Bauxite, khu công nghiệp và sân golf
Một chuyên gia về nông nghiệp và đất đai nông thôn vừa lên tiếng về dự án Bauxite tại Tây Nguyên và thực trạng sử dụng đất đai, quy hoạch liên quan tới phát triển nông thôn nói chung.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 12/8, Tiến sĩ Vũ Đình Tôn, Giám đốc Trung tâm Liên ngành về Phát triển Nông thôn, thuộc Đại học Nông nghiệp Hà Nội, trước hết, cho biết lý do thời gian qua vì sao xuất hiện các quan ngại về lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc ở địa bàn Tây Nguyên trong các dự án khai khoáng:
"Đây là một vùng rất nhạy cảm và chiến lược của Việt Nam. Nhìn lại lịch sử từ trước đến nay, người Trung Quốc đi đến đâu, có bao giờ họ trở về một cách đơn giản đâu. Thường thì đi đến đâu, họ đều cắm rễ lại."
"Vài nghìn người lao động phổ thông Trung Quốc không phải là chuyện, nhưng nếu đi đến đâu, họ đều ở lại đấy, sinh con đẻ cái, phát triển dân số, mà lại ở một vùng chiến lược, nhạy cảm thì đó là vấn đề đáng nói hơn," ông nói.
Người Trung Quốc đi đâu cũng rất đông, rất nhiều, tính cộng đồng, cố kết lại rất cao, và do đó đây có thể là điều phải suy nghĩ
TS. Vũ Đình Tôn
Theo kinh nghiệm di cư lao động quốc tế, việc lao động phổ thông từ thị trường lao động nước này sang thị trường lao động nước khác, sau đó kết hôn với người địa phương và định cư vẫn tồn tại như một thực tế.
Nhưng trước câu hỏi liệu đã có một tâm lý 'bài Trung Quốc' hay không, Tiến sĩ Tôn khẳng định: "Thực ra, nếu lập luận theo góc độ quyền con người, thì người lao động nói chung, về nguyên tắc đều có quyền tự do di cư lao động, kết hôn, định cư v.v… Nhưng trên thế giới, nhiều nước ngại người Trung Quốc."
"Tại châu Phi hiện nay, một số nơi có hiện tượng người Trung Quốc đi tới đâu, sau đó cũng biến thành ‘China Town’ và rõ ràng một ngày nào đó, nếu không khéo xử lý sẽ trở thành vấn đề."
Xung quanh một số diễn biến xung đột giữa lao động Trung Quốc và người dân Việt Nam ở một vài địa phương được báo chí và truyền thông trong nước đưa tin, kể cả các vụ đụng độ, xô xát giữa người di cư Trung Quốc ở Bắc Phi, như trường hợp ở Algeria mới đây, TS Vũ Đình Tôn nhận xét :
"Nhiều nước ngại vì người Trung Quốc đi đâu cũng rất đông, rất nhiều, tính cộng đồng, cố kết lại rất cao, và do đó đây có thể là điều phải suy nghĩ. Vùng Tây Nguyên của Việt Nam thì lại là một vùng nhạy cảm vì từ trước tới nay vốn dĩ đã hàm chứa nhiều bất ổn."
Đất ruộng và sân gôn
Nhìn lại tình hình một số địa phương vài năm qua trưng dụng bất hợp lý đất ruộng nông nghiệp của nông dân vào mục đích xây các khu công nghiệp, được cho là gây xáo trộn nông thôn ở một số nơi, ông Tôn, người đồng thời là Phó Chủ nhiệm Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thuỷ sản, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nói :
"Tình hình đã có sự thay đổi. Hiện nay, trưng dụng đất nông nghiệp xây dựng khu công nghiệp phải có phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ và các tỉnh không tự quyết định được như trước nữa."
"Dân số của Việt Nam còn tiếp tục tăng, nhưng đất đai cũng đã vãn. Nếu các vùng đồng bằng trù phú mà triệt phá hết, thì rất nguy hiểm. Nhà nước cũng đã cảnh giác hơn. Nay không dễ dàng gì biến đất đai nông nghiệp trù phú thành khu công nghiệp như trước."
Tuy nhiên ông Tôn cho biết mặc dù có nhiều ý kiến phản đối, việc lấy đất đai nông nghiệp để xây các sân golf vẫn tiếp diễn: "Hiện có nhiều ý kiến yêu cầu xem xét lại các dự án xây dựng sân golf, nhưng ở nhiều nơi vẫn cứ tiến hành vì nhiều lý do này khác.
Từ nay việc lấy đất canh tác xây sân gôn sẽ khó hơn, nhưng với nhiều dự án bị lên tiếng phản đối, người ta vẫn chưa bỏ sân gôn nào.
TS. Vũ Đình Tôn
"Chắc chắn từ nay việc lấy đất canh tác xây sân gôn sẽ khó hơn, nhưng với nhiều dự án bị lên tiếng phản đối, người ta vẫn chưa bỏ sân golf nào."
Được biết, trong báo cáo khả thi nhiều dự án xây dựng sân golf, các nhà đầu tư đều giải trình và khẳng định tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là dân địa phương, song chuyên gia về nông nghiệp, nông thôn này thẳng thắn bác bỏ:
"Tôi không bao giờ nghĩ là sân golf tạo được công ăn việc làm. Vì sân golf không thu hút nhiều lao động, chỉ cần một số ít người đi nhặt bóng và làm cỏ, không hề như trường hợp các nhà máy."
"Mâu thuẫn là sân golf cần đất rất rộng, nhưng lại cần rất ít người lao động."
TS Tôn, người từng có tham luận về sử dụng đất đai nông nghiệp tại một Hội thảo gần nhất về chủ đề tam nông tại Đại học Nông - Lâm Huế, còn nhắc lại một quan điểm được báo chí, truyền thông trong nước phản ánh.
"Sân golf còn không tốt ở một điểm là nó chỉ phục vụ cho một thiểu số người được hưởng lợi từ đây, chẳng hạn những người chơi. Nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều người chơi golf. Chủ yếu phải đợi người nước ngoài tới chơi. Lợi nhuận chưa thu được mấy."
'Bán thất nghiệp'
Về tình hình việc làm ở nông thôn tổng kết hai năm trở lại đây, trong bối cảnh chịu sức ép khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, Tiến sỹ Vũ Đình Tôn nhận xét :
"Hiện nay, dân số nông thôn trong tổng dân số ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ và số lượng rất lớn. Mật độ dân số ở các vùng đồng bằng quá cao, trong khi đất đai lại bị mất dần; mất cho giao thông, mất cho khu công nghiệp và đang gây ra vấn đề."
Hướng giải quyết theo ông là rất khó, dù hướng đi chung vẫn phải là: "Đa dạng hoá các hoạt động sản xuất, công nghiệp, thủ công nghiệp. Ngay trong sản xuất nông nghiệp, cũng phải đa dạng hoá hoạt động. Còn nếu chỉ trồng lúa sẽ không ăn thua, mà còn phải trồng trọt, chăn nuôi các loại khác v.v… Tức là buộc phải hết sức đa dạng."
Chuyên gia cũng nhắc tới tình trạng lao động nông thôn ra thành phố làm việc, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, hoặc đi xuất khẩu lao động, nhưng do khủng hoảng kinh tế, nhiều người đã phải trở về nhà và tình hình giúp đỡ những lao động này:
Nhưng cũng không nên bi quan. Tôi hy vọng là mỗi địa phương sẽ chủ động theo cách của mình để dần dần tìm giải pháp.
TS. Vũ Đình Tôn
"Nhà nước cũng có nói là cần có hướng để giúp đỡ, nhưng tôi nghĩ là sẽ chẳng giúp đỡ được gì mấy. Các lao động này sẽ phải tự xoay xở lấy. Họ phải quay về nhà làm ruộng, hoặc làm thuê, hoặc tự lo được chừng nào hay chừng nấy."
Song ông tin rằng Việt Nam vẫn đang trong quá trình đô thị hoá, một quá trình phát triển kinh tế, xã hội vốn có thể tiếp tục hấp dẫn nguồn lao động của nông dân: "Ví dụ như họ đi xây, làm đường, làm việc này việc khác, nhưng các nhu cầu này không phải là mãi mãi và nhìn chung, người dân nông thôn, nhất là thanh niên, thiếu tay nghề, vẫn không đủ việc làm."
Tiến sỹ Tôn nhất trí với một số đánh giá tới nay của một số định chế và tổ chức nghiên cứu về việc làm tại nông nghiệp Việt Nam, khi nhận định "người dân nông thôn không hoàn toàn thất nghiệp, nhưng lúc có việc làm, lúc không" và luôn ở trong một tình trạng mà ông gọi là 'bán thất nghiệp':
"Họ sẽ vẫn có một ít ruộng, và phải đi làm thuê mới đủ. Nhìn chung, thời gian tới đây đa số người dân nông thôn sẽ vẫn phải tự xoay là chính. Nhưng cũng không nên bi quan. Tôi hy vọng là mỗi địa phương sẽ chủ động theo cách của mình để dần dần tìm giải pháp."
Tiến sỹ Vũ Đình Tôn, Giám đốc Trung tâm Liên ngành Nghiên cứu Phát triển Nông thôn, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thuỷ sản, thuộc Đại học Nông nghiệp Hà Nội, là tác giả của nhiều nghiên cứu về quy hoạch, sử dụng đất đai nông nghiệp, nông thôn, trong đó, đánh giá và khảo sát về hệ quả các quá trình, chính sách công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn.-----------------------------------------------------
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment