Monday, 28 December 2009

Việt Nam xem xét cho cá cược



Nghĩ gì về lương lãnh đạo qua chuyện SCIC?
Cập nhật lúc: 12/18/2009 5:44:55 PM (GMT+7)

Thua lỗ liên tục nhưng lãnh đạo SCIC vẫn nhận mức lương cao không tưởng, điều này liệu có hợp lý? Đứng ở góc độ những người chịu trách nhiệm phân bổ lương thưởng, các chủ doanh nghiệp nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Từ trước tới nay, việc phân bổ lương từ cao xuống thấp theo tháp quyền lực trong các tổ chức đã là một “luật bất thành văn” mà hầu hết mọi người đều chấp nhận. Đứng gần đỉnh tháp nhất, các lãnh đạo công ty luôn là những người luôn phải đi đầu đứng mũi chịu sào. Đi kèm với rất nhiều quyền lợi và ưu đãi hấp dẫn, lãnh đạo các công ty cũng phải chịu trách nhiệm lớn nhất về nhiều vấn đề: vận hành công ty có lãi, trả cổ tức cho cổ đông, tạo công ăn việc làm ổn định và đảm bảo đời sống nhân viên, đóng góp cho ngân sách nhà nước, v.v…

Với chừng đó trách nhiệm, quả không dễ dàng để trụ vững ở vị trí đứng đầu bảng lương. Dù vẫn còn những điểm đáng bàn về sự chênh lệch quá lớn trong các bậc lương, nhưng khi hoàn thành vai trò của mình, ít nhiều các nhà lãnh đạo cũng xứng đáng với mức lương được hưởng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu cơ chế trả lương cho các nhân sự cấp cao có phải là một sân chơi minh bạch và “sòng phẳng” – làm nhiều thì hưởng nhiều? Liệu khi nhận mức lương cao gấp cả chục lần nhân viên bình thường, các nhà điều hành đã thực hiện đầy đủ vai trò và cương vị của mình?

Sự kiện SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) càng “hâm nóng” vấn đề trên. Theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 của SCIC được Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 2/12: Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (mà SCIC đại diện cho nhà nước chiếm 70% cổ phần), trong năm 2008, thua lỗ 546 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến hết tháng 12/2008 là 1.137 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đến thời điểm trên âm 121 tỷ đồng. Trong đó, riêng quản lý chi phí xăng dầu, hai Phó Tổng giám đốc thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008 đã không tuân thủ nguyên tắc thực hiện và không thông báo Hội đồng quản trị Công ty, đã làm cho Công ty thua lỗ hơn 31 triệu USD (từ tháng 7/2008 đến tháng 5/2009). Làm ăn thua lỗ, nhưng SCIC lại chi quá quy định và kế hoạch tiền lương cho đội ngũ ban quản trị. Cụ thể, quỹ tiền lương của lãnh đạo Tổng công ty được duyệt là 1,473 tỷ đồng nhưng thực tế trong năm 2008, đơn vị này đã chi trả 2,642 tỷ đồng, vượt quỹ lương được duyệt là 1,168 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán còn cho thấy, thu nhập bình quân của lãnh đạo tại SCIC khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ là 40 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế năm 2008, thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC là 78,5 triệu đồng/tháng, gấp 1,96 lần so với kế hoạch.

Xung quanh câu chuyện SCIC, việc nhiều người quan tâm nhất không phải là mức lương cao hay thấp mà là nó có hợp lý và tương xứng hay không. Bàn về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng: “Lương, thưởng là một khuyến khích vô cùng mạnh để họ (các nhà quản trị - BTV) phát huy tài năng của mình, mang lại thành tích cho doanh nghiệp, góp phần làm cho đất nước phát triển. Không thể mong bình quân chủ nghĩa thịnh hành mà thị trường các nhà quản trị vẫn hoạt động. Kinh nghiệm đau đớn một thời vẫn còn đó. Hãy đừng quên. Thu nhập cao, thuế đóng nhiều và họ nên được vinh danh”. Tuy nhiên: “Vấn đề là các ông chủ có chọn đúng người xuất sắc hay không. Chỉ có minh bạch, kể cả chi phí và thành tích mới ngăn chặn được sự lạm dụng đáng bị lên án”.

