Wednesday 28 October 2009

Vinashin nợ dây dưa


Chính trị - Xã hội

Thứ Năm, 29/10/2009, 06:03 (GMT+7)


TT - Suốt mấy tháng qua, trụ sở của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) thường xuyên có những người đến nằng nặc xin gặp lãnh đạo tập đoàn này để... đòi nợ. Nhiều chủ nợ khác có công văn lên tận Thủ tướng để nhờ can thiệp. Có chủ doanh nghiệp phá sản vì Vinashin không trả nợ.

Đoàn thương binh của Công ty TNHH Kiêm Dung (Hà Tĩnh) đến chờ đợi ở trụ sở Vinashin để đòi nợ - Ảnh: Công Minh

>> Cần một thiết chế giám sát các tập đoàn
>> Vinashin: tàu đóng mãi không xong
>> Công ty con không thể nhập hàng vì Vinashin nợ đọng hải quan
>> Tổng giám đốc Đầu tư Vinashin: “Chúng tôi vay thì phải trả”

Đơn kêu cứu tới Thủ tướng

Cuối năm 2007, chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình đã ký quyết định cho phép đầu tư dự án san lấp mặt bằng giai đoạn 1 của Khu kinh tế Hải Hà, dự kiến biến vùng đất giáp Móng Cái, Quảng Ninh thành một trung tâm kinh tế với các nhà máy đóng tàu, cán thép... Dự án này được giao cho Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân, do ông Tô Nguyên làm tổng giám đốc, giữ vai trò chủ đầu tư với cơ cấu vốn 1.000 tỉ đồng. Công ty cổ phần kinh doanh khai thác hạ tầng Vinashin - Hạ Long (gọi tắt là Vinashin - Hạ Long) là đơn vị trúng thầu.

Theo thông cáo mới nhất của Ngân hàng quốc tế Credit Suisse chi nhánh Hong Kong, năm 2007 ngân hàng này đã cho Vinashin vay nguồn vốn 600 triệu USD. Ngày 16-1-2008, chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình ký quyết định số 114/2008 điều chỉnh danh mục sử dụng vốn 600 triệu USD, theo đó sẽ dành cho dự án san lấp mặt bằng Khu kinh tế Hải Hà và làm đường công vụ Nhà máy đóng tàu Hải Hà 1.000 tỉ đồng theo quyết định về việc “điều chỉnh danh mục dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài 600 triệu USD của Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân.

Theo ông Nguyễn Thanh Cảnh - tổng giám đốc Vinashin - Hạ Long, lúc đó do có văn bản và được ông Tô Nguyên khẳng định sẽ không thiếu tiền nên ông đã quyết định thuê thêm chín doanh nghiệp khác để tham gia san lấp 5.000ha khu kinh tế. Hơn 3.000 công nhân đã bắt tay vào việc, tuy nhiên sau khi xong việc đòi mãi không được trả nợ. Trong đơn gửi Thủ tướng, ông Nguyễn Thanh Cảnh phải ngậm ngùi: “Chúng tôi đã bị đẩy đến chân tường, trước nguy cơ trở thành những “người cùng khổ” chỉ vì kiểu làm ăn của Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân và Tập đoàn Vinashin”.

2 năm được đầu tư hơn 20.000 tỉ đồng

Chính phủ đã dành 750 triệu USD vốn phát hành trái phiếu quốc tế cho Vinashin, 650 triệu USD cũng được Vinashin vay của ngân hàng Thụy Sĩ chi nhánh Hong Kong Credit Suisse. Như vậy, ít nhất trên 20.000 tỉ đồng đã được chuyển đến tay Vinashin trong vòng hai năm qua. Như trả lời Tuổi Trẻ về dự án FSO-5, ông Lê Lộc nói: “Nếu được giúp đỡ nữa chắc chắn chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn”.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đình Cung - viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Nhà nước không thể giúp mãi một tập đoàn. “Vì vậy một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đang gặp khó như Vinashin cần công khai. Nhà nước cũng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp công khai, minh bạch hóa hoạt động của mình. Các tập đoàn là sở hữu toàn dân nên các vấn đề của nó cũng không nên cho là bí mật” - ông Cung nói.

