Saturday 12 January 2013

Hàng trăm thủy thủ vất vưởng ở nước ngoài




Hàng trăm thủy thủ vất vưởng ở nước ngoài

Năm hết Tết đến, vẫn có cả trăm người đang mắc kẹt trên các con tàu của Vinashinlines trong cảnh không tiền, không thực phẩm, phải đương đầu với thời tiết, tật bệnh và mong sớm được về quê hương.
Tàu Vinashinlines bị bắt giữ ở Ấn Độ

Đúng ngày Giáng sinh, các thủy thủ trên tàu New Phoenix - một trong 16 con tàu của Vinashinlines đã viết thư từ Đại Liên (Trung Quốc) gửi về cho công ty tại Việt Nam. Sau 3 tháng mắc kẹt tại thành phố này, các thuyền viên cho biết họ đã rơi vào cảnh cùng cực.
Thời tiết ở Đại Liên những ngày này rét cắt da cắt thịt, nhiệt độ về đêm xuống tới âm 15 độ C và còn tiếp tục giảm xuống. Thủy thủ cho biết tàu rơi vào cảnh không điện, không thực phẩm, thiếu nước ngọt vì toàn bộ nước trên tàu đã bị đóng băng. Để có nước sử dụng, họ phải đi đập từng cục băng rồi đun chảy.
Ảnh do các thuyền viên tàu New Phoenix gửi về. Để có nước sinh hoạt, họ phải đun chảy từng cục băng trong cái rét âm 15 độ.
Ảnh do các thuyền viên tàu New Phoenix gửi về. Để có nước sinh hoạt, họ phải đun chảy từng cục băng trong cái rét âm 15 độ.
Họ đang vô cùng chán chường vì phải sống trên một đống sắt giữa biển, chịu đựng cái rét "vô cùng khủng khiếp" và quá nhiều bệnh tật đã phát sinh. "Đến quyền lợi thiết thực nhất là tiền lương cũng đã 8 tháng nay không nhận được đồng nào", các thuyền viên cho biết. Cũng như trong những thư cầu cứu trước đó, thủy thủ đề nghị công ty bằng mọi biện pháp đưa họ về Việt Nam trước khi có điều gì đáng tiếc xảy ra.
Tin liên quan:
 
