Saturday 25 December 2010

Hàng Trung Quốc “ngập” thị trường dịp cuối năm


Hàng Trung Quốc “ngập” thị trường dịp cuối năm

Các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc từ bánh kẹo, quần áo đến hàng gia dụng đang được bày bán đầy rẫy tại các khu chợ, thậm chí cả trong các siêu thị mà không được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc được núp dưới nhãn mác của hàng chất lượng đang khiến nhiều người tiêu dùng bị lầm tưởng.

Quần áo "bèo" núp bóng hàng hiệu

Chủ một doanh nghiệp kinh doanh quần áo tại TPHCM cho biết hiện đang có phong trào các đầu mối kinh doanh hàng tiêu dùng ra nước ngoài, nhất là Trung Quốc (TQ), đặt gia công hàng hóa về tiêu thụ nội địa.

Vào thời điểm mùa mua sắm cuối năm như hiện nay, riêng lĩnh vực kinh doanh quần áo, không chỉ các đầu mối lớn mà ngay cả một số thương lái chuyên đánh hàng TQ cũng chuyển sang đặt hàng gia công về bán.

Bà Nguyễn Thị Thanh, chuyên kinh doanh hàng quần áo từ TQ, cho biết tại thị trường TQ, thương lái có thể dễ dàng đặt hàng với mức giá cách biệt rất lớn.

Cụ thể, có nơi bán chỉ 20.000 đồng - 30.000 đồng/áo, 40.000 đồng - 50.000 đồng/quần. Hàng cao cấp thì lên đến vài trăm ngàn đồng/cái...


Hàng TQ nhái các hãng nổi tiếng vẫn được bày bán công khai (Ảnh minh họa)


Ông Hồng Việt Tiến, đại diện DNTN Giày dép Việt Tiến tại TPHCM, cho biết TQ đang có thế mạnh về nguyên phụ liệu ngành may mặc, giày dép, túi xách... Ngoài giá rẻ, thế mạnh của hàng TQ là mẫu mã thay đổi liên tục, mỗi tuần đều có mẫu mới nên các đầu mối tha hồ mua mà không sợ "đụng hàng".

Ghi nhận của phóng viên báo Người lao động online tại thị trường trong nước cho thấy hàng TQ giá rẻ hiện được bày bán khắp nơi. Tại nhiều siêu thị, nhiều loại giày dép mang nhãn hiệu trong nước như HP, PQ... nhưng xem kỹ, khách hàng sẽ thấy ghi rõ xuất xứ từ TQ.

Tương tự, nhiều mặt hàng quần áo thời trang mang nhãn hiệu trong nước nhưng cũng ghi xuất xứ TQ... Lý do là hàng bán trong siêu thị thường phải ghi đầy đủ thông tin về hàng hóa.

Trong khi đó, những mặt hàng này bày bán trong các shop, cửa hàng, chợ đều không có thông tin xuất xứ nguồn gốc nên người mua rất dễ nhầm lẫn, nhất là các loại hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng...

Không chỉ tại TPHCM, tại các cửa hàng quần áo trên phố Hàng Đào- Hàng Đào (trung tâm buôn bán quần áo ở Hà Nội), hay vào trong chợ Đồng Xuân, các shop quần áo... đâu đâu cũng thấy hàng nhái các thương hiệu lớn của TQ được bán công khai.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Điện tử Công thương, Tại chợ Đồng Xuân, các sạp kinh doanh thường bày bán hàng TQ giá rẻ nên mẫu mã và chất lượng kém hơn. Giới buôn gọi là "hàng Tàu loại 2, loại 3".

Hàng này nhái nguyên xi mẫu mã, chất liệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, nhưng chất lượng rất kém. Mấy năm nay, loại hàng này chỉ được mối buôn lấy về các tỉnh bán lẻ ở chợ.

Ngược lại, trên phố Hàng Ngang- Hàng Đào, cũng là hàng nhái của Gucci, LV, D&G, BEBE... nhưng là hàng loại 1, hay còn gọi là hàng Tàu cao cấp, chất lượng, giá cả đều cao hơn ở chợ Đồng Xuân.

Một chiếc váy len đính kim sa giao buôn tại chợ Đồng Xuân có giá 100.000 đồng/chiếc, nhưng ở Hàng Đào, cũng chiếc váy len đó, mẫu thì giống hệt, nhưng chất len tốt hơn hẳn, giá lên đến 230.000 đồng/chiếc (bán buôn). Vì thế, chủ các shop ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều lấy hàng ở Hàng Ngang- Hàng Đào.

