Wednesday 27 January 2010

Phụ nữ đi mót cà phê bị chó cắn chết


Monday, January 25th 2010

4:41 PM


medium_VN_88532420_coffee.JPG


Hình bên: Một nhánh cà phê đầy trái đang chín. Hàng trăm ngàn mẫu rừng ở Tây Nguyên đã được phá bỏ và trồng cà phê để xuất cảng, phần lớn nằm trong tay quốc doanh và một ít tư nhân. Những người nghèo, một số không nhỏ là người Thượng sống qua ngày bằng việc hái cà phê cho các nông trường. (Hình: AFP/Getty Images)

BAN MÊ THUỘT (VNExpress) - “Ba người phụ nữ vào trang trại cà phê công ty Trường Ngọc (Ðăk Lăk) mót cà phê, bị đàn chó bẹc-giê nhảy xổ ra đuổi. Hai người leo được lên cây trốn, còn bà Ngắn bị chó kéo được chân, quật ngã xuống đất cắn xé đến chết,” theo tin VNExpress.

Báo điện tử này cho hay vụ việc kinh hoàng này và dẫn lời một viên chức Sở Công An thành phố Buôn Ma Thuột (Ðăk Lăk) xác nhận “bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi) ở buôn H'drát, xã Ea Kao, đã bị đàn chó bẹc-giê cắn chết.”

Giống chó bẹc-giê là giống chó Ðức rất dữ, khôn ngoan, to lớn thường được huấn luyện cho nhiều nhiệm vụ khác nhau từ chống ma túy, săn bắn, tấn công, tìm kiếm, canh phòng tại rất nhiều nước trên thế giới.

Theo bản tin VNExpress “Chiều ngày 21 tháng 1, bà Ngắn cùng hai cô gái tên Ðiệp và Trâm vào trang trại cà phê công ty Trường Ngọc, thường được gọi là ‘rẫy ông Thành 507’ để mót cà phê. Vừa nhặt được vài quả thì bất ngờ một con chó bẹc-giê to từ trong nhà nhảy xổ đến”.

Nguồn tin trên cho hay “Ðiệp và Trâm nhanh chân leo vội được lên cây sầu riêng để tránh. Còn bà Ngắn loay hoay tìm cây cao để leo lên thì bị con chó nhảy lên kéo chân, quật ngã xuống đất cắn xé”.

VNExpress kể tiếp cho biết “Theo lời Ðiệp và Trâm, khi nghe tiếng kêu cứu của họ, ông Sơn là quản lý của trang trại đi xe máy đến, nhưng lại bỏ đi. Khoảng năm phút sau, 4-5 con chó khác trong trang trại nhảy xổ ra, cùng cắn xé bà Ngắn. Khoảng 20 phút sau, ông Sơn quay lại, huýt sáo gọi đàn chó trở về.

Quá hoảng sợ trước sự hung hãn của đàn chó nhưng Ðiệp cũng kịp dùng điện thoại di động gọi người nhà ra cứu. Khi mọi người trong buôn chạy ra thì bà Ngắn đã chết, trên người đầy những vết thương, hầu hết phần cơ đều bị chó cắn nát và ăn mất, ở đầu, tay và chân mất nhiều mảng da thịt.”

Bản tin của VNExpress còn nói rằng “Theo nhiều người dân địa phương, đây không phải là lần đầu đàn chó trong trang trại này cắn người. Trước đó không lâu, chúng đã cắn một phụ nữ phải khâu nhiều mũi.”

Trong một bản tin khác, báo điện tử VietNamNet thuật theo báo Pháp Luật ở Sài Gòn đưa chi tiết cho biết thái độ vô cảm của nhân viên trang trại cà phê Trường Ngọc: “Nghe tiếng kêu cứu, ông Sơn là quản lý trang trại đi xe máy đến. Dù bà Ngắn van xin nhưng ông Sơn đã bỏ đi. Khoảng năm phút sau, thêm một bầy chó béc-giê khoảng năm con xông đến cắn xé bà Ngắn.

Sau đó, người quản lý (kể trên) mới quay lại, gọi đàn chó quay về và nói: ‘Ai nhủ (bảo) vô đây mót chi’, rồi gọi điện thoại cho ai đó rằng: ‘Chó cắn chết người rồi’, xong lại bỏ đi. Tại hiện trường, thân thể bà Ngắn bị chó cắn xé tơi tả, các phần cơ bị chó cắn nát, ăn mất...”

Báo Tuổi Trẻ cũng có tin này và cũng đưa phần tin này là “Một người đàn ông của trang trại chứng kiến sự việc nhưng không can thiệp dù nạn nhân kêu la. Tại hiện trường, hầu hết các phần cơ đều bị chó cắn nát và ăn mất, toàn bộ da đầu, mặt bị mất.”

Cuối tháng 11 năm 2009, chó bẹc-giê của nông trường Thái Hiệp Thành (công ty con của công ty cao su quốc doanh Ðồng Nai) ở huyện Long Thành tỉnh Ðồng Nai, đã cắn trọng thương một học sinh lớp 6 tên Huỳnh Ngọc Hải 11 tuổi. Cậu nhỏ này, vì gia đình quá nghèo, đã cũng với một số bạn đi mót mủ cao su sót lại trong các chén.

Báo Pháp Luật ở Sài Gòn loan tin này và nói đàn chó bẹc-giê của nông trường tới tấn công đã cắn Hải nhiều chỗ, nằm bất tỉnh. May được bạn bè chạy thoát về xóm cầu cứu. Hải được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện kịp thời nên toàn mạng

Quản lý chó cắn chết người: ‘Ai bảo vào, cho chết’

BAN MÊ THUỘT (TT) - Hai ngày sau khi đàn chó của nông trại cắn chết người, nhân chứng cho hay người quản lý chó thản nhiên nói, “Ai bảo vào, cho chết,” theo tin báo Tuổi Trẻ. Cũng trên báo này, người chủ trang trại tuyên bố với báo chí, “Chó là con vật nên nó cắn cho là phải.”

Hôm 22 tháng 1, bà Phạm Thị Ngắn, 55 tuổi, và hai cô gái cư dân xã Ea Kao thành phố Ban Mê Thuột vào vườn cà phê của công ty Trường Ngọc mót quả cà phê rớt dưới đất.

Một con chó bẹc-giê của trang trại phóng tới. Hai cô gái nhanh chân leo lên được cây cao. Bà Ngắn chậm chân đã bị con chó này kéo xuống cắn. Không những vậy, người trông coi đàn chó của trang trại đã bỏ mặc nạn nhân kêu cứu, bỏ đi và còn cho thêm 5 con chó bẹc-giê nữa tới hợp sức cắn tiếp.

Hậu quả, không những bà Ngắn bị chúng cắn chết, đàn chó còn ăn một phần thân thể của bà trước sự kinh hãi cùng độ của hai cô gái.

Theo sự tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, 2 ngày sau cái chết thương tâm của bà Phạm Thị Ngắn, người dân ở buôn H'drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Ðắc Lắc vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót.

Trong căn nhà nằm lọt thỏm giữa buôn H'drát với bàn thờ nhỏ, những người thân sau khi tiễn đưa bà Ngắn vẫn ngồi lại an ủi người con trai duy nhất thẫn thờ sau cái chết của người mẹ.