Không chỉ riêng New Phoenix, hàng loạt bức thư "tố khổ" khác của thuyền viên làm việc trên tàu của Vinashinlines liên tục truyền về từ khắp nơi trên thế giới. Cũng trong dịp lễ Giáng sinh, 22 thủy thủ trên tàu Cái Lân 4 cho biết suốt từ cuối tháng 10 đến nay, họ đã phải cầm cự qua ngày bằng mỳ tôm và rau dại. Vì Vinashinlines nợ tiền dầu một đối tác ở Singapore, tàu Cái Lân 4 đã bị nhà chức trách Ấn Độ bắt giữ khi tàu vào cảng Kolkata từ 2 tháng trước. Không phải chịu cái rét "khủng khiếp" như thủy thủ tàu New Phoenix, nhưng tình cảnh trên tàu Cái Lân 4 cũng khó khăn chồng chất vì thiếu lương thực, nước ngọt. Dầu DO hết nên điện không có, khi đêm đến mọi thứ chìm vào tối tăm.
Trước đó, hồi tháng 11, 9 thủy thủ trên tàu Sea Eagle cũng đã gửi thư kêu cứu từ Chiết Giang, Trung Quốc. Không còn khả năng hoạt động, con tàu Sea Eagle nay chỉ như một đống sắt vụn giữa biển khơi. Không điện đóm, tiền ăn cũng lâu ngày không được cấp, các thuyền viên phải lên bờ hái rau dại, xuống nước mò cua bắt ốc ăn trong sự ngạc nhiên và thương hại của những người dân địa phương.
Thủy thủ cho biết do neo đậu quá lâu, tiền chi phí cảng và tiền sửa chữa đã vượt quá giá trị của tàu. Trong tình cảnh công ty Vinashinlines không có khả năng tài chính, 9 thuyền viên trên tàu đã gửi thư cho báo chí, mong muốn công ty được bán tàu để có tiền đưa họ sớm về quê hương.
Cũng mắc kẹt ở Chiết Giang, tàu Hoa Sen của Vinashinlines đang trong tình cảnh không hoạt động dù đây là một trong những con tàu "đẹp mã" nhất của công ty hiện nay. Suốt 4 tháng liền trên tàu không có điện. Nhiều người làm việc trên tàu 13 tháng thì 11 tháng bị nợ lương. Những lúc trên tàu không ai còn tiền mua thực phẩm, các thuyền viên cũng phải tự làm lồng bắt cua, cá để sống qua ngày.
tàu Hoa Sen
Tàu chở khách Hoa Sen của Vinashinlines cũng đang mắc kẹt ở Chiết Giang, Trung Quốc do không có tiền sửa chữa. Ảnh: Mỹ Giang
Đáp lại những bức thư khẩn thiết này, vị Tân Tổng giám đốc của Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines), ông Nguyễn Quế Dương chỉ biết động viên thuyền trưởng và thuyền viên. Còn tình trạng Vinashinlines cũng không khá hơn gì. Trong thư gửi đến thuyền viên tàu New Phoenix, ông Nguyễn Quế Dương cho biết công ty "đang thực sự quá khó khăn nên không thể giải quyết hết được nhu cầu tối thiểu của tất cả các tàu".
Hiện Vinashinlines có 16 tàu mắc kẹt cả trong lẫn ngoài nước, trong đó chỉ 2 tàu hoạt động có thu nhưng nguồn thu rất hạn chế vì bị trừ các chi phí sữa chữa, khai thác. Trong tài khoản không còn đồng nào, công ty đang nợ nhà cung cấp Singapore tiền dầu của nhiều con tàu và không có khả năng thanh toán.
Nếu được cho phép, Vinashinlines sẽ bán tàu ngay tại nơi neo đậu vì đưa về Việt Nam còn tốn kém hơn. Hiện nay, chi phí duy trì 16 con tàu hầu như không có doanh thu này là 10 tỷ đồng mỗi tháng.
Biện pháp duy nhất Vinashinlines đang áp dụng là báo cáo và chờ đợi. Công ty cho biết đã báo cáo tình trạng các tàu với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và các bộ ban ngành liên quan. Công ty cũng đã gửi công văn cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đề nghị có biện pháp giúp đỡ bảo đảm an toàn cho thuyền viên trong trường hợp điều kiện sống, an toàn sức khỏe và tính mạng thuyền viên bị đe dọa buộc phải rời tàu.
Tình cảnh của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, trong đó có Vinahinlines được biết đến nhiều hơn sau cú ngã ngựa của hai người hùng một thời là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Không chỉ ở nước ngoài, ngay cả trong nước cũng có tình trạng doanh nghiệp bỏ mặc tàu nằm bến, thậm chí trôi nổi ở các cảng mà không có tiền kéo về. Suy thoái kinh tế, đơn đặt hàng từ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước và thế giới ngày một ít là đòn giáng mạnh vào cảnh khốn cùng của các hãng hàng hải.
Một nguồn tin cho hay Chính phủ đang chỉ đạo rốt ráo để tìm giải pháp đưa các con tàu đang vất vưởng ở nước ngoài về.
Thanh Bình
source
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/12/hang-tram-thuy-thu-vat-vuong-o-nuoc-ngoai/

Lối nào cho casino vào Việt Nam?




Lối nào cho casino vào Việt Nam?