Thông thường, các chủ hiệu cùng nhau góp vốn đặt một xe hàng từ TQ chuyển về để giảm chi phí. Nhưng hiện nay, nhiều cửa hàng thích "săn hàng độc" bằng cách tự sang TQ tìm mối hàng, chọn bạn hàng tin cậy. Khi về nước chỉ việc chọn mẫu và đặt hàng qua mạng.

Sau khi chuyển khoản 3/4 số tiền, hàng sẽ được gửi về tận nơi. Hình thức này đa phần áp dụng với hàng nhái "cao cấp". Loại hàng này không những đẹp mà chất liệu rất tốt, nên nhập đến đâu bán đến đấy, dù giá đắt gấp đôi.

Phóng viên phát hiện ra điều thú vị, nhiều loại quần áo của TQ sản xuất nhưng lại mang nhãn mác in chữ Hàn Quốc. Một nhân viên bán hàng cho chúng tôi biết: "Do tâm lý người Việt mình không tin những mác D&G, LV nhưng nếu để mác Hàn thì lại ngược lại.

Nên khi chúng em đặt hàng có yêu cầu đính mác kiểu này, khách hàng lấy về bán tại các shop cũng rất dễ thu hút người mua, vì thực sự chất lượng hàng tốt nên không ai có thể phân biệt được".

Những quần áo nhái mác Hàn Quốc có giá không "mềm" chút nào. Một chiếc áo khoác da dài, cổ lông tại đây giao buôn có giá 1 triệu đồng/chiếc. Nhưng khi đi khảo sát tại một vài cửa hiệu quần áo trong siêu thị Big C, chúng tôi bắt gặp một chiếc giống như vậy niêm yết giá lên đến 2,3 triệu đồng/chiếc, và nhân viên cửa hàng giới thiệu là "hàng Hàn Quốc xịn mới nhập về, mốt mới năm nay đấy".

Bánh kẹo, đồ gia dụng TQ tràn lan

Mặt hàng nhựa gia dụng gần đây cũng được một số người sang TQ đặt gia công. Phần lớn là nhóm hàng có kích thước nhỏ như đồ úp ly, hộp đựng gia vị, thớt... để giảm chi phí vận chuyển. Nguồn hàng này hiện bày bán khá nhiều trong các siêu thị, trung tâm thương mại tại TPHCM.

Trên thị trường bánh mứt Tết, nhìn chung, hàng sản xuất trong nước đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh mặt hàng này, nguồn hàng từ TQ cũng đang về khá nhiều.


Bánh keo, đồ gia dụng có xuất xứ TQ vẫn tràn ngập thị trường (Ảnh minh họa)


Giám đốc một công ty bánh kẹo lớn tại TPHCM tiết lộ có nhiều người sang TQ đặt hàng theo từng đơn giá khác nhau. Dạng hàng chợ có giá chỉ khoảng 15.000 đồng- 20.000 đồng/kg. Loại bánh khá hơn (có thêm bơ và các loại gia vị khác) thì giá khoảng 25.000 đồng/kg...

Bánh được đóng thành từng bao với trọng lượng vài ba chục kg, vận chuyển về VN phần lớn theo dạng tiểu ngạch. Hàng về được đóng lại thành hộp nhỏ (dạng hộp giấy hoặc hộp thiếc do trong nước sản xuất), giá bán thấp hơn bánh nội cùng loại khoảng 30%.

Những loại bánh này thường được ngụy trang bằng những nhãn hiệu nước ngoài và được người bán giới thiệu là hàng nhập từ Singapore, Malaysia, Indonesia... Thậm chí có khi còn được mang nhãn hiệu trong nước.
Tương tự, mặt hàng mứt cũng được "đánh" hàng xá từ TQ về bán như hàng trong nước hoặc có người còn vô bao, đóng gói thành hàng của cơ sở trong nước để bán.

Trả lời phóng viên báo Người lao động online, ông Hoàng Thái Hiếu, chủ một doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy tại TPHCM cho biết, phía TQ, hằng năm tổ chức 2 hội chợ hàng điện tử, quy tụ cả ngàn cơ sở sản xuất của nước này về trưng bày sản phẩm.

Giới kinh doanh hàng điện máy, điện tử trong nước thường sang đây tìm kiếm cơ hội làm ăn bằng cách đặt hàng gia công. Ngay tại hội chợ, họ chọn một số mẫu mã có thể tiêu thụ được, tiến hành đàm phán giá cả để đặt hàng gia công và yêu cầu cơ sở sản xuất in luôn nhãn hiệu mà họ tự đặt sao cho thật "kêu".

