Monday 27 June 2011

Mỹ-Trung, hai hướng vận động ngoại giao của Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông


VIỆT NAM - BIỂN ĐÔNG -
Bài đăng : Chủ nhật 26 Tháng Sáu 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 26 Tháng Sáu 2011
Mỹ-Trung, hai hướng vận động ngoại giao của Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông
Đối thoại về Chính trị An ninh Quốc phòng Mỹ - Việt lần thứ tư tại Washington (DR)
Đối thoại về Chính trị An ninh Quốc phòng Mỹ - Việt lần thứ tư tại Washington (DR)
Đức Tâm

Ngày hôm qua, 25/06/2011, thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của ban lãnh đạo Việt Nam đã hội đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, tại Bắc Kinh.

Giữa tháng Sáu, một phái đoàn Việt Nam do thứ trưởng thường trực Phạm Bình Minh đã sang Hoa Kỳ tham dự cuộc đối thoại về chính trị, an ninh, quốc phòng Việt - Mỹ.

Trong vòng đối thoại Mỹ - Việt lần thứ tư ở Washington, hai bên đã ra được thông cáo chung, theo đó, "các bất đồng trên Biển Đông phải được giải quyết thông qua một tiến trình ngoại giao, không sử dụng vũ lực". Như vậy, có thể nói, ngoại giao Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của Mỹ.

Còn tại Bắc Kinh, ngày hôm qua, đại diện Việt Nam và Trung Quốc cũng đưa ra cam kết "giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị". Theo giới phân tích, trước mắt, tuyên bố này có thể góp phần làm giảm những lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang mà Việt Nam không thể đương đầu được với Trung Quốc. Thế nhưng, điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam chấp nhận đàm phán song phương, một phương thức mà Trung Quốc luôn luôn chủ trương để khai thác thế mạnh nước lớn.

Từ Sydney, nhà báo Lưu Tuờng Quang phân tích

source

RFI Vietnamese

Wednesday 22 June 2011

Cam Bốt và Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác quốc phòng


CAM BỐT - TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ tư 22 Tháng Sáu 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 22 Tháng Sáu 2011
Cam Bốt và Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác quốc phòng
Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh và thủ tướng Hun Sen (AFP)
Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh và thủ tướng Hun Sen (AFP)

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đang có chiều hướng gia tăng. Ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Cam Bốt, Tea Banh đã có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài một tuần. Trong khi đó, đảng đối lập Samrainsy ra thông cáo tỏ rõ thái độ ủng hộ Trung Quốc trong các tranh chấp tại Biển Đông.

Thông tín viên Phạm Phan, Phnom Penh

More

22/06/2011

Tại Bắc Kinh, ông Tea Banh đã được nhân vật số 2 của chính quyền Trung Quốc tiếp và đề nghị đưa hợp tác quân sự lên tầm cao hơn so với hiện nay. Còn trước việc đảng Samrainsy ủng hộ Trung Quốc trene hồ sơ Biển Đông, dư luận báo chí và chính giới đã phản ứng mạnh mẽ với lập trường của đảng này. Nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn kéo Cam Bốt xích lại gần hơn trong quan hệ quân sự. Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh tường trình.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Cam Bốt viếng thăm Bắc Kinh và bày tỏ ước muốn được hợp tắc chặt chẽ với Trung Quốc trong lúc đang nổi lên tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông, đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc…
Hôm qua, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc Tea Banh đã rời Phnom Penh bay đi Bắc Kinh thực hiện chuyến viếng thăm không chính thức kéo dài một tuần.

Trong buổi tiếp xúc, Phó Chủ Tịch Nước kiêm Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương Tập Cận Bình tán dương mối quan hệ thân hữu truyền thống giữa Trung Quốc –Cam Bốt, đồng thời họ Tập cũng nhấn mạnh đến sự hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia nên được nâng cao hơn nữa.

