Monday, 31 October 2011

TQ cảnh báo hãng dầu nước ngoài


Cập nhật: 10:14 GMT - thứ hai, 31 tháng 10, 2011

Một giàn khoan dầu (ảnh minh họa)

Trung Quốc lên tiếng cảnh báo các công ty dầu nước ngoài, chưa đầy một tuần sau khi tập đoàn Hoa Kỳ ExxonMobil loan báo tìm thấy dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam.

Hôm 25/10, tập đoàn có đại bản doanh tại Houston, Texas, loan báo đã phát hiện ra dầu khí sau mũi khoan thứ hai trong lô 119 ngoài khơi Đà Nẵng.

Lô này, mà Việt Nam khẳng định nằm trên thềm lục địa Quảng Ngãi-Đà Nẵng của Việt Nam, trên bản đồ nằm khá gần đường yêu sách chín đoạn của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm thứ Hai 31/10 phát biểu tại Bắc Kinh: "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển phụ cận".

Qua đường chín đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông.

Điều đáng chú ý là đường lưỡi bò không có tọa độ rõ ràng, bởi vậy Trung Quốc có thể dịch chuyển vị trí yêu sách của mình.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ông Hồng Lỗi không trả lời thẳng khi được hỏi liệu Trung Quốc có kế hoạch yêu cầu ExxonMobil rút khỏi dự án làm ăn với Việt Nam hay không mà nói: "Chúng tôi hy vọng các công ty nước ngoài không tham gia thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp".

"Đây là lập trường nhất quán của chúng tôi."

Trong năm nay ExxonMobil đã khoan hai mũi tại lô 119, mũi đầu tiên vào tháng Tư và mũi thứ hai vào tháng Tám.

Gây sức ép

Bằng nhiều cách, Trung Quốc đã gây áp lực buộc nhiều công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam phải rút lui.

Hồi tháng 6/2007, dưới áp lực của Trung Quốc, Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) đã ngừng việc thăm dò khảo sát địa chấn tại Nam Côn Sơn trước khi chính thức rút khỏi dự án thăm dò này vào tháng 3/2009.

Tuần qua, bộ phận upstream (phụ trách các hoạt động thăm dò) của BP đã chính thức bàn giao công việc, tài sản và nhân viên ở Việt Nam cho tập đoàn TNK của Nga sau 21 năm hiện diện tại Việt Nam.

Vào tháng 7/2008, Trung Quốc cũng đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Dự án bị Trung Quốc phản đối lúc đó nằm trên thềm lục địa phía Nam, gồm các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon lúc đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì về tiến độ dự án.

Đại sứ Hoa Kỳ lúc đó là ông Michael Michalak từng nhận xét với BBC rằng các tập đoàn như ExxonMobil có sức mạnh 'như các quốc gia' và có chính sách của riêng họ.

Nhiều công ty nước ngoài đã tìm thấy dầu tại khu vực Nam Côn Sơn, như Petroliam Nasional Bhd. của Malaysia, Premier Oil Plc. của Anh, Gazprom OAO của Nga và Total SA của Pháp.

Giếng khoan của ExxonMobil ở lô 119, nếu nhìn trên bản đồ trực tuyến mà chính Trung Quốc đưa ra, nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam, nhưng cận kề một trong chín đoạn của 'đường lưỡi bò'.

Gần lô 119 là lô 120, mà Công ty thăm dò - khai thác dầu khí Neon Energy của Úc đã cùng đối tác Việt Nam thăm dò địa chấn hồi tháng Năm năm ngoái.

Lúc đó phía Việt Nam đã phải cử tàu hải quân ra hộ tống công việc thăm dò của Neon vì sợ phản ứng của Trung Quốc.

source

BBC Vietnamese

Monday, 10 October 2011

Trung Quốc xây tàu điện trên cao ở Hà Nội


Trung Quốc xây tàu điện trên cao ở Hà Nội

Cập nhật: 12:44 GMT - thứ hai, 10 tháng 10, 2011

Lễ khởi công sáng 10/10/2011 (ảnh của VnExpress)

Tuyến tàu dự kiến đi vào hoạt động năm 2015

Tập đoàn Cơ khí Đường sắt Trung Quốc (CREC) vừa khởi công xây dựng tuyến tàu điện trên cao trị giá trên 550 triệu đôla ở Hà Nội, với phần lớn vốn vay từ Trung Quốc.

Lễ khởi công được tổ chức sáng thứ Hai 10/10, đúng ngày kỷ niệm 1001 năm thủ đô Hà Nội.

Tổng đầu tư cho tuyến tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông dài 13 km được nói lên tới 553 triệu đôla. Tân Hoa Xã nói khoản tiền đầu tư này là do chính phủ Trung Quốc cho vay, trong khi báo chí Việt Nam lại nói khoảng 130 triệu là vốn đối ứng của Việt Nam.

Tuyến tàu điện trên cao này theo thiết kế sẽ có 12 ga, bắt đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa) và kết thúc là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

Cục Đường sắt Việt Nam, chủ đầu tư dự án, sẽ vận hành 13 đoàn tàu trên tuyến đường này, chạy giãn cách nhau từ 4-6 phút.

Tổng thầu EPC là Cục 6 của tập đoàn CREC.

Theo kế hoạch, toàn bộ tuyến tàu điện sẽ được đưa vào sử dụng năm 2015, "đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong thành phố".

Tân Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng được dẫn lời phát biểu trong lễ khởi công, rằng bộ của ông sẽ sớm họp với chính quyền Hà Nội để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong việc thực hiện dự án tàu điện trên cao này, nhất là "giải phóng mặt bằng".

Trong khi đó, Đại biện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội Khương Tái Đông phát biểu rằng dự án mang ý nghĩa đặc biệt vì được khởi công ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Theo quy hoạch, tới 2030 Hà Nội sẽ có tám tuyến đường sắt đô thị. Tuyến đầu tiên Nhổn-Ga Hà Nội, gồm cả trên mặt đất, trên cao và dưới ngầm, đã được khởi công hồi tháng Chín năm ngoái.

Tuy nhiên dự án này đang chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn, trong có giải phóng mặt bằng.

source

BBC Vietnamese