Vậy cách nhìn của các doanh nghiệp – những người thường xuyên và trực tiếp phải xử lý vấn đề phân bổ lương thưởng – đối với vấn đề này ra sao. Hãy chia sẻ những ý kiến, vướng mắc và cách giải quyết của các bạn để góp phần hoàn thiện một cơ chế chính sách quan trọng với mọi tổ chức.

  • Diễn đàn VNR500

source http://vnr500.vietnamnet.vn/news.aspx?id=104

Việt Nam xem xét cho cá cược

Đua ngựa

Hoạt động cá cược có thể tiến hành đối với nhiều môn thể thao

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ thị yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu tổ chức và hoạt động đặt cược của các nước.

Trong văn bản chỉ đạo số 349/TB-VPCP, ông Dũng giao cho Bộ Tài chính tổ chức nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm về quy định và tổ chức của các nước như Malaysia, Singapore... , vốn đã cho phép các hoạt động đặt cược.

Ông lưu ý bộ này "chú ý các quy định pháp luật để điều chỉnh đối với hoạt động cá cược, mô hình tổ chức hoạt động của công ty đặt cược thể thao".

Chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định: "Hoạt động kinh doanh đặt cược là lĩnh vực nhạy cảm".

Văn bản này viết: " Hoạt động kinh doanh cá cược trái phép đang diễn biến khá sôi động, thực tế còn có sự lẫn lộn giữa các khái niệm đặt cược với trò chơi có thưởng. "

"Bởi vậy, rất cần có thiết chế để đưa hoạt động này vào khuôn khổ, bằng cách cho phép kinh doanh trong phạm vi nhất định và quan trọng là phải có sự quản lý của nhà nước."

Thủ tướng Dũng đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu để đưa quy định về các hoạt động đặt cược vào bố cục trong nội dung dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động casino ở Việt Nam, đệ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

Mới đây Việt Nam cũng đã chấp thuận cho mở casino trên đảo Phú Quốc.

Trong một số năm nay, ở Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận về việc hợp thức hóa hoạt động cá cược, mà theo các chuyên gia nước ngoài, có thể mang về một lượng ngoại tệ đáng kể.

Cho tới nay việc cá cược bóng đá vẫn bị cấm, nhưng dân Việt Nam vẫn cá độ các giải bóng đá quốc tế một cách bán công khai.

Đã có đánh giá mỗi năm nước này mất tới một tỷ đô la tiền cá cược ra nước ngoài.

Tiêu biểu có thể kể tới vụ cá cược bóng đá Anh tại Ban quản lý dự án PMU18 thuộc Bộ Giao thông Vận tải hồi năm 2006, liên quan tới các khoản tiền lên tới hàng triệu đôla.

Một số công ty đặt cược nổi tiếng thế giới như Ladbrokes của Anh đã tới Việt Nam khảo sát nhiều lần với ý muốn tham gia thị trường cá cược ở đây.

Tuy nhiên do tính chất "nhạy cảm" mà nhiều người cho là tệ nạn xã hội, thị trường cá cược rục rịch mấy năm nay vẫn chưa có bước chuyển.

Cuối năm 2006, Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam 0a7 đề xuất thành lập liên doanh tổ chức hoạt động này ở trong nước nhưng không thành.

source

BBC Vietnamese

Ông Trần Anh Kim lãnh án tù 5 năm rưỡi


Cập nhật: 05:42 GMT - thứ hai, 28 tháng 12, 2009

Ông Trần Anh Kim tại tòa

Ông Trần Anh Kim là cựu trung tá quân đội Việt Nam

Cựu chiến binh Trần Anh Kim vừa bị tòa sơ thẩm tại Thái Bình khép án 5 năm 6 tháng tù giam vì tội hoạt động nhằm Lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Ông Kim cũng lãnh thêm 3 năm quản chế tại phiên tòa diễn ra trong buổi sáng thứ Hai 28/12.

Được chỉ định bào chữa cho ông Kim là luật sư Đặng Ngọc Phúc thuộc đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình.

Phát biểu với BBC sau vụ xử, bà Nguyễn Thị Thơm, vợ ông nói bà "cực lực phản đối bản án nặng nề, vô lý" và đòi phải trả tự do cho ông "ngay lập tức".

Bà nói: "Chồng tôi chỉ đấu tranh vì nước vì dân một cách hòa bình, chứ không nhằm mục đích lật đổ chính quyền".

Hiện chưa rõ bị cáo có quyết định kháng án hay không.

Phiên tòa xử cựu trung tá Trần Anh Kim và phiên sắp tới xử các nhân vật bất đồng chính kiến khác là Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long ngày 20/01-21/01/2010 được giới quan sát nhìn nhận như hành động cứng rắn của (...)trước phe chống đối trong thời kỳ chỉ còn một năm nữa là Đại hội (...).

Cáo trạng của phe công tố nói ông Trần Anh Kim đã tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam, phát tán tài liệu trên mạng internet và tham gia Khối 8406, một phong trào đấu tranh dân chủ ở trong nước.

Chánh án Trần Văn Loan khi tuyên án nói rằng ông Kim đã đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động tội phạm có tổ chức nhằm chống lại Nhà nước, "hợp tác với các tổ chức phản động ở nước ngoài" và "vi phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia".

Án phạt cao nhất cho tội danh theo khoản 1, Điều 79 là tử hình, nhưng ông Trần Anh Kim chỉ chịu 5 năm rưỡi tù vì đã có quá khứ phục vụ trong quân đội và có "thái độ hợp tác" trong quá trình điều tra và tố tụng.

'Không có tội'

Tuy nhiên, ông Kim phát biểu trước tòa rằng ông không làm điều gì sai:

"Tôi tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam và Khối 8406 để đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền thông qua đối thoại hòa bình và hình thức bất bạo động."

Tôi tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam và Khối 8406 để đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền thông qua đối thoại hòa bình và hình thức bất bạo động.

Ông Trần Anh Kim

Ông cũng nói ông đã đấu tranh chống tham nhũng.

Ông Trần Anh Kim bị bắt hôm 07/07, cùng đợt với thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung ở TP Hồ Chí Minh.

Cũng như các vị khác, thoạt tiên ông bị khởi tố tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật hình sự,.

Ngoại giao đoàn và các nhà báo nước ngoài được theo dõi phiên tòa qua màn ảnh truyền hình tại phòng bên cạnh.

Sinh năm 1949, ông Trần Anh Kim từng mang quân hàm trung tá, giữ chức Bí thư Đảng ủy quân sự, phó chỉ huy chính trị Ban quân sự Thị xã Thái Bình.

Ông là thương binh, đã được tặng thưởng nhiều huân huy chương.

Cùng năm người khác, ông được tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) trao giải thưởng Hellman/Hammett năm nay.

Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đều đã từng bày tỏ quan ngại về trường hợp của ông cũng như của một số nhân vật bất đồng chính kiến khác bị bắt mùa hè vừa rồi.

*****************

source

BBC Vietnamese

Saturday, 26 December 2009

Không cấp ủy nào lại chỉ đạo án


- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường bày tỏ quan điểm về vụ án Nông trường Sông Hậu.

>> Thành ủy Cần Thơ ’chưa có ý kiến’vụ Nông trường Sông Hậu?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu:
"Đó là thẩm quyền của cơ quan tố tụng"

Trước khi vụ án Nông trường Sông Hậu khởi tố, Thành ủy Cần Thơ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu khởi tố với tội danh, thời gian cụ thể. Dư luận đang đặt câu hỏi liệu ở đây có dấu hiệu bất bình thường nào về việc cấp ủy tham gia chỉ đạo án hay không. Theo ông, về mặt tố tụng hình sự, chỉ đạo như vậy có đúng nguyên tắc không?
Mô tả ảnh.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Bản án sau khi được tuyên mà dư luận lại không đồng tình thì phải xem lại. Ảnh: LN

Không một cấp ủy nào đi chỉ đạo vào tội danh cụ thể như vậy. Đảng không bao giờ chỉ đạo cụ thể về tội danh. Đó là thẩm quyền của cơ quan tố tụng.

Việc xét xử, điều tra, truy tố với những cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, thì tinh thần chung vẫn là phải bảo đảm xử lý đúng pháp luật và đường lối, đúng yêu cầu chính trị.

Vụ án đó đưa ra xét xử tại thời điểm nào cho có lợi hay là khởi tố, truy tố thế nào cho có lợi.

Chẳng hạn, nếu một vụ án nào đó, khi hội đồng thẩm phán toà án tối cao đã xét xử rồi mà dư luận quan tâm lên tiếng thì khi đó Đảng đoàn Quốc hội sẽ đề nghị các cơ quan Quốc hội giám sát xem quyết định đó có đúng hay không.

