trang mạng của Thoát Art, bộ ảnh “nude để thiền” được nói do “nhà phong thủy” Huệ Phong lên kịch bản và đạo diễn với sự cộng tác của diễn viên T.N.V và nhiếp ảnh Nguyễn Trung. Bộ ảnh là một phần của dự án “Thoát”, được nói do “Học viện Khổng Tử” (?!) thực hiện, gồm nhiều sản phẩm sẽ được tiến hành như ảnh, lịch, tranh, tượng, múa, bài nhạc, truyện và phim.

Một bức ảnh phản cảm trong bộ ảnh “Thoát”

Vài bức đen – trắng trong bộ ảnh “Thoát” được giới thiệu trên trang mạng của dự án này mô tả cảnh diễn ra ở một hốc đã bên triền núi. Một cô gái khỏa thân uốn éo các tư thế trong nỗ lực quyến rũ một người đàn ông có hình tướng như một nhà sư đang ngồi thiền.

Bản thông cáo báo chí của triển lãm bị chặn này viết: “…Sắc dục có thể làm thăng hoa cho người nghệ sĩ, làm sức sống cho mọi tác phẩm để đời, nhưng cũng là cội nguồn của mọi tội lỗi. Với người có căn cơ, có sự luyện tập, hiểu rõ bản chất của sắc dục thì có thể nắm bắt và thụ hưởng sắc dục một cách tinh túy và linh thông. Đối với những người tu đạo, sắc dục là chướng ngại lớn nhất trong hành trình đi đến sự giải thoát”.
  
Dù chủ đề về sự cám dỗ và vượt thoát mê mờ không hề xa lạ trong các câu chuyện tâm linh, nhưng có vẻ như người ta chỉ nhìn thấy ở bộ ảnh “Thoát” một ý tưởng dung tục và nông cạn, đi kèm với phương pháp thể hiện thô thiển khi chuyển tải chủ đề.

Một bức ảnh “thiền” khác trong bộ sưu tập 12 ảnh khỏa thân của “thầy” Huệ Phong

Dư luận rõ ràng có quyền đặt vấn đề những người làm ra sản phẩm nói trên ngây thơ trong nhận thức? Hay họ có động cơ rõ ràng về sự nổi tiếng (nhờ tai tiếng), bởi ít ra nó cũng là chiêu kéo khách đến nghe những ý tưởng (nghe rất lộn xộn) về thiền của “nhà phong thủy” Huệ Phong?

Trao đổi với VietNamNet, thầy Thích Nhuận Nghĩa, chánh thư ký của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói hành động như ông Huệ Phong là trái với quan niệm nhà Phật. Điều đáng nói, trong khi chỉ là một cư sĩ có “nghiên cứu” về thiền và không thuộc về bất cứ chùa nào ở tỉnh, nhưng ông lại thể hiện mình trong hình tướng của một nhà sư, không chỉ gây nhận thức sai về Phật pháp mà còn gây hiểu nhầm tai hại cho giáo hội Phật giáo.

Trở lại chuyện cấp phép triển lãm, bộ ảnh “nude để thiền” quả đang gây lúng túng cho cơ quan quản lý địa phương. Không tìm được giấy phép trong lần triển lãm đầu tiên, nó đến với rộng rãi công chúng qua con đường…nội bộ. Theo đó, người muốn vào xem “phải đặt lịch trước và phải tham dự ngồi thiền và nghe bài pháp "thoát".

Suốt buổi sáng ngày 6/5, PV VietNamNet thử gọi điện vào các số điện thoại mà Thoát Art ghi trong phần hướng dẫn, nhưng tất cả chỉ đều nghe tiếng chuông, không ai trả lời.

Riêng về chuyện Thoát Art rao thông tin giới thiệu hình ảnh, nội dung triển lãm chưa được phép trên các trang mạng để hướng dẫn người tới xem. Theo ông Thông, trách nhiệm lại thuộc về cơ quan quản lý thông tin – truyền thông của tỉnh.