Chính quyền Trung Quốc đánh giá cao mối quan hệ hiện thời với Phnom Penh và tỏ ý sẳn sàng giúp Cam Bốt ổn định kinh tế và phát triển thịnh vượng. Trung Quốc nói họ là một láng giềng tốt và sẽ ủng hộ hết lòng để Cam Bốt duy trì sự đoàn kết trong nước.

Một chi tiết quan trọng trong buổi tiếp ông Tea Banh là ý kiến phát triển sự hợp tác quân sự do ông Tập Cận Bình đưa ra. Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và Cam Bốt nên đưa sự hợp tác quân sự lên một mức mới cao hơn so với hiện nay. Họ Tập cho rằng đây là một sự hợp tác quan trọng.

Đáp lại, Bộ Trưởng Tea Banh tán thưởng sự hỗ trợ kinh tế và quân sự từ lâu của Trung Quốc cho Cam Bốt và hứa hẹn rằng quân đội Cam Bốt sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Ngoài việc gặp mặt nhân vật cao cấp hàng thứ nhì của chế độ Bắc Kinh, ông Tea Banh còn tiếp xúc với ông Lương Quang Liệt, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc.

Trong một diễn văn cách đây không lâu, Thủ Tướng Hun Sen than thở là Trung Quốc và Việt Nam, hai người bạn thân của Phnom Penh đã không nhiệt tình giúp đỡ khi Cam Bốt có chuyện tranh chấp lãnh thổ với Thái Lan, bởi vì hai nước này đã có mối quan hệ hợp tác kinh tế với Thái. Chuyến đi của ông Tea Banh được tiến hành vào lúc mà Đảng Samrainsy vừa đưa ra thông báo ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một thông báo gây lúng túng cho đảng cầm quyền ở Cam Bốt.

Đảng Samraisy ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông

Trong thông báo đưa lên website Đảng Samrainsy ngày 17/6/, đảng đối lập lớn nhất tại Cam Bốt có quan điểm từ lâu chống độc tài toàn trị, đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngay từ tiêu đề, Đảng Samrainsy viết: “Cam Bốt ủng hộ Trung Quốc bảo vệ chủ quyền trên vùng Biển Hoa Nam.”

Thông báo ghi rằng: “26 Dân Biểu và 2 Thượng Nghị Sĩ của Đảng Samrainsy nhân danh dân tộc Khmer bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào lúc mà người bạn vĩ đại này và cũng là một đồng minh của Cam Bốt đang khẳng định một cách chính đáng chủ quyền của mình tại vùng Biển Hoa Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

Đảng Samrainsy “tố cáo và lên án chính quyền Việt Nam đã ngang ngược và tuyên bố vô căn cứ về chủ quyền trên lãnh thổ của nước láng giềng". Bản thông báo cũng đề cập đến quan hệ Việt Nam – Cam Bốt khi viết rằng: “Sự tiếp tục vi phạm chủ quyền trên lãnh thổ Cam Bốt của bọn bành trướng Việt Nam và lập trường hiếu chiến của chính quyền Hà Nội được thực thi tại Đông Nam Á và vùng Biển Hoa Nam đã tạo ra một mối đe dọa cho nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực này.”

Đảng Samrainsy “khẩn gọi chính quyền Việt Nam ngưng ngay hành động gây căng thẳng qua cuộc tập trận bắn đạn thật của hải quân Việt Nam ngày 13/6 mang tính chất khiêu khích và đòi hỏi Việt Nam không được sử dụng chiếc ghế Chủ Tịch ASEAN để quốc tế hóa bất cứ cuộc xung đột nào mà Hà Nội muốn làm trầm trọng thêm tại vùng Biển Nam Trung Hoa.”

Riêng ở chi tiết Việt Nam làm Chủ Tịch ASEAN thì Đảng Samrainsy quên vai trò này đã được chuyển giao cho Indonesia vào tháng 1 năm nay. Và từ ngữ “Biển Hoa Nam” thay vì Biển Đông đã mặc nhiên xác nhận đây là lãnh hải của Trung Quốc.

