Wednesday 30 September 2009

Hoa Kỳ giúp Việt Nam mở Đại học Việt - Mỹ



Cập nhật lúc 23:12, Thứ Tư, 30/09/2009 (GMT+7)
,
- Ngày 30/9, Bộ GD-ĐT Đào tạo đã phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức lễ ký kết "Báo cáo của Nhóm Chuyên trách về hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ".
Trước đó, ngày 25/06/2008 tại Washington, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận thay mặt Bộ GD-ĐT và Thứ trưởng James K. Glasman thay mặt Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ký "Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm Chuyên trách về Giáo dục nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".
Mô tả ảnh.
Hết THPT, liệu những em học sinh này có lựa chọn Trường ĐH quốc tế ở trong nước để theo học ĐH? Ảnh: Lê Anh Dũng.
Đến nay, nhóm đã tổ chức 4 phiên họp. Phía Việt Nam đã nêu ra những ưu tiên trong hợp tác giáo dục và hướng các hoạt động hợp tác giáo dục với Hoa Kỳ. Trong khi đó, phía Hoa Kỳ trình bày sự khác biệt giữa 2 hệ thống giáo dục, về quản lý Nhà nước và đề xuất các cách làm việc cụ thể, phù hợp.
Các nội dung chính đã được thảo luận bao gồm 5 lĩnh vực chính: Lộ trình thành lập Trường ĐH Việt - Mỹ tại Việt Nam; Đào tạo tiến sỹ cho Việt Nam tại các trường ĐH của Hoa Kỳ; Chương trình tiên tiến (xây dựng chương trình, thiết kế khóa học, phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy của VN); Đào tạo tiếng Anh; Khảo thí và kiểm định chất lượng Giáo dục.
Về việc thành lập Trường Đại học Việt – Mỹ, phía Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ xây dựng một Trường Đại học Việt – Mỹ. Đây sẽ là một trường đại học công lập và có quy chế hoạt động riêng. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, thực tế và tập trung thảo luận về tính tự chủ, nguồn vốn và các mối liên kết giữa các trường đại học của Việt Nam với các trường đại học của Hoa Kỳ.
Bên canh đó, Bộ GD-ĐT cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ để xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ cho Việt Nam.

Để duy trì, nâng cao chất lượng và mở rộng chương trình tiên tiến, các thành viên nhóm chuyên trách đề nghị cần có kinh phí lâu dài, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn cho các giảng viên của Việt Nam, nâng cao trình độ tiếng Anh cho giảng viên và sinh viên Việt Nam, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện, áp dụng hệ thống tín chỉ...

Với mục tiêu biến tiếng Anh thành thế mạnh của Việt Nam để tích cực, chủ động hội nhập khu vực, quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trong 10 năm tới, Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy và sử dụng tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam".
Về khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, nhóm chuyên trách khẳng định xây dựng một hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam dựa trên các tiêu chí học thuật, khách quan, hiệu quả là một phần quan trọng trong tiến trình đổi mới.

Sau khi báo cáo cuối cùng được trình 2 Chính phủ, một số nhóm tư vấn vẫn tiếp tục tồn tại.

Trong đó, Nhóm tư vấn về thành lập Trường Đại học Việt – Mỹ sẽ chi tiết hóa lộ trình thành lập trường, tư vấn cho Bộ GD-ĐT xây dựng Đề án thành lập trường để có thể thu hút được sự quan tâm của các trường đại học và các nhà tài trợ tiềm năng của Hoa Kỳ.
Lan Anh
*********************
source
http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2009/09/871320/

Tăng ni theo Làng Mai phải rời đi


Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng các tu sinh tại Bát Nhã năm 2007

Làng Mai từng được mời về Bát Nhã

Tất cả các tăng ni theo pháp môn Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chuyển sang chùa Phước Huệ, thị xã Bảo Lộc, sau khi bị buộc phải rời khỏi tu viện Bát Nhã.

Các nhân chứng cho biết hôm 27/09, một đám đông ùa vào đập phá tu viện và đuổi hết tăng ni và tu sỹ theo Làng Mai ở đây ra ngoài.

Trước đó, chính quyền đã ra thời hạn cho tu sinh pháp môn Làng Mai phải rời Bát Nhã trước 02/09. Việc không có động tĩnh gì vào hôm Quốc khánh và lễ Vu Lan khiến nhiều người cho rằng có thể đã có "nhượng bộ".

Sư Pháp Thanh, một trong số các tăng sinh hiện đang có mặt ở chùa Phước Huệ, cho hay đám người xông vào tu viện đã nhằm vào một số tu sỹ đứng đầu pháp môn Làng Mai ở đây.

