Tuesday 29 September 2009

Bão số 9 tàn phá miền Trung


Nhiều người chết vì bão

Bão Ketsana hay bão số 9 đang đổ vào Đà Nẵng

Bờ sông Hàn, đoạn trung tâm thành phố Đà Nẵng trong cơn bão số 9.

Ít nhất 30 người chết và 170.000 người phải sơ tán khi bão số 9 đánh vào các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Truyền hình Việt Nam VTV nói ít nhất 32 người thiệt mạng, trong khi Vietnam Airlines phải hủy mọi chuyến bay ra Đà Nẵng.

Khoảng 170.000 người từ các tỉnh Quảng Bình cho đến Quảng Ngãi, Phú Yên đã được yêu cầu sơ tán.

Tám giờ sáng nay bão nhích về phía Nam, hướng đến thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Trước đó bão được dự đoán đổ bộ vào vùng Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng.

Anh Lê Văn Dương điều phối viên của chương trình giảm nhẹ thiên tai của tổ chức World Vision, hiện đang có mặt tại Đà Nẵng nói, anh chứng kiến bão đổ bộ vào thành phố một hai tiếng trước đây.

"Hiện giờ ở Đà Nẵng mưa đang rất to, gió đang rất lớn. Từ khách sạn tôi quan sát thấy các cành cây to bằng bắp tay nó bị bẻ gãy và cuốn đi. Các tấm tôn trên mái nhà bị gió bốc bay đi trông rất là dữ dội,"

"Cuộc sống ở Đà Nẵng như bị đình lại. Tôi quan sát thì thấy các gia đình họ đóng cửa hết. Các dịch vụ công cộng như quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu người ta đóng cửa hết, lác đác có một vài cái siêu thị mở cửa thôi. Còn các dịch vụ khác như xe buýt, dịch vụ bưu điện đều không hoạt động."

Sau khi tàn phá Philippines, với số người chết lên đến 240, cơn bão Ketsana, hay bão số 9 theo cách gọi của Việt Nam, đang mang theo diễn biến khó lường và nguy cơ tàn phá đến các tỉnh miền Trung.

Sáng 29/9, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu trên 1000 hộ dân tại các xã ven biển từ Bình Sơn tới Đức Phổ di dời đến nơi an toàn gấp.

Huyện đảo Lý Sơn, nơi tâm bão đi qua với gió giật cấp 12, đã nếm mùi tàn phá của bão. Hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, cây cối hoa màu thiệt hại nặng.

Báo trong nước loan tin, trước các đợt sóng biển cao đến 7 mét, hàng trăm tàu cá nằm ở các bãi ngang ven biển Quãng Ngãi bị đánh chìm. Người dân mất trắng tài sản.

Một số địa phương, trong đó có các xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh), Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị cô lập hoàn toàn do cây cối đổ rạp, nước lũ lên cao làm ngập quốc lộ 24B. Giao thông trên một số tuyến đường tại thành phố Quảng Ngãi bị ách tắc do cột điện, cây cối bị đổ.

Đổi hướng

Người dân tại Đà Nẵng sơ tán tránh bão số 9

Người dân tại Đà Nẵng sơ tán tránh bão số 9.

Ban đầu tâm bão được dự đoán đi vào Thừa Thiên Huế, và Đà Nẵng, với sức gió mạnh cấp 11, 12 giật lên tới cấp 13. Vùng bị ảnh hưởng của bão bao trùm toàn bộ các tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam.

Nhận thấy đây là cơn bão mạnh, có sức tàn phá lớn, thủ tướng Việt Nam đã ra công điện khẩn kêu gọi các tỉnh miền Trung phối hợp với các bộ ngành tích cực chống bão.

Do hình thành trên vùng biển có nhiệt độ cao và gặp không khí lạnh thổi từ phía Bắc xuống, bão số 9 đã trở nên rất mạnh và cực kỳ nguy hiểm. Gió gần tâm bão giật cấp 10 trở lên và kèm theo mưa lớn.

Các tỉnh chịu nhiều mưa trong hai ngày qua là Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và Quảng Bình, nơi lượng mưa có thể đạt từ 500 đến 600 milimet.

Bão số 9 được lãnh đạo Việt Nam coi là cơn bão phức tạp, quy mô nghiêm trọng, các tỉnh miền Trung được thông báo trước là nên chuẩn bị đối phó với sóng to, với mưa gió lớn trên biển và đất liền.

Tất cả các tàu cá của ngư dân miền Trung đã được gọi vào bờ. Hàng ngàn hộ gia đình tại các vùng ven biển, những điểm xung yếu, nơi bão đi qua, đã được yêu cấu sơ tán khẩn trương.

Vietnam Airlines thông báo hủy toàn bộ các chuyến bay từ Hà Nội đến các tỉnh miền Trung từ trưa 28/9 đến hết 29/9.

Các trường học miền Trung cho học sinh nghỉ học để tránh bão.

Thừa Thiên Huế có 21 nghìn hộ với 89 nghìn dân ở vùng xung yếu. Lãnh đạo Thừa Thiên Huế đã xuống cơ sở chỉ đạo di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Gió cấp 7 cấp 8 làm cho cây cối, biển quảng cáo gãy đổ tại thành phố Huế. Nhiều khu vực dân cư bị chia cắt.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa thiên Huế nhấn mạnh đến chuyện di dời dân từ vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Trong chương trình truyền hình VTV ông nói: “Nhiệm vụ hiện nay là tập trung chỉ đạo các địa phương để di dời dân đến nơi ở an toàn. Qua hai tiếng di dời, đến nay trên toàn tỉnh, khoảng 60 phần trăm dân vùng nguy hiểm đã được chuyển đến nơi ở an toàn.”

Rút kinh nghiệm từ trận bão Xangsane Đà Nẵng yêu cầu ngư dân không neo đậu tàu thuyền trên sông, hay dọc theo bờ kè để tránh bị hủy hoại.

Đà Nẵng có trên 7.000 hộ dân phải sơ tán và chính quyền thành phố nói họ phải hoàn tất công việc trước 5 giờ chiều thứ Hai, 28/9.

Ông Thái Phiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn cho dân trước khi bão đến.

“Khi mà sóng lớn có thể phải di chuyển một bộ phận dân cư vào nơi quy định. Thành phố không cho dân neo đậu tàu thuyền trên sông, chính vì thế quận đang vận động yêu cầu các tầu thuyền vào khu neo đậu dành riêng, như bến Thọ Quang theo quy định chung của thành phố.”

Hai tàu cá của dân đã bị bão đánh vỡ do không chịu neo đậu vào nơi chỗ an toàn.

Bão số 9 tàn phá miền Trung

Cảnh trong thành phố Huế. Tâm bão được dự đoán đi vào Thừa Thiên Huế, và Đà Nẵng, với sức gió mạnh cấp 11, 12 giật lên tới cấp 13.











*************************************************

source

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment