Tuesday 23 November 2010

Hungary có công nghệ cao, bể chứa bùn đỏ kiên cố nhưng vẫn xẩy ra thảm họa


HUNGARY - VIỆT NAM -
Bài đăng : Thứ ba 23 Tháng Mười Một 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 23 Tháng Mười Một 2010
Hungary có công nghệ cao, bể chứa bùn đỏ kiên cố nhưng vẫn xẩy ra thảm họa
Quét dọn bùn đỏ tại làng Devecser, cách Budapest 150 km (Reuters)
Quét dọn bùn đỏ tại làng Devecser, cách Budapest 150 km (Reuters)
Hoàng Nguyễn / Trọng Thành

Ngày hôm qua (22/11), tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội về dự án khai thác bauxit Tây Nguyên, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã mời Bộ trưởng Tài Nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên đánh giá về chất lượng của các công trình bảo vệ hồ chứa bùn đỏ. Đánh giá này trên thực tế có sử dụng các chi tiết trong báo cáo của một đoàn công tác Việt Nam tại Hungary. Tuy nhiên, các hoạt động của đoàn công tác kể trên lại không được công chúng tại Việt Nam biết đến.


Thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest
23/11/2010

Trên thực tế, đoàn công tác Việt Nam đã được phía Hungary tiếp nhận để sang khảo sát, và đã trở về Việt Nam từ 4 hôm nay.

Các hoạt động của đoàn công tác Việt Nam tại Hungary

Thông tin này đã được Cục phòng chống Thảm họa Quốc gia (trực thuộc Bộ Nội vụ Hungary) công bố. Cụ thể, ngày 17-11 vừa qua, một đoàn công tác Việt Nam gồm 22 thành viên đã đến thăm và khảo sát tình hình tại làng Kolontár và thành phố Devecser, là hai địa phương bị hủy hoại nặng nề nhất trong sự cố tràn bùn vừa qua, mà Cục phòng chống thảm họa quốc gia gọi đó là “thảm họa công nghiệp”.

Được biết, hai quan chức Hungary là Quốc vụ khanh Bộ Môi trường Illés Zoltán và Đại tá Dobson Tibor, một quan chức Cục phòng chống Thảm họa Quốc gia, đã đưa đoàn Việt Nam đi thị sát hiện trường thảm họa.

Thoạt đầu, tại thành phố Devecser, đoàn Việt Nam được thông tin về diễn biến của sự cố, về công tác cứu hộ, cũng như về những biện pháp xử lý tình huống đã thực hiện, và sẽ được tiến hành theo dự kiến để tái thiết khu vực này.

Tiếp đó, tại làng Kolontár (cách bể chứa số 10, nơi xảy ra sự cố bùn tràn, chừng 1 km), đoàn Việt Nam có dịp chứng kiến tận mắt khu vực bị cơn lũ bùn đỏ tràn qua. Sau đó, đoàn tới thăm con đập bị vỡ và khảo sát các biện pháp kỹ thuật đang được tiến hành tại đó.

Cục phòng chống Thảm họa Quốc gia cũng cho biết, đoàn Việt Nam đã trao cho thành phố Devecser khoản hỗ trợ trị giá 5.000 USD để ủng hộ công việc tái thiết ở đây.

Kết luận của đoàn Việt Nam và các nhận định của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên về chất lượng của bể chứa bauxite Tây Nguyên

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đoàn khảo sát Việt Nam “đang hoàn thiện một báo cáo để gửi lên Quốc hội và các cơ quan chức năng của nhà nước”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết là “đã trực tiếp làm việc với nhiều thành viên trong đoàn”, và có đưa ra một số so sánh đáng chú ý trong phát biểu trước Quốc hội.

Về công nghệ, ông Nguyên khẳng định “công nghệ của Hungari hiện nay của nhà máy bauxit AJKA của Hungari là công nghệ từ năm 1942”, trong khi “công nghệ của Việt Nam chọn là một trong những công nghệ tiên tiến”, được “anh em đánh giá là những công nghệ tiên tiến nhất thế giới”. Con số 1942 còn được Bộ trưởng trưởng nhắc đến một lần nữa trong phát biểu, khi ông nhắc đến bức vách chắn: “Thành xây của Hungary làm từ năm 1942.”

Theo tôi, ở đây, có thể có sự nhầm lẫn gì đó. Quả thực nhà máy ở thành phố Ajka của Hungary được vận hành vào ngày 20-11-1942, nhưng ngay từ khi khai trương, công nghệ ở đó đã được đánh giá là tiên tiến vào giai đoạn đó.

Trong những năm thời xã hội chủ nghĩa, Hungary là nước được chọn trong khối Hội đồng Tương trợ Kinh tế để phát triển công nghiệp nhôm, và được coi là “cường quốc” - có lúc xếp thứ 7 về nhôm trên thế giới. Nhà máy ở Ajka khi đó không chỉ chế biến quặng bauxite, mà còn luyện nhôm và có cả một nhà máy nhiệt điện riêng để phục vụ cho nhu cầu điện năng.

Sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị và trong quá trình tư hữu hóa, nhà máy về tay Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) và hiện là cơ sở chế biến alumin duy nhất còn tồn tại ở Hungary, với mức sản xuất chiếm 12-14% thị phần Châu Âu và 4% thị phần thế giới về bauxite, alumin và nhôm.

Tập đoàn này đã mở nhiều chi nhánh tại các quốc gia khác, chủ yếu phục vụ các đối tác nước ngoài. Các chuẩn trong công nghệ do MAL Zrt. áp dụng cũng được phát triển thường xuyên theo quy định của Liên hiệp Châu Âu, nên không thể nói công nghệ hiện nay của họ là từ năm 1942.

Thêm nữa, bể chứa bùn đỏ số 10 - nơi xảy ra sự cố tràn bùn - là 1 trong 2 bể còn hoạt động, trong tổng số 10 bể ở thành phố Ajka. Tám bể còn lại từ lâu đã không hoạt động: theo khẳng định của Cục phòng chống Thảm họa Quốc gia, chúng đã được che bởi lớp đất và thực vật, được thực hiện hoàn thổ và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn môi sinh. Bể chứa số 10 thuộc loại mới nhất trong hệ bể chứa bùn đỏ ở Ajka, mới được xây vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước, chứ không phải từ năm 1942.

Ông Phạm Khôi Nguyên còn cho rằng “về các sự cố xảy ra như thế nào thì bạn (tức phía Hungary) không lường trước. Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì đã lường trước những sự cố và nếu xảy ra thì hoàn toàn đảm bảo được mức độ an toàn”. Khẳng định này có vẻ mang màu sắc tương đối cảm tính, vì những thảm họa như tại Hungary là điều không ai có thể lường trước đượ. Theo MAL Zrt., họ đã thực hiện nghiêm ngặt tất cả các biện pháp kỹ thuật cần thiết và theo đòi hỏi của Hungary và EU.

Thành vách bể chứa số 10 cũng được kiểm tra định kỳ, và với bề dày ở dưới phần gốc là 65m, từng được tổng giám đốc Tập đoàn Nhôm Hungary gọi là “biểu tượng của sức mạnh”, tương đương với một pháo đài kiên cố mà MAL Zrt. từng nghĩ là ở sẽ tồn tại ở mức độ vĩnh cửu, chứ không phải họ không quan tâm và chểnh mảng trong vấn đề môi trường.

Cho nên, yếu tố an toàn ở đây là điều rất khó nói, và càng khó khẳng định là có thể lường trước mọi hậu họa, và nếu có thảm họa thì “hoàn toàn đảm bảo được mức độ an toàn” - ngay cả trong trường hợp Hungary là quốc gia có lịch sử và truyền thống khai thác bauxite, alumin và nhôm hàng trăm năm nay.

Chuyện “hậu bùn đỏ”: phản ứng của người dân khi chưa được bồi thường

Sốt ruột và bực bội vì cho rằng những biện pháp bồi thường trong thảm họa bùn đỏ của Chính phủ Hungary là chưa được như ý, người dân thành phố Devecser - một trong các địa phương bị thiệt hại nặng nề vì bùn đỏ - đã lên kế hoạch biểu tình phản đối, dự tính bằng cách huy động chừng 1.500 người lên xe hơi và chắn con đường từ thành phố này về Budapest.

Sở dĩ có sự bức xúc này là vì vài tuần sau sự cố tràn bùn ở thành phố Ajka, Chính phủ Hungary đã ra một nghị định về việc thành lập Quỹ Cứu trợ Hungary để nhận các khoản quyên góp từ cư dân và doanh nghiệp. Tính đến trung tuần tháng 11, đã có gần 1,5 tỉ Ft được chuyển về Quỹ, nhưng mới chỉ có chừng 40 triệu Ft được phân bổ về các địa phương bị thiệt hại nhiều nhất - số phận của phần tiền còn lại rất mập mờ.

Chính phủ Hungary cho hay: hiện tại, chi phí cho công việc cứu hộ và tái thiết vẫn được chi từ nguồn của Nhà nước - quyết định về việc sử dụng các nguồn của Quỹ Cứu hộ sẽ được đưa ra sau. Bởi lẽ, Chính phủ cho rằng trước hết, các cư dân phải quyết định chuyện đi hay ở, rồi họ mới được nhận tiền.

Lời lý giải ấy của Chính phủ không làm thỏa mãn cư dân Devecser. Nhiều người cho rằng, họ đã không được nhận thông tin rõ ràng về những nguy cơ sức khỏe mà bùn đỏ có thể gây ra cho họ, đặc biệt là cho con cái họ - một khi chưa biết mảnh đất nơi họ ở còn sinh sống được không, thì cũng không thể có ngay quyết định trong vấn đề ở lại, hay chuyển đi.

Mặt khác, người dân cho rằng thay vì cứu hộ và hỗ trợ, chính phủ phải bồi thường hoàn toàn mọi thiệt hại về vật chất và tinh thần cho họ. Theo quan điểm của cư dân, ngay lập tức, nhà nước cần ứng ra cho dân toàn bộ khoản bồi hoàn đó và sau này, khi mọi thứ đã được làm sáng tỏ về trách nhiệm trong sự cố, chính quyền có thể đi đòi lại từ thủ phạm của sự cố bùn đỏ.