Trong đơn gửi Thủ tướng, ông Cảnh nêu rõ dù là một tập đoàn uy tín nhưng thực tế mười công ty tham gia dự án cho Vinashin đã phải gửi đến hàng trăm lần công văn đòi nợ, nhiều lần phải lặn lội về Hà Nội “phục kích” để gặp lãnh đạo Vinashin mới được thanh toán 36% giá trị công việc thực hiện.

Đến cuối tháng 10-2009, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Cảnh cho biết Vinashin vẫn còn nợ ông và chín doanh nghiệp ông thuê số tiền lên tới 124 tỉ đồng (tính cả tiền lãi do quá hạn hợp đồng nay đã gần 160 tỉ đồng).

Mặc dù Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Vinashin giải quyết các khoản nợ với mười doanh nghiệp trong tháng 7-2009 nhưng “các lãnh đạo Vinashin chỉ hứa hẹn, không nói rõ bao giờ trả. Quá hạn tôi cố gọi điện nhưng cũng không ai chịu nghe máy” - ông Cảnh nói.

Do phải vay lãi suất ngân hàng năm 2008 với mức cao, Vinashin không trả nợ, theo ông Cảnh, nhiều doanh nghiệp đã phải bán nhà, trụ sở để trả nợ.

Đến tận trụ sở đòi nợ

Tại 172 Ngọc Khánh (Hà Nội), trụ sở của Vinashin, mấy tháng nay tập đoàn này thường xuyên phải tiếp những phái đoàn đến... đòi nợ. Nhóm ít thì 1-2 người, nhóm nhiều lên đến cả chục người. Đã có nhiều cảnh to tiếng xảy ra, thậm chí nhiều đoàn mời cả người thân là thương binh lên dọa nằm nghỉ ngay tại trụ sở Vinashin đến khi tập đoàn này chịu trả nợ.

Ngày 20-10, sau một ngày chờ đợi tại sảnh trụ sở Vinashin nhưng chưa được tiếp, chị Phạm Thị Thanh Tuyết - giám đốc Công ty TNHH Thắng Tuyết (Hải Phòng) - nói: “Chúng tôi đã lên đây mấy chục lần, lần nào cũng được hẹn sáng tiếp rồi hoãn tới chiều, chiều lại báo hoãn đến hôm sau. Xin gặp lãnh đạo tập đoàn thì nhân viên bảo vệ không cho lên, lễ tân báo điện thoại sếp không liên lạc được”.

Chị Tuyết cho biết theo chủ trương đầu tư của Vinashin tại Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương), công ty của chị đã cấp nhiều thiết bị xây dựng nhà xưởng cho công ty con của Vinashin là Công ty cổ phần xây dựng Vinashin, sau này trực tiếp là Công ty cổ phần xây dựng Vinashin số 3.

Từ năm 2008, Công ty Thắng Tuyết liên tiếp đòi tiền nhưng không hề nhận được hồi âm. Đến trụ sở công ty cũng không gặp, “phục kích” cả tháng không thấy giám đốc lên công ty, chị Tuyết phải lên tập đoàn đòi. Tập đoàn gọi giám đốc công ty con lên nhưng cũng phải sau một năm đi lại ròng rã, đến tháng 7-2009 chị Tuyết mới đòi được 300 triệu trong tổng số 800 triệu đồng.

Tàu Hoa Sen 1.300 tỉ đồng đang "nằm ụ" trong vùng nước của Công ty TNHH đóng tàu Cam Ranh - Ảnh: Lê Nam

Trong nhiều đoàn đến Vinashin có “đoàn quân” của ông Cao Xuân Kiêm, đa số là thương binh. Chính ông Kiêm cũng là thương binh nhưng vẫn phải lặn lội không ít lần từ Hà Tĩnh tới trụ sở Vinashin để đòi nợ. Theo ông Kiêm, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kiêm Dung của ông do trại thương binh số 4 của Hà Tĩnh lập ra, có nhiều anh em thương binh góp vốn. Khi Vinashin có chủ trương đầu tư, trực tiếp là Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, bắt đầu thực hiện dự án nhà máy đóng tàu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Công ty Kiêm Dung ký được hợp đồng san lấp mặt bằng.

