Thursday 4 October 2012

Tàu sân bay Mỹ đang hoạt động tại Biển Đông



Tàu sân bay Mỹ đang hoạt động tại Biển Đông


Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis của Hoa Kỳ có trang bị các hệ thống hỏa tiễn địa đối không NATO RIM-7 Sea Sparrow và Rolling Air Missile, các hệ thống vũ khí phòng thủ phi đạn Phalanx, và Hệ thống tác chiến điện tử SLQ-32
Báo chí Trung Quốc trích dẫn tin tức từ truyền thông Mỹ cho hay hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ và lực lượng đặc nhiệm không-địa chiến của thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu hoạt động tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Kênh truyền hình CNTV của Trung Quốc nói các lực lượng này vừa hoàn tất cuộc tập trận Mỹ-Nhật về bảo vệ biển đảo ở khu vực gần Guam.

Báo Time cho hay các giới chức hải quân Mỹ xác nhận rằng nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Washington đã khởi sự hoạt động tại vùng Biển Đông Trung Hoa và nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ đang hiện diện trong khu vực Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Mỗi chiếc tàu sân bay này được trang bị với hơn 80 máy bay chiến đấu và các nhóm tác chiến bao gồm tàu ngầm, tàu tuần dương có trang bị phi đạn, tàu khu trục, và các tàu tiếp tế.

Tàu sân bay USS Bon Homme Richard của Hoa Kỳ
​​Tàu sân bay trực thăng USS Bonhomme Richard của Mỹ với khoảng 2.200 binh sĩ thủy quân lục chiến và 2 tàu khu trục nhỏ cũng đang có mặt tại biển Philippines lân cận.

Các binh sĩ trên tàu được trang bị các phương tiện tấn công đổ bộ, xe thiết giáp hạng nhẹ, pháo, trực thăng, và chiến đấu cơ Harrier.

Dù phát ngôn nhân của Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nói rằng các hoạt động này không liên quan tới một sự kiện nào đặc biệt, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự tập trung lực lượng hiếm thấy của 3 nhóm tàu tại khu vực tương đối nhỏ ở Thái Bình Dương có thể được xem là một tín hiệu cảnh báo với các căng thẳng tranh chấp đang gia tăng giữa các nước Châu Á ở Biển Đông.

Nguồn: Arirang, CNTV
source
VOA Vietnamese

Tuesday 8 May 2012

Vì sao dân Văn Giang quyết liệt bám giữ đất?