Theo VietNamNet
source
TiVi Tuan San

Saturday 12 January 2013

Hàng trăm thủy thủ vất vưởng ở nước ngoài




Hàng trăm thủy thủ vất vưởng ở nước ngoài

Năm hết Tết đến, vẫn có cả trăm người đang mắc kẹt trên các con tàu của Vinashinlines trong cảnh không tiền, không thực phẩm, phải đương đầu với thời tiết, tật bệnh và mong sớm được về quê hương.
Tàu Vinashinlines bị bắt giữ ở Ấn Độ

Đúng ngày Giáng sinh, các thủy thủ trên tàu New Phoenix - một trong 16 con tàu của Vinashinlines đã viết thư từ Đại Liên (Trung Quốc) gửi về cho công ty tại Việt Nam. Sau 3 tháng mắc kẹt tại thành phố này, các thuyền viên cho biết họ đã rơi vào cảnh cùng cực.
Thời tiết ở Đại Liên những ngày này rét cắt da cắt thịt, nhiệt độ về đêm xuống tới âm 15 độ C và còn tiếp tục giảm xuống. Thủy thủ cho biết tàu rơi vào cảnh không điện, không thực phẩm, thiếu nước ngọt vì toàn bộ nước trên tàu đã bị đóng băng. Để có nước sử dụng, họ phải đi đập từng cục băng rồi đun chảy.
Ảnh do các thuyền viên tàu New Phoenix gửi về. Để có nước sinh hoạt, họ phải đun chảy từng cục băng trong cái rét âm 15 độ.
Ảnh do các thuyền viên tàu New Phoenix gửi về. Để có nước sinh hoạt, họ phải đun chảy từng cục băng trong cái rét âm 15 độ.
Họ đang vô cùng chán chường vì phải sống trên một đống sắt giữa biển, chịu đựng cái rét "vô cùng khủng khiếp" và quá nhiều bệnh tật đã phát sinh. "Đến quyền lợi thiết thực nhất là tiền lương cũng đã 8 tháng nay không nhận được đồng nào", các thuyền viên cho biết. Cũng như trong những thư cầu cứu trước đó, thủy thủ đề nghị công ty bằng mọi biện pháp đưa họ về Việt Nam trước khi có điều gì đáng tiếc xảy ra.
Tin liên quan:
 