"Họ đã thuê sẵn một số taxi và ép các quý thầy lên taxi chở đi."

"Các quý thầy đã yêu cầu taxi cho dừng lại giữa đường. Việc chuyển đến chùa Phước Huệ là do ý nguyện của quý thầy, muốn tập hợp tu sinh theo Làng Mai."

"Thế nhưng Phước Huệ cũng chỉ là nơi trú tạm, chắc chỉ độ vài ngày."

Theo vị sư này, không có xô xát lớn nhưng nhiều người bị xây xát nhẹ.

"Tuy nhiên, toàn bộ tài sản của chúng tôi ở Bát Nhã bị phá hết."

Cư sỹ Nguyễn Đình Liên, có mặt tại tu viện Bát Nhã lúc xảy ra sự việc, thì cho rằng "chắc chắn có bàn tay của chính quyền".

"Họ hành động một cách có tính toán, lạnh lùng, có tổ chức."

"Họ đang tay vứt sách kinh xuống đất, nên chắc chắn không thể là Phật tử."

"Người dân xung quanh Bát Nhã đều biết, đều hiểu, nhưng sợ nên không dám can thiệp."

Theo ông, ngay cả chùa Phước Huệ hiện cũng đang bị công an bao vây "vòng trong vòng ngoài".

Chưa có cách giải quyết

Cố gắng của BBC liên lạc với các cơ quan công quyền địa phương đều không thành công.

Được biết đại diện Mặt trận Tổ quốc và Ban Trị sự Tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc gặp với đại diện pháp môn Làng Mai tại chùa Phước Huệ vào chiều thứ Hai 28/09.

Tuy nhiên, nguồn tin của chúng tôi cho hay chưa có cách giải quyết .

Thượng tọa Thích Trung Hải từ Làng Mai ở Pháp nói đã có buổi cầu nguyện đặc biệt vào chiều thứ Hai cho gần 400 tăng ni và tu sỹ đang mắc kẹt tại Lâm Đồng.

Thượng tọa này nói việc pháp môn Làng Mai mở lớp học ở Bát Nhã là do yêu cầu của chính Thượng tọa Thích Đức Nghi tại Tu viện Bát Nhã.

Sau các trục trặc, người của Làng Mai đã rút về Pháp hết, và còn lại chỉ là các tăng ni người Việt theo học pháp môn Làng Mai.

"Làng Mai đã đầu tư 14 tỷ đồng để xây dựng cơ sở tại Tu viện Bát Nhã và số tiền này có chữ ký ghi nhận của thầy Đức Nghi."

Sau chuyến Thiền sư Thích Nhất Hạnh thuộc Làng Mai (Pháp) về Việt Nam lần đầu năm 2005, nhiều người vui mừng khi thấy sự hợp tác của ông với trong nước.

Tuy nhiên năm ngoái, Ban Tôn giáo Chính phủ có công văn phê phán tăng thân Làng Mai "đề cập sai lệch những vấn đề chính trị của đất nước".

Quan hệ giữa Làng Mai và chính quyền dường như sau đó đã xấu đi, trùng hợp với căng thẳng tại Tu viện Bát Nhã.

*******************

source

BBC Vietnamese

Tuesday 29 September 2009

Bão số 9 tàn phá miền Trung


Nhiều người chết vì bão

Bão Ketsana hay bão số 9 đang đổ vào Đà Nẵng

Bờ sông Hàn, đoạn trung tâm thành phố Đà Nẵng trong cơn bão số 9.

Ít nhất 30 người chết và 170.000 người phải sơ tán khi bão số 9 đánh vào các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Truyền hình Việt Nam VTV nói ít nhất 32 người thiệt mạng, trong khi Vietnam Airlines phải hủy mọi chuyến bay ra Đà Nẵng.

Khoảng 170.000 người từ các tỉnh Quảng Bình cho đến Quảng Ngãi, Phú Yên đã được yêu cầu sơ tán.

Tám giờ sáng nay bão nhích về phía Nam, hướng đến thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Trước đó bão được dự đoán đổ bộ vào vùng Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng.

Anh Lê Văn Dương điều phối viên của chương trình giảm nhẹ thiên tai của tổ chức World Vision, hiện đang có mặt tại Đà Nẵng nói, anh chứng kiến bão đổ bộ vào thành phố một hai tiếng trước đây.