“Chúng tôi không có nhiều tiền, phải gán sổ đỏ, vay mượn để làm cho Vinashin”. Thế nhưng sau khi hoàn thành dự án vào năm 2007, đến nay Vinashin vẫn nợ công ty 10 tỉ đồng. Hàng trăm lần lên đòi chủ đầu tư, hàng chục lần lên tập đoàn đòi không được. “Vinashin nói khủng hoảng, khó khăn chung nên không trả được nợ. Chúng tôi là công ty nhỏ, còn khó khăn hơn” - ông Kiêm giãi bày.

Địa phương cũng bức xúc

Chuyện nợ nần của Vinashin đã khiến ít nhất một UBND tỉnh phải đứng ra giải quyết, tìm cách giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp tỉnh mình. Đó là UBND tỉnh Quảng Ninh. Ngày 18-6-2009, tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Vinashin về việc triển khai dự án Khu kinh tế Hải Hà, vấn đề “nóng” là Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân thuộc Vinashin dây dưa nợ 150 tỉ đồng, đẩy hàng ngàn lao động và mười doanh nghiệp ở Quảng Ninh vào cảnh lao đao.

Tại đây, theo ông Lê Lộc - tổng giám đốc đầu tư Vinashin, giải pháp tốt nhất hiện nay là các nhà thầu cần “tạo điều kiện” cho các đoàn của tập đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra lại dự án san lấp mặt bằng. Ông Nguyễn Thanh Cảnh rất bức xúc trước cách đề xuất này: “Sau 17 tháng đòi nợ không thành, 14 lần gửi công văn tới lãnh đạo tập đoàn nhưng không được trả nợ, giờ tập đoàn đòi thanh tra một dự án đã nghiệm thu là vô lý, đây chỉ là “thủ đoạn” tiếp tục dây dưa nợ”.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, một lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ninh đã cho biết tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh vào cuộc. Vinashin đã công nhận nợ thì phải tính toán để trả nợ, không nên đưa thêm các thủ tục phiền hà. Nếu Vinashin tiếp tục dây dưa thì đưa vụ việc ra tòa.

CẦM VĂN KÌNH

*********************

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=344935&ChannelID=3

Monday 19 October 2009

Một ngư dân Quảng Ngãi gửi đơn kêu cứu


– Một ngư dân ở Quảng Ngãi đã gửi đơn kêu cứu đến Báo VietNamNet cùng các cơ quan chức năng sự việc tàu của anh bị Hải quân Trung Quốc tịch thu hết tài sản sau khi trú bão số 9.

Anh Nguyễn Văn Tàu, sinh năm 1967, thường trú tại thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Là chủ tàu QNg-5012-TS, công suất 70CV.

Ngày 20/9/2009, anh Tàu cùng 10 thuyền viên bắt đầu hành trình đi biển. Tàu của anh được xuất phát từ cửa Sa Kỳ để đánh bắt hải sản tại khu vực biển có toạ độ 16,04 độ vĩ Bắc; 115,01 độ kinh Đông.

Mô tả ảnh.

Tàu anh Trương Minh Quang ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi trở về trong tơi tả vì bị bão đánh và bị cướp. (Ảnh VNN)

Đến ngày 27/09/2009, tôi nhận được thông tin từ tổng đài trực canh đất liền thông báo cơn bão số 9 đang hình thành trên biển đông ở tọa độ 15,20 độ vĩ Bắc, 117,20 độ kinh Đông và kêu gọi tàu tôi phải tìm nơi trú ẩn. Lúc này tôi cho tàu chạy khẩn cấp đến cảng cầu quân sự Trung Quốc, trên đường đi do thời tiết xấu, sóng to cao khoảng 4-5m đánh vào thân tàu làm rạn nứt hai đầu phi lách.