Bản thông báo của Đảng Samrainsy đưa ra khi Trung Quốc tỏ thái độ ngạo mạn, hiếu chiến trong lãnh hải Việt Nam. Phản ứng đầu tiên ghi nhận được tại Phnom Penh là báo mạng Phnom Penh Post ngày 21/6 đã dùng từ “chưởi rủa” để nói tới nội dung của thông báo khi đề cập đến Việt Nam.

Kế tiếp, nội dung thông báo cũng nói lên được sự bất mãn của cá nhân lãnh đạo Đảng Samrainsy là ông Sam Rainsy đang phải chịu sống cảnh lưu vong tại Pháp để trốn án tù 12 năm khi ông dám nhổ 6 cây cọc do phía Việt Nam cắm tại đường ranh giới tỉnh Svay Rieng và Long An hồi tháng 10 năm 2009.

Điều nữa khi đứng trên lập trường dân tộc, ông Sam Rainsy cũng rất oán hận chính quyền Việt Nam hiện nay vì ông cho rằng đã xâm chiếm lãnh thổ quốc gia ông. Vì thế khi Việt Nam bị Trung Quốc lấn chiếm lãnh hải ở Biển Đông thì đây là dịp ông Sam Rainsy có cơ hội rửa hận. Mặc dù ông phải làm ngơ trước thực tế lịch sử là Trung Quốc chính là bọn bành trướng xâm chiếm lãnh hải nước láng giềng.

Quan điểm của chính quyền Cam Bốt về tình hình Biển Đông

Không đầy một tuần sau thông báo của Đảng Sam Rainsy cùng một lúc các cuộc biểu tình hiếm có của dân chúng tại Hà Nội và Sài Gòn tỏ rõ thái độ và lập trường chống hành động xâm lược của Trung Quốc được loan truyền trên thế giới thì chính quyền Phnom Penh chính thức lên tiếng bộc lộ quan điểm của họ về tình hình tại Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao ông Koy Kuong nói Cam Bốt mong muốn vấn đề tại Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình theo Bản Tuyên Bố Chung Về Ứng Xử Của Các Bên Tại Biển Đông do Trung Quốc và các thành viên ASEAN ký tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN năm 2002 ở Phnom Penh.

Dân Biểu Cheam Yeap thuộc Đảng Nhân Dân đương quyền vào ngày 21/6 phát biểu rằng: Trung Quốc là một người bạn “gần gũi” nhưng Việt Nam còn “thân cận hơn”. Ông lên tiếng tố cáo Đảng Sam Rainsy “thiếu sự trung thành” khi bày tỏ sự ủng hộ Trung Quốc. Theo ông Chem Yeap, hai người bạn của Cam Bốt nên dùng các bản đồ hợp pháp và tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong trường hợp Việt Nam và Trung Quốc không thể giải quyết sự khác biệt và sử dụng võ lực tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến an ninh của toàn vùng.

Vào tháng 10 năm 2010, Thủ Tướng Hun Sen đã tuyên bố ngã theo Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông. Trong tình hình đang căng thẳng hiện nay, công luận chưa thấy ông tuyên bố gì. Chuyến đi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Tea Banh đến Bắc Kinh trong bối cảnh hiện nay là một sự kiện khiến cho (...) phải lưu ý.

Ngày 25 tháng 12 năm 1979 nhân ngày Lễ Giáng Sinh, Hà Nội tung 14 sư đoàn quân chủ lực tiến đánh Khmer Đỏ và lật đổ chế độ này khi thấy Khmer Đỏ ngã hẳn về Trung Quốc và đánh phá biên giới Tây Nam của Việt Nam. Cuối năm 1981, Thủ Tướng Pen Sovann kiêm Tổng Bí Thư đảng do Hà Nội dựng lên nhưng có quan điểm kinh tế, chính trị độc lập đã bị Hà Nội bắt giải giao về Miền Bắc và giam cầm suốt 10 năm trời. Ông Pen Sovann quê ở tỉnh Ta Keo, nói rành tiếng Việt, hiện nay sống tại Phnom Penh và hoạt động chính trị đối lập nhưng không có lực.

Điểm lại ít nhất hai sự kiện trên cho thấy, Cam Bốt là một vùng địa chính trị mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều muốn tranh giành ảnh hưởng. Trong 3 thập niên qua, các quá khứ lịch sử chứng minh cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam thành công trong việc sử dụng xứ Chùa Tháp làm “phên giậu” cho họ. Và vì thế trong thời điểm đang nóng lên dần dần hiện nay, nếu những người cầm đầu chính quyền Cam Bốt tuyên bố lập trường đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là một điều có thể gây nguy hiểm cho họ.

source

RFI Vietnamese

Tuesday 14 June 2011

Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng một cách đáng ngại



Thứ hai 13 Tháng Sáu 2011
Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng một cách đáng ngại

Một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh chụp tháng 5/2005.
Một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh chụp tháng 5/2005.
Reuters
Thanh Phương

Ngoài hiểm họa Trung Quốc lấn chiếm lãnh hải trên Biển Đông, Việt Nam còn đang phải đối đầu với một cuộc xâm lăng khác về mặt kinh tế, thể hiện qua con số nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng lớn và tình trạng hàng hóa Trung Quốc, trong đó có nhiều hàng độc hại, đang tràn ngập thị trường Việt Nam.

Trung Quốc hiện nay đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt qua cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhập siêu của Việt Nam và Trung Quốc đã tăng liên tục kể từ khi hiệp định tự do mậu dịch ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực ngày 1/7/2005. Mức nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây, từ mức 2,67 tỷ đôla năm 2005 vọt lên tới 12,7 tỷ đôla năm 2010, tức là tăng gần gấp 5 lần!

Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, trong 5 tháng đầu năm nay, mức thâm thủng mậu dịch, tức là nhập siêu, của Việt Nam chưa gì đã lên tới khoảng 6,5 tỷ đôla và trong đó, phần lớn vẫn là nhập siêu từ Trung Quốc. Nói chung, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc hiện là lớn nhất.

Cho đến nay, Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô, khoáng sản, nông lâm thủy sản, trong khi Trung Quốc bán sang Việt Nam chủ yếu là phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, phụ tùng, hàng chế biến phep theo nguyên liệu như vải, chất dẻo. . . để Việt Nam chế biến hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ RFI, ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư ( Invest Consult Group ) cho rằng nhập siêu từ Trung Quốc là vấn đề rất nan giải và đang gây rất nhiều khó khăn cho ngành sản xuất của Việt Nam. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với ông Nguyễn Trần Bạt:


Ông Nguyễn Trần Bạt
13/06/2011
by Thanh Phương

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ( VERP ) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, “chính sách thương mại và công nghiệp của Việt Nam chưa phát huy được tác dụng trước làn sóng hàng Trung Quốc đa dạng và giá rẻ. Việt Nam cũng thiếu vắng những hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Không những thế, Trung Quốc lại biết tận dụng lợi thế của các thỏa thuận thương mại khu vực.”

Ngược lại, theo VERP, “hàng hóa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh kém cả về giá cả và chất lượng nên khó thâm nhập thị trường Trung Quốc. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc là khoáng sản và nông lâm thủy sản với số lượng nhỏ, giá cả bấp bênh.”