Còn ở dưới địa phương thì thành ủy, tỉnh ủy sẽ đề nghị Hội đồng nhân dân giám sát xem xét.

Tuy nhiên, cụ thể thế nào, thực ra tôi chưa nắm được.

Nhưng nếu một bản án đã được tuyên mà lại gây bức xúc, dư luận như vậy thì hiệu lực bản án đến đâu?

Khi một bản án được tòa tuyên, có hiệu lực pháp luật rồi thì phải được dư luận xã hội đồng tình, đấy mới là bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người đúng tội.

Còn bản án sau khi được tuyên mà dư luận lại không đồng tình thì phải xem lại.

Về vụ việc chị Ba Sương cụ thể thế nào phải phụ thuộc hồ sơ, tài liệu chứng cứ.

Sau phiên tòa xử phúc thẩm mà dư luận vẫn phản ứng như vậy, điều đó chứng tỏ vụ án này phải được xem xét ở cấp cao hơn nữa.

Với những vụ án mà cơ quan tư pháp chậm trễ, được đông đảo dư luận xã hội quan tâm bức xúc thì Quốc hội có cơ chế nào đó giám sát không, thưa ông?

Các cơ quan tư pháp họ làm theo quy trình pháp luật. Nếu trường hợp vụ án phức tạp thì có thêm quy định về gia hạn. Nhưng cũng phải đảm bảo đúng pháp luật.

Còn nếu làm đến thẩm quyền nào đó, mà có dư luận, có đề nghị làm chậm trễ mà dư luận xã hội bức xúc thì theo thẩm quyền đã được luật định, Ủy ban Tư pháp hoàn toàn có thể giám sát các vụ án.

Với tư cách Phó Chủ tịch Quốc hội, ông có theo dõi vụ án này không?

Tôi cũng như mọi người, rất quan tâm theo dõi vụ án này và cũng đang chờ giám đốc thẩm.

Về thành tích của chị Ba Sương, trong quá trình xét xử, về nguyên tắc họ phải cân nhắc hết các tình tiết nhân thân.

Luật đã quy định khi quyết định hình phạt phải căn cứ các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vấn đề là yếu tố định tội đó như thế nào. Điều này phải xem xét hồ sơ.

Mô tả ảnh.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Có điều gì đó chưa được nhuần nhuyễn trong quá trình vận dụng luật pháp. Ảnh: CN

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường:
"Tôi tin Viện Kiểm sát tối cao sẽ làm nhanh"

Với tư cách là đại biểu QH, qua theo dõi báo chí về vụ án Nông trường Sông Hậu, mình không dám khẳng định là sai nhưng qua ý kiến phát biểu trên báo chí của tòa án cũng như của Công an Cần Thơ, tôi thấy có điều gì đó chưa được nhuần nhuyễn trong quá trình vận dụng luật pháp.

Không thể lấy tư duy ngày hôm nay để áp đặt, xét xử những vụ việc ngày trước, trong một hoàn cảnh xã hội rất khác so với hiện nay.

Ở đây còn có trách nhiệm của xã hội nữa. Trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan giám sát, cơ quan quản lý, biết việc đó như thế nào, chấn chỉnh việc đó ra làm sao?

Tôi không quen biết trực tiếp cô Sương. Nghe dư luận nói, rồi những người ở miền Nam người ta lên tiếng thì mình cũng cảm nhận được cô là một con người rất đáng kính trọng.

Vụ án liên quan đến một nhân vật có tính lịch sử như vậy, một Anh hùng như vậy vào thời kỳ đó không phải là dễ dàng.

Về nguyên tắc, cấp ủy chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo đường lối, chủ trương thôi, còn cấp ủy không được đi sâu đề nghị tội gì, hình phạt nào.

Đứng về thẩm quyền, chỉ có Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC có quyền kháng nghị thôi. Tôi biết là VKSNDTC đã đề nghị rút hồ sơ đi rồi, tôi tin là các anh ấy sẽ làm nhanh.

Nếu mà nói về tình cảm của con người, với tư cách một đại biểu QH, tôi hoàn toàn đồng tình việc tạm hoãn thi hành án trong thời gian chờ xem xét giám đốc thẩm.

  • Lê Nhung - Cao Nhật

  • source
  • Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu:

    'Không cấp ủy nào lại chỉ đạo án'

    Cập nhật lúc 04:51, Thứ Năm, 26/11/2009 (GMT+7)
  • http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/200911/Khong-cap-uy-nao-lai-chi-dao-an-880859/

Friday, 25 December 2009

Sẽ mua điện từ Trung Quốc để chống đỡ mùa khô


Thứ Bẩy, 26/12/2009 - 9:04 AM


(Dân trí) - Việc xả nước các hồ thủy điện vào tháng 1-2/2010 để đảm bảo sản xuất nông nghiệp là cần thiết nhưng sẽ gây khó khăn cho việc cung cấp điện. Do đó, bên cạnh việc huy động các nguồn nhiệt điện, EVN đã tính đến việc mua điện nước ngoài.
Việc xả nước các hồ thủy điện trong thời gian tới sẽ gây khó khăn trong cung ứng điện
Theo thông tin từ tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), việc xả nước các hồ thủy điện trong thời gian tới sẽ gây một số khó khăn trong cung ứng điện vào giai đoạn cuối mùa khô (tháng 5, tháng 6).

Để đảm bảo cung cấp điện trong các tháng mùa khô 2010, một trong những giải pháp được EVN chú trọng là ngay từ quý IV/2009, EVN huy động cao tất cả các nguồn nhiệt điện, kể cả các nguồn điện giá thành đắt (Ô Môn, Thủ Đức, Cần Thơ, Hiệp Phước, Formosa,...) để thực hiện kế hoạch tích nước các hồ thủy điện đến mực nước cao nhất có thể vào cuối tháng 12/2009, đặc biệt triệt để tiết kiệm nước 3 hồ thủy điện phía Bắc là Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà.

Trừ 2 hồ Thác Bà, Tuyên Quang do lượng nước về quá thấp nên không thể tích đến mực nước dâng bình thường, hồ Hòa Bình sẽ đạt mức nước trên 116 m vào 31/12/2009. Bên cạnh đó, tập đoàn có phương án đàm phán với Công ty Lưới điện Vân Nam (Trung Quốc) để mua sản lượng điện tối đa trong quý IV/2009 và 6 tháng mùa khô 2010.

Ngoài ra, EVN cũng sẽ triển khai thực hiện truyền tải tối đa công suất và sản lượng từ miền Nam ra miền Bắc ngay từ đầu tháng 11/2009. Hiện nay, trung bình mỗi ngày miền Bắc nhận từ 34 - 36 triệu kWh từ đường dây 500 kV Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn điện mới.

Để giảm thiểu các khó khăn trong cung cấp điện mùa khô 2010, EVN cũng kiến nghị các cấp, các ngành thực hiện tiết kiệm điện. Về việc đổ ải phục vụ canh tác vụ Đông Xuân, chính quyền và nhân dân cần tuân thủ chặt chẽ lịch xả nước đã công bố nhằm tiết kiệm nguồn nước...

Lan Hương

******************

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-369595/se-mua-dien-tu-trung-quoc-de-chong-do-mua-kho.htm

Friday, 18 December 2009

Hàng nghìn người đập phá công ty Vinaxuki phản đối thu hồi đất


Thứ Bẩy, 19/12/2009 - 9:20 AM


(Dân trí) - Hàng nghìn người dân xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã quây kín nhà máy ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) dùng gạch ném, thậm chí đốt nhà kho của công ty vì không đồng ý với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng mở rộng nhà máy.
Cổng chính của nhà máy bị phá hỏng.

Sự việc bắt nguồn từ việc một số hộ dân trong xã không đồng ý với mức tiền đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng nhà máy ô tô Xuân Kiên. Đồng thời, nhiều người còn phản đối nhà máy này, cho rằng nhà máy hiện tại gây ra nhiều tiếng ồn và xả nước thải độc hại ra môi trường.

Sáng 17/12, khi UBND huyện tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của các hộ thôn Do Thượng có đất trong dự án, rất đông người dân trong xã đã tụ tập, ngăn cản không cho máy xúc vào giải phóng mặt bằng.

Một số người đã dùng túi nước bẩn, gạch đá ném vào những người tổ chức cưỡng chế. Hàng nghìn người đứng chật kín đường dẫn từ đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài vào xã Tiền Phong. Cột điện và các thân cây được kéo đến, chắn ngang đường, ngăn cách toàn bộ con đường khu vực trước cổng nhà máy.

