Cập nhật lúc: 9/17/2009 4:05:03 PM | ||||
Hôm nay là Ngày Quốc Tịch Úc (Australian Citizenship Day), kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc Tịch Úc vì trước năm 1949, di dân “bị” trở thành công dân Anh. Có trên 4,200 người thuộc trên 120 quốc gia trở thành công dân Úc Đại Lợi. Hôm qua cựu đại sứ Mỹ Peterson đã trở thành công dân Úc vì muốn nhập quốc tịch... của bà vợ gốc Việt. Báo The Age phát hành ở Melbourne nơi ông “Pete” Peterson và bà Vi Lê sinh sống đã chạy bài viết với cái tựa nghe hay hay: “POW’s journey to Australia, via love in Vietnam”, tạm dịch “Con đường đến Úc của cựu tù binh chiến tranh qua ngã tình yêu ở Việt Nam”. Theo ký giả Carolyn Webb thì tuy ông ta chưa chọn đội banh football nào hay chưa thể nói thông thạo cái giọng lè nhè (của Úc) nhưng người hùng của Chiến tranh Việt Nam đã trở thành một công dân Úc vào ngày hôm qua”. Ông Douglas “Pete” Peterson thường được gọi thân mật là “Pete” năm nay 74 tuổi. Vợ ông là Vi Lê, năm nay 53 tuổi, sinh ở Sài Gòn, vượt biên tị nạn ở các trại Đông Nam Á và sau đó định cư ở Melbourne, Úc vào năm 1977. Hai người gặp nhau khi ông Peterson đến Hà Nội làm vị đại sứ đầu tiên của Việt Nam vào năm 1997. Lúc đó bà Vi Lê là ủy viên cao cấp của phái đoàn thương mại Úc. Theo lời ông Peterson thì chỉ hai tuần lễ sau khi đến Việt Nam nhận chức đại sứ, ông gặp bà Vi Lê trong một buổi tiệc và bị tiếng sét ái tình ngay lập tức. Ông Peterson cho biết vợ trước của ông chết vì ung thư vào năm 1995 và ông nghĩ rằng sẽ chẳng còn yêu đương gì nữa, nhưng khi gặp bà Vi Lê, cuộc đời của ông đã thay đổi, và ông và bà Vi Lê đã không bao giờ xa nhau từ ngày ấy. Về người vợ thứ hai của mình, ông Peterson nói: “Chúng tôi bổ túc cho nhau một cách đẹp đẽ, chúng tôi cùng làm tất cả mọi việc với nhau”.
Người dân Hà Nội ngày ấy thường thấy ông đại sứ Mỹ chở người phụ nữ Việt trên chiếc xe gắn máy Dream II rất tình tứ, dắt nhau vào các quán ăn, cố gắng nói chuyện bằng tay với người địa phương. "Tiến nhanh, tiến mạnh" như máy bay phản lực F4, ông đại sứ làm lễ đính hôn với bà Vi Lê vào Giáng sinh 1997 vào lễ cưới diễn ra vào ngày 23.5.1998. Sau nhiệm kỳ đại sứ 4 năm, hai ông bà Peterson trở về Mỹ nhưng sau đó ông Peterson đã sang sống ở Úc trong 10 năm qua để ông và vợ được gần gia đình nhà vợ trong vùng phía đông Melbourne. Cả hai ông bà hiện làm tư vấn thương mại cho người Úc ở Việt Nam và mở một cơ quan từ thiện nhằm giúp bảo vệ trẻ con ở các nước Á Châu. Ông Peterson nói: “Với chúng tôi, từ nay bay sang các nước Á Châu trong một chuyến bay dài 8 tiếng tốt hơn bay những chuyến bay trong 6 chặng dài 33 tiếng để trở lại Florida”. Hôm qua khi trở thành công dân Úc tại trụ sở Bộ Di trú ở đường Lonsdale Street, cựu đại sứ Mỹ ở Việt Nam đã nhận được tờ chứng nhận và một cành cây wattle (cây keo hoa vàng tiêu biểu của Úc), đứng bên cạnh ông là người bạn đường gốc Việt của ông, bà Vi Lê. Cựu đại sứ Mỹ nói ông rất thích cuộc sống ngoài trời ở xứ Úc. Ông thích đi xe đạp mà Úc là một trong ít những quốc gia Tây phương có đường dành cho xe đạp dài tới 1,700 cây số. Ông Peterson cũng thích cuộc sống hàng xóm của vùng nơi ông hiện sinh sống, những dãy phố nhỏ và dĩ nhiên những quán cà phê, tiệm ăn. Phi công Peterson khi lái chiếc phản lực F4 Phantom, đã bị bắn rơi ở bầu trời miền bắc năm 1966 và bị bắt làm tù binh trong 6 năm. Ông hồi hưu năm 1981 với cấp bậc đại tá và sau đó hoạt động kinh doanh. Nhưng năm 1984, con trai ông là Dougie qua đời vì tai nạn xe hơi, sau đó vợ ông lại bị bệnh ung thư vú. Vì thế ông cảm thấy chán nản với việc kinh doanh. Năm 1990, ông ra tranh cử dân biểu và trở thành đại biểu cho bang Florida trong 3 nhiệm kỳ đến năm 1996 thì không ra tranh cử nữa. Sau đó, ông đã rất ngạc nhiên khi Tổng thống Bill Clnton quyết định chọn ông là vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ sau chiến tranh Việt Nam. Nhưng phải đợi đến năm 1997, Thượng viện mới chấp thuận. Trả lời phóng viên báo The Age, ông Peterson cho rằng việc chọn lựa ông là đúng. Bởi ông biết kẻ thù và kẻ thù biết ông, hai bên đều ghét nhau thậm tệ, nhưng người ta không thể tiến tới nếu không bỏ quên sự hận thù đi, làm hòa với nhau. Người cựu tù binh chiến tranh nói: “Quý vị có thể nhìn lại lịch sử lúc này và sẽ thấy rằng cả hai nước đang là những người bạn rất tốt của nhau”. (Viết theo tài liệu từ The Age và Tiền Phong) |
Source:
TiVi Tuan San
No comments:
Post a Comment