Để bày tỏ thái độ đó, người dân Devecser đã trù liệu cho một cuộc tuần hành, biểu tình chặn đường và phản đối, nhưng không được cảnh sát địa phương cho phép, viện dẫn là cả khu vực vẫn nằm trong trạng thái khẩn cấp được ban bố từ khi thảm họa bùn đỏ xảy ra. Tình hình trở nên căng thẳng và do đó, một số cuộc thương thảo đã được tổ chức để làm dịu câu chuyện.

Rốt cục, nhóm biểu tình tuyên bố sẽ hoãn biểu tình cho đến ngày 1/12 nếu trong vòng 1 tuần, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor đích thân xuống giải quyết nguyện vọng của họ. Nếu thay đổi không đến nhanh và kịp thời, “không gì ngăn chặn” được họ.

Để giải quyết tình trạng đó, theo những diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Nội vụ Hungary Pintér Sándor đã tuyên bố : Chính phủ nước này sẽ bồi thường toàn bộ mọi thiệt hại của cư dân và sẽ tái thiết hoàn toàn những khu vực bị bùn đỏ hủy hoại, từ nay đến ngày 31-7 sang năm. Thiệt hại do bùn đỏ gây ra, được ông Pintér công bố, ước tính chừng 55 tỉ Ft (tương đương 275 triệu USD).

Chính quyền Hungary cũng nhấn mạnh rằng hiện nay, tại hiện trường thảm họa, không có gì nguy hại đến sức khỏe người dân và trong vòng vài năm, có thể canh tác lại tại các vùng đất nông nghiệp bị lũ bùn tràn qua, nhưng để chắc chắn, trước mắt, thực phẩm sẽ không được canh tác tại đó.

Những giải pháp do Chính phủ Hungary đề ra dường như đã thỏa mãn được yêu cầu của người dân, nên nhóm biểu tình cho hay họ sẽ chờ đợi và tạm thời ngưng ý định biểu dương lực lượng để phản đối.

source

RFI Vietnamese

Monday 22 November 2010

Bô-xít Tây Nguyên: Chế tài nào khi xảy ra rủi ro?


Bô-xít Tây Nguyên: Chế tài nào khi xảy ra rủi ro?

(VEF) - Dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, mấu chốt không còn nằm ở chỗ dừng hay tiếp tục nếu một khi "ván đã đóng thuyền", mà chính ở chỗ chế tài khi xảy ra rủi ro, nhất là tai nạn vỡ hồ bùn đỏ tầm cấp dạng MAL Zrt ở Hungari hay BP để tràn dầu ở Mỹ.

LTS: Dự án bô-xít Tây Nguyên, dù tạm hoãn hay tiếp tục triển khai, giờ không còn là vấn đề cấp thiết nữa. Quan trọng hơn, làm sao để giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro xảy ra? Đó không chỉ là vấn đề của bô-xít Tây Nguyên, mà của tất cả các dự án khác, khi tác dụng phụ của nó tác động mạnh đến con người và môi trường sinh thái.

Bài viết dưới đây của TS. Nguyễn Sỹ Phương từ CHLB Đức là một góc nhìn nhằm góp ý xây dựng về cách vận hành dự án bô-xít ở Tây Nguyên sao cho hiệu quả, an toàn. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) xin trân trọng giới thiệu.

Doanh nghiệp làm, hậu họa Nhà nước "gánh"

Đặc trưng cơ bản nhất phân biệt nền kinh tế thị trường, là dứt khoát phải có 2 đối tượng bên bán và bên mua nghịch nhau về quyền lợi, bên này hơn thì bên kia thiệt và ngược lại.

Cũng từ đó, khác hẳn với nền kinh tế quản lý tập trung nhằm hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao, doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường (trừ những doanh nghiệp nhằm mục đích xã hội, không kinh doanh) hoàn toàn theo đuổi mục đích lợi nhuận - thiếu động cơ này không thể có nền kinh tế thị trường - "máu mê" tới mức như Mác nói "lãi 300% thì thắt cổ nó cũng sẵn sàng".

Một khi đã sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng mình thì vận mệnh, lợi ích người khác họ cũng không ngoại trừ, pháp luật vì vậy bắt buộc phải chế tài họ bằng cách gánh chịu trách nhiệm trước mọi hậu họa.

Đó chính là vai trò chức năng bắt buộc của mọi nhà nước gắn với nền kinh tế thị trường. Thiếu đặc trưng này, nền kinh tế thị trường không cần chờ đến nền kinh tế quản lý tập trung phủ định, chắc chắn đã phải cáo chung từ lúc khởi thủy, không thể phát triển mạnh mẽ, trở thành toàn cầu hoá như hiện nay, bởi quy luật xã hội bền vững chỉ xảy ra một khi lợi ích và trách nhiệm cân bằng, nếu không tự nó phải đổ vỡ!