Đã có xô xát giữa lực lượng chức năng và những người dân quá khích.

Sự việc trở nên thực sự trở nên căng thẳng vào đầu giờ chiều khi một số người tung tin rằng có 2 người đã thiệt mạng trong cuộc xô xát. Hàng trăm người đã ồ ạt ném gạch vào trong công ty. Nhiều người còn dùng cây gỗ to phá tường rào xung quanh, xông vào khu nhà kho của công ty châm lửa đốt.

Ngọn lửa bùng lên nhanh chóng, lan rộng, thiêu rụi toàn bộ khu nhà kho rộng hàng ngàn mét vuông. Các công nhân, nhân viên của công ty dùng vòi phun nước và các bình chữa cháy dập lửa nhưng không thể ngăn nổi ngọn lửa ngày càng bùng mạnh. Một ngôi nhà 2 tầng sát công ty cũng bị những người quá khích châm lửa đốt cháy trơ khung. Hơn chục chiếc ô tô trong kho bị thiêu rụi. Theo phản ánh của lãnh đạo công ty Xuân Kiên thì số ô tô này chủ yếu là của khách mang đến bảo dưỡng.

Sau khi tăng cường lực lượng an ninh, tình hình được ổn định hơn. Một số người đã bị bắt tạm giam.
Nhà kho bị thiêu rụi, hàng chục ô tô chỉ còn trơ khung.

Đến sáng 18/12, khu vực trước cổng nhà máy ô tô Xuân Kiên vẫn có hàng trăm người tụ tập, chửi bới. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát được tăng cường tối đa, bảo vệ toàn bộ các lối vào nhà máy nên không còn việc người dân ném gạch đá vào bên trong nữa.

Làm việc với UBND xã Tiền Phong để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, ông Vũ Văn Dương - Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế - chỉ nói là do người dân không đồng ý với phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Còn nội dung cụ thể của dự án mở rộng nhà máy ô tô Xuân Kiên và các phương án đền bù ông nắm không rõ.

Ông Dương cũng không cung cấp được cho phóng viên quyết định thu hồi đất cũng như quyết định cưỡng chế thu hồi đất của các hộ có đất trong dự án. Những quyết định trên, theo ông Dương thì phải lên huyện chứ “xã không nắm được”.

Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý để ổn định tình hình.

Tiến Nguyên

*****************

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-368435/hang-nghin-nguoi-dap-pha-cong-ty-vinaxuki-phan-doi-thu-hoi-dat.htm

Sunday, 13 December 2009

Ngư dân Quảng Ngãi lại bị Trung Quốc bắt


Ngư dân Quảng Ngãi lại bị Trung Quốc bắt

Ngư dân Việt Nam

Tin cho hay Trung Quốc lại vừa bắt giữ ba tàu cá cùng hơn 40 ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi, tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Báo Việt Nam cho hay ba tàu gồm QNg 96004 của ông Lê Tân; tàu QNg 96199 của ông Lê Văn Lộc và QNg 66398 của ông Dương Lúa, đều ở đảo Lý Sơn, bị tuần ngư của Trung Quốc bắt trong hai hôm 07/12-08/12 khi đang hoạt động ở vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Trên ba tàu vào thời điểm bị bắt có tổng cộng 43 ngư dân.

Hôm thứ Bảy 12/12, phía Trung Quốc đã trả về một tàu và toàn bộ số ngư dân này. Hai tàu còn lại, mới hơn, thì vẫn bị giữ. Được biết, hai chiếc tàu này có trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Các ngư dân bị buộc phải ký tên và điểm chỉ vào biên bản bằng tiếng Trung.

Hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có tuyên bố gì về các vụ bắt giữ mới nhất này.

Giới chức địa phương tỉnh Quảng Ngãi thì được nói đang "hoàn thiện hồ sơ để làm văn bản chính thức" yêu cầu can thiệp.

Đây không phải lần đầu ngư dân Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung bị nhà chức trách Trung Quốc làm khó khi ra khơi hoạt động đánh bắt.

Hồi tháng Sáu, gần 40 ngư dân bị bắt vì "vi phạm ngư trường Trung Quốc" và bị giữ trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa cho tới tận tháng Tám.

Họ còn bị đòi tiền chuộc với tổng số tiền lên tới gần 30.000 đôla Mỹ.

