Wednesday, 8 July 2009

“Cô láng giềng khổng lồ!”








June 18, 2009
“Cô láng giềng khổng lồ!”
Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune
Đi chợ vài tuần nay, các bà nội trợ rất ngạc nhiên khi các hàng bán cá chỉ bầy bán toàn tép bạc, cá lóc, cá rô, cá bông lau, cá diêu hồng, mà cũng chỉ ngồi tới 9 giờ sáng là tan. Cá biển đi đâu?Cá biển tươi hầu như vắng bóng, toàn thấy những ‘thi hài’ cá thu, cá nục, cá ngừ ‘từ trần’ từ vài tháng trước, được ướp ure, hàn the. Dù người bán thề sống thề chết là ‘cá mới từ Bà Rịa lên hồi khuya’. Người mua lật mang cá lên thấy đỏ tươi, ngửi không hôi, nhưng đem kho, chiên hay nấu canh thì miếng cá mủn nát, trở màu xám xịt. Đổ bỏ thì tiếc, chẳng gì cũng bốn chục ngàn một ký cá nục, trăm bốn chục ngàn một ký cá thu, giữ lại cho chó mèo ăn. Được vài lần, con chó thì ói, con mèo thì chết…Khắp chợ cá Sài Gòn dù là chợ đầu mối, hay chợ vỉa hè, chợ hẻm, đều bầy ra cảnh hoang tàn, trống trải như nhau.

Hàng cá lèo tèo, người mua người bán đều nhăn nhó không vui, sau khi lệnh cấm ra khơi của TQ có hiệu lực. Photo NTLA
Để thay thế, người tiêu dùng phải mua cá biển đông lạnh từ siêu thị. Ngoài chuyện giá cả cao gấp rưỡi gấp hai cá tươi, thì chất lượng cá đông lạnh không mấy ngon và hợp thị hiếu. Mua cá khô, cá hấp sợ hóa chất chống mốc, chống thối. Mua thịt bò sợ đắt (ngay thịt bò bạc nhạc cho chó ăn cũng gần trăm ngàn một ký), thịt gà rẻ phân nửa nhưng chất lượng kém. Nhiều bà nội trợ đứng ngẩn ngơ, nhớ cá biển thời xưa.Thời xưa đó cách nay… vài tháng, chính thức thì vào ngày 15/6, khi nhà nước Trung Quốc lên tiếng cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng biển 12 độ vĩ Bắc (tương đương Cam Ranh – Khánh Hòa) lên đến đường phân định ở vùng biển phía đông vịnh Bắc bộ (vùng giao nhau giữa Việt Nam-Trung Quốc). Những ngày đầu bị cấm, mâm cơm các gia đình chưa bị ảnh hưởng ngay, nhưng người làm nghề cá thì hoang mang cực độ. Hoang mang là phải, vì lệnh cấm của Trung Quốc kéo dài ba tháng, tới ngày 1/8 mới hết, nhè đúng vào vụ cá nam, vụ cá lớn nhất, quan trọng nhất trong năm của ngư dân Việt Nam (sau vụ cá nam, biển Việt Nam bắt đầu vào mùa mưa bão, việc đánh cá dài ngày, xa bờ sẽ rất hạn chế). Vì lệnh cấm này, hàng loạt đội tàu các tỉnh miền trung Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đánh cá ở những ngư trường quen thuộc phải bỏ chạy trối chết vì bị tầu tuần ngư Trung Quốc đâm tầu, tịch thu cá.