“Tôi đang đi làm thì nghe tin mẹ mất bởi chó cắn. Chứng kiến cảnh thi thể mẹ bị đàn chó dữ xâu xé, kéo lê mấy chục mét mà tôi không thể tin vào mắt mình” - anh Nguyễn Văn Khôi kể lại trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Kể lại vụ việc với báo Tuổi Trẻ, chị Giang Thị Ðiệp, người cùng đi với bà Ngắn và leo kịp lên cây cao, vẫn chưa hết kinh hoàng. Chị là người đã chứng kiến toàn bộ sự việc từ khi bà Ngắn vào vườn mót cà phê đến khi bị chó cắn chết.

“Chị Ðiệp kể lại khoảng 14 giờ ngày 21 tháng 1, chị cùng bà Ngắn và chị Trâm vào trang trại cà phê của ông Phạm Ngọc Thành ở gần nhà để mót cà phê.” Báo Tuổi Trẻ tường thuật theo lời nhân chứng. “Khi đang mót thì thấy chó bécgiê xuất hiện. Chị Ðiệp và chị Trâm sợ quá leo lên cây sầu riêng, còn bà Ngắn đang loay hoay trèo thì bị con chó chồm lên quật ngã, cắn xé.”

Theo lời nhân chứng “Sau đó một lúc thì ông Sơn - người quản lý đàn chó và trang trại - đi xe máy đến. Dù bà Ngắn đã chắp tay van xin nhưng ông Sơn lạnh lùng nói: “Ai bảo vào, cho chết”. Chừng 5 phút sau, một đàn chó bécgiê khoảng 5 con xông đến tiếp tục cắn xé bà Ngắn. Sau đó ông Sơn quay lại, thấy bà Ngắn đã chết liền huýt sáo gọi đàn chó quay về và gọi điện thoại cho ai đó nói “cô ơi, chó cắn chết người rồi” xong bỏ đi.

Chị Ðiệp kể thêm: “Tôi đã dùng điện thoại gọi nhiều người đến ứng cứu nhưng vô vọng. Ở trên cây, tôi thấy anh Sơn đi xe máy đến. Tôi gọi “anh Sơn ơi cứu cô với, chó cắn cô” nhưng anh ta vẫn lạnh lùng như không biết. Từ khi con chó đầu tiên cắn đến khi đàn chó được anh Sơn gọi về khoảng nửa giờ, dù có gọi nhưng anh Sơn vẫn bỏ đi”.

Bà Ngắn đã bị đàn chó dữ cắn xé đến chết. Theo báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Ngấn, anh trai người quá cố, cho biết thêm: “Thân thể bà ấy không còn nguyên vẹn nữa, chúng tôi phải nhờ bên pháp y khâu vá, phục hồi phần nào đó cơ thể của bà ấy trước khi chôn cất”.

Theo nhiều người dân kể lại với tờ Tuổi Trẻ, trước đây đàn chó nhà ông Thành từng gây ra những sự việc tương tự. Gần đây nhất là vụ cắn một bà cụ 67 tuổi ở địa phương phải khâu nhiều mũi. Cách đây không lâu, một người dân đi lạc vào rẫy này và đang hỏi đường ra thì bị những bảo vệ trong trang trại đánh. Ông Y Sê Hmok, công an viên buôn H'drát, xác nhận những vụ việc trên.

Khi nói chuyện với ký giả tờ Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Thành, chủ trang trại Trường Ngọc nói: “Chúng tôi đã cảnh cáo nhiều lần nhưng họ không nghe, vườn người ta đang tưới nước mà lại xông vô. Chó là con vật nên nó cắn cho là phải. Việc báo chí viết là cố tình thả chó không đúng cho lắm vì chúng tôi đã có hàng rào bao bọc, có biển cảnh báo chó dữ chứ đâu phải là không có. Bước đầu chúng tôi đã chịu trách nhiệm lo tiền phúng viếng, ma chay cho gia đình...”

Khi được hỏi có biết việc ông Sơn thả chó để hù dọa không thì ông Thành nói: “Chuyện Sơn có thả chó hay không, hoặc như thế nào đó đã có công an chứ tôi không hay biết”.

Tuy nhiên, tờ báo thuật theo lời chị Chiến, người ở đối diện trang trại ông Thành, thì ngày xảy ra sự việc cửa trang trại mở, “thấy cà phê sót nhiều nên người dân trong vùng vào đó mót cà phê. Bảng cảnh báo chó dữ mới được dựng lên hôm qua (22 tháng 1), còn cái cột làm cửa này cũng mới được dựng lên cho chắc chắn”.

Theo lời Nguyễn Hữu Quang, chủ tịch UBND xã Ea Kao, cho biết chủ trang trại Trường Ngọc “đã đưa cho gia đình nạn nhân 120 triệu đồng để làm ma chay, phúng viếng... Còn những chuyện sau để pháp luật lo”.

source

Saigon Time Pty

Thứ Ba, 26/01/2010, 08:13

Cái chết thảm bên gốc cà phê

Kỳ 1: Nước mắt ở buôn nghèo

(ANTĐ) - Câu chuyện về đàn chó béc giê cắn chết một người phụ nữ mót cà phê rụng ở Buôn Mê Thuột cứ ám ảnh chúng tôi suốt chuyến xe dài lên Đắk Lắk. Không thể hình dung nổi một người quản lý trang trại cà phê có thể bỏ mặc người phụ nữ yếu đuối trong sự giằng xé của đàn chó dữ... Sơn ơi, cứu cô với... Tiếng kêu tuyệt vọng của bà Ngắn được những người trên xe miêu tả lại khiến chúng tôi rùng mình...

Người dân đưa tiễn bà Ngắn hôm 23-1

Buôn H’drat, xã Ea Kao nằm không xa trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột. Cả buôn chừng 240 hộ dân sống giữa những rẫy cà phê bạt ngàn.

Năm 1992, bà Ngắn và con trai rời quê Yên Khánh, Ninh Bình lên cao nguyên mong kiếm tìm một cuộc sống tươi sáng hơn. Nguyễn Văn Khôi con trai duy nhất của bà Ngắn sau hồi xúc động, kể lại: Mẹ tôi được người anh ruột cho 3 mẫu vườn để trồng cà phê, cuộc sống vất vả dần cũng qua khi tôi trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định.

Mẹ tôi đã 55 tuổi, chỉ ở nhà chăm cháu, thi thoảng ra tưới mấy gốc cà phê vườn nhà. Tất cả bà con buôn này, khi vụ cà phê đã thu hoạch xong, mọi người thường rủ nhau đi mót những quả rơi rụng trên rẫy. Hôm 21-1, tôi đi làm công trình cách nhà 20km. Không hiểu sao hôm đó lòng tôi nóng như lửa, không biết có chuyện gì xảy ra với mình hay với gia đình...

Thế là tôi xin nghỉ và về nhà. Trên đường tôi nhận được điện thoại của cô Chót là hàng xóm báo về nhanh để đưa mẹ đi cấp cứu, vì bà bị chó nhà ông Thành cắn... Tôi lúc đó chỉ nghĩ mẹ tôi bị thương nhẹ. Nhưng khi về gần đến nhà, tôi nhận được điện thoại của cô Chót nói mẹ tôi đã chết. Tôi dừng xe, nằm vật bên vệ đường và vô cùng hoảng loạn...