Khai thác bô-xít hay bất cứ khoáng sản nào ở bất kỳ nước nào có nền kinh tế thị trường cũng là đối tượng kinh doanh của doanh nghiệp, theo đuổi mục đích lợi nhuận tối đa.

Người bán khoáng sản không ai khác ngoài Nhà nước, để thu tiền dưới dạng thuế tài nguyên hoặc trích nộp lợi nhuận, nhiều như có thể. Nhìn dưới góc độ động cơ "máu mê" trên, Nhà nước và doanh nghiệp khai thác là hai đối tác đóng vai trò kẻ bán người mua không hơn, không kém!

Toàn cảnh nhà máy alumin ở Tân Rai (ảnh Phạm Huyền)

Chính vì vậy, cả hai bên bán và mua phải chịu trách nhiệm vô hạn bồi thường thiệt hại, được chế tài bởi pháp luật, đối với hậu quả nó gây ra cho người dân vốn là chủ nhân của đất nước có khoáng sản đó.

Vụ bồi thường thiệt hại tràn dầu vịnh Mexico do tập đoàn đa quốc gia BP gây ra cho nước Mỹ là một minh chứng đang thời sự.

Lúc đó, Tổng thống Obama cam kết huy động cả quân đội để khắc phục, nhưng đặt điều kiện hãng BP phải thanh toán mọi chi phí, bởi không lý gì, lãi thì chỉ mình BP hưởng, còn thiệt hại xảy ra thì nhà nước, mà rốt cuộc là người đóng thuế, phải gánh chịu.

Kết quả, tính đến đầu tháng này, BP đã phải trả Chính phủ Mỹ chi phí làm sạch môi trường lên tới 390 triệu USD, chưa tính các khoản phải trả cho một núi đơn kiện của vô số cá nhân, doanh nghiệp đòi bồi thường thiệt hại.

Riêng khắc phục sự cố, bịt miệng giếng dầu chặn tràn, BP chứ không phải nước Mỹ, đã phải tự bỏ ra tới 8 tỷ USD. Dự kiến tổng chi phí của BP sau thảm họa này sẽ lên tới 32,2 tỷ USD.

Vụ thảm hoạ bùn đỏ do Tập đoàn nhà nước MAL Zrt Hungari khai thác gây ra, chấn động thế giới vừa qua, lại là một nghịch chứng.

Khác với BP ở Mỹ, không phải MALZrt mà nhà nước cùng nhân dân họ phải dốc mọi nhân, tài, vật lực cứu hộ dân chúng bị nạn, bởi doanh nghiệp này đặt dưới sự giám sát và điều hành trực tiếp của Nhà nước, giao cho trung tướng TS Bakondi György, Cục trưởng Cục Phòng chống thảm họa Quốc gia (OKF) đứng đầu.

Nghĩa là, nó không độc lập như BP, nên không thể chịu trách nhiệm với hậu họa - di sản của nền kinh tế quản lý tập trung trước kia ở nước này, vẫn giữ nguyên quyền lực Nhà nước đối với với doanh nghiệp nhà nước, nên hậu họa chúng gây ra, trách nhiệm Nhà nước phải gánh trọn là lẽ đương nhiên.

Bô-xít Tây Nguyên: Chế tài nào khi xảy ra rủi ro?

Ở nước ta, vấn đề bô-xít Tây Nguyên, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) không những không độc lập như MAL Zrt của Hungari, mà còn đóng luôn vai trò người bán là Nhà nước.

Đó là khi ông Lê Dương Quang, Chủ tịch HĐQT, chức danh của tập đoàn, tức người mua, trước mọi tầng lớp nhân sỹ trí thức lo ngại thảm họa môi trường kiến nghị Nhà nước ngừng dự án, lại trả lời với tư cách Nhà nước (người bán): "Tôi khẳng định lại, không có lý do gì mà dừng dự án, ngược lại phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đạt hiệu quả".

Còn ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, người trực tiếp điều hành doanh nghiệp, ủng hộ theo, bằng cách "mặc cả" đã đầu tư trên 400 triệu USD vào dự án bô-xit Tây Nguyên trong tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng (chừng 600 triệu USD).

Nghĩa là, nghiễm nhiên coi thiệt hại đó là của Nhà nước, tức người bán, chứ không phải của người mua (TKV), nên đòi Nhà nước phải có trách nhiệm, chứ không phải đòi chính TKV mà ông đại diện, phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Nơi đây sẽ là hồ bùn đỏ trong tương lai ở Tân Rai (Lâm Đồng) - ảnh Phạm Huyền

Về phần Nhà nước, khác với quan điểm của Tổng thống Obama buộc BP phải bồi thường, Bộ Tài nguyên và Môi trường ta với chức năng cơ quan nhà nước, tức người bán, lại đóng vai trò người mua, khi Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trả lời phỏng vấn báo chí về độ an toàn hồ chứa bùn đỏ vốn thuộc trách nhiệm bên mua TKV: "Chúng tôi chia ra từng lô, mỗi lô 5 ha, kín đầy từng lô và đảm bảo an toàn mới chuyển sang lô khác".