"Hiện giờ ở Đà Nẵng mưa đang rất to, gió đang rất lớn. Từ khách sạn tôi quan sát thấy các cành cây to bằng bắp tay nó bị bẻ gãy và cuốn đi. Các tấm tôn trên mái nhà bị gió bốc bay đi trông rất là dữ dội,"

"Cuộc sống ở Đà Nẵng như bị đình lại. Tôi quan sát thì thấy các gia đình họ đóng cửa hết. Các dịch vụ công cộng như quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu người ta đóng cửa hết, lác đác có một vài cái siêu thị mở cửa thôi. Còn các dịch vụ khác như xe buýt, dịch vụ bưu điện đều không hoạt động."

Sau khi tàn phá Philippines, với số người chết lên đến 240, cơn bão Ketsana, hay bão số 9 theo cách gọi của Việt Nam, đang mang theo diễn biến khó lường và nguy cơ tàn phá đến các tỉnh miền Trung.

Sáng 29/9, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu trên 1000 hộ dân tại các xã ven biển từ Bình Sơn tới Đức Phổ di dời đến nơi an toàn gấp.

Huyện đảo Lý Sơn, nơi tâm bão đi qua với gió giật cấp 12, đã nếm mùi tàn phá của bão. Hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, cây cối hoa màu thiệt hại nặng.

Báo trong nước loan tin, trước các đợt sóng biển cao đến 7 mét, hàng trăm tàu cá nằm ở các bãi ngang ven biển Quãng Ngãi bị đánh chìm. Người dân mất trắng tài sản.

Một số địa phương, trong đó có các xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh), Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị cô lập hoàn toàn do cây cối đổ rạp, nước lũ lên cao làm ngập quốc lộ 24B. Giao thông trên một số tuyến đường tại thành phố Quảng Ngãi bị ách tắc do cột điện, cây cối bị đổ.

Đổi hướng

Người dân tại Đà Nẵng sơ tán tránh bão số 9

Người dân tại Đà Nẵng sơ tán tránh bão số 9.

Ban đầu tâm bão được dự đoán đi vào Thừa Thiên Huế, và Đà Nẵng, với sức gió mạnh cấp 11, 12 giật lên tới cấp 13. Vùng bị ảnh hưởng của bão bao trùm toàn bộ các tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam.

Nhận thấy đây là cơn bão mạnh, có sức tàn phá lớn, thủ tướng Việt Nam đã ra công điện khẩn kêu gọi các tỉnh miền Trung phối hợp với các bộ ngành tích cực chống bão.

Do hình thành trên vùng biển có nhiệt độ cao và gặp không khí lạnh thổi từ phía Bắc xuống, bão số 9 đã trở nên rất mạnh và cực kỳ nguy hiểm. Gió gần tâm bão giật cấp 10 trở lên và kèm theo mưa lớn.

Các tỉnh chịu nhiều mưa trong hai ngày qua là Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và Quảng Bình, nơi lượng mưa có thể đạt từ 500 đến 600 milimet.

Bão số 9 được lãnh đạo Việt Nam coi là cơn bão phức tạp, quy mô nghiêm trọng, các tỉnh miền Trung được thông báo trước là nên chuẩn bị đối phó với sóng to, với mưa gió lớn trên biển và đất liền.

Tất cả các tàu cá của ngư dân miền Trung đã được gọi vào bờ. Hàng ngàn hộ gia đình tại các vùng ven biển, những điểm xung yếu, nơi bão đi qua, đã được yêu cấu sơ tán khẩn trương.

Vietnam Airlines thông báo hủy toàn bộ các chuyến bay từ Hà Nội đến các tỉnh miền Trung từ trưa 28/9 đến hết 29/9.

Các trường học miền Trung cho học sinh nghỉ học để tránh bão.

Thừa Thiên Huế có 21 nghìn hộ với 89 nghìn dân ở vùng xung yếu. Lãnh đạo Thừa Thiên Huế đã xuống cơ sở chỉ đạo di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Gió cấp 7 cấp 8 làm cho cây cối, biển quảng cáo gãy đổ tại thành phố Huế. Nhiều khu vực dân cư bị chia cắt.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa thiên Huế nhấn mạnh đến chuyện di dời dân từ vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Trong chương trình truyền hình VTV ông nói: “Nhiệm vụ hiện nay là tập trung chỉ đạo các địa phương để di dời dân đến nơi ở an toàn. Qua hai tiếng di dời, đến nay trên toàn tỉnh, khoảng 60 phần trăm dân vùng nguy hiểm đã được chuyển đến nơi ở an toàn.”