Khi bình tĩnh lại, tôi lên xe đi tiếp. Về đến cổng trang trại của ông Thành, người dân đã tụ tập rất đông trước cổng, thái độ phẫn uất song không ai dám vào vì đàn chó vẫn quẩn quanh bên trong. Tâm trạng lúc ấy, tôi muốn lao ngay vào để xem mẹ, dù còn chút hy vọng sống sót, để đưa đi cấp cứu.

Tuy nhiên hàng xóm ai cũng lắc đầu không cho vào vì sợ tôi nhìn thấy mẹ chết thảm thương quá. Lâu lắm tôi mới đủ sức tới chỗ mẹ tôi bị nạn, lật tấm chiếu nhìn xác mẹ, ứa nước mắt... Mẹ tôi sống ở đây bao năm hiền lành, chẳng bao giờ mâu thuẫn với ai, tại sao lại nhận một cái chết đau đớn như vậy?!

Ông Giang Bá Thu cho biết, con gái ông, chị Giang Thị Điệp, người chứng kiến cái chết của bà Ngắn vẫn đang trong trạng thái hoảng loạn, đêm la hét, ngày thì cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Cả làng này cứ hết vụ, công việc rảnh rỗi lại xách rổ rá đi mót cà phê rụng kiếm thêm vài nghìn đồng.

Các anh cứ thử hình dung, 1 con chó to lớn đang chạy đến, con gái tôi vội nhảy lên cây sầu riêng và nói bà Ngắn trèo lên, song bà Ngắn lúc ấy chỉ trèo được lên cây cà phê thấp, dép còn mắc vào thân cây. Người dân chúng tôi căm phẫn vô cùng khi anh Sơn, người quản lý đàn chó của trang trại chỉ đứng cách đó chừng 3 gốc cà phê, thấy sự việc mà thờ ơ.

Con gái tôi kể lại, lúc thấy 1 con chó đến, có gọi: “Anh Sơn ơi, anh vào đánh chó cứu cô Ngắn với”. Tuy nhiên Sơn nói: “Đã bảo đừng vào, cho chết”... Bà Ngắn cũng chắp tay lạy: Sơn ơi, cứu cô với... Vậy mà Sơn vẫn bỏ đi. Chính vì sự vô lương của Sơn mà 4-5 con chó ở nơi khác nghe tiếng gọi mồi đã lao đến và cắn xé bà Ngắn. Lúc ấy con gái tôi ngồi trên cây lấy điện thoại di động ra cầu cứu bà con láng giềng...

Đã nhiều hôm trôi qua sau đám tang của bà Ngắn, những người dân buôn H’drat vẫn chưa muốn đi rẫy, chẳng muốn đi mót hạt cà phê rụng nữa. Bà Nguyễn Thị Chót, hàng xóm của bà Ngắn bàng hoàng: Luật pháp mình đã nêu rõ, nếu trên đường gặp người bị nạn mà không cứu, đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự rồi, chứ đây lại là chuyện cố tình bỏ mặc người bị nạn.

Tôi không dám nghĩ rằng, cách đối xử giữa con người đối với con người lại nhẫn tâm thế. Người dân chúng tôi buổi tối đã chẳng ai dám đi qua trang trại ấy, vì sợ chó. Bọn trẻ đi học bây giờ cũng phải đi đường vòng... Tấm biển có chó dữ ở trang trại ông Thành mới được dựng lên lướt qua chúng tôi. Đêm Buôn Mê Thuột lạnh đến nhói lòng.

(Còn nữa)

Đông Hải - Xuân Hoàng

source

http://anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=67103&ChannelID=80

Friday 22 January 2010

Công an kết thúc 'làm việc' với GS Huệ Chi



Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói ông bị "huyết áp cao" và cần nghỉ ngơi

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã kết thức đợt làm việc với công an văn hóa tại Hà Nội nhưng vẫn chưa được trả ổ cứng máy tính.

Phu nhân của ông, bà Nguyễn Kim Hưng, nói với BBC:"Bây giờ xong rồi, xong hết."

"Nhà tôi cũng mệt mỏi, nhưng cũng đỡ rồi. Chắc nghỉ ngơi vài hôm thì cũng đỡ."

"Hai hôm nữa họ sẽ trả ổ cứng, trả lại các tài liệu họ mang đi."

Giáo sư Chi, người đứng sau trang mạng của trí thức phản đối dự án khai thác bauxite của Việt Nam ở Tây Nguyên, đã phải, theo lời ông, "làm việc thành tâm để tìm sự thật" với công an văn hóa từ hôm 13/1.

Bà Hưng nói ông phải làm việc liên tục "chỉ trừ ngày Chủ Nhật".

"Căn bản là cái ổ cứng, họ in ra từ ổ cứng đấy nó nhiều lắm," bà nói.

"Lâu là vì thế. Phải có mình chứng kiến ở đấy, mình phải đến đấy để mở niêm phong ra thì họ mới in ra được."

'Nghỉ ngơi'

Nhà tôi mới về cũng mệt lắm, chưa thể tiếp tục ngay được, cũng phải nghỉ ngơi một thời gian.

Bà Nguyễn Kim Hưng, phu nhân Giáo sư Huệ Chi

Bản thân giáo sư Huệ Chi nói với BBC ông bị "huyết áp cao" và không tiện nói chuyện.

Trang mạng mà giáo sư là một trong những người chủ biên trang bauxite - đã bị những tin tặc không xác định được danh tính tấn công trong nhiều tháng qua.

Mới đây ông Chi và các cộng sự công bố đã chuyển hoạt động của trang web sang địa chỉ mới tại http://boxitvn.info và http://boxitvn.net nhưng cả hai địa chỉ này đều chưa thể truy cập.

Thay vào đó Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và những người biên tập đang tạm dùng blog tại Bấm boxitvn.wordpress.com.

Khi hỏi về số phận của trang bauxite mới, bà Hưng nói:

"Trang kia thì phải đợi xem họ quyết định như thế nào. Họ chưa nói gì về trang đó cả. Còn cái blog thì vẫn ra."

"Nhà tôi mới về cũng mệt lắm, chưa thể tiếp tục ngay được, cũng phải nghỉ ngơi một thời gian."

Thursday 14 January 2010

Doanh nghiệp bỏ trốn, 700 lao động “chới với”


Thứ Sáu, 15/01/2010, 07:47 (GMT+7)


* Công nhân Công ty TaeKwang Vina tiếp tục đình công

TT - Chiều 14-1, công nhân Công ty TNHH Hason Vina (Khu công nghiệp Tân Định, huyện Bến Cát, Bình Dương) cho biết chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn và không trả lương cho công nhân. Công nhân Nguyễn Văn Nam nói: “Công ty nợ lương, bảo hiểm xã hội đã nhiều tháng khiến cuộc sống của công nhân rất khổ cực. Cả ba anh em chúng tôi làm chung một công ty, nay đều không dám về tết”.

Theo báo cáo của các ngành chức năng tỉnh Bình Dương, hiện công ty còn nợ ba tháng lương của gần 700 công nhân với khoảng 1,1 tỉ đồng và gần 1,8 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội. Công ty còn nợ ngân hàng khoảng 100 tỉ đồng. Trước mắt, tỉnh Bình Dương sẽ tạm ứng ngân sách hơn 1,1 tỉ đồng để trả lương, tạo điều kiện cho công nhân về quê ăn tết.

