Vụ thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên):
Vì sao dân Văn Giang quyết liệt bám giữ đất?
SGTT.VN - Hơn 10 ngày trôi qua, câu chuyện về vụ
cưỡng chế thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án Ecopark ở
Văn Giang (Hưng Yên) vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.
Người ta không hiểu được vì sao có sự “đối đầu” gay gắt
giữa một bộ phận nông dân có đất ở đây với chủ đầu tư và chính quyền
trong việc này. Họ kiên trì bám trụ, thậm chí dùng xẻng, cuốc, gạch, đá…
để giữ đất.
Từ vụ việc này, phải chăng chính sách, luật pháp hiện
hành liên quan việc quy hoạch, phê duyệt dự án, đền bù - bồi thường thu
hồi đất… đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần sớm xem xét, hoàn thiện.
Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã về Văn Giang tìm
hiểu thực tế, trao đổi với các chuyên gia pháp luật, quy hoạch… góp phần
lý giải căn nguyên của vấn đề.
Mô hình một phần dự án Ecopark
|
Ngay chiều 24.4, đại diện chính quyền huyện Văn Giang
đã thông báo với báo chí là việc cưỡng chế thu hồi đất và hỗ trợ thi
công dự án ở xã Xuân Quan đã hoàn tất, chính quyền địa phương đã bàn
giao mặt bằng 72 ha ở đây cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, đối với chính quyền
và những người dân liên quan, sự việc dường như chưa khép lại. Còn
nhiều vấn đề phải giải quyết sau cưỡng chế.
Sống nhờ đất, khá giả nhờ đất
Đêm 23 và ngày 24.4 vừa qua có lẽ sẽ trở thành một ký
ức khó quên được đối với nhiều người dân ở xã Xuân Quan. Họ đã phải bấm
bụng để bị thu mất phần đất canh tác ít ỏi - nguồn sống duy nhất suốt
bao nhiêu năm qua của gia đình mình.
Buổi chiều sau cưỡng chế, trỏ tay ra bãi đất trước mặt
còn tanh bành những cây bật gốc, đổ rạp, mẹ vợ anh Truyền (xóm 3, xã
Xuân Quan) chép miệng: “Cây cối nhà tôi đây. Chỗ cây cảnh này tới gần
tết trị giá phải cả tỉ đồng. Vợ chồng nó (anh Truyền) đêm qua tranh thủ
dời đi được ba xe, còn lại coi như mất sạch!...”.
Anh Truyền bần thần, không nói năng gì. Mãi tới lúc
nghỉ tay dọn dẹp, vào nhà uống chén nước, anh mới nghèn nghẹn: “Thế là
mất hết. Nhà tôi hai bên nội ngoại mất khoảng 5-6 sào”.
Sau vụ cưỡng chế đất vừa qua, nhiều nhà cứ tiếc cho số
cây cảnh bị cày ủi, hư hại. “Con nhà bà Nghiêm hôm qua khóc, kêu là mất
nhiều hải đường quá, phải tới mấy trăm triệu đồng”. “Anh Thơm bên kia
mất tầm trên 200 triệu đồng, toàn cây cảnh giá trị”. “Cả cái vườn lộc
vừng 1.000 gốc, mỗi gốc mấy trăm ngàn đồng”…
Nhưng đó là thiệt hại trước mắt. Còn về lâu dài, chuyện người dân mất đất canh tác mới là nỗi lo lớn.
Theo nhiều lão nông cho biết ba xã Xuân Quan, Phụng
Công, Cửu Cao (Văn Giang) là đất thuần nông với hơn 3.900 hộ nông dân
sống nhờ vào đất. Vùng này từ xưa đã có tiếng là đất “bờ xôi ruộng mật”.
Với chủ trương dồn điền đổi thửa của Nhà nước, người dân ở đây đã
chuyển đổi thành công từ thóc lúa sang vườn cây, ao cá. Dịp giáp tết,
lộc vừng, quất, hải đường Văn Giang sáng rực các chợ hoa Hà Nội.
Một lão nông kể: “Người thì trồng cây cảnh, cây thế,
người thì cây bóng mát, cây công trình. Đi khắp cái làng Xuân Quan này
mới thấy sao nhà gác, nhà tầng nhiều, đầy đủ tiện nghi thế, có gia đình
vài ba xe máy. Đó là người ta đi lên từ đồng ruộng. Trung bình mỗi sào ở
đây ít cũng phải mang lại cho dân dăm bảy chục triệu mỗi năm”.
Mất đất vì dự án
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, dự án khu đô thị
Văn Giang (còn được gọi là Ecopark) được thực hiện theo phương thức “đổi
đất lấy hạ tầng”. Chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô
thị Việt Hưng - Vihajico) sẽ thi công một con đường giao thông liên
tỉnh, nối từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên. Bù lại tỉnh sẽ góp vốn
bằng 500 ha đất nông nghiệp để Vihajico đầu tư xây dựng một khu đô thị
sinh thái, có chức năng thương mại, dịch vụ và nhà ở.
Bà con Văn Giang nghe thông báo cưỡng chế
|
Vihajico thuyết trình: “Nếu dự án được thực hiện, cơ
cấu sản xuất của các xã Cửu Cao, Xuân Quan, Phụng Công từ sản xuất nông
nghiệp sẽ chuyển sang đô thị thương mại, dịch vụ. Dự án là tiền đề tạo
ra thế mạnh sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có, tạo ra động lực phát
triển toàn diện về kinh tế-xã hội, thương mại, vui chơi giải trí…”.