 
Vụ thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên):
Vì sao dân Văn Giang quyết liệt bám giữ đất?
SGTT.VN - Hơn 10 ngày trôi qua, câu chuyện về vụ cưỡng chế thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án Ecopark ở Văn Giang (Hưng Yên) vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.  
Người ta không hiểu được vì sao có sự “đối đầu” gay gắt giữa một bộ phận nông dân có đất ở đây với chủ đầu tư và chính quyền trong việc này. Họ kiên trì bám trụ, thậm chí dùng xẻng, cuốc, gạch, đá… để giữ đất.
Từ vụ việc này, phải chăng chính sách, luật pháp hiện hành liên quan việc quy hoạch, phê duyệt dự án, đền bù - bồi thường thu hồi đất… đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần sớm xem xét, hoàn thiện.
Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã về Văn Giang tìm hiểu thực tế, trao đổi với các chuyên gia pháp luật, quy hoạch… góp phần lý giải căn nguyên của vấn đề.
Mô hình một phần dự án Ecopark
Ngay chiều 24.4, đại diện chính quyền huyện Văn Giang đã thông báo với báo chí là việc cưỡng chế thu hồi đất và hỗ trợ thi công dự án ở xã Xuân Quan đã hoàn tất, chính quyền địa phương đã bàn giao mặt bằng 72 ha ở đây cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, đối với chính quyền và những người dân liên quan, sự việc dường như chưa khép lại. Còn nhiều vấn đề phải giải quyết sau cưỡng chế.
Sống nhờ đất, khá giả nhờ đất
Đêm 23 và ngày 24.4 vừa qua có lẽ sẽ trở thành một ký ức khó quên được đối với nhiều người dân ở xã Xuân Quan. Họ đã phải bấm bụng để bị thu mất phần đất canh tác ít ỏi - nguồn sống duy nhất suốt bao nhiêu năm qua của gia đình mình.
Buổi chiều sau cưỡng chế, trỏ tay ra bãi đất trước mặt còn tanh bành những cây bật gốc, đổ rạp, mẹ vợ anh Truyền (xóm 3, xã Xuân Quan) chép miệng: “Cây cối nhà tôi đây. Chỗ cây cảnh này tới gần tết trị giá phải cả tỉ đồng. Vợ chồng nó (anh Truyền) đêm qua tranh thủ dời đi được ba xe, còn lại coi như mất sạch!...”.
Anh Truyền bần thần, không nói năng gì. Mãi tới lúc nghỉ tay dọn dẹp, vào nhà uống chén nước, anh mới nghèn nghẹn: “Thế là mất hết. Nhà tôi hai bên nội ngoại mất khoảng 5-6 sào”.
Sau vụ cưỡng chế đất vừa qua, nhiều nhà cứ tiếc cho số cây cảnh bị cày ủi, hư hại. “Con nhà bà Nghiêm hôm qua khóc, kêu là mất nhiều hải đường quá, phải tới mấy trăm triệu đồng”. “Anh Thơm bên kia mất tầm trên 200 triệu đồng, toàn cây cảnh giá trị”. “Cả cái vườn lộc vừng 1.000 gốc, mỗi gốc mấy trăm ngàn đồng”…
Nhưng đó là thiệt hại trước mắt. Còn về lâu dài, chuyện người dân mất đất canh tác mới là nỗi lo lớn.
Theo nhiều lão nông cho biết ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao (Văn Giang) là đất thuần nông với hơn 3.900 hộ nông dân sống nhờ vào đất. Vùng này từ xưa đã có tiếng là đất “bờ xôi ruộng mật”. Với chủ trương dồn điền đổi thửa của Nhà nước, người dân ở đây đã chuyển đổi thành công từ thóc lúa sang vườn cây, ao cá. Dịp giáp tết, lộc vừng, quất, hải đường Văn Giang sáng rực các chợ hoa Hà Nội.
Một lão nông kể: “Người thì trồng cây cảnh, cây thế, người thì cây bóng mát, cây công trình. Đi khắp cái làng Xuân Quan này mới thấy sao nhà gác, nhà tầng nhiều, đầy đủ tiện nghi thế, có gia đình vài ba xe máy. Đó là người ta đi lên từ đồng ruộng. Trung bình mỗi sào ở đây ít cũng phải mang lại cho dân dăm bảy chục triệu mỗi năm”.
Mất đất vì dự án
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, dự án khu đô thị Văn Giang (còn được gọi là Ecopark) được thực hiện theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng - Vihajico) sẽ thi công một con đường giao thông liên tỉnh, nối từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên. Bù lại tỉnh sẽ góp vốn bằng 500 ha đất nông nghiệp để Vihajico đầu tư xây dựng một khu đô thị sinh thái, có chức năng thương mại, dịch vụ và nhà ở.
Bà con Văn Giang nghe thông báo cưỡng chế
Vihajico thuyết trình: “Nếu dự án được thực hiện, cơ cấu sản xuất của các xã Cửu Cao, Xuân Quan, Phụng Công từ sản xuất nông nghiệp sẽ chuyển sang đô thị thương mại, dịch vụ. Dự án là tiền đề tạo ra thế mạnh sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có, tạo ra động lực phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, thương mại, vui chơi giải trí…”.
Chính quyền và chủ đầu tư dự án có thừa luận cứ để thuyết minh về tính hợp lý và sự cần thiết khi biến 500 ha đất nông nghiệp thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Thế nhưng đối với người dân có truyền thống làm nông lâu đời, việc tách họ khỏi mảnh ruộng, vườn cây, ao cá gắn bó lâu đời với họ, là nguồn sống bao đời nay của gia đình họ là điều không đơn giản.
Thực tế, chủ đầu tư và chính quyền hầu như chưa có động thái cụ thể nào chuẩn bị cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở đây. Lẽ ra chính quyền phải có phương án dạy nghề, đào tạo nghề để giúp người dân chuyển đổi từ lâu, chứ không phải đùng một cái lấy đất của người dân với lời giải thích sẽ chuyển sang làm thương mại, dịch vụ...
Họ sẽ sống bằng gì?
Điều đáng ngại hiện nay là sau cưỡng chế, nhiều hộ dân ở xã Xuân Quan đã không còn đất canh tác và hoàn toàn không có phương án nghề phụ thay thế.
Thông tin từ chính quyền cho rằng “số hộ bị cưỡng chế vẫn còn diện tích đất canh tác chứ không phải thu hồi toàn bộ” nhưng có thông tin khẳng định với PV, qua đợt cưỡng chế hôm 24-4 vừa qua, không ai còn ruộng nữa.
Cũng thông tin từ chính quyền cho biết dự án “có đất dịch vụ liền kề để giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi” nhưng cụ thể ra sao không ai rõ.
Ông Dũng, người xã Xuân Quan, than thở: “Xuân Quan có 8.000 nhân khẩu, tôi cứ cho là người già yếu chiếm 4.000 thì 4.000 còn lại làm cái gì ra tiền bây giờ? Nói thực là bây giờ dân làng chơi nhiều rồi. Ban ngày người đi lại trên đường làng đông nghịt đấy. Có việc gì mà làm đâu”.
Trước mắt, đã có những gia đình phải đi mò cua bắt ốc, nhặt nhạnh cho đủ tiền mua gạo. Trong tương lai, sẽ ra sao nếu hàng ngàn người trong độ tuổi lao động phải chơi suốt ngày?
Sáng 24.4, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế thu hồi 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan. Việc cưỡng chế tiến hành từ khoảng 7 giờ sáng đến hơn 11 giờ trưa. 1.000 người thuộc các lực lượng công an, dân quân... được huy động.
Thông tin trên trang web của tỉnh Hưng Yên mô tả, một ngày trước khi cưỡng chế, hơn 100 người dân dựng hai lều bạt gần khu vực giải phóng mặt bằng. Sáng sớm 24-4, khoảng 300 người dân tập trung tại các điểm gần khu vực cưỡng chế. Sau 7 giờ sáng, còn khoảng 200 người dân đã chuẩn bị từ trước cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng cố tình chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế.
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến về giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 2.5, phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào cho rằng: “Vụ việc ở Văn Giang có sự móc nối các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin được tường thuật tại chỗ, từng giờ để xuyên tạc, dàn dựng các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”. Cũng theo ông Hào, dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) có trình tự “thủ tục đúng pháp lý, cơ chế đền bù tốt, tạo đà phát triển cho tỉnh”... song qua hơn tám năm, tỉnh vẫn chưa hoàn thành giao đất cho chủ đầu tư do “người dân khiếu kiện liên tục, tập trung đông người, lôi kéo, kích động cản trở không hợp tác, gây tình hình phức tạp kéo dài…”.
(Theo VnExpress ngày 2-5)
Thực hiện dự án khu đô thị Ecopark Văn Giang, năm 2009, tỉnh đã bàn giao đợt 1 cho nhà đầu tư 57,19 ha để làm đô thị và làm đường giao thông liên tỉnh.
Vừa rồi, ngày 24.4, tiếp tục bàn giao 72 ha ở xã Xuân Quan, trong đó có 5,8 ha của 166 hộ phải tiến hành cưỡng chế.
Đến nay đã có 3.852/4.876 hộ của ba xã nhận tiền đền bù hỗ trợ, chiếm 79%; còn 1.024 hộ chưa nhận, bằng 21%.
Tại xã Xuân Quan, tổng số hộ đã nhận tiền đền bù hỗ trợ và tự nguyện bàn giao đất là 1.554/1.720 hộ (66,2 ha), chiếm 95,5%; còn 166 hộ (5,8 ha), chiếm 4,5% không nhận tiền đền bù, hỗ trợ phải tiến hành cưỡng chế.
(Theo trang web của UBND tỉnh Hưng Yên)
Theo PL.TPHCM
source

http://sgtt.vn/Thoi-su/163676/Vi-sao-dan-Van-Giang-quyet-liet-bam-giu-dat.html

Tuesday 3 April 2012

Trung Quốc vẽ bản đồ Biển Đông


Thứ Năm, 29 tháng 3 2012

Trung Quốc vẽ bản đồ Biển Đông

Trung Quốc ngày 27/3 loan báo đang cho tiến hành vẽ bản đồ Biển Đông nhằm thúc đẩy hoạt động thăm dò-khai thác dầu khí và củng cố tuyên bố chủ quyền trong khu vực giữa những căng thẳng tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Tờ Hoàn Cầu thời báo của nhà nước Trung Quốc nói Bắc Kinh có thể tăng cường hoạt động thăm dò ở Biển Đông nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền sau loan báo về việc tiến hành các hoạt động khảo sát địa lý trong khu vực. Tờ báo cũng trích dẫn phát biểu của giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng đa số các phần lãnh hải có tranh chấp từng nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc vì Bắc Kinh không biến các tuyên bố thành hành động.