Lúc này tôi kêu gọi tàu ông Trương Minh Quang cứu hộ dắt tàu tôi đưa về cảng cầu của Trung Quốc đóng lúc 21 giờ tối cùng ngày ở tọa độ 16,27 độ vĩ Bắc, 111,43 độ kinh Đông. Khi bão sắp đổ bộ vào quần đảo Hoàng Sa, tàu ông Trương Minh Quang dắt tàu tôi vào bên trong cảng cầu quân sự của Trung Quốc lúc 15 giờ chiều ngày 28/09/2009 để trú ẩn”, chủ thuyền Nguyễn Văn Tàu trình bày.

Hai hôm sau, khi bão số 9 đã qua, những ngư dân chuẩn bị đưa thuyền rời đảo thì đột nhiên bị một số lính Hải quân của Trung Quốc ra tàu của anh kiểm tra giấy tờ và tịch thu toàn bộ trang thiết bị trên tàu và toàn bộ hải sản đánh bắt được.

Số tài sản trên tàu QNg-5012-TS bị tịch thu gồm có: Một đàm 6 băng, 01 máy tầm ngư, 01 máy định vị, 01 máy định vị quét hải đồ, 9 bộ đồ lặn, 10 chiếc điện thoại di động của các thuyền viên. Ngoài ra hơn 2000 lít dầu diezen, 5 can nhớt và toàn bộ hải sản cũng bị lấy hết.

Theo anh Tàu thì tổng số tài sản bị Hải quân Trung Quốc tịch thu có giá trị ước tính trên 175.000.000 đồng (một trăm bảy mươi lăm triệu đồng).

Bị tịch thu toàn bộ tài sản và các thiết bị, tàu của anh Nguyễn Văn Tàu phải nhờ tới tàu của ông Trương Minh Quang dẫn dắt tàu và các thuyền viên trở về đất liền. Đến 17h ngày 06/10 thì về đến cảng Sa Kỳ.

Lá đơn kêu cứu của anh Nguyễn Văn Tàu có danh sách đầy đủ của các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Ngãi để mong được các cấp xem xét hỗ trợ thiệt hại cho tàu của anh nhằm giúp khắc phục bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, tiếp tục ra khơi.

Chúng tôi sống vốn dựa vào biển là chính, các thành viên trong gia đình chỉ trông chờ vào những chuyến đi biển về để trang trải cho cuộc sống gia đình và trả nợ nần. Nhưng không may gặp rủi ro do bão số 9 gây ra làm hư hỏng máy móc, lại còn bị phía Trung Quốc tịch thu nhiều tài sản có giá trị, chúng tôi không còn đủ trang thiết bị để tiếp tục cho những chuyến biển tiếp theo. Vì vậy đời sống của các thuyền viên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, anh Tàu lo lắng cho những chuyến đi biển tiếp theo vì đã bị “cướp” hết tài sản và các thiết bị.

· Duy Tuấn (tổng hợp)

*******************************

source

Một ngư dân Quảng Ngãi gửi đơn kêu cứu

Cập nhật lúc 13:39, Thứ Hai, 19/10/2009 (GMT+7)

http://www.vietnamnet.vn/bandocviet/bandoc/200910/Mot-ngu-dan-Quang-Ngai-gui-don-keu-cuu-874329/

- Chiều nay (21/10), Bộ Ngoại giao triệu Đại sứ Trung Quốc đến để trao công hàm yêu cầu xử nghiêm những nhân viên vũ trang có hành động thô bạo với ngư dân Việt Nam.

Mô tả ảnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Ảnh: VNN
Cuối tháng 9 vừa qua, 16 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi vào tránh bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa đã bị nhân viên vũ trang của Trung Quốc nổ súng ngăn chặn không cho vào đảo và sau khi bão tan đã bị đánh đập, thu giữ tài sản, trang thiết bị.

Về vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết chiều nay (21/10), Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam phản đối việc nhân viên vũ trang Trung Quốc có những hành động vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam vào tránh bão tại đảo Phú Lâm (ngư dân Việt Nam thường gọi là đảo Trụ Cẩu), thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ.

Trong công hàm, Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những nhân viên vũ trang có hành động đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, đồng thời có các biện pháp ngăn chặn không để những hành vi tương tự tái diễn.