Cuối tháng Chín, ngư dân Quảng Ngãi vào tránh bão tại Hoàng Sa còn bị lính Trung Quốc bắn súng xua đuổi và ngược đãi.

Việt Nam sau đó đã gửi công hàm phản đối.

Giữa năm 2009, nhiều ngư dân đã không dám ra biển vì sợ bị bắt phạt do lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc tại các khu vực ở Biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Việt Nam và Trung Quốc luôn nhấn mạnh chủ trương "giải quyết vấn đề Biển Đông và các vấn đề khác thông qua thương lượng hữu nghị để bảo vệ phát triển quan hệ song phương".

*********

source

BBC Vietnamese

Wednesday, 9 December 2009

VN tìm kiếm quan hệ ngoại giao với Vatican


VN tìm kiếm quan hệ ngoại giao với Vatican

Đức Giáo hoàng Benedict XVI

Ông Triết sẽ diện kiến Giáo hoàng Benedict XVI

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói trong một phỏng vấn mới đây rằng Việt Nam muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh Vatican.

Hiện ông chủ tịch đã rời Hà Nội đi Ý trong chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới nước này kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/03/1973.

Trước khi lên đường thăm Rome và diện kiến Giáo hoàng Benedict XVI, ông Triết đã dành cho nhật báo tiếng Ý Corriere della Sera một cuộc phỏng vấn.

Ông nói với tờ báo trụ sở chính tại Milano: "Chúng tôi đang tìm cách thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao với Tòa thánh."

Hồi đầu năm nay, bản thân Đức Giáo hoàng đã bày tỏ hy vọng có quan hệ "lành mạnh" giữa Giáo hội Công giáo và Nhà nước Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam - Vatican đã được cải thiện trong thời gian gần đây, nhất là từ sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm và yết kiến Giáo hoàng hồi năm 2007.

Tuy nhiên giới bình luận cho rằng còn một số rào cản phải vượt qua trước khi hai bên có thể có quan hệ ngoại giao chính thức.

Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn còn một số khiếu nại liên quan tới đất đai, bất động sản mà họ cho là Nhà nước đã "lấy của người Công giáo".

Ngược lại, giới chức Việt Nam cho rằng Giáo hội trong nước và Tòa thánh cần phải "đi cùng một nhịp" trong các nỗ lực bình thường hóa thông qua bày tỏ thiện chí.

Quan hệ ấm dần

Tuần này, Radio Vatican th̀ưa nhận quan hệ hai bên " đã ấm dần trong những năm gần đây" tuy nhắc rằng chính quyền Việt Nam vẫn muốn giữ quyền thông qua việc bổ nhiệm linh mục và theo dõi các hoạt động tôn giáo một cách chặt chẽ.

Trong phỏng vấn với Corriere della Sera, ông Nguyễn Minh Triết nói ông vô thần nhưng vẫn đi chùa vì "nhận thức được giá trị văn hóa" của các hoạt động tôn giáo.

Điều tôi cảm nhận là Vatican và Việt Nam xem ra đều có thiện chí muốn xây dựng một mối quan hệ tương tự như thế. Và tôi hy vọng hoàn cảnh hôm nay có những thuận lợi cho đôi bên hình thành mối quan hệ đó.

Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

Chuyến đi của ông chủ tịch nước đang mang lại hy vọng rằng sẽ sớm có một ngày Đức Giáo hoàng tới thăm đất nước cộng sản.

Với 6 triệu tín đồ, Việt Nam có cộng đồng Công giáo lớn thứ hai Á châu, chỉ sau Philippines.

Về chuyến thăm Vatican của ông Nguyễn Minh Triết, Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục địa phận TP Hồ Chí Minh, nói trong một phỏng vấn đăng trên Thông tấn xã Công giáo Viet Catholic:

"Điều tôi cảm nhận là Vatican và Việt Nam xem ra đều có thiện chí muốn xây dựng một mối quan hệ tương tự như thế. Và tôi hy vọng hoàn cảnh hôm nay có những thuận lợi cho đôi bên hình thành mối quan hệ đó."

Đức Hồng y nói: "Tôi nghĩ rằng mối quan hệ nào cũng có thể có những bất đồng."

"Nhưng tôi hy vọng rằng qua đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự thật, dần dần đôi bên hiểu nhau hơn, và cùng nhau vượt qua những bất đồng trong tình làng nghĩa xóm."

*******************

source

BBC Vietnamese