Ông Trương Uẩn Lĩnh, Giám đốc Viện nghiên cứu Quốc tế thuộc Học Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhấn mạnh bằng cách vẽ bản đồ, Bắc Kinh có thể củng cố tuyên bố về quyền tài phán ở Biển Đông và sau đó có thể có những hành động thêm nữa như khai thác các nguồn tài nguyên gần quần đảo Nam Sa mà Việt Nam gọi là Trường Sa.

Trong số các nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông bao gồm Việt Nam, Trung Quốc là nước duy nhất dành toàn bộ chủ quyền trên Biển Đông.

source

VOA Vietnamese

Tuesday 6 March 2012

Mỹ giảm thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam


Thứ Hai, 05 tháng 3 2012

Mỹ giảm thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam

Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thủy sản Camimex ở Cà Mau
Hình: ASSOCIATED PRESS
Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thủy sản Camimex ở Cà Mau

Hãng thông tấn MOCT của Thái Lan ngày 5/3 trích thuật tin tức từ Việt Nam cho hay Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa loan báo kết quả đánh giá hành chính sơ bộ lần thứ 6 đối với sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ đầu tháng 2 năm 2010 tới cuối tháng 1 năm 2011.

Như vậy, tôm xuất khẩu của hai doanh nghiệp Minh Phú và Nha Trang sẽ được hưởng mức thuế 0%.

Thuế suất 0,8% được áp dụng đối với công ty Caminex và các doanh nghiệp còn lại sẽ trả mức thuế 1,03%.

Đây là lần điều chỉnh thứ ba của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về thuế chống bán phá giá áp dụng với tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Theo quy định của DOC, các công ty nhập khẩu phải tạm ứng tiền thuế dựa trên đợt đánh giá hành chính lần trước, và thuế suất sẽ được thu khi nào loan báo kết quả đợt xem xét hành chính mới.

Nguồn: MCOT, VNA

source

VOA Vietnamese

Sunday 26 February 2012

Hiệp Ước Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương: Việt Nam có lợi nhiều nhất


Hiệp Ước Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương: Việt Nam có lợi nhiều nhất
Friday, February 24, 2012 6:16:43 PM



HÀ NỘI (NV) - Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước thảo luận thành lập Liên Minh Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương khi tăng xâm nhập được thị trường Hoa Kỳ đối với nhiều thứ hàng hóa, như hàng dệt may.


Tổng Thống Barack Obama (giữa) chụp hình chung với lãnh tụ 9 nước đang thương lượng thành lập Hiệp Ước Ðối Tác Chiến Lược Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhân họp Diễn Ðàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) ở Honolulu ngày 12 tháng 11, 2011. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Demetrios Marantis, phụ tá đại diện thương mại Hoa Kỳ, phát biểu như vậy trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm Thứ Sáu. Hiện Hoa Kỳ và Việt Nam đang thảo luận các điều kiện để Việt Nam gia nhập Hiệp Ðịnh Ðối Tác Chiến Lược Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Strategic Economic Partnership gọi tắt là TPP). Vòng đàm phán thứ 11 sẽ được họp ở Melbourne, Úc, từ ngày 1 đến 19 tháng 3, 2012.

Theo ông Marantis, giới đầu tư ngoại quốc sẽ đổ xô tới Việt nam khi thấy có nhiều cơ hội tốt đẹp hơn khi Việt Nam trở thành thành viên của TPP.

“Sự thử thách cho các chuyên viên đàm phán là có thể nhận ra những gì có lợi cho cả hai nước.” Marantis nói. “Chúng tôi nhìn thấy những khó khăn trong lãnh vực (thương thuyết hạn ngạch) hàng dệt may vốn là hàng xuất cảng quan trọng của Việt Nam, trong khi đối với Hoa Kỳ, đây là lãnh vực nhạy cảm.”

Kỹ nghệ dệt may Hoa Kỳ áp lực rất mạnh đối với chính phủ để hạn chế hàng dệt may từ Việt Nam để bảo vệ kỹ nghệ nội địa. Dù vậy, hàng dệt may của Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ hiện nay đứng hàng thứ hai chỉ sau có Trung Quốc.

Ðầu tư ngoại quốc trực tiếp vào Việt Nam hai tháng đầu năm 2012 chỉ đạt được $1.23 tỉ USD, giảm mất 54.5% so với cùng thời gian này của năm ngoái.

Chính phủ Obama đang thương thuyết với 9 nước trên thế giới với hy vọng thành hình được TPP trong năm nay. Khi mới khởi sự thương thuyết năm 2010, Hoa Kỳ chỉ dự trù có 4 nước là Brunei, Singapore, Chili và New Zealand. Sau hội nghị APEC ở Honolulu năm 2011, Hoa Kỳ mời thêm 5 nước nữa là Malaysia, Việt Nam, Úc, Peru và Nhật Bản.

Mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2011 là $21.8 tỉ USD, theo thống kê của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Theo một số nhà bình luận hiệp định TPP còn được coi như một hàng rào ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc.

Hiệp định TPP có mục đích hạ giảm hầu hết các loại thuế quan xuống bằng 0% trong giai đoạn 10 năm. Bản hiệp định này còn dự trù góp phần giải quyết các vấn đề như vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong thương mại, chính sách của các chính phủ, quản lý chuỗi cung cấp hàng hóa giữa các nước...

Trong khi Âu Châu đang bối rối với cuộc khủng hoảng nợ công, chính phủ Obama nhìn thấy khu vực Á Châu Thái Bình Dương là vùng có thể giúp Hoa Kỳ gia tăng xuất cảng và gia tăng việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp những tháng gần đây ở Hoa Kỳ tuy giảm xuống nhưng còn rất cao. Một viên chức Tòa Bạch Ốc, Mike Froman, tin rằng Hoa Kỳ sẽ có những cơ hội tốt hơn để xuất cảng máy bay, trang bị kỹ nghệ, y tế, nông nghiệp và các ngành khác.