Rút kinh nghiệm từ trận bão Xangsane Đà Nẵng yêu cầu ngư dân không neo đậu tàu thuyền trên sông, hay dọc theo bờ kè để tránh bị hủy hoại.

Đà Nẵng có trên 7.000 hộ dân phải sơ tán và chính quyền thành phố nói họ phải hoàn tất công việc trước 5 giờ chiều thứ Hai, 28/9.

Ông Thái Phiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn cho dân trước khi bão đến.

“Khi mà sóng lớn có thể phải di chuyển một bộ phận dân cư vào nơi quy định. Thành phố không cho dân neo đậu tàu thuyền trên sông, chính vì thế quận đang vận động yêu cầu các tầu thuyền vào khu neo đậu dành riêng, như bến Thọ Quang theo quy định chung của thành phố.”

Hai tàu cá của dân đã bị bão đánh vỡ do không chịu neo đậu vào nơi chỗ an toàn.

Bão số 9 tàn phá miền Trung

Cảnh trong thành phố Huế. Tâm bão được dự đoán đi vào Thừa Thiên Huế, và Đà Nẵng, với sức gió mạnh cấp 11, 12 giật lên tới cấp 13.











*************************************************

source

BBC Vietnamese

Wednesday 23 September 2009

Bước Tiến Mới Trong Vấn Đề Da Cam



09-0913-04-Defoliation.jpgĐức Hà
OneViet.com

Bước khai thông tích cực trong việc giải quyết những tồn tại của chiến tranh đã diễn ra tại Hà Nội tuần này khi hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam ngồi vào bàn thảo luận trong nỗ lực khắc phục hậu quả của Chất Da Cam.
Trong phiên họp thứ tư kéo dài trong ba ngày của Ủy Ban Cố Vấn Hỗn Hợp - Joint Advisory Committee (JAC) diễn ra thứ Ba vừa qua, Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ nhanh chóng tài trợ các dự án y tế và tẩy rửa các vùng đất bị chất khai quang gây ô nhiễm nặng.
Trong thời gian từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 20 triệu gallons chất diệt cỏ ở miền nam Việt Nam - trong đó 12 triệu gallons là một loại hóa chất chứa trong thùng có kẻ vạch màu cam, với mục đích khai quang các khu rừng rậm rạp và giải tỏa các vùng đất quanh các căn cứ quân sự. Hóa chất dioxin với những tác hại lâu dài trên con người và cả môi sinh, vẫn được xem như vướng mắt cuối cùng đè nặng lên mối quan hệ giữa hai nước cựu thù được bình thường hóa kể từ năm 1995.
Lên tiếng tại buổi họp, ông Lại Minh Hiền, thuộc Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về khắc phục hậu quả Chất Da Cam/dioxin tại Việt Nam nói rằng Việt Nam đặt mốc thời gian 2015 để hoàn tất công tác đánh giá hậu quả của Chất Da Cam/dioxin, bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam cho hay. Theo kế hoạch hành động, Việt Nam sẽ nỗ lực khoanh vùng và xác định diện tích bị nhiễm độc nặng cần tẩy rửa, đồng thời làm thống kê đầy đủ về lượng người trên toàn quốc có tiếp xúc với hóa chất, dự trù trong thời gian từ 2011 đến 2012.

Trong quá khứ phía Việt nam vẫn thường đưa con số từ 3 đến 4.8 triệu người có tiếp xúc với Agent Orange, đưa đến 400,000 tử vong và tật nguyền, cùng nửa triệu trẻ sinh dị dạng. Trong cuộc phỏng vấn dành cho dành cho BBC nhân Ngày Da Cam Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Y Khoa Đại Học Sidney, cho biết các khoa học gia đại học Columbia Mỹ ước tính vào khoảng 3 triệu người bị phơi nhiễm, còn nạn nhân thì cần phải xác định nồng độ dioxin và mối liên hệ với các bệnh tật mới có thể kết luận cụ thể.
Mặt khác, các cựu chiến binh Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, kể cả Nam Hàn đều được công ty Dow Chemical, Monsanto và Diamond Shamrock bồi thường qua hòa giải ngoài tòa trong khi các đơn kiện từ phía Việt Nam đều bị bác vì theo tòa hóa chất được dùng để diệt cây cỏ chứ không chủ đích nhắm vào người do đó không vi phạm luật quốc tế về vũ khí hóa học.