Chiều 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế cho biết Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã hoàn tất việc thu nhập, xác minh thông tin từ các ngư dân. Tỉnh Quảng Ngãi đã gửi văn bản chính thức về vụ việc ngư dân bị phía Trung Quốc ngược đãi, kiến nghị Bộ Ngoại giao có giải pháp can thiệp.

Theo lời các ngư dân, khi vào tránh bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa, họ đã bị nhân viên vũ trang của Trung Quốc tịch thu tài sản gồm máy Icom, máy dò, máy định vị, bộ dây hơi và bình lặn, cùng thủy sản vừa đánh bắt được. Trung bình mỗi tàu bị lấy khoảng 2.000 lít dầu diesel.,

Hầu hết số tàu này mới ra khơi chưa đầy một tuần đã gặp bão, nên khi bị tịch thu nhiên liệu, thiết bị, ngư cụ đánh bắt, ngư dân phải trở về với nợ nần chồng chất, từ 50 triệu đến hơn 200 triệu đồng/tàu.

  • Xuân Linh
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/200910/Yeu-cau-Trung-Quoc-boi-thuong-thiet-hai-ngu-dan-Viet-Nam-874768/

Friday 9 October 2009

Trú bão: bị cướp và ăn đòn


Ngày 10.10.2009 Giờ 10:41


SGTT - Khoảng 21 chiếc ghe (17 ở Lý Sơn, 4 ở Bình Châu) đã gặp bão khi đang lênh đênh trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Mỗi ghe đều có sự chọn lựa riêng: kẻ đi trú bão, người chạy về nhà. Tất cả đều thoát chết nhưng số phận của 21 chiếc ghe lại không giống nhau khi lâm nạn bão và người.

Cha con ông Lê Đủ kể lại những ngày chạy bão

Như bài trước đã nêu, bốn chiếc ghe của dân đảo Lý Sơn đã chọn cách chạy thẳng vào bờ. Còn 17 chiếc rủ nhau đi trú bão vì đánh bắt cách quần đảo Hoàng Sa, nơi có cảng trú bão, chỉ khoảng 50 hải lý. Hơn 200 con người, tuy không bị bão dập nhưng phải chịu cướp bóc và đòn thù của lính trên cảng.

Đến bị súng bắn

Ông Dương Văn Thọ (là một trong 13 ngư dân bị Trung Quốc bắt hồi tháng 6 vừa qua), nhớ lại, đêm 26.9, khi nghe tin bão, ông lệnh nhổ neo nhằm hướng đảo chạy tới, trên ghe đã đánh được hơn bốn tấn cá. Đến sáng sớm 27, ghe của ông đến cửa cảng Hữu Nhật, một cảng quân sự của hải quân Trung Quốc nằm trên quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cảng này là nơi tàu bè đi ngang trú mỗi khi có bão, người Việt gọi là cảng Cần Cẩu vì nơi đây có nhiều cần cẩu. Gần như cùng lúc, 17 chiếc ghe của ngư dân Việt Nam (13 chiếc của xã An Hải, Lý Sơn; 4 chiếc của Bình Châu) đánh chung một vùng biển đều giương cờ trắng chạy đến đây.

Thấy ghe Việt Nam đến, lính đảo liền nổ súng cảnh cáo. Mấy ghe đi đầu lập tức vòng ra xa. Lúc này nhiều ghe đã gọi điện thẳng về Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi nhờ can thiệp để ghe được vào cảng trú bão và đừng lấy đồ của ghe. Biên phòng nhận lời và dặn thêm, không lo đồ đạc, vì nguyên tắc, vào núp bão sẽ không ai lấy gì. Đoàn ghe tạm yên tâm, quay mũi về cửa cảng, nhưng đạn lại vãi ra, ghe lại cuống cuồng bỏ chạy.

