Wednesday 23 September 2009

Ăn Mày



09-0920-02-tonlesap.jpgTrịnh Hội

Như chiều hôm nay lúc tôi thấy được hình ảnh của Chi.
Tôi biết là tôi không nên cho tiền như những người khách du lịch khác. Và như nhiều lần trong quá khứ, tôi cũng biết là cho vài ba đô chẳng giúp được ai và làm được gì ra trò. Chưa chắc là tiền sẽ thật sự đến được tay họ. Hoặc được xử dụng cho một lý do chính đáng.
Biết thế nhưng mắt tôi vẫn không thể nào quay đi nơi khác làm ngơ hình ảnh của Chi người để trần, tay luôn cố chống chọi cho sóng đừng vào thau mỗi khi có thuyền lớn đi ngang. Dưới cơn mưa ngày càng nặng hạt.
Em không xin tiền tôi như những em khác. Không năn nỉ tôi cho một ngàn riel (khoảng 25 cents) như những người đàn bà khác tay bế tay chèo cũng nghèo khổ, đói rách trên những chiếc thuyền lá mỏng manh. Thế mà sau một lúc không ai mời gọi nhưng cầm lòng không đặng tôi cũng đã tự bước đến mạn thuyền gần em để làm quen trò chuyện.
Biết là trí đang bị tâm quấy nhiễu nhưng tôi đã không thể nào cưỡng lại được.
Em năm nay đã 17 tuổi nhưng trông như chỉ mới 12. Tay em bị quạt máy ghe ở nhà cắt đứt cách đây bốn năm khi em phải lặn xuống thân tàu sửa chân vịt bị mắc kẹt trên biển.
Tôi hỏi em có bao nhiêu anh em. Em bảo em có sáu anh em.
Và em thứ mấy trong nhà? Em bảo em là anh hai trong nhà.

Buổi nói chuyện của tôi với Chi đến đấy chấm dứt. Chỉ vỏn vẹn có thế vì tôi không biết hỏi gì hơn. Và sau một khoảng thời gian im lặng khá lâu, không ai nói lên một lời, tôi cũng chẳng biết mình có nên cho em tiền hay không.
Hoặc nếu cho thì nên cho bao nhiêu là vừa phải.
Phải dùng cái đầu Hội à. Thằng bạn nối khố nào gặp tôi cũng bảo như thế. Ngay cả Tuấn, một thằng bạn khá thân của tôi ở Ottawa hôm ấy cùng có mặt với tôi trên Biển Hồ, tuy không nói ra vì đang ngồi ở cuối thuyền, trông cũng có vẻ như muốn bảo với tôi rằng không nên để cho những hình ảnh ấy làm cho mình bị dao động.
Nhưng tiếc thay như thường lệ lại một lần nữa tôi đã để cho cái cảm tính nhất thời của mình tự nó điều chỉnh xếp đặt. Tôi đã cho Chi tiền và nhân tiện bảo em về nhà nghỉ ngơi không nên tiếp tục đi xin hôm ấy nữa.
Cầm tiền bỏ vội vào túi quần, mặt vui hẳn lên, miệng nói cảm ơn gật đầu ra vẻ đồng ý, tôi nhìn chiếc thau bé nhỏ của Chi nhấp nhô trên sóng nước của Biển Hồ từng phút từng phút xa dần mà lòng cảm thấy buồn vô hạn. Người ta thường bảo những người sinh vào giữa Tháng Ba là thuộc mạng Pisces Song Ngư. Họ luôn mơ mộng viển vông, vừa không thực tế lại chẳng biết đâu là điểm dừng cho sự ngây ngô của mình. Tôi cảm thấy đôi khi điều này rất đúng cho riêng tôi.

Chưa chắc Chi sẽ được nghỉ ngơi như ý tôi muốn.
Cũng chưa chắc số tiền sẽ được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ.
Và chắc chắn là nó sẽ chẳng giúp được gì Chi thoát khỏi cảnh túng bần.
Thế nhưng lòng tôi ngay lúc ấy vẫn cảm thấy tốt hơn là không cho. Mặc dù tôi chẳng chia thêm một đồng nào cho những bé trai, bé gái khác cũng đang bu quanh tôi trên những chiếc thau nhôm bé nhỏ tương tự.
Chúng nó cũng khổ cũng đói cũng rách cũng nghèo như Chi, sao tôi không lại không cho? Và còn hàng vạn, hàng ngàn người khác cũng đang chết dần chết mòn trong khổ đau, tuyệt vọng sao tôi không thương xót?
Thì ra như hai câu nói được ghi trên thanh liễn mà tôi đã từng thấy được treo trong ngôi chùa Trấn Quốc ở Hồ Tây, Hà Nội năm nào:

An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.
Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
***************************************
source
Oneviet

No comments:

Post a Comment