Tài chính cũng vậy. Trung tâm Quan trắc môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với khu vực sản xuất bô-xít thuộc chức năng nhà nước không phải do ngân sách mà lại do người mua TKV chi trả, nghiã là người mua "nuôi" người bán.

Lý do cả bên mua lẫn bên bán đóng vai trò cả bán lẫn mua bắt nguồn từ bản chất cố hữu của nền kinh tế quản lý tập trung bằng quyền lực cùng bộ máy nhà nước.

Mua bán được định nghĩa là quá trình chuyển quyền sở hữu từ người bán sang người mua; trong khi nền kinh tế quản lý tập trung lại coi nhà nước là chủ nhân trực tiếp điều hành mọi doanh nghiệp nhà nước, nên quá trình mua bán giữa chúng thực chất chỉ chuyển quyền sử dụng, chứ không phải thay đổi chủ sở hữu, trước sau vẫn của nhà nước.

Từ đó, các tập đoàn nhà nước, như TKV được cơ cấu nhân sự cấp thứ trưởng, đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ vốn mang chức năng hành pháp, bổ nhiệm nhân sự, phê duyệt kế hoạch, đúng chức năng của tổng giám đốc tập đoàn ở các nước hiện đại.

Ở họ, doanh nghiệp dù của Nhà nước vẫn độc lập với Nhà nước, tổng giám đốc chứ không phải Nhà nước, chịu trách nhiệm vô hạn đối với nó.

Chẳng hạn, Đức đưa vào Hiến pháp: Cấm quan chức chức chính phủ tham gia ban giám đốc hay HĐQT (điều 66), nhằm "cách ly" nhà nước đồng nghĩa với quyền lực, ra khỏi kinh doanh do quy luật thị trường chi phối.

Và cũng chính nhờ vậy, khi gây ra thiệt hại tự bản thân doanh nghiệp phải bồi thường như trường hợp tập đoàn BP chứ không phải những quốc gia có cổ phần trong đó.

Một khi cả người bán lẫn người mua đều đóng cùng một vai trò cả mua lẫn bán, thì không một thương vụ nào không trôi chảy. Dự án khai thác bô-xít ở ta, vì vậy mấu chốt không còn nằm ở chỗ dừng hay tiếp tục, nếu một khi ván đã đóng thuyền, mà chính ở chỗ chế tài khi xảy ra rủi ro, nhất là tai nạn vỡ hồ bùn đỏ tầm cấp dạng MAL Zrt ở Hungari hay BP để tràn dầu ở Mỹ.

Khác với tính độ rủi ro trong sòng bài, cá cược, nhằm ăn thua; trong tai nạn, xác định độ rủi ro nhằm trù liệu mức thiệt hại để tính trước trị giá bồi thường.

Theo đó, thiệt hại trù liệu khi xảy ra tai nạn càng lớn, thì hệ số an toàn càng phải tăng. Như trong tai nạn giao thông, khi chuyển từ xe máy, sang ôtô, tới tầu hoả, máy bay; ngưỡng giới hạn rủi ro phải bằng không.

Hồ điều hoà (ảnh P.H)

Khi thiệt hại trù liệu vượt quá khả năng bồi thường, giải thích tại sao không nước nào đặt nhà máy điện nguyên tử giữa lòng thành phố hay khu vực đông dân, mặc dù độ an toàn rất lớn? Sự cố nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl chỉ xảy ra độc nhất một lần trong lịch sử nhân loại.

Hồ chứa bùn đỏ Tây Nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng TKV đã cố gắng hết sức mình để bảo đảm an toàn tối đa, đạt "các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới, với các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam; sẽ "nâng thiết kế chống động đất từ 7 độ lên 9 độ Richter" (nghĩa là an toàn cả khi xảy ra trận động đất ngày 26/12/2004, tại Ấn Độ Dương, tạo ra sức mạnh tương đương 23.000 quả bom nguyên tử, cướp đi tổng cộng 227.900 sinh mạng); lường cả giải pháp vỡ hồ, bằng cách chia lô, để vỡ hồ nọ có hồ kia ứng cứu...v..v.

Tuy nhiên mọi cố gắng trên chỉ giảm thiểu được rủi ro, chứ không có nghĩa rủi ro bằng không.

Nói cách khác, không thể loại trừ hồ bùn đỏ bất khả kháng vỡ hoàn toàn cùng lúc, (chưa tính độ nhiễm độc cả nước sông khi lũ lụt, lẫn nước ngầm do tích lũy theo thời gian như trường hợp bức tử sông Thị Vải).

Tây Nguyên là mái nhà của Đông Dương, lúc đó bùn đỏ tràn xuống sông Đồng Nai, không ngoại trừ vào Biên Hòa, TP.HCM uy hiếp môi trường sống của hàng chục triệu người, so với thị trấn Ajka ở Hung ngập trong bùn đỏ chỉ 35.000 dân!

Rủi ro trên, về mặt lý thuyết, không có nghĩa buộc phải dừng dự án bô-xít, nếu thiệt hại xảy ra được cam kết bồi thường hoàn toàn bằng thực lực tài chính, dù nguyên nhân chủ quan hay bất khả kháng, như BP đã làm.