Một số nhà phân tích thời sự tin rằng nếu gia nhập TPP, Việt Nam và các nước ASEAN khác sẽ có lợi thế hơn, đỡ bị Trung Quốc khống chế. (TN)

source

Nguoi-Viet Online







Saturday 25 February 2012

Một tàu cá bị tàu Trung Quốc uy hiếp, tịch thu đồ đạc


08:00 | 25/02/2012

Ngư dân bám biển Hoàng Sa:

Một tàu cá bị tàu Trung Quốc uy hiếp, tịch thu đồ đạc

> 'Trung Quốc phải dừng xâm phạm chủ quyền VN'

TP - Ngày 24-2, trở về với con tàu rỗng không, 11 ngư dân nước da đen nhẻm bước xuống tàu với vẻ mệt mỏi. Thân tàu bị thủng vì đạn cháy. Chủ tàu Đặng Tằm nói: “Bám biển Hoàng Sa bị tàu tuần tra Trung Quốc thu hết đồ đạc”. Sau đây là lời kể của các ngư dân do chúng tôi ghi lại được.

Vết đạn trên tàu
Vết đạn trên tàu .

Lấy sạch

7h 30 phút sáng 24-2, tàu QNG 90281 TS của ông Đặng Tằm (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đưa 11 ngư dân trở về cửa biển Sa Kỳ trong sự mệt mỏi. Các ngư dân bị tàu tuần tra Trung Quốc mang số 789 bắt giữ ở đảo Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa chiều 22 - 2.

Chân thấp, chân cao bước lên bờ, ngư dân Đặng Tự cho biết, anh bị liệt nhẹ 2 chân nên anh em giao cầm lái. Khi tàu tuần tra sáp tới, anh Tự quyết định chơi kiểu nai chọi sư tử.

Anh Tự lặng thinh cho tàu nổ máy chạy. Thế nhưng, đạn lửa bên tàu tuần tra nã sang ầm ầm. Một viên đạn xọc thẳng vào ca-bin. Những loạt đạn khác dội lắc cắc trên thân tàu nghe sởn da gà.

Khi tàu tuần tra kè sát tàu cá, 6 tuần tra viên đồng loạt nhảy qua tàu. Nhanh như cắt, họ hốt chùm mũi tên trên tàu cá ném xuống biển thật nhanh vì sợ những mũi tên này trở thành vũ khí trong tay những ngư dân nghèo. Đây là mũi tên mà ngư dân sử dụng để bắn cá.

Trước khi nhảy qua tàu, các tuần tra viên kéo vòi rồng chữa cháy ra boong tàu và xả vào ngư dân. Ngư dân phải cuộn mình, day lưng và bám vào nhau để chống chọi vòi rồng.

Năm 2010 bị bắt lần thứ nhất, giờ là lần 2 nên các ngư dân đều giữ bình tĩnh và quan sát nhất cử nhất động của tuần tra viên trên tàu cá. Nhiều ngư dân thì thào cho rằng, chắc sẽ bị bắt giữ và đưa về đảo Phú Lâm phạt tiền.

Một tuần tra viên nhào vào ca-bin, tháo hết máy dò, Icom, định vị. Số khác lục đục xúc cá trong hầm, một tuần tra viên hốt quần áo ném xuống biển.

Các tuần tra viên kéo dây hơi ra sàn tàu và dùng dao băm nát, quăng xuống biển. Sau tàu còn gần 1.000 lít dầu cũng bị đổ xuống biển. Các tuần tra viên chỉ để lại một ít dầu đủ để cho tàu trở về quê.

Đẩy đuổi

Dây hơi bị băm nát
Dây hơi bị băm nát.

Các ngư dân trên tàu chuyên lặn đêm để bắt hải sâm, cá mó, cá mú và tôm hùm. Vừa ra tới đảo, tàu đã bị tàu tuần tra xua đuổi và kè theo vài chục hải lý.

Sập tối, tàu lẳng lặng tiến ngược vào vùng biển Hoàng Sa. Thời tiết diễn biến xấu, các ngư dân cho tàu lọt vào lạch của đảo Xà Cừ chống chọi sóng gió. Sau đó, tàu tiếp tục hành nghề thì bị tàu tuần tra bắt giữ.

Khi thu hết đồ đạc, các tuần tra viên yêu cầu tàu ngư dân chạy theo về phía Phú Lâm. Nhưng đi được một quãng, họ đổi ý thả tàu ngư dân trở về. Không có định vị, các ngư dân mò mẫm và về quê bằng la bàn.

Đụng tàu tuần tra, ông Tằm bàng hoàng nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 1 năm. Tàu cá bị bắt lôi vào đảo, thuyền viên bị nhốt vào một căn phòng trên đảo Phú Lâm. Ngày nào cũng có phiên dịch tới bảo gửi tiền phạt qua.

Lần đầu tiên bị bắt, quá sợ hãi, ông Tằm vội gọi vợ gửi 70 ngàn nhân dân tệ qua để chuộc người. Tổng số tiền ông bị thiệt hại trong chuyến đi đó là 600 triệu đồng.

Còn lần đụng chạm này, theo ông Tằm, nếu bị bắt giữ thì sẽ không nộp tiền. Tổng số thiết bị và cá bị thu giữ trên tàu lần này vào khoảng 300 triệu đồng.

Gõ vào thành tàu, ông Tằm nói, lần này, tàu hứng đạn rào rào. Theo tay ông chỉ, một vết đạn cháy xuyên thủng phía trước tàu, một vết đạn khác ăn xuyên qua cánh cửa gỗ, lọt hẳn vào cabin.

“Anh em tôi ra Hoàng Sa mà te tua hết như vầy đây. Nhưng mà Hoàng Sa chúng tôi vẫn cứ đi”, ngư dân Trần Công Nở nói.

Đối với ngư dân xã Bình Châu, câu chuyện về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa giờ đây không còn là chuyện chỉ liên quan đến mấy ông ngư dân. Cả cộng đồng ngư dân hành nghề ở Hoàng Sa đều ý thức rằng, đây là mảnh đất máu thịt không thể tách rời.

Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ và Đồn Biên phòng 288 đã lập biên bản ghi dấu những thiệt hại và dấu vết để lại trên tàu.

Theo các ngư dân, đây không phải là vụ đầu tiên tàu ngư dân ra Hoàng Sa bị phun nước và bắn đạn cháy. Trước đó một tàu bị tàu tuần tra Trung Quốc bắn đạn làm cháy toàn bộ hành lý trong ca-bin.

Hải Anh

source

http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/567700/Mot-tau-ca-bi-tau-Trung-Quoc-uy-hiep-tich-thu-do-dac-tpp.html

Sunday 19 February 2012

Tòa án Việt Nam đảo ngược phán quyết vụ ông Đoàn Văn Vươn


Việt Nam Cập nhật Thứ Sáu, 17 tháng 2 2012

Thứ Sáu, 17 tháng 2 2012

Tòa án Việt Nam đảo ngược phán quyết vụ ông Đoàn Văn Vươn

Bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn, đứng nơi ngôi nhà đổ nát vì bị chính quyền địa phương và lực lượng võ trang phá hủy
Hình: AP
Bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn, đứng nơi ngôi nhà đổ nát vì bị chính quyền địa phương và lực lượng võ trang phá hủy

Tòa án cao nhất Việt Nam đã đảo ngược phán quyết của tòa dưới chấp thuận việc tịch thu đất đai của một nông dân nuôi cá được cho là anh hùng sau khi dùng vũ khí chống lại công an.

Hãng thông tấn AP trích thuật tin tức báo chí Việt Nam hôm thứ 6 nói rằng Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra phán quyết cho rằng các tòa án ở Hải Phòng đã sai lầm khi tán đồng lệnh thu hồi đất và trục xuất gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng.

Ông Vươn đã kiện chính quyền vào năm 2009 để chống lại lệnh thu hồi đất.

Phán quyết của tòa tối cao được công bố 5 ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc trục xuất gia đình ông Vươn hôm mồng 5 tháng 1 là bất hợp pháp.

Gia đình ông Vươn đã chống cự với hơn 100 nhân viên công lực trong vụ đối đầu, gây thương tích cho 6 công an.

Ông Vươn và 3 người trong gia đình đang chờ ra tòa về tội mưu toan giết người.

Nguồn: AP, Người Lao Động

source

VOA Vietnamese

Saturday 4 February 2012

Trung Quốc tập trận hỗn hợp trên biển Ðông


Trung Quốc tập trận hỗn hợp trên biển Ðông
Thursday, February 02, 2012 7:29:34 PM



TAM Á (NV) -
Trung Quốc từ nay sẽ không tập trận hải quân từng chiếc tàu đơn lẻ mà có sự phối hợp của nhiều tàu chiến trên biển Ðông.

Chiến hạm trang bị hỏa tiễn của Trung Quốc, khu trục hạm Quảng Châu, tập trận bắn đạn thật trên biển Ðông ngày 9 tháng 1, 2012. (Hình: Báo China Military Online)

Báo 'Quân Giải Phóng Trung Quốc' đưa tin ngày 1 tháng 2, 2012 cho hay như vậy khi tường thuật cuộc tập trận của hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đóng tại căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam.

Nguồn tin này nói rằng cuộc tập trận hỗn hợp giữa một đoàn gồm khu trục hạm và hộ tống hạm thuộc hạm đội Nam Hải thực tập tác chiến phối hợp nhiều chiến hạm được điều động theo đội hình, thay thế cho phương pháp thực tập tác chiến cũ chỉ có một chiến hạm.

Các chiến hạm này ở các vị trí cách nhau hàng chục hải lý nhưng phối hợp với nhau.

Chen Yueqi, tư lệnh của đội chiến hạm nói với ký giả tháp tùng cuộc tập trận rằng từ khi bắt đầu tập trận từ đầu năm đến nay, nội dung tập trận của từng chiến hạm đã được phối trí trong sự huấn luyện tác chiến hỗn hợp để tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa các chiến hạm.

Những ngày đầu tháng 1 năm 2012, báo quân sự của Trung Quốc đã đưa tin khu trục hạm Quảng Châu bắt đầu chiến dịch huấn luyện tác chiến trên biển Ðông.

Tin tức cuộc tập trận hải quân hỗn hợp của Trung Quốc đưa ra không bao nhiêu ngày sau khi nước này loan báo sẽ cấm đánh cá trên biển Ðông từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8 năm 2012 như thông lệ họ vẫn làm từ mấy năm qua bất chấp sự phản đối từ Việt Nam.

Nó có vẻ như một lời cảnh cáo gián tiếp nhằm hậu thuẫn cho cái lệnh cấm đánh cá.

Giữa năm ngoái, khi loan báo lệnh cấm đánh cá trên biển Ðông tức vào khoảng thời gian chính vụ của ngư dân Việt Nam, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận hải quân qui mô với 14 chiến hạm trên biển Ðông, theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phó bản của tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc.

Cuộc tập trận này được mô tả là gồm cả chống tàu ngầm và đổ bộ vào bờ biển với mục đích “phòng chủ các đảo và bảo vệ các tuyến đường biển”.

Trong thời gian này năm ngoái, có ít nhất 3 cuộc tập trận hải quân quy mô của Trung Quốc được tổ chức gồm sự phối hợp của không quân, chiến hạm săn tàu ngầm và tàu tuần.

Báo chí Trung Quốc, gồm cả tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc từng đe dọa Việt Nam nhiều lần mỗi khi đề cập đến tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông.

Cuối tháng 5 sang đầu tháng 6 năm 2011, tàu Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong khu vực thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động ngang ngược này đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền các ngày Chủ Nhật hơn 2 tháng cho đến khi (...) đàn áp và ngăn cản triệt để. (T.N.)

source

Nguoi-Viet Online

Tuesday 17 January 2012

Việt Nam hạ thủy chiến hạm đầu tiên sản xuất trong nước


Thứ Ba, 17 tháng 1 2012
Chiến hạm đầu tiên do Việt Nam sản xuất
Chiến hạm đầu tiên do Việt Nam sản xuất
Truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết Việt Nam đã hạ thủy chiến hạm đầu tiên sản xuất trong nước có trang bị đại pháo và phi đạn.