Kể chuyện buổi sáng hôm đó, ông Nguyễn Phụng Lưu còn bàng hoàng, ghe của ông chạy cùng lúc với ông Thọ, lính đảo bắn choé lửa quá trời quá đất. Hai ghe đi đầu chạy dạt ra vì lo trúng đạn. Vài lần như thế, không còn ai dám mon men đến cửa cảng nữa. Tất cả neo ngoài khơi, nhìn từng đoàn ghe tàu của Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản chậm rãi vô tránh bão mà buồn bực. Neo đến chiều, gió lớn thổi mạnh, sóng cao đập từng hồi, bão đang đến gần, thấy vậy ông Lưu la lớn: “Lao vô đại thôi, trúng đạn thì còn người sống người chết, ở ngoài này bão vô sẽ chết hết”. Tất cả ùn ùn lao vào cảng, ghe ông Thọ chạy vào trước, tất cả nín thinh, nhưng lần này không nghe súng nổ. Thế là thoát bão, ba ngày ba đêm trong cảng an toàn, không bị ai kiểm tra, ai nấy mừng thầm tai qua nạn khỏi.

Đi bị đánh và cướp

Sáng 30.9, biển đã bớt sóng gió, 17 chiếc ghe sửa soạn ra khơi. Bỗng dưng, trước cửa cảng xuất hiện một toán lính khoảng vài chục người, tay lăm lăm súng đạn nhảy xuống các ghe.

Lúc đó, ông Thọ bị bất ngờ vì đinh ninh ghe trú bão sẽ không bị làm khó, nên khi lính ồ ạt nhảy lên ghe, cả chục nòng AK chĩa vào, mọi người chỉ còn biết quỳ xuống, giơ hai tay lên đầu. Đi cùng toán lính là một viên sĩ quan nên không ai bị đánh đập, nhưng đồ đạc bị thu gom một cách nhanh chóng: máy Ecom (liên lạc), máy đo nước, bốn cuộn dây lặn, định vị, khoảng một tạ cá. Có lẽ do ghe ông cập ngay sát cầu cảng nên hai chiếc thuyền thúng cũng bị tước mất. Ông nài nỉ xin lại máy định vị (để biết hướng đi về) nhưng kẻ lấy không cho. Tài sản còn lại chỉ là chiếc la bàn. Xong việc, toán lính lại nhảy sang ghe khác.

Thấy các ghe trước lao xao chuyện lính lấy đồ, ông Lê Đủ liền giấu ngay máy móc xuống khoang máy, vừa kịp lúc toán lính khác nhảy lên. Hai lính đi trước, một cầm búa, một cầm dao chỉ mặt ông ý hỏi máy định vị và Ecom đâu? Ông lắc đầu, chiếc dây chuyền vàng trong cổ lòi ra, một tên lao vào vạch áo giật sợi dây đút ngay vào túi. Tên khác ra hiệu mọi người lột đồ trong túi, nguy ngập, ông Đủ lanh trí móc ra cái điện thoại xịn và số tiền còn để chúng không truy bạn ghe. Chưa yên, tên cầm búa bằm nát tám cuộn dây lặn, một số tên khuân luôn đồ ăn, thức uống xuống ca nô. Mọi thứ tạm ổn, lúc này hai tên trong toán quay lại hỏi máy móc, ông Đủ chỉ sang ghe bên cạnh nói hai ghe đi chung nên chỉ có một máy (đã bị thu). Thấy Hợp (con út ông Đủ, 15 tuổi) nhỏ bé nhất, hai lính vắt người thằng bé lên cửa và bắt đầu tra tấn. Hợp nhớ lại, giày đinh thi nhau đá vào hai mạng sườn, những cú tát nảy lửa. Đau đến ngất nhưng thằng bé nhất định không hé răng. Trước họng súng gí vào đầu, người cha bất lực nhìn con bị hành hạ. Đánh một lúc, không moi được gì, hai tên lính thả Hợp ra, sức vóc 15 tuổi chẳng thấm vào đâu với những đòn thù, thằng bé đổ gục, toán lính rút, người cha lao ra ôm đứa con, hai be sườn đỏ tấy, người mềm oặt.