Để giải bài toán nhập siêu từ Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, giám đốc VERP cho rằng, “cần có các giải pháp đồng bộ, không chỉ về chính sách thương mại mà cả về chính sách đầu tư, chính sách công nghiệp trong cơ chế chọn nhà thầu khoán.”. Nhưng nói thì dễ, theo ông Nguyễn Đức Thành “đây hoàn toàn không phải là điều đơn giản trước sự hiện hữu ngày càng lớn của kinh tế Trung Quốc trên toàn thế giới.”

Bên cạnh tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc, một vấn còn nghiêm trọng hơn cả đó là sự tràn ngập hàng hoá Trung Quốc trên khắp Việt Nam.

Tờ Sài Gòn Giải Phóng Online ngày 8/6 vừa qua đã có bài báo động về tình trạng hàng giá rẻ vừa kém chất lượng, vừa độc hại của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, như đồ chơi trẻ em có nồng độ chì vượt mức cho phép, điện thoại iPhone made in China mới xài có hai tuần sóng đã chập chờn, tiếng còn tiếng mất, radio sau một tháng tiếng phát ra như người bị nghẹt mũi.

Nguy hiểm hơn cả là nhiều thực phẩm ở Việt Nam hiện nay dùng các chất phẩm màu gây ung thư có nguồn gốc từ Trung Quốc, chưa kể sữa nhiễm melamine, trứng gà, gia vị lẫu, tương ớt có nguy cơ gây ngộ độc hoặc ung thư. Ngay cả chăn đệm, quần áo Trung Quốc cũng đe doạ sức khoẻ con người vì có chất formadehyde gây hại cho da. Rồi còn phải kể đến trà trân châu bằng polymer, trứng gà giả. Đồ trang sức made in China cũng kinh khủng không kém. Mới đây lại có thông tin về ly cốc thủy tỉnh của Trung Quốc bị nhiễm độc chì nhưng vẫn được ồ ạt nhập vào bán ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Buồn cười hơn nữa là chuyện taxi đang chạy bị rớt hai bánh xảy ra ngày 7/6 vừa qua tại thành phố Huế. Thì ra đó là một chiếc xe do hãng Lifan của Trung Quốc sản xuất!

Trước sự độc hại của nhiều mặt hàng Trung Quốc, một số người tiêu dùng ở Việt Nam, nhất là những người có mức thu nhập từ trung bình trở lên, đã bắt đầu tẩy chay rau quả Trung Quốc, chuyển sang mua rau quả nhập từ Mỹ, Úc hay New Zealand, an toàn hơn. Ngay cả những người thu nhập thấp cũng quay sang mua rau quả Việt Nam, ít ra bảo đảm là không bị nhiễm độc.

Những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trong những ngày qua đang làm dấy lên thêm phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc, đẩy mạnh tinh thần “ Người Việt dùng hàng Việt”. Nhưng nếu, ngành công nghiệp Việt Nam không đủ sức tạo ra những hàng hóa vừa giá rẻ, vừa bảo đảm chất lượng, cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, thì phong trào dùng hàng nội hóa cũng chẳng đi đến đâu. Cũng như nếu các nhà quản lý không đủ sức ngăn chận những ngõ nhập hàng ồ ạt qua biên gìới phía Bắc, thì các sản phẩm độc hại của Trung Quốc tiếp tục đe dọa sức khỏe của người dân Việt Nam.
source
RFI Vietnamese

Tuesday 7 June 2011

Liệu xung đột Việt-Trung có leo thang?


Cập nhật: 04:47 GMT - thứ tư, 8 tháng 6, 2011

Liệu xung đột Việt-Trung có leo thang?

Biểu tình hôm 05/06 tại Hà Nội

Sự kiện biểu tình chống chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hôm Chủ nhật để lại dư âm mạnh mẽ trong dư luận.

Hàng trăm người đã xuống đường tuần hành một cách hòa bình để phản đối việc Trung Quốc gây hấn và phá hoại thiết bị tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam ngay trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam.

Cùng lúc, đại diện của Chính phủ Việt Nam cũng mạnh mẽ đề cập sự kiện này trên các diễn đàn quốc tế.