Thông thường, trả giá nào cũng được phía đối tác TQ chấp thuận. Nếu đặt giá thấp, họ sẽ hạ chất lượng xuống theo tỉ lệ tương ứng... Các mặt hàng này thường có giá gốc rất rẻ nhưng về VN, giá được đẩy lên rất cao.

Chẳng hạn, mặt hàng bình đun nước siêu tốc bằng điện có giá chào chỉ 2,5 USD - 3 USD/cái, khi về VN, cộng cả các khoản thuế, phí vận chuyển cũng chỉ từ 75.000 đồng- 110.000 đồng/cái nhưng giá bán lẻ trên thị trường lên đến 300.000 đồng/cái. Mặt hàng nồi cơm điện có giá gia công khoảng 8 USD - 15 USD/cái, giá bán lẻ lên đến 400.000 đồng/cái...

Theo giới kinh doanh, các mặt hàng điện gia dụng bày bán trên thị trường hiện nay có rất nhiều hàng gia công từ TQ. Ngoài ra, còn có hiện tượng nhập linh kiện từ TQ về lắp ráp thành các mặt hàng máy lạnh, tủ lạnh để bán ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Bình, phụ trách kinh doanh nhiều cửa hàng ĐTDĐ tại TPHCM, còn tiết lộ điện thoại TQ nhập lậu lâu nay đã trở thành chuyện bình thường.

Gần đây còn có hiện tượng nhiều thương hiệu ĐTDĐ mới xuất hiện được một số đơn vị trong nước quảng cáo là hàng Việt nhưng thực chất doanh nghiệp chỉ đầu tư hệ thống tiêu thụ và bảo hành là chính, còn việc sản xuất máy thì tận bên... TQ.


source
http://vef.vn/2010-12-25-hang-trung-quoc-ngap-thi-truong-dip-cuoi-nam

Tuesday 21 December 2010

Bão bất thường ở Biển Đông: Hơn 50 người Việt Nam chết và mất tích


VIỆT NAM - THIÊN TAI -
Bài đăng : Thứ ba 21 Tháng Mười Hai 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 21 Tháng Mười Hai 2010
Bão bất thường ở Biển Đông: Hơn 50 người Việt Nam chết và mất tích
Sau cơn bão (ảnh minh họa)
Sau cơn bão (ảnh minh họa)
Reuters
Trọng Nghĩa

Theo hãng tin Pháp AFP, trích dẫn một số viên chức phụ trách vấn đề cấp cứu tại Việt Nam, tính đến hôm nay, 21/12/2010, đã có ít nhất 6 người thiệt mạng và 47 người khác mất tích vì bão ở ngoài khơi trong nhiều ngày qua. Nguồn tin từ trung tâm tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam cho biết, hôm thứ sáu vừa qua, một chiếc tàu đánh cá đã bị lật khiến cho 20 ngư dân mất tích.

Một viên chức xin giấu tên, nói rằng người duy nhất thoát nạn cho biết không một người nào trên chiếc tàu bị nạn đủ thì giờ mặc áo phao. Nguồn tin này tỏ ý rất bi quan : « Chúng tôi không nghĩ rằng họ còn sống sót, nhưng công việc tìm kiếm vẫn được duy trì ».

Theo AFP, còn có 23 người khác bị mất tích trong vụ chiếc tàu chở container Phú Tân bị chìm hôm thứ năm tuần trước ở ngoài khơi đảo Hải Nam của Trung Quốc, cách thành phố Tam Á trên đảo này gần 200 cây số về phía tây.

Các nhân viên cứu nạn Việt Nam và Trung Quốc chỉ vớt được 3 người sống sót, và tìm được thi thể một người khác trong chiếc tàu bị nạn. Tàu Phú Tân, thuộc Công ty vận tải biển Vinalines. Viên chức được AFP trích dẫn xác nhận là hoạt động tìm kiếm vẫn tiếp tục, nhưng công việc rất khó khăn do thời tiết xấu, và do các container nổi lềnh bềnh tại nơi tàu chìm.

Ngoài hai vụ nghiêm trọng kể trên, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết còn có 4 thủy thủ khác bị mất tích và 5 người thiệt mạng trong các tai nạn vì thời tiết xấu và gió mạnh ở ngoài khơi vùng duyên hải Việt Nam từ thứ năm tuần trước đến nay.

Báo chí Việt Nam đưa tin, bão đã hoành hành ngoài khơi bờ biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam từ ngày 16 đến ngày 19/12, làm cho 26 tàu thuyền bị chìm, 20 tàu khác bị hư hỏng nặng. Sở dĩ thiệt hại lớn như vậy là vì trận bão này khá bất thường, khiến cho ngư dân không kịp đề phòng.