Tẩy Rửa

Cho đến nay công tác tẩy rửa được chú trọng vào khu vực quanh sân bay Đà Nẵng, nơi quân đội Mỹ đã tồn trữ, pha chế và chuyển lên máy bay chất khai quang để rải vùng miền trung Việt Nam. Hai phía đã đạt được những bước đầu trong việc tạm thời kiểm soát được chất dioxin. Kế tiếp là tìm cách loại ra khỏi lòng đất. Ước tính chi phí để rửa sạch ba khu vực “nóng” được xem là ô nhiễm nặng nhất là vùng sân bay Đà Năng, Phù Cát và Biên Hòa lên đến 58 triệu đô-la. Cho đến nay chính phủ Mỹ đã dành riêng một ngân khoản lên đến 8 triệu đô-la để chi dùng vào việc khắc phục hậu quả của tác nhân Da Cam.
Tuy vậy, không chỉ Washington, nhiều tổ chức nhân đạo và quốc tế như Cộng Hòa Tiệp, UNDP, Anh, Pháp, Ái Nhĩ Lan, Hàn Quốc … cũng đóng góp vào công tác cứu trợ nhân đạo này. Tổ chức Ford Foundation, vừa tài trợ cho cuộc thảo luận bàn tròn về Chất Da Cam tại hội nghị thường niên các nhà báo Mỹ gốc Á tại Boston, đã đóng góp 11.5 triệu đô-la để làm công tác xét nghiệm mẫu đất bị nhiễm bẩn, cũng như triển khai các phương pháp điều trị, thành lập các trung tâm cứu trợ và giáo dục dành cho nạn nhân và những người bị phơi bày với hóa chất.
Cũng cần nhấn mạnh là hai phía Mỹ và Việt vẫn chưa thống nhất trong vấn đề xác định ai là nạn nhân của Chất Da Cam/dioxin. Việt Nam nói rằng dioxin là nguyên nhân gây nhiều bệnh như ung thư, tiểu đường, Chronic Lymphocytic Leukemia, Hodgkin’s disease, Multiple myeloma … và dị tật bẩm sinh cho dù cho đến nay vẫn không có bằng chứng khoa học cụ thể được quốc tế chấp nhận về mối liên kết hai vấn đề với nhau. Do đó qua nhiều phiên thảo luận, hai bên đã đưa đến việc thành lập JAC.

Ủy Ban Cố Vấn Hỗn Hợp

Theo thông cáo của Đại Sứ Quán Mỹ ở Hà Nội, JAC là diễn dàn song phương dành cho các cuộc đối thoại khoa học về Chất Da Cam/dioxin nhằm tăng cường sự hợp tác và phối hợp khoa học song phương về vấn đề sức khoẻ con người và ảnh hưởng môi trường của Chất Da Cam. Trên cơ sở đó, ủy ban JAC sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của hai chính phủ những khuyến nghị mang tính khoa học.
Thành viên JAC phía Hoa Kỳ gồm đại diện cơ quan Bảo Vệ Môi Trường EPA, Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh CDC, Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế USAID, Bộ Y Tế, Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao. Các thành viên phía Việt Nam gồm Uỷ Ban Chỉ đạo Quốc Gia 33, ủy ban điều phối chính sách về Chất Da Cam/dioxin, Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao, Bộ Y Tế và Viện Khoa Học Công Nghệ.
Các cuộc họp truớc tập trung vào các cuộc trao đổi kỹ thuật về những nghiên cứu y tế và môi trường. Hồi năm ngoái, JAC đã thiết lập các nhóm chuyên trách về y tế và môi trường để tiếp tục hợp tác. Cuộc họp JAC năm nay sẽ là dịp để bàn chi tiết về sự hợp tác song phương trong việc thực hiện các biện pháp về môi trường và y tế. Sau khi tham khảo với Việt Nam, vào tháng Mười năm 2008, USAID công bố khoản tài trợ trị giá 1 triệu đô la (trên tổng số ba triệu) cho ba đối tác tại Đà Nẵng để thực hiện các chương trình dành cho người khuyết tật. Từ đó, các đối tác đã tiến hành một số công việc quan trọng. Vào tháng Sáu, cơ quan EPA và Viện Khoa Học Công Nghệ Việt Nam đã đề xướng một dự án thí điểm tại sân bay Đà Nẵng nhằm thử nghiệm biện pháp khắc phục sinh học như một công nghệ có thể áp dụng để giải quyết sự ô nhiễm dioxin. Đầu năm nay, Quốc Hội Mỹ đã cấp thêm ba triệu đô-la để trợ giúp các hoạt động y tế và tẩy nhiễm dioxin. Khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các dự án về y tế và dự án dành cho người khuyết tật đang được thực hiện tại Đà Nẵng. Phát biểu tại phiên họp ở Hà Nội, Đại Sứ Mỹ Michael Michalak cho hay Hoa Kỳ đã khởi sự thực thi các dự án y tế phục vụ người khuyết tật gần sân bay Đà Nẵng. Ông nói:
“Chúng tôi không chỉ nói. Chúng tôi đã cùng nhau hợp tác trong các dự án cụ thể.”
Ông cho hay thêm rằng hai bên cần có thêm các nghiên cứu khoa học nhằm có thể đưa ra các quyết định về việc tẩy rửa chất dioxin và giải quyết những tác hại có thể có vào con người.
Đáp lại lời than phiền về việc Mỹ chậm tháo khoán các khoản tài trợ, ông Michalak giải thích rằng các gói thầu đang được triển khai và việc loan báo hợp đồng sẽ diễn ra nay mai với hai mục tiêu công tác là lượng định mức ô nhiễm môi trường và chuẩn bị thi công các phương pháp tẩy rửa.
Sau thời gian dài bất đồng quan điểm, Hoa Kỳ và Việt Nam đã khởi sự bàn thảo về hậu quả của hóa chất khai quang vào năm 2006 khi Tổng Thống George Bush viếng thăm chính thức Việt Nam.