Cùng ngày, 8.000 công nhân Công ty TaeKwang Vina (vốn 100% của Hàn Quốc chuyên sản xuất giày thể thao, trụ sở tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai) tiếp tục đình công ngày thứ hai để đòi tăng lương.

Đại diện doanh nghiệp đã ra thông báo cam kết nâng lương cơ bản năm 2010 lên 7% kèm theo các khoản tiền trượt giá vào lương cơ bản, đồng thời sắp xếp phép năm cho công nhân và gộp chung tiền thưởng lễ 30-4-2009 vào mức thưởng tết 2010. Tuy nhiên công nhân vẫn phản đối, bỏ về và đòi tăng lương cơ bản lên 10%.

A.THOA - H.M.

source

http://www3.tuoitre.com.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=358589&ChannelID=269

Thứ Sáu, 15/01/2010, 07:15 (GMT+7)

Xăng, dầu lại tăng giá

TT - Giá mỗi lít xăng của hầu hết các công ty đều tăng thêm 450 đồng, riêng Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) tăng 500 đồng, trong khi các loại dầu tăng 300 đồng, riêng dầu mazut tăng 300-400 đồng/kg kể từ tối 14-1.

>> Xăng lại tăng thêm 450 đồng

Như vậy, xăng A92 có giá mới là 16.400 đồng/lít, A95 giá 16.900 đồng/lít, dầu DO từ 14.850-14.900 đồng/lít, dầu hỏa 15.500 đồng/lít. Riêng trên hệ thống bán lẻ của PV Oil, giá xăng sẽ cao hơn 50 đồng/lít so với các cây xăng khác.

Theo quy định mới, các công ty được tự quyết định giá nên trên thị trường giá bán lẻ tại các cây xăng có thể sẽ khác nhau trong thời gian ngắn do mỗi công ty áp dụng thời điểm điều chỉnh giá khác nhau.

Theo các công ty kinh doanh xăng dầu, mặc dù trong hai ngày qua giá xăng dầu trên thị trường thế giới có giảm nhưng mức bình quân 30 ngày qua vẫn cao nên giá bán lẻ trong nước buộc phải tăng theo.

Giá xăng A92 thành phẩm tại thị trường Singapore ngày 13-1 giảm còn 85,2 USD/thùng, dầu DO từ 85,8-86,4 USD/thùng. Trước đó, giá xăng dầu tại thị trường này đã có lúc tăng từ 88 đến xấp xỉ 90 USD/thùng.

L.N.MINH - C.V.K.

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=358578&ChannelID=3

Tuesday 12 January 2010

Trang sức trẻ em Trung Quốc bày bán tràn lan ở Việt Nam




Trang sức trẻ em Trung Quốc bày bán tràn lan ở Việt Nam

Trong khi nữ trang trẻ em có độc xuất xứ Trung Quốc đang gây sốc tại Mỹ, thì tại TP HCM và Hà Nội trang sức ngoại không rõ nguồn gốc vẫn bán chạy.
>Nữ trang trẻ em Trung Quốc chứa chất cực độc / Mỹ mở cuộc điều tra / Siêu thị Mỹ tẩy chay

Các loại vòng tay, khuyên tai, lắc chân mạ bạc, mạ vàng sáng bóng rất dễ tìm mua tại các cửa hàng lưu niệm nằm trên phố Tôn Thất Tùng, Đội Cấn, Cầu Giấy, Tôn Đức Thắng, khu vực chợ đêm… (Hà Nội). Giá cả đa dạng, từ 5.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng mỗi chiếc. Cũng ít ai để ý trên móc treo đầy vòng vèo sáng bóng, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một vài chiếc vòng lạc điệu ngả mầu bong cả lớp mạ, trơ lõi sắt.

Theo ghi nhận của VnExpress.net, khách hàng tại đây chủ yếu là những cô cậu học trò tuổi "xì tin". Năm nay, mặt hàng được ưa chuộng nhiều nhất là túi nữ trang đủ bộ gồm vòng đeo cổ, nhẫn và khuyên tai mạ bạc với giá từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng.

Ảnh: Hoàng Lan
Đôi khuyên nguồn gốc từ Trung Quốc có giá 12.000 đồng. Ảnh: Bách Hợp.

Nhiều cô cậu học sinh ít quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Vân Anh (PTTH Kim Liên) cho hay em hay đến khu vực Khương Thượng (Hà Nội) để mua đồ trang sức và quà lưu niệm. "Thường thấy đồ nữ trang nào rẻ, đẹp là mua. Chỉ khi tặng quà sinh nhật cho bạn, em mới phải mua đồ xịn, để ý đến nguồn gốc”, cô bé chia sẻ.

Chủ một cửa hàng bán lưu niệm tại khu vực Khương Thượng cho hay, mặt hàng nữ trang bày bán ở đây thường là đồ mạ bạc nên giá rất rẻ. Các sản phẩm được dùng trong một thời gian ngắn là lỗi mốt nên khách hàng không mấy khi “lăn tăn” về chất lượng, nguồn gốc. Cũng theo chị chủ cửa hàng này, đồ nữ trang ở đây yếu nhập từ các chợ đầu mối như Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân. "Các chợ lớn này lại đánh hàng từ Trung Quốc dọc theo đường biên giới nên giá bán buôn thường rẻ chỉ bằng một phần ba”, chị tiết lộ.

Tại TP HCM, không ít loại nữ trang như dây chuyền, hoa tai và nhẫn chế tác từ vàng, bạc có nguồn gốc mập mờ, kém minh bạch về xuất xứ. Nhiều chủ tiệm vàng khẳng định không bán hàng Trung Quốc nhưng các chuyên gia cho rằng, rất khó nhận biết nguồn gốc thực sự của những sản phẩm này.

Khảo sát của VnExpress.net tại hàng loạt các cửa hiệu vàng bạc đá quý ở khu vực chợ Bến Thành (quận 1), chợ An Đông (quận 5), chợ Bà Chiểu, Thị Nghè (quận Bình Thạnh), nữ trang ngoại được bày bán ở các quầy kim hoàn đều được giới thiệu nhập từ Italy. Một số rất ít được chủ tiệm vàng giải thích có xuất xứ từ Ấn Độ và Thái Lan. Nguồn gốc của vàng hay bạch kim thường được các cửa hàng được phân thành 2 loại, hàng ngoại và hàng nội với giá cả chênh lệch khá lớn.

Ảnh: Lệ Chi
Khó nhận biết xuất xứ nguồn gốc của nữ trang là điều khiến khách hàng băn khoăn khi quyết định mua hàng. Ảnh: Lệ Chi.

Tại các chợ trên địa bàn thành phố, đồ trang sức ngoại nhập, chủ yếu được giới thiệu là vàng Italy có giá 36 USD một gram. Các sản phẩm kim hoàn là vàng trắng trong nước có giá 18-20 USD một gram, thậm chí có thể ngã giá thương lượng giảm thêm. Riêng nhẫn, lắc, dây chuyền, vòng, bông tai làm từ vàng 18K hoặc 24K sẽ tính tùy theo giá vàng trong nước từng ngày cộng thêm tiền công chế tác. Hầu hết giới kinh doanh nữ trang đều khẳng định chỉ bán nữ trang Việt Nam và Italy là chủ yếu, không bán hàng Trung Quốc, cũng không có nhiều mặt hàng nữ trang dành cho trẻ em.

Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn thương tín Sacombank Nguyễn Ngọc Quế Chi cho biết, hiện nay đơn vị chỉ kinh doanh nữ trang dành cho phái nam và phái nữ, chưa phát triển dòng sản phẩm dành cho trẻ em. Bà Chi cho biết thêm, tất cả các dòng nữ trang hiện nay doanh nghiệp đang bán đều do đơn vị tự sản xuất là chính chứ không nhập khẩu nhiều.

Còn Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Nguyễn Thị Cúc khẳng định, chuỗi cửa hàng vàng bạc nữ trang PNJ chỉ có 5% sản phẩm được nhập về từ Italy. Đặc điểm của dòng sản phẩm này là sáng, bóng, tinh xảo và bắt mắt hơn nữ trang nội địa với giá khá cao so với hàng trong nước. Sự chênh lệch giá trị này do kim hoàn của Italy sản xuất theo công nghệ cao, sử dụng tia laser để cắt, gọt, mài dũa, cộng thêm thuế nhập khẩu 40%, thuế giá trị gia tăng 10%. Đó là lý do tại sao nữ trang ngoại nhập đắt hơn nữ trang trong nước rất nhiều.

Theo lãnh đạo một công ty vàng bạc đá quý có hơn 20 năm kinh nghiệm trong thị trường nữ trang tại TP HCM, trên thị trường vẫn có không ít đồ trang sức ngoại nhập có xuất xứ không rõ ràng, chủ yếu là hàng Trung Quốc tuồn vào Việt Nam theo con đường không chính thức qua các cửa khẩu. Hầu hết những sản phẩm này được tiêu thụ chủ yếu dưới danh nghĩa là kim hoàn của Italy, không được kiểm soát về độ tuổi của vàng và độ an toàn đối với sức khỏe người sử dụng. Khách hàng rất khó phân biệt đâu là thật giả vì ngoài hóa đơn chứng từ, nhãn mác khắc bên trong sản phẩm, các yếu tố định lượng, định tính không thể nhận biết bằng mắt.

Giới kinh doanh vàng cho biết, người tiêu dùng trong nước chuộng hàng ngoại nhập vì tiêu chí thời trang và tinh xảo hơn hẳn hàng nội. Gần đây thông tin nữ trang dành cho trẻ em do Trung Quốc sản xuất có chứa chất catmi cực độc tại Mỹ khiến dư luận trong nước hoang mang. Bởi lẽ, Việt Nam là một thị phần lớn tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc. Các chuyên gia trong lĩnh vực kim hoàn khuyến cáo, khi mua nữ trang khách hàng nên đến các đơn vị có uy tín, yêu cầu xuất hóa đơn, xem rõ nguồn gốc xuất xứ ở mặt trong của sản phẩm, thậm chí nếu nghi ngờ nên đến các hiệu kim hoàn lớn yêu cầu đo độ tuổi của sản phẩm, kiểm tra độ an toàn.

Còn ông Đỗ Gia Phan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, catmi là một chất kim loại chống gỉ để sơn phủ lên đồ nữ trang. Thông thường catmi màu xám, khi mạ lên kim loại thường có màu ngũ sắc óng ánh để làm đẹp. "Để phân biệt nữ trang có chứa chất catmi phải là những người có kinh nghiệm. Muốn xác định rõ, các sản phẩm phải được mang đến phòng thí nghiệm kiểm chứng", ông Phan nói.

Ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội cho hay, hiện chi cục mới nghe thông tin đồ nữ trang Trung Quốc có chứa chất độc catmi qua phương tiện truyền thông. Chi cục sẽ phối hợp với Bộ Y tế để khảo sát, xem xét tình hình. “Nguy hại đến sức khỏe con người là vấn đề nghiêm trọng, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Y tế để khảo sát nhằm đưa ra các phương án cụ thể”, ông Ngọc nói.

Nhiều nhà sản xuất nữ trang tại TP HCM cho biết, chất catmi cực độc trong khi nữ trang phải qua hàng loạt khâu xử lý từ pha trộn, nấu, chế tác. Đó là chưa kể đến nhiều kênh bán hàng phân phối nên nếu hàng hóa có chứa chất này thì nhà sản xuất, các thợ kim hoàn và người bán nữ trang sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Theo điều tra của hãng tin AP, các nhà sản xuất Trung Quốc đưa chất kim loại nặng catmi (đứng thứ 7 trong 275 chất cực độc) vào các sản phẩm nữ trang đồ chơi trẻ em, khiến chúng trở nên sáng bóng, lấp lánh. Các sản phẩm độc hại này đã được mua từ New York, bang Ohio, Texas và California đi xét nghiệm, hầu hết mua trong hai tháng 11 và 12 năm ngoái. Hiện nay Mỹ đang tiến hành hàng loạt các cuộc điều tra về dòng sản phẩm nữ trang này.

Bách Hợp - Trung Tín

source

http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/01/3BA17AE0/

60 năm quan hệ Việt- Trung : Việt Nam vẫn phải cảnh giác


VIỆT NAM TRONG DÒNG THỜI SỰ


Thanh Phương

Bài đăng ngày 11/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày 11/01/2010 14:32 TU

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ (DR)

Ngư dân Việt Nam bị (...) bắt giữ (DR)

Trong năm 2010 hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập bang giao với nhiều hoạt động, trong đó có những chuyến viếng thăm cấp cao, trao đổi các đoàn quân đội.

Quan hệ Việt Trung đã được tổng bí thư Giang Trạch Dân đề nghị là nên theo tinh thần '' 4 tốt '': láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Mối quan hệ này đã được tổng bí thư của hai Đảng nâng lên thành ''quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện''.

Lãnh đạo của hai bên còn thường xuyên nhắc đến phương châm 16 chữ vàng: '' láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai''.

Nhưng trên thực tế, quan hệ (...) vẫn là quan hệ giữa kẻ lớn ăn hiếp kẻ nhỏ và trước thái độ này, giới lãnh đạo (...) cho tới nay vẫn chưa tìm được một cách ứng xử sao cho không gây hiềm khích với láng giềng phương Bắc, nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền của đất nước, đặc biệt là trên vùng biển Đông.

Ngay trong những ngày cuối năm 2009, từ phía Trung Quốc đã có những hành động nhằm khẳng định chủ quyền trên biển Đông ( mà họ gọi là biển Hoa Nam ).

Ngày 26/12, Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật bảo vệ hải đảo, có giá trị pháp đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tiếp đến, ngày 31/12, Quốc vụ Viện của Trung Quốc đã công bố những ý kiến về việc xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại quần đảo Hoàng Sa. Cả hai lần, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Việt Nam đều lên tiếng phản đối.

Nhưng trong năm qua, điều làm cho dư luận Việt Nam trong và ngoài nước phẩn nộ nhất, đó là các vụ Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam, tịch thu tài sản, hải sản và thậm chí còn đánh đập họ, đặc biệt là vụ xảy ra trong hai ngày 7 và 8/12.