Thực lực đó chỉ có thể bảo đảm bằng hai cách: 1. Vẫn coi TKV là doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quản lý tập trung, không độc lập, giống như MAL Zrt.

Trong trường hợp này, nhà nước phải dự toán được tổng trị giá thiệt hại khi vỡ hồ bùn đỏ hoàn toàn, từ đó lập quỹ dự trữ quốc gia bồi thường tương ứng, trích từ nguồn thu khai thác bô-xít, và nhất thiết phải được Quốc hội thông qua, bởi nó đe doạ trực tiếp lợi ích tính mạng cả chục triệu người cùng lúc.

2. Coi TKV như BP, phải tự thanh toán mọi thiệt hại khi xảy ra rủi ro. Nếu vốn tự có của TKV không tương xứng với tổng thiệt hại trù liệu, thì buộc phải mua bảo hiểm quốc tế, để họ chi trả lúc xảy ra rủi ro, như hoạt động kinh doanh có điều kiện ở các nước hiện đại.

Bảo hiểm và lập quỹ dự phòng chính là đòi hỏi của nguyên lý phát triển nhanh và bền vững, vốn bắt buộc ở các quốc gia hiện đại, không có gì lạ lẫm, nay ở ta đã được thể hiện trong Dự thảo Đại hội Đảng sắp tới, sau khi nền kinh tế trải qua quá nhiều bất ổn và hiện đang phải đối diện với nhiều nguy cơ mất cân đối; cũng là cơ hội và thước đo khẳng định quyết tâm trên của Đảng bằng hành động cụ thể, không chỉ trên Nghị quyết.

source

http://vef.vn/2010-11-19-bo-xit-tay-nguyen-che-tai-nao-khi-xay-ra-rui-ro-

Thursday 18 November 2010

“Thi hành công vụ”, bắt gái mại dâm


Cập nhật lúc: 11/18/2010 9:41:02 PM
“Thi hành công vụ”, bắt gái mại dâm đứng ở tư thế khỏa thân để chụp hình

Người thanh niên cầm điện thoại luôn mồm bắt các cô gái đứng dậy, dang tay để chụp ảnh. Ảnh chụp từ clip. Hình và ghi chú từ VnExpress

Đoạn video tung lên mạng quay cảnh khỏa thân của hai phụ nữ được gọi là gái mại dâm bị những người thi hành luật pháp ở (...) bắt đứng dậy, giăng hai tay ra để chụp hình đã gây sự phẫn nộ trong công chúng nhưng (...) chỉ nói sẽ “xem xét vụ việc dưới góc độ pháp luật”.

Video cho thấy một cô gái đang dùng hai tay che chỗ kín ở phía dưới thì một người đàn ông quát: “Con này, mày đứng dậy tao chụp ảnh. Nhanh! Ngẩng mặt lên, dang hai tay ra”.

Cô gái khóc, thì người đàn ông nói: “mày khóc cái gì?”.

Đoạn phim cũng đã được đưa lên trang tiếng Việt của đài BBC nhưng hình ảnh được làm mờ đi với chú thích “video này có hình ảnh có thể gây phản cảm”.

Câu chuyện này đã được báo điện tử VnExpress ở Việt Nam đưa tin như sau:

Sốc với clip 'bắt quả tang' mua bán dâm

Clip dài 1,5 phút được cho là quay cảnh bắt "vụ mua bán dâm" vừa được tung lên mạng khiến nhiều người phẫn nộ. Bộ Công an cho biết sẽ xem xét vụ việc dưới góc độ pháp luật, trong khi luật sư khẳng định vụ việc đã đi quá giới hạn.

Hình ảnh được quay trong căn phòng có giường trải ga trắng, chiếc bàn nhỏ và hai ghế, trông giống nội thất của khách sạn, nhà nghỉ. Trên hai chiếc giường, hai phụ nữ và một thanh niên xăm trổ ở ngực trong tình trạng không mảnh vải che thân đang co ro ngồi nhìn nhóm người mặc thường phục lập biên bản.

Trong khi hai người đàn ông ngồi trên giường miệt mài ghi chép, trao đổi giấy tờ với nhau; một người ngồi ở bộ bàn ghế kê cạnh cửa cắm cúi viết thì một thanh niên mặc áo phông xanh nói giọng Bắc đứng ở cuối giường liên tục quát tháo, bắt hai thiếu nữ "đứng dậy để chụp kiểu ảnh". Sau câu nói của anh này, một cô đã gục xuống khóc tức tưởi.

Clip không quay rõ mặt hai cô gái nhưng lại tập trung vào vùng nhạy cảm trên người họ, cùng những lời lẽ thô tục, xúc phạm.

Ngay khi xuất hiện trên mạng, đoạn clip đã gây bức xúc cho không ít người. Trên diễn đàn Linkhay, thành viên quaikiet_37 bộc lộ: "Cho dù biết đó là một nghề đáng bị lên án nhưng việc chửi rủa, quay phim kia cũng hay ho gì".