 0 0 12345
 Việc ông Ly Sam tiến hành kiện và thắng kiện câu lạc bộ Palozza với khoản tiền kỷ lục 55,5 triệu USD đã đặt ra nhiều vấn đề. Thực tế, kinh doanh casino tại Việt Nam đang phát triển như thế nào và lựa chọn nào của Việt Nam cho ngành kinh doanh đầy tai tiếng này. 
Miếng bánh nhiều người thèm
Khoản tiền thưởng lên tới 55,5 triệu USD trong vụ kiện của ông Ly Sam là một kỷ lục, thậm chí là kỷ lục của thế giới trong ngành này. Tuy nhiên, ít người biết rằng bản thân ngành công nghiệp casino Việt Nam đang là miếng bánh lớn với doanh thu lên tới 5.000 tỷ đồng và vẫn đang tăng trưởng 10-15% mỗi năm.
Khi con số này được Bộ Tài chính công bố khiến không ít người giật mình vì bị hạn chế đủ đường, ngành casino vẫn tìm được lối phát triển riêng. Và cũng từ đây, nhiều người mới hiểu tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại luôn nhòm ngó thị trường casino Việt Nam.
Các điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng đều có 2 loại máy phổ thông là máy giật xèng có tích lũy giải thưởng (Jackpot machine) và máy giật xèng đơn (Slot machine). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đưa các loại hình trò chơi Bacarat, Blackjack, Roulette, PaiGow, Tài sỉu,... được điện tử hóa vào kinh doanh.
Cho đến nay, trên cả nước có 43 điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại các khách sạn từ 3 sao trở lên và một số điểm du lịch, chủ yếu tập trung tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chỉ dành cho người có hộ chiếu nước ngoài, tuy nhiên đó đây cũng đã phát hiện những vụ đưa người Việt Nam vào chơi trái phép.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về lĩnh vực này ghi nhận rằng lợi nhuận trung bình năm 2011 từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng khoảng 20 tỷ đồng/cơ sở kinh doanh và tổng số nộp ngân sách cả nước năm 2011 từ hoạt động kinh doanh này ước đạt 1.500 tỷ đồng. Tính từ 1992 lại nay, trung bình mỗi năm ngành này đóng góp khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Theo số liệu thống kê của thế giới đến nay đã có 124 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép tổ chức hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Doanh thu toàn cầu của hoạt động kinh doanh vui chơi có thưởng năm 2010 ước đạt 109 tỷ USD, trong đó: thị trường Mỹ đạt 56,5 tỷ USD chiếm 51,8%, thị trường Châu Á đạt 32,3 tỷ USD chiếm 29,6%, thị trường Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi đạt 16,2 tỷ USD chiếm 14,8%.
Doanh thu 5.000 tỷ đồng của thị trường Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn hay nói cách khác, tiềm năng của thị trường vẫn còn rất lớn.
Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Những lợi ích nhìn thấy từ ngành kinh doanh mang tính dịch vụ này, trên thực tế lại luôn bị đưa ra so sánh với những bất lợi khó định lượng khác, đặc biệt là về mặt xã hội. Đây chính là căn nguyên của việc chính sách đối với ngành kinh doanh này cho đến nay vẫn chưa thật sự rõ ràng và nhất quán. Tuy nhiên, thông điệp mà các nhà đầu tư cảm nhận được chính là việc trong tương lai sẽ có những sự nới lỏng nhất định về pháp lý, nhưng các dự án có casino sẽ chỉ được cấp phép theo từng trường hợp cụ thể với rất nhiều điều kiện ràng buộc.
Khi dự thảo nghị định về hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng được đưa ra thảo luận tại Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tháng 9/2012, ít người biết rằng đây là một trong những dự thảo từng gây tranh cãi và mất nhiều năm trời xây dựng nhưng chưa thể ban hành được. Không riêng gì nghị định này, các văn bản pháp lý khác liên quan đến lĩnh vực này đều được xây dựng và ban hành trong một trạng thái rất thận trọng.
Hiện nay, cơ chế, chính sách đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng gồm có Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính (Quyết định số 91/2005/QĐ-BTC và Quyết định số 84/2007/QĐ-BTC ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng), Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Thông tư 08/2000/TT-BVHTT hướng dẫn quản lý trò chơi điện tử).
Tuy nhiên, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tạm dừng cấp phép đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho đến khi khung pháp lý mới được ban hành.
Từ 2007 đến nay, một văn bản khác cũng có vai trò quan trọng không kém là Thông báo số 96/TB-VPCP ngày 4 tháng 5 năm 2007 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án định hướng phát triển và quản lý kinh doanh casino tại Việt Nam. Không nhiều người biết được nội dung của “Thông báo 96”, nhưng kể từ đó, thường mỗi khi các tỉnh thành đề xuất các dự án casino, “Thông báo 96” được xem là một căn cứ quan trọng để đánh giá, xem xét.
Trước khi Luật đầu tư được ban hành năm 2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, sau năm 2005, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với hoạt động kinh doanh này được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, vì đây là lĩnh vực khá đặc thù, việc phân cấp cũng chưa hề khiến cho số lượng dự án tăng nhanh ở các địa phương.
Những diễn biến gần đây cho thấy cũng với việc hoàn thiện pháp lý, có thể, việc ban hành Nghị định về hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, Chính phủ có thể cấp phép cho một số dự án casino trong thời gian tới.
Trước đây, với Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg, địa vị pháp lý của văn bản thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, nhiều quy định như quy định xử phạt vi phạm hành chính, điều kiện của ngành nghề kinh doanh có điều kiện... không thể quy định được dưới hình thức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nay, với một nghị định sắp được ban hành, tình hình có thể thay đổi căn bản. Không phải ngẫu nhiên mà trong tờ trình mới đây của Bộ Tài chính, một trong những mục tiêu đã được xác định rõ là để “công khai chính sách của Nhà nước về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài để tạo sự minh bạch, đồng thuận trong dư luận nhân dân, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư mạnh về tiềm lực tài chính và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng từ khâu cấp phép đến đến khâu tổ chức hoạt động kinh doanh và xử lý vi phạm, một việc quan trọng là phải có đầu mối quản lý nhà nước rõ ràng, gắn quyền hạn, nhiệm vụ với trách nhiệm cụ thể cũng như phải có cơ chế phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương trong việc quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm tra đối với hoạt động này.

Yến Thanh
source
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/104937/loi-nao-cho-casino-vao-viet-nam-.html