Hãng thông tấn AP trích thuật bản tin của báo mạng VnExpress cho biết một công ty đóng tàu do quân đội điều hành đã mất hai năm để đóng chiến hạm được bàn giao cho hải quân hôm thứ Hai ngày 16 tháng 1, 2012.

Bản tin không cho biết kích cỡ của chiếc tàu chiến này, nhưng nói rằng tàu này có trang bị những hệ thống đại pháo và phi đạn hiện đại và có tầm hoạt động 2,500 hải lý.

Chuẩn Đô đốc Phạm Ngọc Minh, Tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam, cho hay chiến hạm này sẽ được dùng để tuần tiểu tại vùng biển Việt Nam.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã gia tăng trong những năm gần đây vì những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông và Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Phần lớn các trang thiết bị quân sự của Việt Nam hiện nay là do Nga hoặc Liên Xô cũ sản xuất.

Nguồn: AP, Vietnamnet
source
VOA

Chính quyền nói dân phá nhà ông Vươn


Thứ Tư, 18/01/2012, 07:58 (GMT+7)

Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Hải Phòng:

Chính quyền nói dân phá nhà ông Vươn

TT - Có mặt tại cuộc giao ban báo chí của Bộ Thông tin - truyền thông sáng 17-1, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị báo chí dừng thông tin vụ việc chống cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng đến khi có kết luận chính thức.

Ông Đỗ Trung Thoại nói do dân bất bình nên phá nhà ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Liêm, chủ tịch UBND xã Vinh Quang, khẳng định do đoàn cưỡng chế thực hiện.

>> Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng
>> Nên giao đất vĩnh viễn cho dân >> UBND huyện Tiên Lãng có nhiều cái sai

Ngôi nhà của ông Vươn trướckhi bị phá sập - Ảnh: H.H. - N.H.K.

Ngôi nhà của ông Vươn sau khi bị phá sập - Ảnh: H.H. - N.H.K.

Trái ngược với thừa nhận trước đó của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và chủ tịch UBND xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm, ông Thoại nói rằng nhà ông Vươn bị san phẳng do “nhân dân bất bình nên làm vậy”, chứ không phải đoàn cưỡng chế thực hiện.

“Nhân dân ủng hộ cưỡng chế”

Thủ tướng yêu cầu làm rõ đúng, sai

Theo website Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

V.V.T.

Trình bày tại cuộc họp, ông Thoại nói vụ việc ở Tiên Lãng xảy ra ngày 5-1 nhiều cơ quan báo chí đã thông tin. TP đang quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp xử lý vụ việc, trong đó có việc rà soát toàn bộ quy trình giao đất, thu hồi đất cũng như quyết định cưỡng chế.

Trong một hai ngày tới sẽ hoàn tất và có thông tin chính thức. “Sau khi vụ việc xảy ra, quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân các xã khu vực ven biển huyện Tiên Lãng, rất bất bình, đề nghị cơ quan chức năng phải sớm đưa ra xét xử nghiêm minh đối với những người cố tình chống đối” - ông Thoại cho biết. Đồng thời ông khẳng định việc cưỡng chế thu hồi đất nhà ông Vươn được nhân dân trong huyện đồng tình, ủng hộ.

Tóm tắt vụ việc, ông Thoại cho hay do đặc điểm tự nhiên nên Tiên Lãng có diện tích bãi bồi ngoài đê rất lớn với 3.157ha. Từ năm 1992-2000, huyện đưa hơn 1.400ha vào nuôi trồng thủy sản, trong đó giao hơn 500ha cho 56 gia đình, UBND xã hợp đồng cho 219 hộ thuê 580ha, diện tích còn lại huyện giao cho các tổ chức thuê.

“Theo Luật đất đai, thời kỳ 1993-1997 UBND huyện giao đất có thời hạn cho các gia đình, trong quyết định giao đất ghi rõ hết thời hạn thì chủ sử dụng đất phải giao trả lại để Nhà nước quản lý. UBND huyện ban hành các quyết định thu hồi đất đã hết thời hạn, trên cơ sở đó xem xét mục đích của cá nhân, hộ gia đình để cho thuê tiếp. Hầu hết các chủ sử dụng đất đã chấp hành quyết định thu hồi đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước” - ông Thoại khẳng định.

Ông Đỗ Trung Thoại trình bày tại cuộc giao ban báo chí - Ảnh: N.H.K.

Với trường hợp ông Vươn, “UBND huyện Tiên Lãng đã nhiều lần thuyết phục ông Vươn giao lại đất. Tuy nhiên ông Vươn không chấp hành, đòi UBND huyện giao đất chứ không thuê đất. Ngày 5-1, khi đoàn công tác chưa thực hiện cưỡng chế, chưa thuyết phục, vận động được lần cuối thì các đối tượng đã kích nổ mìn tự tạo chôn dưới đất, sau đó dùng súng đạn hoa cải bắn vào đoàn công tác làm sáu cán bộ, chiến sĩ bị thương” - ông Thoại nói.

“Ông Thoại nói không đúng”

Chiều qua, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với ông Lương Văn Trong - phó chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng - để xác nhận thông tin “hầu hết các chủ sử dụng đất đã chấp hành quy định thu hồi đất” thì ông Trong khẳng định “ông Thoại nói không đúng”.

Theo ông Trong, “chỉ có 18 hộ ở xã Vinh Quang bàn giao lại đất, nhưng sau khi họ bàn giao thì diện tích được thuê lại nhỏ hơn diện tích người ta khai hoang phục hóa trước đây rất nhiều. Vì thế mới còn mấy chục hộ không đồng ý với quyết định thu hồi đất và kiện quyết định này”.

Trở lại với cuộc giao ban báo chí, ông Thoại cho biết UBND TP Hải Phòng đã lắng nghe ý kiến các cơ quan thông tin đại chúng thời gian qua đưa tin về vụ việc. Trong đó có nhiều tin bài phản ánh đúng sự thật, mang tính xây dựng cao, nhưng có một số tin bài chưa được dư luận địa phương đồng tình.

UBND TP đang chỉ đạo xem xét toàn bộ vụ việc với tinh thần tôn trọng sự thật, thượng tôn pháp luật. “Trong khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về vụ việc, đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng dừng đăng tải những tin bài liên quan đến vụ việc này” - ông Thoại nói.

Trên nói dân phá, dưới khẳng định lực lượng cưỡng chế phá

Sau phần trình bày của ông Thoại, Tuổi Trẻ đã đặt ba câu hỏi đối với ông:

* Đề nghị ông nói rõ một số tin, bài chưa được dư luận địa phương đồng tình là những tin, bài nào và cơ sở nào để ông đề nghị báo chí dừng thông tin?

- Vài ngày nữa chúng tôi sẽ có thông tin chính thức gửi các đồng chí. Hôm nay theo báo cáo của huyện và các cơ quan thì tôi trao đổi thôi, chưa phải chính thức. Khi chúng tôi rà soát chính thức, tập thể lãnh đạo TP sẽ thống nhất chung để phát ngôn.

Còn một số thông tin chưa được nhân dân đồng tình, báo cáo các đồng chí là chúng ta có quá nhiều tin bài nhưng số lượng tin bài lên án các hành vi vi phạm pháp luật là giết người và chống người thi hành công vụ còn ít quá.

* Qua thông tin ông vừa trình bày thì hoàn toàn lỗi thuộc về ông Vươn, trong khi dư luận thời gian qua được các đồng nghiệp chúng tôi dẫn chứng, nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng nói tới cái sai của địa phương, sao không thấy ông đề cập?

- Vấn đề cơ bản ở đây là xem quyết định giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế của UBND huyện đúng sai thế nào. Chúng tôi đang tập trung vào vấn đề này. Đất bãi bồi ngoài đê quốc gia không phải là đất nông nghiệp giao sử dụng lâu dài cho nông dân.

Luật đất đai quy định đất này không phải là đất sản xuất nông nghiệp nên giao đất có thời hạn là hợp lý. Sẽ tiếp tục tranh luận nhưng mấu chốt nhất là như vậy. Quan điểm của TP là sau khi xem xét sẽ xử lý nghiêm người sai phạm dù là tổ chức hay cá nhân trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

* Gia đình ông Vươn đã có đơn tố cáo đoàn công tác cưỡng chế hủy hoại tài sản trên khu vực đất không thuộc diện bị cưỡng chế, địa phương giải thích như thế nào?

- Theo quy định của luật thì các đầm nuôi trồng thủy sản không quy hoạch khu dân cư, không được phép làm nhà mà chỉ là các chòi canh, nhà tạm. Các đồng chí có báo cáo sau khi tiếp cận ngôi nhà này đã tìm được vũ khí, vật liệu nổ. Các đồng chí có báo cáo là không cho phá cái nhà này, nhưng do nhân dân bất bình nên nhân dân vào phá chứ lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này.

Tuy nhiên, trả lời báo Tuổi Trẻ qua điện thoại, chủ tịch UBND xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm cho biết “việc này là ở đoàn cưỡng chế, nhà bị phá là do các đối tượng chống đối ẩn nấp”. Đây cũng là thông tin được Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền thừa nhận tại cuộc họp báo ngày 12-1.

Khi đó, ông Lê Văn Hiền khẳng định: “Việc căn nhà trên phần đất được cho là không thuộc diện tích cưỡng chế bị tháo dỡ là do khi cưỡng chế, các đối tượng gây án đã ẩn nấp trong đó. Sau khi cưỡng chế, chính quyền chưa để cho nhà ông Vươn vào đó là do sợ còn sót mìn của các đối tượng gây án cài trước đó”.

L.KIÊN - Đ.TR.

source

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/474442/Chinh-quyen-noi-dan-pha-nha-ong-Vuon.html

Wednesday 11 January 2012

Lần đầu tiên Trung Quốc phải mua dầu hỏa từ VN vì nguồn dầu từ Iran bị phong tỏa



Tuesday, 03 January 2012 18:27

Cali Today News - Công ty chuyên mua xăng dầu Unipec của TQ lần đầu tiên trả một số tiền kỷ lục cho lượng dầu giao cho tháng 2 năm 2012 cho dầu mua từ Nga và từ VN.

TQ hiện nay là xứ tiêu thụ dầu hỏa đứng thứ nhì trên thế giới, Sở dĩ phải làm như thế vì sản lượng dầu nhập từ Iran bị cắt hơn phân nữa cho tháng 1 năm nay.

Một lý do lớn nữa là các vụ điều đình về giá cả nhập từ Iran vẫn chưa xong và các nhà quan sát cho là “các vụ bàn cãi về giá có thể kéo dài qua tháng 2 năm nay”

Tehran đang đối diện với những lệnh trừng phạt gay gắt nhất từ phương Tây và nền công nghiệp xuất cảng dầu hỏa của họ sang Tây Âu và Châu Á có thể bị thiệt hại nặng nề.

Roy Jordan, một cố vấn của FACTS Global Energy có trụ sở ở London cho hay: “TQ sẵn sàng trả thêm tiền một chút đề có được nguồn dầu từ Kozmino cho nhanh”

Trong 11 tháng đầu của năm 2011, TQ đã phải mua gần 11% tổng sản lượng dầu cần thiết từ Iran, TQ là “bạn hàng nhập dầu lớn nhất” của Iran, nhưng TQ đã bị áp lực của thế giới phải lên án Iran về vụ tham vọng thủ đắc vũ khí nguyên tử của quốc gia này, mặc dù “trong bụng TQ không muốn”

Unipec cũng mua dầu từ VN, thông qua công ty PV Oil là đại diện thương mại của PetroVietnam. Tổng cộng có 400,000 thùng dầu của VN với giá phải trả thêm 7.50 đô la mỗi thùng so với dầu Brent được TQ đặt mua cho tháng 2.

Trong tháng 1 trước đó, TQ còn phải cần mua thêm 12.43 triệu thùng dầu thô từ Nga, Iraq và Tây Phi Châu, đền bù vào số lượng dầu thô “bị đứt đoạn” từ Iran.

Trường Giang (nguồn Reuters)

source
Calitoday

Monday 2 January 2012

Diễn biến vụ chìm tàu Vinalines Queen


30/12/2011 16:19

Diễn biến vụ chìm tàu Vinalines Queen

Nghe thủy thủ tàu Vinalines Queen kể hành trình sống sót

TTO - Mời bạn đọc nghe thủy thủ Đậu Ngọc Hùng - thuyền viên tàu Vinalines Queen bị chìm - kể lại hành trình được cứu sống với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam.