Dự báo khí tượng cho biết là vào khoảng ngày 25 đến 27/12 tới đây, các tỉnh ven biển sẽ bị một đợt gió mùa đông bắc khác, nhưng cường độ chưa được xác định chính xác.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong vòng 10 trở lại đây, mỗi năm thiên tai bão lũ đã gây ra khoảng 750 trường hợp thiệt hại nhân mạng, còn thiệt hại vật chất lên đến 1,5% phần trăm GDP.

source

RFI Vietnamese

Sunday 5 December 2010

Nước dâng cao do xả lũ


Thứ Hai, 06/12/2010, 07:42 (GMT+7)

Nước dâng cao do xả lũ

* Lại sạt lở núi gây ách tắc giao thông
* 1 trưởng công an phường bị nước cuốn mất tích

TT - Chiều 5-12, Công an thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết trung tá Nguyễn Cảnh (42 tuổi), trưởng Công an phường Cam Phúc Nam, trong lúc vớt rác để khơi thông dòng chảy ở một con suối gần nhà đã bị lũ cuốn mất tích.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Liên được người nhà chuyển đi cấp cứu bằng võng qua cầu Bến Củi (xã Hòa Thịnh, Tây Hòa, Phú Yên) - Ảnh: An Bang

Hai ngày qua, trên địa bàn thị xã Cam Ranh có mưa, mực nước trên các sông, suối đều lên nhanh. Khoảng 14g ngày 5-12, trung tá Nguyễn Cảnh cùng một số bà con ở gần nhà xuống vớt rác ở một con suối để khơi thông cống thì không may bị sẩy chân, ngã xuống dòng suối và bị dòng nước lũ cuốn đi. Ngay sau đó, chính quyền địa phương cùng Công an thị xã Cam Ranh đã nhanh chóng triển khai lực lượng để tìm kiếm, nhưng đến 18g45 cùng ngày vẫn chưa tìm thấy tung tích.

Tại Nha Trang, từ 12g ngày 5-12, ở xã Vĩnh Thạnh nước bỗng dưng dâng cao rất nhanh, đến cuối giờ chiều cùng ngày thì ngập nhiều đoạn đường. Nhiều người dân lo lắng chạy lụt, vì mưa ít mà nước lại dâng nhanh.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa cho biết nước dâng do mưa ở thượng nguồn và một số hồ xả lũ. Cụ thể, hồ Suối Dầu xả ba cửa với tổng lưu lượng 306m3/giây, hồ Cam Ranh xả 148m3/giây, hồ Am Chúa xả 6,5m3/giây. Hiện nước sông Cái (Nha Trang) đang dâng nhanh, đến cuối giờ chiều 5-12 đã đạt 10,08m, vượt mức báo động 2 là 0,5m. Tuy nhiên theo thống kê của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, lượng mưa ở Khánh Hòa trong mấy ngày qua chỉ từ 30-75mm.

Nguyên nhân khiến xả lũ với lưu lượng lớn trong khi lượng mưa không đáng bao nhiêu là do các hồ đang tích nước đến cao trình, không thể chứa nổi lũ thượng nguồn đổ về. Mức xả lũ này tương đương với mức xã lũ đầu tháng 11 vừa qua (lúc lượng mưa có thời điểm lên đến gần 1.000mm).

Nước lũ cũng lên nhanh ở khu vực phía nam tỉnh Phú Yên thuộc lưu vực sông Bàn Thạch gây ngập lụt ở các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hoà)) khiến nhiều vùng bị chia cắt cục bộ, nhiều tuyến giao thông ách tắc.

* Chiều tối 5-12, UBND huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết trong hai ngày nghỉ cuối tuần trên địa bàn huyện có mưa rất to, mực nước các sông suối tiếp tục lên trở lại nên nhiều nơi tái diễn tình trạng bị chia cắt, cô lập. Trên tuyến đường ĐT 616 từ huyện Bắc Trà My lên trung tâm huyện Nam Trà My núi sạt lở tại sáu điểm, với hàng nghìn khối đất đá tràn xuống lòng đường gây ách tắc giao thông.

* Ngày 5-12, văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương - văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện số 43 gửi ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Đắk Lắk cho biết hiện nay lũ các sông từ Phú Yên đến Khánh Hòa đang lên, sông Cái tại Phan Rang đang dao động ở mức cao.

Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Đắk Lắk triển khai chỉ đạo phương án chống lũ theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông suối và vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt là các khu vực đang có diễn biến sạt lở, sẵn sàng phương án sơ tán để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Nhóm PV - TTXVN

source

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/414511/Nuoc-dang-cao-do-xa-lu.html