Cùng quan điểm, nickname vandung1988 bức xúc: "Nếu clip này là thật thì cần xem xét lại hành động quay phim rồi tung lên mạng". Thậm chí, có người còn cho rằng, việc làm này là sai luật và có thể bị kiện vì lăng mạ và làm nhục người khác.

Tuy nhiên cũng có ý kiến nghi ngờ đây là clip dàn dựng để gây sự chú ý. Trang web đầu tiên đưa clip này đã gỡ bỏ ngay sau khi có cảnh báo xấu. Tuy nhiên một số trang diễn đàn, blog đã copy lại.

Sáng 17/11, trao đổi với VnExpress.net, Phó chánh thanh tra Bộ Công an Nguyễn Duy Hòa cho hay, chưa có điều kiện xem clip này nên không thể nhận định. Theo ông, về nguyên tắc trong quá trình làm việc, công an được phép thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng không được phép công khai các chứng cứ này bởi đó là "tài liệu mật". Ai tung lên mạng, người đó phải chịu trách nhiệm.

Ông Hòa cho biết, nếu những người xuất hiện trong clip thấy cơ quan chức năng làm việc không đúng thì có quyền viết đơn khiếu nại. Và khi đó, vụ việc sẽ được xử lý theo pháp luật. "Tôi sẽ cho anh em kiểm tra tình hình", phó chánh thanh tra Bộ cho hay.

Nhìn nhận về clip trên, một luật sư cho biết, nếu đúng là công an đi bắt quả tang hành vi mại dâm thì những việc làm và lời nói nêu trên là "vượt quá giới hạn của người làm nhiệm vụ".

Theo vị này, luật pháp không cho phép thực hiện những điều trên. Khi lập biên bản phạm pháp quả tang, công an không được phép bắt họ trong tình trạng không áo quần như vậy để ghi hình, chụp ảnh, mà chỉ cần có người làm chứng ký nhận là đủ.

Ông này cũng cho biết thêm, việc đưa clip với nội dung trên lên mạng cho dù là bất cứ ai cũng là điều không được phép.

source

TiVi Tuan San

Wednesday 10 November 2010

BP và đối tác TQ thăm dò dầu khí ở Biển Đông


Cập nhật: 07:37 GMT - thứ ba, 9 tháng 11, 2010

BP và đối tác TQ thăm dò dầu khí ở Biển Đông

Ông David Cameron tới Bắc Kinh

Đây là chuyến thăm Trung Quốc chính thức lần đầu tiên của ông Cameron ở cương vị thủ tướng Anh

Thủ tướng Anh David Cameron vừa bắt đầu chuyến thăm Bắc Kinh trong khi tập đoàn BP được trông đợi sẽ ký hợp đồng thăm dò tại Biển Đông với tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC.

Đây là đoàn đại biểu thương mại lớn nhất của Anh từng tới Trung Quốc, được ông thủ tướng mô tả là "chuyến công cán thương mại vô cùng quan trọng".

Cùng đi với ông Cameron là lãnh đạo khoảng 50 công ty hàng đầu của nước Anh.

Truyền thông Anh quốc cho hay trong chuyến đi này, ông David Cameron sẽ loan báo thỏa thuận thăm dò dầu khí giữa hai công ty BP của Anh và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC).

Kênh truyền hình Sky News cho hay dự án này nằm ở khu vực Biển Đông, nhưng không nói rõ vị trí.

Tập đoàn BP chưa xác nhận thông tin trên.

Năm ngoái, BP đã tuyên bố sẽ chính thức rút khỏi dự án thăm dò dầu khí tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam, sau một thời gian án binh bất động vì phản đối từ phía Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc cùng một số quốc gia khác đang liên quan tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông, được cho là giàu tài nguyên.

BP nay do ông Bob Dudley, người Mỹ điều hành sau khi Tổng giám đốc người Anh bị mất chức

CNOOC ước tính trữ lượng dầu ở khu vực này lên tới 22 tỷ thùng, con số bị nhiều chuyên gia hoài nghi.

Chuyến đi quan trọng

Một số nguồn tin nói địa điểm BP và đối tác Trung Quốc tiến hành thăm dò khoan nước sâu nằm trên rìa Bắc của Biển Đông, cách xa khu vực Nam Côn Sơn mà BP đã rút đi.

Tuần trước, trong một thông cáo, BP cho biết đã được chính phủ Trung Quốc chuẩn thuận cho mua phần hùn tại Lô 42/05 tại Biển Đông mà tên tiếng Anh là biển Nam Trung Hoa.

Vị trí này, căn cứ vào tài liệu BP công bố nằm gần cửa sông Châu Giang của Trung Quốc.

Còn hai lô 64/18 và 53/30 cũng có sự hợp tác được BP mô tả là nằm trong bồn Quỳnh Đông Nam tức Qiong Dongnan Basin ở về phía Tây của Biển Đông.

Tập đoàn Chevron của Mỹ cũng nói đang chuẩn bị tham gia thăm dò dầu khí tại ba lô ở Biển Đông cùng với đối tác Trung Quốc.