*****************************

source

Oneviet

Ăn Mày



09-0920-02-tonlesap.jpgTrịnh Hội

Như chiều hôm nay lúc tôi thấy được hình ảnh của Chi.
Tôi biết là tôi không nên cho tiền như những người khách du lịch khác. Và như nhiều lần trong quá khứ, tôi cũng biết là cho vài ba đô chẳng giúp được ai và làm được gì ra trò. Chưa chắc là tiền sẽ thật sự đến được tay họ. Hoặc được xử dụng cho một lý do chính đáng.
Biết thế nhưng mắt tôi vẫn không thể nào quay đi nơi khác làm ngơ hình ảnh của Chi người để trần, tay luôn cố chống chọi cho sóng đừng vào thau mỗi khi có thuyền lớn đi ngang. Dưới cơn mưa ngày càng nặng hạt.
Em không xin tiền tôi như những em khác. Không năn nỉ tôi cho một ngàn riel (khoảng 25 cents) như những người đàn bà khác tay bế tay chèo cũng nghèo khổ, đói rách trên những chiếc thuyền lá mỏng manh. Thế mà sau một lúc không ai mời gọi nhưng cầm lòng không đặng tôi cũng đã tự bước đến mạn thuyền gần em để làm quen trò chuyện.
Biết là trí đang bị tâm quấy nhiễu nhưng tôi đã không thể nào cưỡng lại được.
Em năm nay đã 17 tuổi nhưng trông như chỉ mới 12. Tay em bị quạt máy ghe ở nhà cắt đứt cách đây bốn năm khi em phải lặn xuống thân tàu sửa chân vịt bị mắc kẹt trên biển.
Tôi hỏi em có bao nhiêu anh em. Em bảo em có sáu anh em.
Và em thứ mấy trong nhà? Em bảo em là anh hai trong nhà.

Buổi nói chuyện của tôi với Chi đến đấy chấm dứt. Chỉ vỏn vẹn có thế vì tôi không biết hỏi gì hơn. Và sau một khoảng thời gian im lặng khá lâu, không ai nói lên một lời, tôi cũng chẳng biết mình có nên cho em tiền hay không.
Hoặc nếu cho thì nên cho bao nhiêu là vừa phải.
Phải dùng cái đầu Hội à. Thằng bạn nối khố nào gặp tôi cũng bảo như thế. Ngay cả Tuấn, một thằng bạn khá thân của tôi ở Ottawa hôm ấy cùng có mặt với tôi trên Biển Hồ, tuy không nói ra vì đang ngồi ở cuối thuyền, trông cũng có vẻ như muốn bảo với tôi rằng không nên để cho những hình ảnh ấy làm cho mình bị dao động.
Nhưng tiếc thay như thường lệ lại một lần nữa tôi đã để cho cái cảm tính nhất thời của mình tự nó điều chỉnh xếp đặt. Tôi đã cho Chi tiền và nhân tiện bảo em về nhà nghỉ ngơi không nên tiếp tục đi xin hôm ấy nữa.
Cầm tiền bỏ vội vào túi quần, mặt vui hẳn lên, miệng nói cảm ơn gật đầu ra vẻ đồng ý, tôi nhìn chiếc thau bé nhỏ của Chi nhấp nhô trên sóng nước của Biển Hồ từng phút từng phút xa dần mà lòng cảm thấy buồn vô hạn. Người ta thường bảo những người sinh vào giữa Tháng Ba là thuộc mạng Pisces Song Ngư. Họ luôn mơ mộng viển vông, vừa không thực tế lại chẳng biết đâu là điểm dừng cho sự ngây ngô của mình. Tôi cảm thấy đôi khi điều này rất đúng cho riêng tôi.