Đội tàu miền trung phải nằm bờ, sau lệnh cấm của phía Trung Quốc. Photo NTLA
Sau sự kiện này, nhiều tiếng kêu cứu của ngư dân, góp lại thành tiếng kêu của Hội Nghề Cá gửi ngay tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông Nghiệp – Phát triển Nông thôn, nêu thực trạng. Trong công văn của mình, Hội Nghề cá yêu cầu Bộ và Chính phủ phải chỉ đạo địa phương tập huấn cho ngư dân biết rõ luật biển, biết phạm vi an toàn, phạm vi chồng lấn, đang tranh chấp. Đồng thời phải có biện pháp bảo vệ ngư dân, can thiệp phía bạn (!) thả người, bồi thường thiệt hại. Ngày nào báo chí cũng xới lên chuyện biển của ta đầy cá mà tầu bè phải nằm bờ chịu phép. Báo chỉ đưa tin, không kèm theo bất cứ lời bình phẩm gay gắt nào. Mà biết bình làm sao! Vì chuyện ‘Cô Láng Giềng To’ ăn hiếp ‘Em Láng Giềng Nhỏ’ là chuyện từ lâu rồi. Hai nhà ở sát vách nhau. diện tích ‘em’ chỉ hơn ba trăm ngàn kilômét vuông trong khi ‘cô’ chín triệu rưởi kílômét vuông. Dân ‘em’ chưa tới trăm triệu, còn ‘cô’ tới một tỷ tư. Từ hồi Tần- Hán, cô từng xua quân chiếm đóng, khai hóa em một ngàn năm ‘ngắn ngủi’. Cho tới khi cô và em cùng vào phe xã hội chủ nghĩa, mới đề ra và tuân theo lai rai tinh thần ‘bốn tốt’(láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt). Việc bang giao, do vậy đỡ xủng xoẻng tiếng binh khí chạm nhau.Vậy mà nay.Người dân cả nước, từ chuyện con cá vắng mặt trên mâm cơm, đã phải nhìn lại gốc rễ vấn đề. Họ chia sẻ nỗi lo với ngư dân nhưng không thể không phẫn nộ vì chung quanh chuyện cá mú nọ, theo lời ông Lê Dũng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, thì ngày 4 tháng 6 qua, đích thân Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã phải ‘giao thiệp’ với đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường để lưu ý Trung Quốc… đề nghị Trung Quốc…Một thanh niên vứt tờ báo đang đọc xuống bàn, tức tối phát biểu ‘hai chữ giao thiệp này kỳ cục quá! Người ta nói A liên hệ với B, A gặp gỡ B, A triệu B tới cho hay…chứ ai nói A giao thiệp với B bao giờ’. Anh tức vì dùng chữ như vậy là quá cà chớn, quá hèn, và đề nghị cách dùng chữ khác, dõng dạc mạnh bạo hơn, ít nhất cũng phải cỡ Bắc Hàn khi ‘giao thiệp’ với Liên hiệp Quốc và Mỹ. Anh này, và những độc giả thừa nhiệt huyết nhưng thiếu tầm nhìn khác, không biết cái thế của ngôn từ, phải do cái thế trên chính trường, chiến trường quyết định. Em Việt Nam, trước Cô Láng Giềng khổng lồ, từ thời lập quốc đến nay, làm gì có cái thế ấy! Và không có thế, thì không có lực. Không có lực thì không có… cá. Trước mắt, ngư dân miền Trung vẫn phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Họ chọn cách liên kết thành đội để tương trợ nhau, chấp nhận ra khơi trong phạm vi hẹp hơn, tránh đụng độ với tầu tuần ngư Trung Quốc. Những lời hứa hẹn can thiệp, giúp đỡ của nhà nước coi như gió thoảng, sau khi ông Tần Cương, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng khẳng định ‘lệnh cấm đánh bắt cá trong mùa hè ở Nam Hải là biện pháp hành chính thông thường và đúng đắn có mục đích bảo vệ nguồn lợi hải dương trong vùng’. Hai chữ ‘trong vùng’, bao hàm một mặt biển rộng tới 128.000 km2, trong đó nằm lọt hai quần đảo mà Việt Nam và Trung Quốc đang tranh chấp là Hoàng Sa( TQ gọi là Tây Sa) và Trường Sa(TQ gọi là Nam Sa).Lời phát ngôn của ông Tần Cương được Tân Hoa xã loan tải chính thức hôm 9 tháng 6 thì một ngày sau đó, ngày 10 tháng 6, trên tờ China Daily, nhiều người dân Trung Quốc lên tiếng đòi ‘Trung Quốc cần có thái độ cứng rắn hơn về chủ quyền’. Thậm chí tờ Đông phương Nhật báo xuất bản tại Hồng Kông cũng gọi Việt Nam là kẻ ‘khiêu khích’ và cho rằng ‘tình hình hiện nay là cơ hội lịch sử cho Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông’. Toàn những lời tuyên bố có gang có thép, khiến người dân bình thường nhất của Việt Nam cũng phải hiểu ‘nên sợ trước đi là vừa’.Nhiều nhà quan sát, bình luận nước ngoài, đứng trên bình diện quốc tế để giải thích lý do các nước trong khu vực luôn xích mích về chủ quyền ở vùng Biển Đông, lý do Trung Quốc luôn kiếm cớ ép Việt Nam, lý do tàu Mỹ ‘thích’ lởn vởn gần Hải Nam- căn cứ hải quân, không quân lớn của Trung Quốc- chọc cho Trung Quốc nóng mũi nóng mặt. Người trong nước chả biết những chuyện thâm cung bí sử này, chỉ biết chuyện không có cá ăn trước mắt.
Không chỉ biển bạc, mà rừng vàng cũng…
Nếu năm ngoái, chuyện nới rộng địa giới Hà Nội được coi là tâm điểm, thì năm nay, không chỉ vụ biển bạc không có cá ăn, mà chuyện rừng vàng bị ‘đào mả cha lên bán’ là ầm ĩ nhất. Chẳng thế mà trong hai ngày rưỡi, từ ngày 11/6 đến trưa ngày13/6, tại hội trường Bộ Quốc phòng Hà Nội, chuyện khai thác bôxít Tây nguyên đã được gần 450 đại biểu quốc hội khóa 12 chất vấn sôi nổi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Lao động. Ngồi nhà bật tivi, radio họp ké Quốc hội, rất nhiều phó thường dân đã đồng tình với cách hỏi sắc sảo, thẳng thừng của đại biểu Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc, về chuyện tại sao chính phủ không xin phép quốc hội trước khi ‘quyết’ vụ bôxít. Có hay không chủ trương xé nhỏ dự án bô xít thành nhiều dự án nhỏ để ‘né’ quốc hội (luật qui định những dự án trên 20 ngàn tỉ đồng mới phải thông qua quốc hội. Trong dự án bôxít Tây nguyên, có dự án làm đường sắt, làm cảng biển, làm nhà máy… chỉ 12 ngàn tỷ nên không phải trình quốc hội).