Những vụ này đã được báo chí Việt Nam loan tải rộng rãi. Vài ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu phía Bắc Kinh chấm dứt bắt giữ ngư dân.

Trả lời báo chí Việt Nam ngày 6/1 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội Tôn Quốc Tường đã bác bỏ những thông tin của báo chí Việt Nam về những vụ bắt giữ và ngược đãi ngư dân, khẳng định là Trung Quốc đã '' đối xử nhân đạo, trách nhiệm '' với ngư dân Việt Nam. Trong cuộc họp báo này, đại sứ Trung Quốc còn đề nghị tạm gác tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, chờ đến khi '' điều kiện chín mùi '' mới giải quyết.

Những tuyên bố nói trên đã gây nhiều phản ứng trong nước, trong đó có giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn RFI, giáo sư Tương Lai đặc biệt nhấn mạnh là 60 năm sau khi hai nước thiết lập bang giao, Việt Nam vẫn phải cảnh giác với mưu đồ bành trướng của (...).

source

RFI Tieng Viet

'Trách nhiệm là phải lên tiếng'

Phá rừng

Cuối tháng trước, hai nhà cách mạng lão thành là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã công bố lá thư cảnh báo về việc chính quyền 10 tỉnh ở trong nước cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng dài hạn.

Hai ông bày tỏ lo ngại trước việc rừng đầu nguồn tại các vị trí xung yếu có thể bị xâm hại, và yêu cầu Nhà nước đình chỉ ngay các dự án này.

Tuy nhiên, giới chức địa phương khi được phỏng vấn đã bác bỏ quan ngại với lý do các dự án đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích của cộng đồng dân cư và không có chuyện đình chỉ dự án.

Có ý kiến cho rằng kiến nghị của hai vị cựu tướng là bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chính xác.

Đài BBC đã hỏi chuyện Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, xung quanh chủ đề này.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Đình chỉ hay không đình chỉ dự án là quyết định của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ. Còn lá thư của ông Đồng Sĩ Nguyên và của tôi, chúng tôi căn cứ vào kết quả điều tra của các đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chủ trì.

Không phải tất cả số đất giao cho công ty nước ngoài ấy là rừng đầu nguồn, nhưng có rừng đầu nguồn.

BBC: Thưa ông, giới chức địa phương khẳng định không có chuyện bán, hay chuyển nhượng đất, mà chỉ là cho thuê sử dụng đất.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Trong bức thư chúng tôi có đề cập tới việc bán, hoặc cho thuê dài hạn 50 năm. Cho thuê với thời hạn dài như vậy, không kiểm soát được. Người ta có thể phá hoại rừng với lý do chặt rừng cũ, trồng rừng mới.

Những chứng cứ đó đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho kiểm tra rồi.

BBC: Khi chúng tôi nói chuyện với giới chức địa phương, thì được biết trong quá trình thẩm định dự án không có chú ý phân biệt quốc tịch của nhà đầu tư. Vậy thưa ông, có cần thiết nhắc tới rằng những công ty thuê đất này chủ yếu đều của doanh nghiệp gốc Hoa, như Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc?

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Nhà đầu tư từ đâu thì chúng tôi chỉ ra họ từ đó tới, chứ tại sao lại không nói?

Giả như nhà đầu tư từ Mỹ, từ Pháp, thì chúng tôi cũng nói là họ từ Mỹ hay Pháp.

Còn đây là các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, Trung Quốc mua hay thuê rừng dài hạn, thì chúng tôi nói rõ ra như vậy.

Cần phải nhớ tới khía cạnh di dân. Có nhà đầu tư đã có tiền sử chuyển người của mình tới thực hiện dự án, khai thác công trình mà họ đầu tư - đó chính là di dân chứ còn là gì nữa.

Phản hồi hay không phản hồi, những nhà cầm quyền của chúng tôi có giải quyết hay không, thì là những chuyện chúng tôi không thể biết được.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Ngay những công trình mà họ trúng thầu ở dưới đồng bằng ven biển này, họ cũng mang công nhân của họ tới làm chứ có thuê người địa phương của chúng tôi đâu?

BBC: Thư gửi đi đã khá lâu, thưa ông, vậy tới nay đã có phản hồi chưa ạ?

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Bức thư của chúng tôi sau này chúng tôi mới cho đăng trên mạng internet. Nhưng từ trước, tới nay độ một tháng rồi, ông Đồng Sĩ Nguyên và tôi đều đã gửi thư đó lên Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ về các dự án cho nước ngoài thuê rừng.

Hiện chưa có phản hồi gì cả. Từ trước đến nay, thậm chí cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư còn chẳng được phản hồi nữa là chúng tôi!

BBC: Thực lòng mà nói, ông có hy vọng những đề đạt và trăn trở của mình sẽ được ghi nhận và phản hồi không ạ?

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh: Cái đó thì chúng tôi không thể nào nói được. Việc chúng tôi thấy cần làm thì chúng tôi cứ làm thôi.

Phản hồi hay không phản hồi, những nhà cầm quyền của chúng tôi có giải quyết hay không, thì là những chuyện chúng tôi không thể biết được.

source

BBC Vietnamese

Thursday 7 January 2010

Chênh lệch giàu nghèo ở TP.HCM gần 7 lần



Chênh lệch giàu nghèo ở TP.HCM gần 7 lần

TT- – TT - Sáng 6-1, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo nghiên cứu về nghèo đô thị ở TP.HCM do Viện Nghiên cứu phát triển TP, Cục Thống kê và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức. Theo kế hoạch, công việc này bắt đầu từ tháng 1-2010 và kết thúc vào quý 2 năm nay.

Phát biểu tại hội thảo, nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Quang Vinh cho rằng quá trình đô thị hóa khiến người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất và dần dạt ra những vùng nghèo hơn, xa hơn. Không ít người trở thành những người “du cư” ở đô thị. Ông đề nghị quá trình nghiên cứu nên đi sâu vào các góc khuất của người nghèo.

Còn TS Văn Thị Ngọc Lan, Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, đề xuất nên đưa đối tượng người tái định cư vào nghiên cứu để xem mức sống của họ ra sao. Thực tế có nhiều người tái định cư nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ nhưng không có công ăn việc làm. Như vậy họ có thuộc diện nghèo không và cần có chính sách giúp đỡ ra sao...

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, với chuẩn nghèo 12 triệu đồng/người/năm, TP hiện có khoảng 80.000 hộ nghèo.

* Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa cơ bản hoàn thành đề tài nghiên cứu “Mức sống kết hợp với môi trường sống của các hộ gia đình tại TP.HCM” do thạc sĩ Lê Văn Thành chủ nhiệm. Lần đầu tiên TP nghiên cứu về vấn đề này và được thực hiện tại 12 quận huyện với 720 phiếu điều tra.

Kết quả cho thấy mức sống của người dân TP không ngừng tăng lên và hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.500 USD/năm. Nhưng nếu tính bình quân chung giữa nhóm có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất thì con số này chênh nhau 6,9 lần.

Bình quân chung TP có 4,6 người/hộ, trong đó gia đình từ 1-4 người chiếm 43,3%. Số người trong độ tuổi lao động là 69,7%, cao hơn bình quân cả nước, dân số phụ thuộc (bao gồm những người chưa đến độ tuổi lao động) chiếm khoảng 19,6% và những người ngoài độ tuổi lao động chiếm 10,7%. “Với cơ cấu dân số này, TP.HCM không còn là cơ cấu dân số trẻ nữa mà đang dần đi tới giai đoạn cơ cấu dân số bắt đầu già” - kết quả nghiên cứu đánh giá.

Riêng tỉ lệ người có việc làm ổn định không cao (chiếm 47,8%), tỉ lệ thất nghiệp chiếm khoảng 4,5% và nhóm làm việc bấp bênh là 4,1%. Về thời gian cư trú, có gần phân nửa số hộ cư trú dưới 25 năm và người định cư trong vòng 10 năm trở lại đây chiếm phần lớn. Điều này cho thấy số người từ các khu vực khác di chuyển đến và định cư tại TP ngày càng nhiều và xu hướng ngày càng tăng nhanh.

Khảo sát cũng cho thấy chỉ có khoảng 24,3% hài lòng với mức thu nhập của mình và con số không hài lòng cao hơn: 35%. Chi tiêu ăn uống chiếm hơn phân nửa trong tổng thu nhập của hộ gia đình, cá nhân, khoảng 20% chi cho việc học hành. Nếu lấy thu nhập trừ cho chi tiêu thì số tiền dư ra của khoảng 40% tổng số hộ gia đình là không đáng kể, thậm chí nhóm có mức thu nhập và chi tiêu thấp nhất còn bị âm nên cuộc sống của những hộ này không đảm bảo.

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết việc động viên và giúp đỡ những gia đình nghèo cố gắng vươn lên để thoát nghèo là những ý kiến được nhiều người quan tâm.

P.HUY - HỒ VĂN

source

http://vn.news.yahoo.com/tto/20100107/tpl-chenh-lech-giau-ngheo-o-tp-hcm-gan-7-ef16c59.html

Tuesday 5 January 2010

mục đích chính của chuyến đi là thăm viếng và tìm hiểu


- Sáng nay (5/1), lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có buổi tiếp và làm việc với hạ nghị sĩ Joseph Cao, Hạ nghị sĩ liên bang gốc Việt đầu tiên tại Mỹ cùng hai nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đang ở thăm Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên ông Cao Quang Ánh (Joseph Cao), hạ nghị sĩ liên bang gốc Việt đầu tiên tại Mỹ (đảng Cộng hòa, bang Louisiana), thành viên của Ủy ban An ninh nội địa, Vận tải và cơ sở hạ tầng, Giám sát và cải tổ chính phủ Mỹ trở về Việt Nam với tư cách nghị sĩ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Quang Xuân đã tiếp hạ nghị sĩ Cao Quang Ánh và hai nghị sĩ đảng Dân chủ Eni Faleomavaega và Michael Honda.

Mô tả ảnh.
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước người VN ở nước ngoài và các nghị sĩ Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: Trường Sơn

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong buổi tiếp đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng đã chào mừng đoàn sang thăm để chứng kiến những đổi thay, phát triển của Việt Nam ngày nay cũng như mối quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển tốt đẹp.

Trao đổi với phóng viên sau buổi tiếp xúc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho hay ông đã chia sẻ quan điểm mà hạ nghị sĩ Cao Quang Ánh nêu, đó là "mong muốn Việt Nam phát triển giàu mạnh và thịnh vượng sau một giai đoạn khó khăn". Hạ nghị sĩ Cao cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cấp visa cũng như bày tỏ hy vọng trong những năm tới "có nhiều cơ hội làm việc, hợp tác".

Ông Cao bày tỏ mong muốn hợp tác, trao đổi, đối thoại để tăng cường hiểu biết, qua đó hướng tới mục tiêu "vì một Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ". Hạ nghị sĩ Mỹ coi chuyến thăm Việt Nam là một cơ hội trở về để "nói chuyện và hiểu nhau hơn".

Thứ trưởng Sơn mong muốn trở lại thăm Việt Nam, hạ nghị sĩ Cao sẽ có những nhìn nhận thực tế về Việt Nam để sau này tiếp tục các cuộc trao đổi.

Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn ông Cao sẽ hợp tác chương trình lãnh đạo Ủy ban đến Mỹ gặp gỡ, đối thoại với bà con kiều bào còn chưa hiểu đầy đủ về Việt Nam, nhất là những người chưa về Việt Nam chứng kiến những thay đổi ngày nay.

Hạ nghị sĩ Mỹ Cao Quang Ánh (Joseph Cao):

Mô tả ảnh.

Cảm tưởng của ông khi trở về nước lần này?

Tôi rất vui mừng khi trở về Việt Nam trong chuyến đi này. Năm 2001, tôi đã có dịp trở về Việt Nam. Sau 9 năm trở lại, Việt Nam đã phát triển rất nhiều. Tôi hy vọng hai chính phủ Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với nhau.

Mặc dù có nhiều lúc chúng ta sẽ bất đồng ý kiến trong nhiều vấn đề, nhưng sự bất đồng ý kiến đó không có nghĩa chúng ta không thể tiếp tục làm việc cùng nhau.

Có nhiều nguyện vọng của tôi nhiều lúc không đi song với đường hướng của chính phủ Việt Nam nhưng tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp tục làm việc với nhau.

Nội dung chính của chuyến thăm là gì, thưa ông?

Mục đích là đi thăm viếng, Hà Nội và TP.HCM coi sự phát triển của Việt Nam cũng như trao đổi những vấn đề quan tâm. Nhưng mục đích chính của chuyến đi là thăm viếng và tìm hiểu.

Tinh thần trao đổi những vấn đề quan tâm như thế nào, thưa ông?

Hai bên làm việc và trao đổi vui vẻ. Bất đồng ý kiến là sự tự nhiên. Nhưng tôi hy vọng trong bất đồng ý kiến, chúng ta có thể tìm hiểu nhau thêm và càng ngày hai bên sẽ làm việc cùng nhau vì mục tiêu phát triển của đất nước và người dân.

Xuân Linh
source

Hạ nghị sĩ J.Cao muốn hợp tác vì Việt Nam phát triển

Cập nhật lúc 15:42, Thứ Ba, 05/01/2010 (GMT+7)
http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Ha-nghi-si-JCao-muon-hop-tac-vi-Viet-Nam-phat-trien-887876/

Độ nóng vụ thánh giá Đồng Chiêm

Hình của dcctvn.net

Giáo dân trước (...) vào hạ thánh giá ở Đồng Chiêm

Văn phòng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ra thông báo lên án vụ "triệt hạ Thánh Giá" ở Đồng Chiêm trong khi một báo (...) phản bác điều họ cho là "luận điệu xấu độc".

Vụ xô xát sáng 6/1 vừa qua tại Mỹ Đức, Hà Nội đã được báo chí nước ngoài chú ý trong khi một số trang web Công giáo tiếng Việt nhắc lại chuyến thăm Vatican của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết để cho rằng không có hy vọng gì cho quan hệ tốt đẹp với (...) vào Năm Thánh.

Thông báo của Văn phòng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội do Linh mục Gioan Lê Trọng Cung ký và đăng trên các trang mạng 7/1 gọi vụ phá cây thánh giá trên Núi Thờ (còn gọi là Núi Chẽ) hôm trước đó là "xúc phạm đến biểu tượng thánh thiêng nhất của Giáo Hội".