Bạn ghe của ông Nguyễn Trọng Lưu đang kiểm tra lại khoang chiếc ghe, sau những ngày sóng gió trên biển

Số phận của cha con ông Lưu còn bi đát hơn, thấy lính chặn đường, ông cùng con trai tên Tâm, 19 tuổi, vội vàng nhét máy móc, điện thoại vào thùng gạo ở gầm ghe. Khi toán lính ập vào, thấy cục sạc pin điện thoại ở góc, tất cả lao vào tra tấn thuỷ thủ để tìm điện thoại. Cả hai cha con bị đánh nặng, đứa con chịu đòn không nổi, chỉ sau vài loạt đấm đá, Tâm khóc thét chạy vô lấy điện thoại từ hũ gạo ra. Nhưng, một tên lính đi theo, biết chỗ và moi ra hết đồ giấu, trận đòn tái diễn và nặng hơn đổ xuống đầu cha con ngư dân và bạn ghe vì tội “nói dối, không chịu khai”. Mắt phải Tâm đỏ rực, máu chảy ròng ròng, người cha vừa chịu đòn, nhìn đứa con trong nước mắt. Đánh xong, toán lính gom sạch đồ, cả hai chiếc radio cũng không thoát, trừ chiếc la bàn.

Cứ thế, hết chiếc này đến chiếc khác, mười bảy chiếc ghe cùng chung bi kịch, phần đông bị đánh, có người bị đánh đến ngất xỉu, máy móc, thức ăn bị cướp, thùng phuy chứa nước ngọt bị búa băm thủng, thúng bị chặt rách đít... Tính sơ, mỗi ghe mất hết đồ chừng 50 – 70 triệu đồng.

Định vị không còn, ông Thọ chọn hướng bằng la bàn, ghe theo đó mà đi, lênh đênh trên biển thêm hai ngày nữa, bến quê hiện ra. Không may mắn, ghe của ông Lưu đi lệch xuống mãi Quy Nhơn.

Ghe ông Đủ thiệt hại nhẹ nhất nên ông vẫn ra khơi thêm ít ngày nữa, chỉ khổ đứa con út quằn quại cả tuần trên ghe, Hợp bị sốt, khắp người ê ẩm vì đòn. Đến khi về nhà, đôi mắt đứa trẻ 15 tuổi còn ngơ ngác, khuôn mặt còn sưng mọng sau những ngày hãi hùng trên biển.

Ngồi quanh ngọn đèn dầu dưới nền nhà, đôi vai ông Lưu như càng thõng xuống khi kể lại những ngày đã qua. “Mình trú bão chứ có làm gì đâu mà họ đánh đập, cướp bóc tàn tệ”, ông nức nở. Mấy người bạn ghe ngồi cạnh đều lặng lẽ khóc, không một tiếng nấc mà nước mắt cứ chảy dài xuống chiếu.

bài và ảnh Doãn Khởi

*************************************

source

http://sgtt.com.vn/Detail24.aspx?ColumnId=24&newsid=57913&fld=HTMG/2009/1008/57913

Friday 2 October 2009

Thiếu nhi Thái Hà vui tết Trung thu



Hà Nội-Chiều tối 2/10/2009, Giáo xứ Thái Hà tổ chức vui tết Trung Thu cho thiếu nhi. Thánh lễ càu nguyện cho các em do cha Matthêu Vũ Khởi Phụng chủ tế. Chương trình văn nghệ do các em thiếu nhi và các anh chị huynh trưởng phụ trách. Khoảng 500 em thiếu nhi trong giáo xứ đã tham dự buổi liên hoan trung thu này. Buổi liên hoan đã mang lại cho các em niềm vui vô bờ. Các em hớn hở, tíu tít, sung sướng khi được quý cha đặt tay chúc lành, được bánh trung thu, được nhận quà, được xem các tiết mục văn nghệ ngộ nghĩnh, hấp dẫn. Trong buổi liên hoan văn nghệ cha G.B Hồ Quang Lâm cha G.B Hồ Quang Lâm, Tuyên uý Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, cũng nhắc nhở mọi người hiện diện ưởng nhớ đến các em thiếu nhi vùng bão lụt và đóng góp giúp đỡ các em này./.

CTV dcctvn.net

***************** source Dong Chua Cuu The Viet Nam