Không chỉ riêng New Phoenix, hàng loạt bức thư "tố khổ" khác của thuyền viên làm việc trên tàu của Vinashinlines liên tục truyền về từ khắp nơi trên thế giới. Cũng trong dịp lễ Giáng sinh, 22 thủy thủ trên tàu Cái Lân 4 cho biết suốt từ cuối tháng 10 đến nay, họ đã phải cầm cự qua ngày bằng mỳ tôm và rau dại. Vì Vinashinlines nợ tiền dầu một đối tác ở Singapore, tàu Cái Lân 4 đã bị nhà chức trách Ấn Độ bắt giữ khi tàu vào cảng Kolkata từ 2 tháng trước. Không phải chịu cái rét "khủng khiếp" như thủy thủ tàu New Phoenix, nhưng tình cảnh trên tàu Cái Lân 4 cũng khó khăn chồng chất vì thiếu lương thực, nước ngọt. Dầu DO hết nên điện không có, khi đêm đến mọi thứ chìm vào tối tăm.
Trước đó, hồi tháng 11, 9 thủy thủ trên tàu Sea Eagle cũng đã gửi thư kêu cứu từ Chiết Giang, Trung Quốc. Không còn khả năng hoạt động, con tàu Sea Eagle nay chỉ như một đống sắt vụn giữa biển khơi. Không điện đóm, tiền ăn cũng lâu ngày không được cấp, các thuyền viên phải lên bờ hái rau dại, xuống nước mò cua bắt ốc ăn trong sự ngạc nhiên và thương hại của những người dân địa phương.
Thủy thủ cho biết do neo đậu quá lâu, tiền chi phí cảng và tiền sửa chữa đã vượt quá giá trị của tàu. Trong tình cảnh công ty Vinashinlines không có khả năng tài chính, 9 thuyền viên trên tàu đã gửi thư cho báo chí, mong muốn công ty được bán tàu để có tiền đưa họ sớm về quê hương.
Cũng mắc kẹt ở Chiết Giang, tàu Hoa Sen của Vinashinlines đang trong tình cảnh không hoạt động dù đây là một trong những con tàu "đẹp mã" nhất của công ty hiện nay. Suốt 4 tháng liền trên tàu không có điện. Nhiều người làm việc trên tàu 13 tháng thì 11 tháng bị nợ lương. Những lúc trên tàu không ai còn tiền mua thực phẩm, các thuyền viên cũng phải tự làm lồng bắt cua, cá để sống qua ngày.
tàu Hoa Sen
Tàu chở khách Hoa Sen của Vinashinlines cũng đang mắc kẹt ở Chiết Giang, Trung Quốc do không có tiền sửa chữa. Ảnh: Mỹ Giang
Đáp lại những bức thư khẩn thiết này, vị Tân Tổng giám đốc của Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines), ông Nguyễn Quế Dương chỉ biết động viên thuyền trưởng và thuyền viên. Còn tình trạng Vinashinlines cũng không khá hơn gì. Trong thư gửi đến thuyền viên tàu New Phoenix, ông Nguyễn Quế Dương cho biết công ty "đang thực sự quá khó khăn nên không thể giải quyết hết được nhu cầu tối thiểu của tất cả các tàu".
Hiện Vinashinlines có 16 tàu mắc kẹt cả trong lẫn ngoài nước, trong đó chỉ 2 tàu hoạt động có thu nhưng nguồn thu rất hạn chế vì bị trừ các chi phí sữa chữa, khai thác. Trong tài khoản không còn đồng nào, công ty đang nợ nhà cung cấp Singapore tiền dầu của nhiều con tàu và không có khả năng thanh toán.
Nếu được cho phép, Vinashinlines sẽ bán tàu ngay tại nơi neo đậu vì đưa về Việt Nam còn tốn kém hơn. Hiện nay, chi phí duy trì 16 con tàu hầu như không có doanh thu này là 10 tỷ đồng mỗi tháng.
Biện pháp duy nhất Vinashinlines đang áp dụng là báo cáo và chờ đợi. Công ty cho biết đã báo cáo tình trạng các tàu với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và các bộ ban ngành liên quan. Công ty cũng đã gửi công văn cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đề nghị có biện pháp giúp đỡ bảo đảm an toàn cho thuyền viên trong trường hợp điều kiện sống, an toàn sức khỏe và tính mạng thuyền viên bị đe dọa buộc phải rời tàu.
Tình cảnh của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, trong đó có Vinahinlines được biết đến nhiều hơn sau cú ngã ngựa của hai người hùng một thời là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Không chỉ ở nước ngoài, ngay cả trong nước cũng có tình trạng doanh nghiệp bỏ mặc tàu nằm bến, thậm chí trôi nổi ở các cảng mà không có tiền kéo về. Suy thoái kinh tế, đơn đặt hàng từ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước và thế giới ngày một ít là đòn giáng mạnh vào cảnh khốn cùng của các hãng hàng hải.
Một nguồn tin cho hay Chính phủ đang chỉ đạo rốt ráo để tìm giải pháp đưa các con tàu đang vất vưởng ở nước ngoài về.
Thanh Bình
source
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/12/hang-tram-thuy-thu-vat-vuong-o-nuoc-ngoai/

Lối nào cho casino vào Việt Nam?




Lối nào cho casino vào Việt Nam?

 0 0 12345
 Việc ông Ly Sam tiến hành kiện và thắng kiện câu lạc bộ Palozza với khoản tiền kỷ lục 55,5 triệu USD đã đặt ra nhiều vấn đề. Thực tế, kinh doanh casino tại Việt Nam đang phát triển như thế nào và lựa chọn nào của Việt Nam cho ngành kinh doanh đầy tai tiếng này. 
Miếng bánh nhiều người thèm
Khoản tiền thưởng lên tới 55,5 triệu USD trong vụ kiện của ông Ly Sam là một kỷ lục, thậm chí là kỷ lục của thế giới trong ngành này. Tuy nhiên, ít người biết rằng bản thân ngành công nghiệp casino Việt Nam đang là miếng bánh lớn với doanh thu lên tới 5.000 tỷ đồng và vẫn đang tăng trưởng 10-15% mỗi năm.
Khi con số này được Bộ Tài chính công bố khiến không ít người giật mình vì bị hạn chế đủ đường, ngành casino vẫn tìm được lối phát triển riêng. Và cũng từ đây, nhiều người mới hiểu tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại luôn nhòm ngó thị trường casino Việt Nam.
Các điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng đều có 2 loại máy phổ thông là máy giật xèng có tích lũy giải thưởng (Jackpot machine) và máy giật xèng đơn (Slot machine). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đưa các loại hình trò chơi Bacarat, Blackjack, Roulette, PaiGow, Tài sỉu,... được điện tử hóa vào kinh doanh.
Cho đến nay, trên cả nước có 43 điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại các khách sạn từ 3 sao trở lên và một số điểm du lịch, chủ yếu tập trung tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chỉ dành cho người có hộ chiếu nước ngoài, tuy nhiên đó đây cũng đã phát hiện những vụ đưa người Việt Nam vào chơi trái phép.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về lĩnh vực này ghi nhận rằng lợi nhuận trung bình năm 2011 từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng khoảng 20 tỷ đồng/cơ sở kinh doanh và tổng số nộp ngân sách cả nước năm 2011 từ hoạt động kinh doanh này ước đạt 1.500 tỷ đồng. Tính từ 1992 lại nay, trung bình mỗi năm ngành này đóng góp khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Theo số liệu thống kê của thế giới đến nay đã có 124 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép tổ chức hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Doanh thu toàn cầu của hoạt động kinh doanh vui chơi có thưởng năm 2010 ước đạt 109 tỷ USD, trong đó: thị trường Mỹ đạt 56,5 tỷ USD chiếm 51,8%, thị trường Châu Á đạt 32,3 tỷ USD chiếm 29,6%, thị trường Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi đạt 16,2 tỷ USD chiếm 14,8%.
Doanh thu 5.000 tỷ đồng của thị trường Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn hay nói cách khác, tiềm năng của thị trường vẫn còn rất lớn.
Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Những lợi ích nhìn thấy từ ngành kinh doanh mang tính dịch vụ này, trên thực tế lại luôn bị đưa ra so sánh với những bất lợi khó định lượng khác, đặc biệt là về mặt xã hội. Đây chính là căn nguyên của việc chính sách đối với ngành kinh doanh này cho đến nay vẫn chưa thật sự rõ ràng và nhất quán. Tuy nhiên, thông điệp mà các nhà đầu tư cảm nhận được chính là việc trong tương lai sẽ có những sự nới lỏng nhất định về pháp lý, nhưng các dự án có casino sẽ chỉ được cấp phép theo từng trường hợp cụ thể với rất nhiều điều kiện ràng buộc.
Khi dự thảo nghị định về hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng được đưa ra thảo luận tại Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tháng 9/2012, ít người biết rằng đây là một trong những dự thảo từng gây tranh cãi và mất nhiều năm trời xây dựng nhưng chưa thể ban hành được. Không riêng gì nghị định này, các văn bản pháp lý khác liên quan đến lĩnh vực này đều được xây dựng và ban hành trong một trạng thái rất thận trọng.
Hiện nay, cơ chế, chính sách đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng gồm có Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính (Quyết định số 91/2005/QĐ-BTC và Quyết định số 84/2007/QĐ-BTC ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng), Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Thông tư 08/2000/TT-BVHTT hướng dẫn quản lý trò chơi điện tử).
Tuy nhiên, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tạm dừng cấp phép đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho đến khi khung pháp lý mới được ban hành.
Từ 2007 đến nay, một văn bản khác cũng có vai trò quan trọng không kém là Thông báo số 96/TB-VPCP ngày 4 tháng 5 năm 2007 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án định hướng phát triển và quản lý kinh doanh casino tại Việt Nam. Không nhiều người biết được nội dung của “Thông báo 96”, nhưng kể từ đó, thường mỗi khi các tỉnh thành đề xuất các dự án casino, “Thông báo 96” được xem là một căn cứ quan trọng để đánh giá, xem xét.
Trước khi Luật đầu tư được ban hành năm 2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, sau năm 2005, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với hoạt động kinh doanh này được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, vì đây là lĩnh vực khá đặc thù, việc phân cấp cũng chưa hề khiến cho số lượng dự án tăng nhanh ở các địa phương.
Những diễn biến gần đây cho thấy cũng với việc hoàn thiện pháp lý, có thể, việc ban hành Nghị định về hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, Chính phủ có thể cấp phép cho một số dự án casino trong thời gian tới.
Trước đây, với Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg, địa vị pháp lý của văn bản thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, nhiều quy định như quy định xử phạt vi phạm hành chính, điều kiện của ngành nghề kinh doanh có điều kiện... không thể quy định được dưới hình thức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nay, với một nghị định sắp được ban hành, tình hình có thể thay đổi căn bản. Không phải ngẫu nhiên mà trong tờ trình mới đây của Bộ Tài chính, một trong những mục tiêu đã được xác định rõ là để “công khai chính sách của Nhà nước về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài để tạo sự minh bạch, đồng thuận trong dư luận nhân dân, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư mạnh về tiềm lực tài chính và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng từ khâu cấp phép đến đến khâu tổ chức hoạt động kinh doanh và xử lý vi phạm, một việc quan trọng là phải có đầu mối quản lý nhà nước rõ ràng, gắn quyền hạn, nhiệm vụ với trách nhiệm cụ thể cũng như phải có cơ chế phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương trong việc quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm tra đối với hoạt động này.

Yến Thanh
source
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/104937/loi-nao-cho-casino-vao-viet-nam-.html

Thursday 4 October 2012

Tàu sân bay Mỹ đang hoạt động tại Biển Đông



Tàu sân bay Mỹ đang hoạt động tại Biển Đông


Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis của Hoa Kỳ có trang bị các hệ thống hỏa tiễn địa đối không NATO RIM-7 Sea Sparrow và Rolling Air Missile, các hệ thống vũ khí phòng thủ phi đạn Phalanx, và Hệ thống tác chiến điện tử SLQ-32
Báo chí Trung Quốc trích dẫn tin tức từ truyền thông Mỹ cho hay hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ và lực lượng đặc nhiệm không-địa chiến của thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu hoạt động tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Kênh truyền hình CNTV của Trung Quốc nói các lực lượng này vừa hoàn tất cuộc tập trận Mỹ-Nhật về bảo vệ biển đảo ở khu vực gần Guam.

Báo Time cho hay các giới chức hải quân Mỹ xác nhận rằng nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Washington đã khởi sự hoạt động tại vùng Biển Đông Trung Hoa và nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ đang hiện diện trong khu vực Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Mỗi chiếc tàu sân bay này được trang bị với hơn 80 máy bay chiến đấu và các nhóm tác chiến bao gồm tàu ngầm, tàu tuần dương có trang bị phi đạn, tàu khu trục, và các tàu tiếp tế.

Tàu sân bay USS Bon Homme Richard của Hoa Kỳ
​​Tàu sân bay trực thăng USS Bonhomme Richard của Mỹ với khoảng 2.200 binh sĩ thủy quân lục chiến và 2 tàu khu trục nhỏ cũng đang có mặt tại biển Philippines lân cận.

Các binh sĩ trên tàu được trang bị các phương tiện tấn công đổ bộ, xe thiết giáp hạng nhẹ, pháo, trực thăng, và chiến đấu cơ Harrier.

Dù phát ngôn nhân của Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nói rằng các hoạt động này không liên quan tới một sự kiện nào đặc biệt, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự tập trung lực lượng hiếm thấy của 3 nhóm tàu tại khu vực tương đối nhỏ ở Thái Bình Dương có thể được xem là một tín hiệu cảnh báo với các căng thẳng tranh chấp đang gia tăng giữa các nước Châu Á ở Biển Đông.

Nguồn: Arirang, CNTV
source
VOA Vietnamese