Bấm vào loa nghe cuộc nói chuyện của anh Đậu Ngọc Hùng với đất liền
Đoạn băng được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được bạn đọc Nhữ Thanh An thu lại và cung cấp cho TTO.
Đầu giờ chiều 30-12, tàu hàng London Courage (quốc tịch Anh) thông báo đã cứu sống được thuyền viên tên là Đậu Ngọc Hùng (31 tuổi, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An, thủy thủ chính thức trên tàu Vinalines Queen) khi đang trôi dạt cùng phao cứu sinh vào lúc 10g30 cùng ngày.

Tàu Vinalines Queen

Tàu hàng London Courage (quốc tịch Anh) thông báo đã cứu sống được một thuyền viên trên tàu Vinalines Queen
Vị trí tàu London Courage tìm thấy thuyền viên Đậu Ngọc Hùng cách nơi tàu Vinalines Queen phát liên lạc lần cuối 350km về phía Tây.
Sau khi được chăm sóc sức khỏe, thuyền viên Đậu Ngọc Hùng đã gọi điện về nhà.
Thông tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) cho biết thuyền viên Đậu Ngọc Hùng thông báo tàu Vinalines Queen đã bị chìm và chỉ một mình anh thoát ra được khỏi tàu.
Theo TTXVN, lúc 15g20 ngày 30-12, Việt Nam MRCC đã liên lạc trực tiếp bằng điện thoại vệ tinh với thuyền viên Đậu Ngọc Hùng hiện ở trên tàu London Courage, được thuyền viên này cung cấp thông tin là tàu Vinalines Queen đã bị chìm ngay lúc 7g sáng 25-12 do bị nghiêng trái quá lớn.
Tàu bị chìm nhanh, một bè cứu sinh mạn phải của tàu được hạ xuống biển và thuyền viên Đậu Ngọc Hùng đã lên được bè cứu sinh này và bị trôi dạt suốt từ hôm đó đến nay. Tình trạng sức khỏe của thuyền viên Đậu Ngọc Hùng hiện khá tốt.
Hiện nay, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã thông tin và đề nghị Philippinnes, Nhật Bản, Đài Loan và các nước xung quanh khu vực triển khai các biện pháp để tổ chức các hoạt động tìm kiếm thuyền viên của tàu Vinalines Queen có thể còn đang trôi dạt trên biển.
Tàu London Courage đang trên đường về Singapore.
Tàu Vinalines Queen cùng với 23 thuyền viên vận chuyển 54.400 tấn quặng nikel hành trình từ cảng Morowali (Indonesia) đến cảng Ningde (Trung Quốc). Lúc 7g ngày 25-12, khi hành trình đến phía đông bắc đảo Luzon, Philippines, tàu Vinalines Queen thông báo bị nghiêng 18 độ và mất liên lạc ngay sau đó.

Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng kể lại với các thành viên Việt Nam MRCC: "Em bám vào được phao bè anh à. Tối hôm đó gió và sóng mạnh quá, tàu bị nghiêng và lật úp. May mà em thủ được cái đèn pin trong phao bè và tìm cửa chui ra. Em thoát được từ mạn trái". Anh Hùng cho biết thêm lúc anh bám được bè sóng gió rất mạnh và khi lên được phao bè có quan sát xung quanh nhưng không thấy ai..".
Kể về tình huống tàu chìm, anh Hùng cho biết: Lúc đó gió trên cấp 8, sóng to và tàu chạy với vận tốc hơn 6 hải lý/ giờ. Tàu bị lật khi đã chuyển hướng chạy vào đảo gần nhất của Philippines và trong lúc Hùng có nhiệm vụ xách đồ và nước uống chuẩn bị xuống tàu.
Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng cho biết đã dùng lương khô và nước ngọt trên phao bè để tồn tại từ lúc tàu chìm và 7g sáng ngày 25-12 .
Tâm sự sau khi được cứu sống, anh Hùng cho biết "Nghề sông nước thực sự là nghề nguy hiểm. Thảm họa rình rập mình, không biết lúc nào xảy ra nên mọi cái trên tàu phải hết sức cảnh giác để đừng gây ra sự cố gì cả. Còn nếu bị sự cố như thế mình cũng phải bình tĩnh khắc phục, đừng hoảng loạn quá mà không xử lý được tình huống".

Hình ảnh vết dầu mà Cục phòng vệ bờ biển Nhật Bản chụp từ máy bay trên vùng biển tàu Vinalines Queen mất liên lạc và vị trí tàu mất liên lạc

- 5g48 ngày 25-12: tàu Vinalines Queen thông báo đang bị nghiêng trái 20 độ, chưa rõ nguyên nhân. Tại thời điểm đó, điều kiện thời tiết tại khu vực gió cấp 7-8, giật cấp 9, thuyền trưởng đã chuyển hướng 240 độ về vị trí an toàn gần nhất của Philippines.
- 6g58 ngày 25-12: tàu Vinalines Queen báo độ nghiêng trái còn 18 độ, vị trí tàu 20 độ vĩ Bắc, 123 độ 47 phút 94 giây kinh Đông, tàu đang chạy theo hướng 240 độ về điểm có tọa độ 18 độ 30 phút vĩ Bắc, 122 độ 3 phút kinh Đông, gần bờ biển Phillipines. Kể từ thời điểm trên, Công ty vận tải biển Vinalines đã không thể liên lạc với tàu mặc dù đã sử dụng tất cả các hình thức để liên lạc như: INM-C, INM-F, DSC, thông qua các trạm đài bờ, nhờ các tàu hành trình trong khu vực liên lạc.
- 9g50 ngày 27-12: máy bay của Cơ quan Phòng vệ bờ biển Nhật Bản phát hiện vệt dầu loang tại tọa độ 19 độ 51 phút 43 giây vĩ Bắc, 123 độ 37 phút 38 giây kinh Đông, nhưng không thấy vật thể trôi dạt nào khác.
- 10g30 ngày 30-12: tàu hàng London Courage phát hiện, cứu sống thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (31 tuổi, quê Nghệ An) khi anh đang trôi dạt cùng phao cứu sinh ở tọa độ 20 độ 17 phút vĩ Bắc, 120 độ 22 phút kinh Đông, cách nơi tàu Vinalines Queen phát liên lạc lần cuối 350km về phía tây. Anh Hùng cho biết tàu Vinalines Queen bị chìm và anh là người duy nhất sống sót.

Danh sách 23 thuyền viên tàu Vinalines Queen