Tây nguyên trở thành nơi khai thác tài nguyên dữ dội hiện nay. Photo NTLA
Câu hỏi của ông Dương, cũng chính là nỗi bức xúc của các nhà giáo, nhà chính trị, nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn hóa, nhà quân sự trong và ngoài nước suốt nửa năm qua. Nó, cùng hàng loạt những câu hỏi tâm huyết khác, liên tục vang lên nhiều lần tại nghị trường, lần nào cũng làm sôi sục không khí, khiến Bộ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Trưởng bộ Kế hoạch Đầu tư ‘chống đỡ’ vất vả. Họ đẩy trách nhiệm ‘chốt vấn đề’ cho Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vào phiên chất vấn chót. Ông này, có lẽ nhờ có họ với Nguyễn Sinh Cung (tên cúng cơm của Hồ Chí Minh) nên được phép nói năng loanh quanh, tránh né, và sửa lưng người hỏi rất nghiêm nghị. Theo ông, chuyện khai thác bôxít là quyết sách đúng của toàn đảng, toàn dân. Không có sự xé nhỏ công trình. Cái gì làm chưa tốt thì làm lại, sai thì sửa lại. Những phản biện xã hội chung quanh vụ khai thác bô xít là bình thường, đại biểu không được gọi là ‘không đồng thuận’, là ‘trên bảo dưới không nghe’. Trung Quốc có giúp ta khâu xây dựng cơ bản thật nhưng khi hoàn tất công việc, 663 công nhân của họ có mặt trên công trường sẽ về nước hết. Chỉ còn lại ta khai thác của ta. Và như thế, cái gọi là ‘nguy cơ’, là ‘hiểm họa Trung Quốc’ không hề có…Cử tri cả nước được thuyết phục hãy yên tâm vì Đảng đã lường trước, tính trước mọi chuyện, biết tiếp thu mọi ý kiến, sẵn sàng điều chỉnh kịp thời những sự cố phát sinh, không để rừng vàng biển bạc của tổ quốc phải thiệt hại mảy may. Tạm thời, người đánh cá xa bờ dài ngày chịu khó đi ngắn ngày, đi gần lại, mặc cho chợ cá tiêu điều, các bà nội trợ nhăn nhó. Còn những người hay lo ‘thiên hạ sự’ cỡ luật sư Cù Huy Hà Vũ – dám đệ đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì ‘ban hành trái pháp luật’ quyết định cho khai thác bôxít Tây nguyên – hãy thực tế hơn đi, vì hôm qua, ông Lê Công Định mới bị bắt vì tội chống phá nhà nước XHCN, móc nối với bọn phản động nước ngoài. Ông Hà Vũ há không biết ‘con kiến mà kiện củ khoai’ khó đến cỡ nào ư , nhưng cũng còn may, ông chỉ kiện khoai Thủ tướng, còn khoai to hơn, là khoai Trung Quốc, thì ông không kiện. Hú vía cho cô láng giềng! [NTLA]



source



Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment