Ngày 10.10.2009 Giờ 10:41
SGTT - Khoảng 21 chiếc ghe (17 ở Lý Sơn, 4 ở Bình Châu) đã gặp bão khi đang lênh đênh trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Mỗi ghe đều có sự chọn lựa riêng: kẻ đi trú bão, người chạy về nhà. Tất cả đều thoát chết nhưng số phận của 21 chiếc ghe lại không giống nhau khi lâm nạn bão và người.
Cha con ông Lê Đủ kể lại những ngày chạy bão |
Như bài trước đã nêu, bốn chiếc ghe của dân đảo Lý Sơn đã chọn cách chạy thẳng vào bờ. Còn 17 chiếc rủ nhau đi trú bão vì đánh bắt cách quần đảo Hoàng Sa, nơi có cảng trú bão, chỉ khoảng 50 hải lý. Hơn 200 con người, tuy không bị bão dập nhưng phải chịu cướp bóc và đòn thù của lính trên cảng.
Đến bị súng bắn
Ông Dương Văn Thọ (là một trong 13 ngư dân bị Trung Quốc bắt hồi tháng 6 vừa qua), nhớ lại, đêm 26.9, khi nghe tin bão, ông lệnh nhổ neo nhằm hướng đảo chạy tới, trên ghe đã đánh được hơn bốn tấn cá. Đến sáng sớm 27, ghe của ông đến cửa cảng Hữu Nhật, một cảng quân sự của hải quân Trung Quốc nằm trên quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cảng này là nơi tàu bè đi ngang trú mỗi khi có bão, người Việt gọi là cảng Cần Cẩu vì nơi đây có nhiều cần cẩu. Gần như cùng lúc, 17 chiếc ghe của ngư dân Việt Nam (13 chiếc của xã An Hải, Lý Sơn; 4 chiếc của Bình Châu) đánh chung một vùng biển đều giương cờ trắng chạy đến đây.
Thấy ghe Việt Nam đến, lính đảo liền nổ súng cảnh cáo. Mấy ghe đi đầu lập tức vòng ra xa. Lúc này nhiều ghe đã gọi điện thẳng về Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi nhờ can thiệp để ghe được vào cảng trú bão và đừng lấy đồ của ghe. Biên phòng nhận lời và dặn thêm, không lo đồ đạc, vì nguyên tắc, vào núp bão sẽ không ai lấy gì. Đoàn ghe tạm yên tâm, quay mũi về cửa cảng, nhưng đạn lại vãi ra, ghe lại cuống cuồng bỏ chạy.
Kể chuyện buổi sáng hôm đó, ông Nguyễn Phụng Lưu còn bàng hoàng, ghe của ông chạy cùng lúc với ông Thọ, lính đảo bắn choé lửa quá trời quá đất. Hai ghe đi đầu chạy dạt ra vì lo trúng đạn. Vài lần như thế, không còn ai dám mon men đến cửa cảng nữa. Tất cả neo ngoài khơi, nhìn từng đoàn ghe tàu của Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản chậm rãi vô tránh bão mà buồn bực. Neo đến chiều, gió lớn thổi mạnh, sóng cao đập từng hồi, bão đang đến gần, thấy vậy ông Lưu la lớn: “Lao vô đại thôi, trúng đạn thì còn người sống người chết, ở ngoài này bão vô sẽ chết hết”. Tất cả ùn ùn lao vào cảng, ghe ông Thọ chạy vào trước, tất cả nín thinh, nhưng lần này không nghe súng nổ. Thế là thoát bão, ba ngày ba đêm trong cảng an toàn, không bị ai kiểm tra, ai nấy mừng thầm tai qua nạn khỏi.
Đi bị đánh và cướp
Sáng 30.9, biển đã bớt sóng gió, 17 chiếc ghe sửa soạn ra khơi. Bỗng dưng, trước cửa cảng xuất hiện một toán lính khoảng vài chục người, tay lăm lăm súng đạn nhảy xuống các ghe.
Lúc đó, ông Thọ bị bất ngờ vì đinh ninh ghe trú bão sẽ không bị làm khó, nên khi lính ồ ạt nhảy lên ghe, cả chục nòng AK chĩa vào, mọi người chỉ còn biết quỳ xuống, giơ hai tay lên đầu. Đi cùng toán lính là một viên sĩ quan nên không ai bị đánh đập, nhưng đồ đạc bị thu gom một cách nhanh chóng: máy Ecom (liên lạc), máy đo nước, bốn cuộn dây lặn, định vị, khoảng một tạ cá. Có lẽ do ghe ông cập ngay sát cầu cảng nên hai chiếc thuyền thúng cũng bị tước mất. Ông nài nỉ xin lại máy định vị (để biết hướng đi về) nhưng kẻ lấy không cho. Tài sản còn lại chỉ là chiếc la bàn. Xong việc, toán lính lại nhảy sang ghe khác.
Thấy các ghe trước lao xao chuyện lính lấy đồ, ông Lê Đủ liền giấu ngay máy móc xuống khoang máy, vừa kịp lúc toán lính khác nhảy lên. Hai lính đi trước, một cầm búa, một cầm dao chỉ mặt ông ý hỏi máy định vị và Ecom đâu? Ông lắc đầu, chiếc dây chuyền vàng trong cổ lòi ra, một tên lao vào vạch áo giật sợi dây đút ngay vào túi. Tên khác ra hiệu mọi người lột đồ trong túi, nguy ngập, ông Đủ lanh trí móc ra cái điện thoại xịn và số tiền còn để chúng không truy bạn ghe. Chưa yên, tên cầm búa bằm nát tám cuộn dây lặn, một số tên khuân luôn đồ ăn, thức uống xuống ca nô. Mọi thứ tạm ổn, lúc này hai tên trong toán quay lại hỏi máy móc, ông Đủ chỉ sang ghe bên cạnh nói hai ghe đi chung nên chỉ có một máy (đã bị thu). Thấy Hợp (con út ông Đủ, 15 tuổi) nhỏ bé nhất, hai lính vắt người thằng bé lên cửa và bắt đầu tra tấn. Hợp nhớ lại, giày đinh thi nhau đá vào hai mạng sườn, những cú tát nảy lửa. Đau đến ngất nhưng thằng bé nhất định không hé răng. Trước họng súng gí vào đầu, người cha bất lực nhìn con bị hành hạ. Đánh một lúc, không moi được gì, hai tên lính thả Hợp ra, sức vóc 15 tuổi chẳng thấm vào đâu với những đòn thù, thằng bé đổ gục, toán lính rút, người cha lao ra ôm đứa con, hai be sườn đỏ tấy, người mềm oặt.
Bạn ghe của ông Nguyễn Trọng Lưu đang kiểm tra lại khoang chiếc ghe, sau những ngày sóng gió trên biển |
Số phận của cha con ông Lưu còn bi đát hơn, thấy lính chặn đường, ông cùng con trai tên Tâm, 19 tuổi, vội vàng nhét máy móc, điện thoại vào thùng gạo ở gầm ghe. Khi toán lính ập vào, thấy cục sạc pin điện thoại ở góc, tất cả lao vào tra tấn thuỷ thủ để tìm điện thoại. Cả hai cha con bị đánh nặng, đứa con chịu đòn không nổi, chỉ sau vài loạt đấm đá, Tâm khóc thét chạy vô lấy điện thoại từ hũ gạo ra. Nhưng, một tên lính đi theo, biết chỗ và moi ra hết đồ giấu, trận đòn tái diễn và nặng hơn đổ xuống đầu cha con ngư dân và bạn ghe vì tội “nói dối, không chịu khai”. Mắt phải Tâm đỏ rực, máu chảy ròng ròng, người cha vừa chịu đòn, nhìn đứa con trong nước mắt. Đánh xong, toán lính gom sạch đồ, cả hai chiếc radio cũng không thoát, trừ chiếc la bàn.
Cứ thế, hết chiếc này đến chiếc khác, mười bảy chiếc ghe cùng chung bi kịch, phần đông bị đánh, có người bị đánh đến ngất xỉu, máy móc, thức ăn bị cướp, thùng phuy chứa nước ngọt bị búa băm thủng, thúng bị chặt rách đít... Tính sơ, mỗi ghe mất hết đồ chừng 50 – 70 triệu đồng.
Định vị không còn, ông Thọ chọn hướng bằng la bàn, ghe theo đó mà đi, lênh đênh trên biển thêm hai ngày nữa, bến quê hiện ra. Không may mắn, ghe của ông Lưu đi lệch xuống mãi Quy Nhơn.
Ghe ông Đủ thiệt hại nhẹ nhất nên ông vẫn ra khơi thêm ít ngày nữa, chỉ khổ đứa con út quằn quại cả tuần trên ghe, Hợp bị sốt, khắp người ê ẩm vì đòn. Đến khi về nhà, đôi mắt đứa trẻ 15 tuổi còn ngơ ngác, khuôn mặt còn sưng mọng sau những ngày hãi hùng trên biển.
Ngồi quanh ngọn đèn dầu dưới nền nhà, đôi vai ông Lưu như càng thõng xuống khi kể lại những ngày đã qua. “Mình trú bão chứ có làm gì đâu mà họ đánh đập, cướp bóc tàn tệ”, ông nức nở. Mấy người bạn ghe ngồi cạnh đều lặng lẽ khóc, không một tiếng nấc mà nước mắt cứ chảy dài xuống chiếu.
bài và ảnh Doãn Khởi
*************************************
source
http://sgtt.com.vn/Detail24.aspx?ColumnId=24&newsid=57913&fld=HTMG/2009/1008/57913
No comments:
Post a Comment