Bắc Kinh đã nhiều lần gây áp lực lên các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam và các nước khác tại Biển Đông.

Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ cũng đã bị cảnh báo không được thăm dò khai thác với Việt Nam tại khu vực tranh chấp.

Tuy công ty này chưa bao giờ thông báo ngừng hợp tác với Việt Nam ở đây, nhưng cũng không có thông tin gì về tiến bộ trong dự án.

Đây là lần đầu tiên ông Cameron tới thăm chính thức Trung Quốc trong vai trò thủ tướng.

Ông được trông đợi sẽ đề cập chủ đề tế nhị là nhân quyền với nước chủ nhà.

Tuy nhiên nội dung chính vẫn là thúc đẩy thương mại, với mục tiêu tăng ngân sách thương mại song phương lên 100 tỷ đôla/năm.

source

BBC Vietnamese

Wednesday 3 November 2010

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông để thị uy với láng giềng


BIỂN ĐÔNG -
Bài đăng : Thứ tư 03 Tháng Mười Một 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 03 Tháng Mười Một 2010
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông để thị uy với láng giềng
Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010 (© AFP / P.Yeong-Dae)
Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010 (© AFP / P.Yeong-Dae)
Trọng Nghĩa

Quân đội Trung Quốc vừa tổ chức một cuộc thao diễn quân sự dọc bờ biển đảo Hải Nam, huy động gần 2000 lính thủy quân lục chiến. Cuộc tập trận được trình bày như một hoạt động bình thường của quân đội Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không che giấu mục tiêu thị uy với các nước Đông Nam Á đang tranh chấp chủ quyền với họ tại vùng Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo tờ Global Times (Hoàn cầu Thời báo) số ra hôm nay (03/11/2010) được AFP trích dẫn, cuộc tập trận mang tên Giao Long 2010 khởi sự từ hôm qua, do binh chủng Thủy quân lục chiến Trung Quốc thực hiện. Huy động một lực lượng bao gồm ít nhất 100 chiến hạm, tầu ngầm, phi cơ các loại và khoảng 1800 quân nhân.

Nội dung các bài tập bao gồm chiến dịch tấn công lên bãi biển, kết hợp máy bay chuyển quân, tàu đổ bộ, xe tăng lội nước, và tầu tấn công nhanh. Lực lượng đổ bộ được trực thăng chiến đấu hỗ trợ, trong khi ở ngoài khơi, tàu rà mìn và tầu săn tầu ngầm cũng tham gia diễn tập.

Nơi chọn để tổ chức tập trận không phải là không có chủ đích. Cuộc diễn tập đổ bộ được tổ chức dọc theo bờ biển của đảo Hải Nam, sát Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam và nằm ở góc Tây Bắc Biển Đông mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên 80% diện tích, bất chấp việc Việt Nam và nhiều quốc gia khác cũng kiểm soát các đảo và tuyên bố chủ quyền của mình.

Mục tiêu phô trương uy lực qua cuộc tập trận này đã được giới chức quân sự Trung Quốc xác nhận. Một sĩ quan chỉ huy cuộc thao diễn xin giấu tên đã cho rằng cuộc thao diễn quân sự này nhằm nêu bật trước thế giới một binh chủng Thủy quân lục chiến Trung Quốc hiện đại.

Lý Kiệt (Li Jie), một chuyên gia Trung Quốc về hải quân được tờ Global Times trích dẫn nhận đinh : « Về căn bản, đây là một cuộc tập trận thông thường, nhưng nó cũng dựa trên thực tế chiến trường trong vùng Biển Đông. Cuộc tập trận không phải là một tín hiệu đặc biệt, nhưng chúng tôi chọn địa điểm đó để nêu bật năng lực cũng như sức mạnh của hải quân Trung Quốc ». Theo chuyên gia này : « Trong những năm gần đây, đã có một số nước can thiệp vào biển Đông, cùng tập trận với các nước láng giềng của chúng tôi, do đó bây giờ đến lúc chúng tôi phải đối phó với những hành động can thiệp đó bằng quyền lực chính trị. »

Xin nhắc lại là xung đột vũ trang đã từng xẩy ra giữa hải quân Trung Quốc với hải quân Việt Nam vào năm 1988, khi Bắc Kinh tung lực lượng đánh chiếm một số đảo do Việt Nam kiểm soát tại vùng quần đảo Trường Sa, bẵn chìm một số tàu Việt Nam làm cho hơn 70 thủy thủ thiệt mạng. Trong những năm gần đây, Trung Quốc lại có thái độ lấn lướt trở lai, khẳng định mạnh mẽ hơn đòi hỏi chủ quyền, và thường xuyên bắt giữ tầu đánh cá của Việt Nam bị họ cho là đã xâm nhập vùng biển của Trung Quốc.

Từ nhiều tháng nay, Bắc Kinh ngày càng lo ngại về động thái của Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, đặc biệt là về phương diện quốc phòng. Theo hãng tin AP, Trung Quốc rất phẫn nộ trước sự kiện Hoa Kỳ gần đây đã công khai can thiệp vào hồ sơ Biển Đông.

source

RFI Vietnamese