Chưa chắc Chi sẽ được nghỉ ngơi như ý tôi muốn.
Cũng chưa chắc số tiền sẽ được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ.
Và chắc chắn là nó sẽ chẳng giúp được gì Chi thoát khỏi cảnh túng bần.
Thế nhưng lòng tôi ngay lúc ấy vẫn cảm thấy tốt hơn là không cho. Mặc dù tôi chẳng chia thêm một đồng nào cho những bé trai, bé gái khác cũng đang bu quanh tôi trên những chiếc thau nhôm bé nhỏ tương tự.
Chúng nó cũng khổ cũng đói cũng rách cũng nghèo như Chi, sao tôi không lại không cho? Và còn hàng vạn, hàng ngàn người khác cũng đang chết dần chết mòn trong khổ đau, tuyệt vọng sao tôi không thương xót?
Thì ra như hai câu nói được ghi trên thanh liễn mà tôi đã từng thấy được treo trong ngôi chùa Trấn Quốc ở Hồ Tây, Hà Nội năm nào:

An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.
Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
***************************************
source
Oneviet

Lời xin lỗi và cảm ơn bạn đọc


Lời xin lỗi và cảm ơn bạn đọc
11:02 | 19/09/2009

Ngày 4 tháng 9 năm 2009, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng lại tin của báo nước ngoài: “ Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông”. Mặc dù tin này sau đó đã được gỡ bỏ, nhưng việc đăng tin này là một sai lầm, đã gây hậu quả đáng tiếc, tạo bức xúc với nhiều bạn đọc.

Thực hiện sự chỉ đạo của cơ quan chức năng, Ban Biên tập Báo đã và đang nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những cá nhân, tập thể sai phạm.

Chúng tôi xin chân thành cáo lỗi và cảm ơn bạn đọc đã góp ý phê bình Báo

***************************
source
http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=361353&co_id=30106
pix-source
BBC Vietnamese

Thursday 17 September 2009

Chàng rể Việt Nam, cựu đại sứ Mỹ “Pete” Peterson trở vừa thành công dân Úc


Cập nhật lúc: 9/17/2009 4:05:03 PM



Cựu đại sứ Mỹ “Pete” Peterson và phu nhân Vi Lê trong buổi lễ vào quốc tịch Úc ở Melbourne. Photo courtesy Joe Armao/ The Age

Hôm nay là Ngày Quốc Tịch Úc (Australian Citizenship Day), kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc Tịch Úc vì trước năm 1949, di dân “bị” trở thành công dân Anh. Có trên 4,200 người thuộc trên 120 quốc gia trở thành công dân Úc Đại Lợi. Hôm qua cựu đại sứ Mỹ Peterson đã trở thành công dân Úc vì muốn nhập quốc tịch... của bà vợ gốc Việt.

Báo The Age phát hành ở Melbourne nơi ông “Pete” Peterson và bà Vi Lê sinh sống đã chạy bài viết với cái tựa nghe hay hay: “POW’s journey to Australia, via love in Vietnam”, tạm dịch “Con đường đến Úc của cựu tù binh chiến tranh qua ngã tình yêu ở Việt Nam”.

Theo ký giả Carolyn Webb thì tuy ông ta chưa chọn đội banh football nào hay chưa thể nói thông thạo cái giọng lè nhè (của Úc) nhưng người hùng của Chiến tranh Việt Nam đã trở thành một công dân Úc vào ngày hôm qua”.

Ông Douglas “Pete” Peterson thường được gọi thân mật là “Pete” năm nay 74 tuổi. Vợ ông là Vi Lê, năm nay 53 tuổi, sinh ở Sài Gòn, vượt biên tị nạn ở các trại Đông Nam Á và sau đó định cư ở Melbourne, Úc vào năm 1977.

Hai người gặp nhau khi ông Peterson đến Hà Nội làm vị đại sứ đầu tiên của Việt Nam vào năm 1997. Lúc đó bà Vi Lê là ủy viên cao cấp của phái đoàn thương mại Úc.

Theo lời ông Peterson thì chỉ hai tuần lễ sau khi đến Việt Nam nhận chức đại sứ, ông gặp bà Vi Lê trong một buổi tiệc và bị tiếng sét ái tình ngay lập tức.