Chính quyền và chủ đầu tư dự án có thừa luận cứ để
thuyết minh về tính hợp lý và sự cần thiết khi biến 500 ha đất nông
nghiệp thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Thế nhưng đối với người
dân có truyền thống làm nông lâu đời, việc tách họ khỏi mảnh ruộng, vườn
cây, ao cá gắn bó lâu đời với họ, là nguồn sống bao đời nay của gia
đình họ là điều không đơn giản.
Thực tế, chủ đầu tư và chính quyền hầu như chưa có động
thái cụ thể nào chuẩn bị cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở đây. Lẽ
ra chính quyền phải có phương án dạy nghề, đào tạo nghề để giúp người
dân chuyển đổi từ lâu, chứ không phải đùng một cái lấy đất của người dân
với lời giải thích sẽ chuyển sang làm thương mại, dịch vụ...
Họ sẽ sống bằng gì?
Điều đáng ngại hiện nay là sau cưỡng chế, nhiều hộ dân ở
xã Xuân Quan đã không còn đất canh tác và hoàn toàn không có phương án
nghề phụ thay thế.
Thông tin từ chính quyền cho rằng “số hộ bị cưỡng chế
vẫn còn diện tích đất canh tác chứ không phải thu hồi toàn bộ” nhưng có
thông tin khẳng định với PV, qua đợt cưỡng chế hôm 24-4 vừa qua, không
ai còn ruộng nữa.
Cũng thông tin từ chính quyền cho biết dự án “có đất
dịch vụ liền kề để giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi”
nhưng cụ thể ra sao không ai rõ.
Ông Dũng, người xã Xuân Quan, than thở: “Xuân Quan có
8.000 nhân khẩu, tôi cứ cho là người già yếu chiếm 4.000 thì 4.000 còn
lại làm cái gì ra tiền bây giờ? Nói thực là bây giờ dân làng chơi nhiều
rồi. Ban ngày người đi lại trên đường làng đông nghịt đấy. Có việc gì mà
làm đâu”.
Trước mắt, đã có những gia đình phải đi mò cua bắt ốc,
nhặt nhạnh cho đủ tiền mua gạo. Trong tương lai, sẽ ra sao nếu hàng ngàn
người trong độ tuổi lao động phải chơi suốt ngày?
Sáng 24.4,
UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế thu hồi 5,8 ha đất của 166
hộ tại xã Xuân Quan. Việc cưỡng chế tiến hành từ khoảng 7 giờ sáng đến
hơn 11 giờ trưa. 1.000 người thuộc các lực lượng công an, dân quân...
được huy động.
Thông tin trên trang web của tỉnh Hưng Yên
mô tả, một ngày trước khi cưỡng chế, hơn 100 người dân dựng hai lều bạt
gần khu vực giải phóng mặt bằng. Sáng sớm 24-4, khoảng 300 người dân tập
trung tại các điểm gần khu vực cưỡng chế. Sau 7 giờ sáng, còn khoảng
200 người dân đã chuẩn bị từ trước cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch
đá, chai xăng cố tình chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế.
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến về giải
quyết khiếu nại, tố cáo ngày 2.5, phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn
Khắc Hào cho rằng: “Vụ việc ở Văn Giang có sự móc nối các phần tử chống
đối trong và ngoài nước. Các thông tin được tường thuật tại chỗ, từng
giờ để xuyên tạc, dàn dựng các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính
quyền”. Cũng theo ông Hào, dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn
Giang (Ecopark) có trình tự “thủ tục đúng pháp lý, cơ chế đền bù tốt,
tạo đà phát triển cho tỉnh”... song qua hơn tám năm, tỉnh vẫn chưa hoàn
thành giao đất cho chủ đầu tư do “người dân khiếu kiện liên tục, tập
trung đông người, lôi kéo, kích động cản trở không hợp tác, gây tình
hình phức tạp kéo dài…”.
(Theo VnExpress ngày 2-5)
Thực hiện dự án khu đô thị Ecopark Văn
Giang, năm 2009, tỉnh đã bàn giao đợt 1 cho nhà đầu tư 57,19 ha để làm
đô thị và làm đường giao thông liên tỉnh.
Vừa rồi, ngày 24.4, tiếp tục bàn giao 72 ha ở xã Xuân Quan, trong đó có 5,8 ha của 166 hộ phải tiến hành cưỡng chế.
Đến nay đã có 3.852/4.876 hộ của ba xã nhận tiền đền bù hỗ trợ, chiếm 79%; còn 1.024 hộ chưa nhận, bằng 21%.
Tại xã Xuân Quan, tổng số hộ đã nhận tiền
đền bù hỗ trợ và tự nguyện bàn giao đất là 1.554/1.720 hộ (66,2 ha),
chiếm 95,5%; còn 166 hộ (5,8 ha), chiếm 4,5% không nhận tiền đền bù, hỗ
trợ phải tiến hành cưỡng chế.
(Theo trang web của UBND tỉnh Hưng Yên)
|
Theo PL.TPHCM
source
http://sgtt.vn/Thoi-su/163676/Vi-sao-dan-Van-Giang-quyet-liet-bam-giu-dat.html
No comments:
Post a Comment