Tranh chấp về lý lẽ

"Đánh đập tàn nhẫn những người dân vô tội và vô phương tự vệ là một hành động dã man vô nhân đạo xúc phạm trầm trọng đến phẩm giá con ngưòi. Đây là hành vi thô bạo đáng bị lên án!"

Tại sao, để phá cây Thánh Giá được làm nên chỉ tốn mươi triệu đồng và một số công sức giáo dân...nhà cầm (...) đã phải huy động đến cả (...) từ cách sáu bảy chục km?

JB Nguyễn Hữu Vinh

Đáp lại, báo (...) bản điện tử có bài "Đừng trượt sâu vào con đường sai lầm" hôm nay 8/1 phê phán trực diện Linh mục chính xứ Đồng Chiêm Nguyễn Văn Hữu.

Bằng lời lẽ rất mạnh, báo này tấn công cả các luận điểm đăng trên trang web Chúa Cứu Thế (chuacuuthe) của Công giáo và kết nối vụ Đồng Chiêm với những vụ tranh chấp, xô xát trước:

"Cho dù có bịa đặt, bóp méo như thế nào thì những luận điệu đó cũng không thể đánh lừa được dư luận, bởi chân tướng của những kẻ tung ra các luận điệu xấu độc này đã tự phơi bày từ lâu qua những vụ việc như ở Nhà Chung, Thái Hà, Tam Tòa..."

Đặc biệt, đây là lần thứ ba trên địa bàn Hà Nội mấy năm qua đã nổi lên với các vụ tranh chấp giữa (...) địa phương và khối giáo dân Công giáo, liên quan đến đất đai và những vị trí mang tính biểu tượng của đạo này.

Sau các vụ Nhà Chung và Thái Hà cũng tại Hà Nội không khí tưởng đã giảm độ căng thẳng, nhất là sau khi Vatican có những cử chỉ ngoại giao và Chủ tịch Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết đến thăm và được Đức Giáo hoàng Benedict XVI tiếp tháng 12 vừa qua.

Nhưng với vụ Đồng Chiêm, độ nóng cả ở thực địa và trên các trang mạng hai bên đột ngột lên cao.

Phía Công giáo tố cáo (...) cửa lực lượng (...) hùng hậu vào dỡ đi một cây thánh giá họ dựng trên ngọn núi vốn là một nghĩa trang trẻ em mà người Công giáo nói là của họ từ nhiều thập niên.

Các bức hình và video đăng trên những mạng Công giáo cho thấy một số giáo dân bị đánh đập tàn bạo, máu me đầy mặt, và có một hai người bị cho là "thương nặng".

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm Vatican và được Đức Giáo hoàng Benedict XVI tiếp

Ngược lại, vẫn theo Hà Nội Mới thì "Sáng 6-1, khi chính quyền xã An Phú và thôn Đồng Chiêm tổ chức cho công nhân tháo dỡ an toàn công trình xây dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ, linh mục Nguyễn Văn Hữu đã kích động một số giáo dân ra hiện trường chửi bới, lăng mạ, ném gạch đá vào lực lượng bảo vệ."

Vẫn tờ báo thuộc thành phố Hà Nội này cho rằng:

"Sau đó, do được các lực lượng chức năng vận động, thuyết phục, những giáo dân này đã giải tán. Vậy thì, làm gì có cảnh "đang tay đánh đập các giáo dân" như Chuacuuthe đã bịa đặt, vu cáo."

Còn trên trang VietCatholic từ Hoa Kỳ có bài của JB. Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội đặt câu hỏi:

"Người ta không hiểu tại sao, một cây Thánh Giá trên nghĩa địa của giáo dân ở một vùng xa xôi hẻo lánh, sống ngâm da chết ngâm xương như ở Đồng Chiêm lại được nhà cầm quyền (...) quan tâm đến thế?"

Các bài trên trang này cho rằng ông (...), Bí thư Thành ủy (...) đã có động tác trái ngược với những gì Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói với Giáo hội tại Vatican.

Hà Tây, trước khi về Hà Nội cũng là địa phương có ông (...), phụ trách ngành (...), người sau đã đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý vụ Nhà Chung và Thái Hà khi lên chức Giám đốc (...).

Nhìn rộng ra, sự việc xảy ra ngay đầu Bấm Năm Thánh 2010 đặt câu hỏi về chuyện còn nữa hay không hy vọng từng cao tới mức giới bình luận quốc tế từng nghĩ Việt Nam sẽ sớm bình thường hóa quan hệ ngoại giáo với Tòa Thánh.

Cho tới chiều 8/1 giờ Việt Nam chưa thấy các cấp lãnh đạo (...) hoặc trung ương tại (...) chính thức phát biểu gì về vụ việc.

Hiện nay ngoài các báo của Công giáo bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới, các đài nước ngoài bằng tiếng Việt và các trang tin tiếng Anh của Hoa Kỳ (AP), Úc (Sidney Herald Tribune) cũng đã đưa tin về vụ Đồng Chiêm.

source

BBC Vietnamese

Sunday 3 January 2010

Nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển miền Trung


- Hầu như ngày nào cũng có tàu cá Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển miền Trung đánh bắt trộm hải sản.

Sáng nay (4/1), thiếu tá Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban tác chiến (Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng) cho hay, thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng có tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển chủ quyền của Việt Nam đánh bắt trộm hải sản, có khi lên tới 3 - 4 tốp với hàng chục chiếc.

Mô tả ảnh.

Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng tăng cường tuần tra trên biển để bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Ảnh: HC

Qua mạng thông tin biển, chỉ trong tuần cuối năm 2009 (từ 23 - 31/12), ngư dân đã phát hiện và thông báo cho Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng có 36 lượt tàu cá Trung Quốc xâm nhập, đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển miền Trung Việt Nam, có lúc vào sâu vùng biển Đà Nẵng, chỉ còn cách bờ 35 hải lý về hướng Đông Bắc. Thời gian hoạt động của các tàu này chủ yếu từ 5 - 11 giờ hàng ngày. Trong những ngày đầu năm mới 2010, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo đại tá Dương Đề Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, từ cuối tháng 12/2009 đến nay, BĐBP Đà Nẵng đã 3 lần cho tàu xuất kích đến hiện trường có tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép để đẩy đuổi ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

“Thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, với tinh thần kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải nhưng vẫn giữ hòa khí, không làm phức tạp thêm tình hình trên biển và tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng chủ yếu giải thích và yêu cầu các tàu cá Trung Quốc phải chấm dứt hoạt động khai thác hải sản trái phép, rời khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam”, đại tá Dương Đề Dũng nói.

Ông cho hay, chỉ với những tàu cá Trung Quốc cố tình chây lỳ thì Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng mới lập biên bản tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào phải dùng đến biện pháp này. Hiện Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bà con ngư dân để nắm bắt thông tin về diễn biến trên biển để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hải Châu
*****************
source
http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Nhieu-tau-ca-Trung-Quoc-xam-pham-vung-bien-mien-Trung-887645/

Nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển miền Trung

Cập nhật lúc 11:12, Thứ Hai, 04/01/2010 (GMT+7)