Ông Peterson cho biết vợ trước của ông chết vì ung thư vào năm 1995 và ông nghĩ rằng sẽ chẳng còn yêu đương gì nữa, nhưng khi gặp bà Vi Lê, cuộc đời của ông đã thay đổi, và ông và bà Vi Lê đã không bao giờ xa nhau từ ngày ấy.

Về người vợ thứ hai của mình, ông Peterson nói: “Chúng tôi bổ túc cho nhau một cách đẹp đẽ, chúng tôi cùng làm tất cả mọi việc với nhau”.

Ông bà Peterson: “Chúng tôi bổ túc cho nhau một cách đẹp đẽ, chúng tôi cùng làm tất cả mọi việc với nhau”. Ảnh báo Tiền Phong

Người dân Hà Nội ngày ấy thường thấy ông đại sứ Mỹ chở người phụ nữ Việt trên chiếc xe gắn máy Dream II rất tình tứ, dắt nhau vào các quán ăn, cố gắng nói chuyện bằng tay với người địa phương.

"Tiến nhanh, tiến mạnh" như máy bay phản lực F4, ông đại sứ làm lễ đính hôn với bà Vi Lê vào Giáng sinh 1997 vào lễ cưới diễn ra vào ngày 23.5.1998.

Sau nhiệm kỳ đại sứ 4 năm, hai ông bà Peterson trở về Mỹ nhưng sau đó ông Peterson đã sang sống ở Úc trong 10 năm qua để ông và vợ được gần gia đình nhà vợ trong vùng phía đông Melbourne.

Cả hai ông bà hiện làm tư vấn thương mại cho người Úc ở Việt Nam và mở một cơ quan từ thiện nhằm giúp bảo vệ trẻ con ở các nước Á Châu.

Ông Peterson nói: “Với chúng tôi, từ nay bay sang các nước Á Châu trong một chuyến bay dài 8 tiếng tốt hơn bay những chuyến bay trong 6 chặng dài 33 tiếng để trở lại Florida”.

Hôm qua khi trở thành công dân Úc tại trụ sở Bộ Di trú ở đường Lonsdale Street, cựu đại sứ Mỹ ở Việt Nam đã nhận được tờ chứng nhận và một cành cây wattle (cây keo hoa vàng tiêu biểu của Úc), đứng bên cạnh ông là người bạn đường gốc Việt của ông, bà Vi Lê.

Cựu đại sứ Mỹ nói ông rất thích cuộc sống ngoài trời ở xứ Úc. Ông thích đi xe đạp mà Úc là một trong ít những quốc gia Tây phương có đường dành cho xe đạp dài tới 1,700 cây số.

Ông Peterson cũng thích cuộc sống hàng xóm của vùng nơi ông hiện sinh sống, những dãy phố nhỏ và dĩ nhiên những quán cà phê, tiệm ăn.

Phi công Peterson khi lái chiếc phản lực F4 Phantom, đã bị bắn rơi ở bầu trời miền bắc năm 1966 và bị bắt làm tù binh trong 6 năm.

Ông hồi hưu năm 1981 với cấp bậc đại tá và sau đó hoạt động kinh doanh. Nhưng năm 1984, con trai ông là Dougie qua đời vì tai nạn xe hơi, sau đó vợ ông lại bị bệnh ung thư vú. Vì thế ông cảm thấy chán nản với việc kinh doanh.

Năm 1990, ông ra tranh cử dân biểu và trở thành đại biểu cho bang Florida trong 3 nhiệm kỳ đến năm 1996 thì không ra tranh cử nữa.

Sau đó, ông đã rất ngạc nhiên khi Tổng thống Bill Clnton quyết định chọn ông là vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ sau chiến tranh Việt Nam. Nhưng phải đợi đến năm 1997, Thượng viện mới chấp thuận.

Trả lời phóng viên báo The Age, ông Peterson cho rằng việc chọn lựa ông là đúng. Bởi ông biết kẻ thù và kẻ thù biết ông, hai bên đều ghét nhau thậm tệ, nhưng người ta không thể tiến tới nếu không bỏ quên sự hận thù đi, làm hòa với nhau.

Người cựu tù binh chiến tranh nói: “Quý vị có thể nhìn lại lịch sử lúc này và sẽ thấy rằng cả hai nước đang là những người bạn rất tốt của nhau”.

(Viết theo tài liệu từ The Age và Tiền Phong)

************************************
Source:
TiVi Tuan San