Ngày hôm qua (22/11), tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội về dự án khai thác bauxit Tây Nguyên, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã mời Bộ trưởng Tài Nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên đánh giá về chất lượng của các công trình bảo vệ hồ chứa bùn đỏ. Đánh giá này trên thực tế có sử dụng các chi tiết trong báo cáo của một đoàn công tác Việt Nam tại Hungary. Tuy nhiên, các hoạt động của đoàn công tác kể trên lại không được công chúng tại Việt Nam biết đến.
Các hoạt động của đoàn công tác Việt Nam tại Hungary
Thông tin này đã được Cục phòng chống Thảm họa Quốc gia (trực thuộc Bộ Nội vụ Hungary) công bố. Cụ thể, ngày 17-11 vừa qua, một đoàn công tác Việt Nam gồm 22 thành viên đã đến thăm và khảo sát tình hình tại làng Kolontár và thành phố Devecser, là hai địa phương bị hủy hoại nặng nề nhất trong sự cố tràn bùn vừa qua, mà Cục phòng chống thảm họa quốc gia gọi đó là “thảm họa công nghiệp”.
Được biết, hai quan chức Hungary là Quốc vụ khanh Bộ Môi trường Illés Zoltán và Đại tá Dobson Tibor, một quan chức Cục phòng chống Thảm họa Quốc gia, đã đưa đoàn Việt Nam đi thị sát hiện trường thảm họa.
Thoạt đầu, tại thành phố Devecser, đoàn Việt Nam được thông tin về diễn biến của sự cố, về công tác cứu hộ, cũng như về những biện pháp xử lý tình huống đã thực hiện, và sẽ được tiến hành theo dự kiến để tái thiết khu vực này.
Tiếp đó, tại làng Kolontár (cách bể chứa số 10, nơi xảy ra sự cố bùn tràn, chừng 1 km), đoàn Việt Nam có dịp chứng kiến tận mắt khu vực bị cơn lũ bùn đỏ tràn qua. Sau đó, đoàn tới thăm con đập bị vỡ và khảo sát các biện pháp kỹ thuật đang được tiến hành tại đó.
Cục phòng chống Thảm họa Quốc gia cũng cho biết, đoàn Việt Nam đã trao cho thành phố Devecser khoản hỗ trợ trị giá 5.000 USD để ủng hộ công việc tái thiết ở đây.
Kết luận của đoàn Việt Nam và các nhận định của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên về chất lượng của bể chứa bauxite Tây Nguyên
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đoàn khảo sát Việt Nam “đang hoàn thiện một báo cáo để gửi lên Quốc hội và các cơ quan chức năng của nhà nước”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết là “đã trực tiếp làm việc với nhiều thành viên trong đoàn”, và có đưa ra một số so sánh đáng chú ý trong phát biểu trước Quốc hội.
Về công nghệ, ông Nguyên khẳng định “công nghệ của Hungari hiện nay của nhà máy bauxit AJKA của Hungari là công nghệ từ năm 1942”, trong khi “công nghệ của Việt Nam chọn là một trong những công nghệ tiên tiến”, được “anh em đánh giá là những công nghệ tiên tiến nhất thế giới”. Con số 1942 còn được Bộ trưởng trưởng nhắc đến một lần nữa trong phát biểu, khi ông nhắc đến bức vách chắn: “Thành xây của Hungary làm từ năm 1942.”
Theo tôi, ở đây, có thể có sự nhầm lẫn gì đó. Quả thực nhà máy ở thành phố Ajka của Hungary được vận hành vào ngày 20-11-1942, nhưng ngay từ khi khai trương, công nghệ ở đó đã được đánh giá là tiên tiến vào giai đoạn đó.
Trong những năm thời xã hội chủ nghĩa, Hungary là nước được chọn trong khối Hội đồng Tương trợ Kinh tế để phát triển công nghiệp nhôm, và được coi là “cường quốc” - có lúc xếp thứ 7 về nhôm trên thế giới. Nhà máy ở Ajka khi đó không chỉ chế biến quặng bauxite, mà còn luyện nhôm và có cả một nhà máy nhiệt điện riêng để phục vụ cho nhu cầu điện năng.
Sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị và trong quá trình tư hữu hóa, nhà máy về tay Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) và hiện là cơ sở chế biến alumin duy nhất còn tồn tại ở Hungary, với mức sản xuất chiếm 12-14% thị phần Châu Âu và 4% thị phần thế giới về bauxite, alumin và nhôm.
Tập đoàn này đã mở nhiều chi nhánh tại các quốc gia khác, chủ yếu phục vụ các đối tác nước ngoài. Các chuẩn trong công nghệ do MAL Zrt. áp dụng cũng được phát triển thường xuyên theo quy định của Liên hiệp Châu Âu, nên không thể nói công nghệ hiện nay của họ là từ năm 1942.
Thêm nữa, bể chứa bùn đỏ số 10 - nơi xảy ra sự cố tràn bùn - là 1 trong 2 bể còn hoạt động, trong tổng số 10 bể ở thành phố Ajka. Tám bể còn lại từ lâu đã không hoạt động: theo khẳng định của Cục phòng chống Thảm họa Quốc gia, chúng đã được che bởi lớp đất và thực vật, được thực hiện hoàn thổ và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn môi sinh. Bể chứa số 10 thuộc loại mới nhất trong hệ bể chứa bùn đỏ ở Ajka, mới được xây vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước, chứ không phải từ năm 1942.
Ông Phạm Khôi Nguyên còn cho rằng “về các sự cố xảy ra như thế nào thì bạn (tức phía Hungary) không lường trước. Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì đã lường trước những sự cố và nếu xảy ra thì hoàn toàn đảm bảo được mức độ an toàn”. Khẳng định này có vẻ mang màu sắc tương đối cảm tính, vì những thảm họa như tại Hungary là điều không ai có thể lường trước đượ. Theo MAL Zrt., họ đã thực hiện nghiêm ngặt tất cả các biện pháp kỹ thuật cần thiết và theo đòi hỏi của Hungary và EU.
Thành vách bể chứa số 10 cũng được kiểm tra định kỳ, và với bề dày ở dưới phần gốc là 65m, từng được tổng giám đốc Tập đoàn Nhôm Hungary gọi là “biểu tượng của sức mạnh”, tương đương với một pháo đài kiên cố mà MAL Zrt. từng nghĩ là ở sẽ tồn tại ở mức độ vĩnh cửu, chứ không phải họ không quan tâm và chểnh mảng trong vấn đề môi trường.
Cho nên, yếu tố an toàn ở đây là điều rất khó nói, và càng khó khẳng định là có thể lường trước mọi hậu họa, và nếu có thảm họa thì “hoàn toàn đảm bảo được mức độ an toàn” - ngay cả trong trường hợp Hungary là quốc gia có lịch sử và truyền thống khai thác bauxite, alumin và nhôm hàng trăm năm nay.
Chuyện “hậu bùn đỏ”: phản ứng của người dân khi chưa được bồi thường
Sốt ruột và bực bội vì cho rằng những biện pháp bồi thường trong thảm họa bùn đỏ của Chính phủ Hungary là chưa được như ý, người dân thành phố Devecser - một trong các địa phương bị thiệt hại nặng nề vì bùn đỏ - đã lên kế hoạch biểu tình phản đối, dự tính bằng cách huy động chừng 1.500 người lên xe hơi và chắn con đường từ thành phố này về Budapest.
Sở dĩ có sự bức xúc này là vì vài tuần sau sự cố tràn bùn ở thành phố Ajka, Chính phủ Hungary đã ra một nghị định về việc thành lập Quỹ Cứu trợ Hungary để nhận các khoản quyên góp từ cư dân và doanh nghiệp. Tính đến trung tuần tháng 11, đã có gần 1,5 tỉ Ft được chuyển về Quỹ, nhưng mới chỉ có chừng 40 triệu Ft được phân bổ về các địa phương bị thiệt hại nhiều nhất - số phận của phần tiền còn lại rất mập mờ.
Chính phủ Hungary cho hay: hiện tại, chi phí cho công việc cứu hộ và tái thiết vẫn được chi từ nguồn của Nhà nước - quyết định về việc sử dụng các nguồn của Quỹ Cứu hộ sẽ được đưa ra sau. Bởi lẽ, Chính phủ cho rằng trước hết, các cư dân phải quyết định chuyện đi hay ở, rồi họ mới được nhận tiền.
Lời lý giải ấy của Chính phủ không làm thỏa mãn cư dân Devecser. Nhiều người cho rằng, họ đã không được nhận thông tin rõ ràng về những nguy cơ sức khỏe mà bùn đỏ có thể gây ra cho họ, đặc biệt là cho con cái họ - một khi chưa biết mảnh đất nơi họ ở còn sinh sống được không, thì cũng không thể có ngay quyết định trong vấn đề ở lại, hay chuyển đi.
Mặt khác, người dân cho rằng thay vì cứu hộ và hỗ trợ, chính phủ phải bồi thường hoàn toàn mọi thiệt hại về vật chất và tinh thần cho họ. Theo quan điểm của cư dân, ngay lập tức, nhà nước cần ứng ra cho dân toàn bộ khoản bồi hoàn đó và sau này, khi mọi thứ đã được làm sáng tỏ về trách nhiệm trong sự cố, chính quyền có thể đi đòi lại từ thủ phạm của sự cố bùn đỏ.
Để bày tỏ thái độ đó, người dân Devecser đã trù liệu cho một cuộc tuần hành, biểu tình chặn đường và phản đối, nhưng không được cảnh sát địa phương cho phép, viện dẫn là cả khu vực vẫn nằm trong trạng thái khẩn cấp được ban bố từ khi thảm họa bùn đỏ xảy ra. Tình hình trở nên căng thẳng và do đó, một số cuộc thương thảo đã được tổ chức để làm dịu câu chuyện.
Rốt cục, nhóm biểu tình tuyên bố sẽ hoãn biểu tình cho đến ngày 1/12 nếu trong vòng 1 tuần, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor đích thân xuống giải quyết nguyện vọng của họ. Nếu thay đổi không đến nhanh và kịp thời, “không gì ngăn chặn” được họ.
Để giải quyết tình trạng đó, theo những diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Nội vụ Hungary Pintér Sándor đã tuyên bố : Chính phủ nước này sẽ bồi thường toàn bộ mọi thiệt hại của cư dân và sẽ tái thiết hoàn toàn những khu vực bị bùn đỏ hủy hoại, từ nay đến ngày 31-7 sang năm. Thiệt hại do bùn đỏ gây ra, được ông Pintér công bố, ước tính chừng 55 tỉ Ft (tương đương 275 triệu USD).
Chính quyền Hungary cũng nhấn mạnh rằng hiện nay, tại hiện trường thảm họa, không có gì nguy hại đến sức khỏe người dân và trong vòng vài năm, có thể canh tác lại tại các vùng đất nông nghiệp bị lũ bùn tràn qua, nhưng để chắc chắn, trước mắt, thực phẩm sẽ không được canh tác tại đó.
Những giải pháp do Chính phủ Hungary đề ra dường như đã thỏa mãn được yêu cầu của người dân, nên nhóm biểu tình cho hay họ sẽ chờ đợi và tạm thời ngưng ý định biểu dương lực lượng để phản đối.
source
RFI Vietnamese