Hôm thứ Ba 07/06, Trung Quốc đã chính thức phản đối việc mà nước này gọi là "đợt bùng phát" xung quanh tranh chấp chủ quyền ̉ Biển Đông và yêu cầu Việt Nam có hành động xử lý và ngăn chặn những việc làm tương tự.

Liệu hành động của Việt Nam và phản đối của Trung Quốc có dẫn tới một sự leo thang xung đột hay không? BBC đã hỏi chuyện một số học giả và nhà nghiên cứu.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc châu: Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược ngoại giao nâng cấp nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền Biển Đông, chiến lược này luôn luôn mô tả Trung Quốc như là nạn nhân của các nước khác.

Nay mọi chỉ trích đang được Trung Quốc đổ về Hà Nội và Manila, trong khi Trung Quốc tuyên bố chỉ làm công việc "thực hiện" chủ quyền thông qua các hoạt động bình thường.

Tôi cho rằng các tuyên bố vừa rồi hết sức hợp lý, đủ mức cần thiết để nói cho Trung Quốc và quốc tế biết là Việt Nam có hoàn toàn đầy đủ cơ sở để bảo vệ chủ quyền.

TS Trần Công Trục

Hiện tại các tàu hải giám dân sự, chứ không phải tàu hải quân, tham gia các vụ mới rồi. Các tàu này nhằm vào tàu khảo sát dầu khí không có vũ trang của các quốc gia khác. Tuy nhiên theo Philippines thì hồi tháng Hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắn cảnh cáo tàu cá của nước này.

Nếu như Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách hung hăng như hiện nay thì hậu quả sẽ là Hà Nội và Manila điều tàu hải quân có vũ trang hộ tống tàu thăm dò. Việt Nam thực tế đã tăng số tàu hộ tống tàu thăm dò Bình Minh 02 sau vụ rắc rối hôm 26/05.

Điều này làm tăng quan ngại và tăng nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực, tuy nhiên tôi vẫn cho rằng hiện khả năng xảy ra đụng độ hải quân là thấp.

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: Về sự phản ứng của phía Trung Quốc trước dư luận của người Việt Nam trong và ngoài nước, đánh giá của tôi là không có gì khác so với các lần trước đây. Họ phải nói như vậy thôi.

Biểu lộ của người dân Việt Nam trước các hành động sai trái là tình cảm hết sức chính đáng, với điều kiện sự biểu lộ tình cảm đó tôn trọng luật pháp, không làm gì đáng tiếc để bị lợi dụng gây bất ổn chính trị-xã hội và ảnh hưởng công tác đối ngoại. Tôi theo dõi thì thấy các bạn tham gia biểu tình đã làm được việc đó, tuân thủ luật pháp, không làm xảy ra điều gì đáng ngại.

Có ý kiến cho rằng Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng hết sức mạnh mẽ trong sự kiện tàu Bình Minh 02, thì nhận xét của tôi là những phát biểu chính thức của Nhà nước và các vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng là hết sức hợp lý và đúng đắn trước hành động xâm phạm lần này của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Những gì xảy ra với tàu thăm dò Việt Nam hoàn toàn không ở trong vùng tranh chấp, mà Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố đây là vùng tranh chấp.

Vậy cho nên tôi cho rằng các tuyên bố vừa rồi hết sức hợp lý, đủ mức cần thiết để nói cho Trung Quốc và quốc tế biết là Việt Nam có hoàn toàn đầy đủ cơ sở để bảo vệ chủ quyền. Thêm nữa, trong sự kiện vừa rồi Việt Nam đã hết sức kiềm chế với chủ trương giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, để không xảy ra đụng độ, châm ngòi lửa ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Quan điểm của tôi là các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải được dàn xếp một cách hòa bình giữa hai nhà nước, thông qua thương lượng. Những cuộc biểu tình như vừa qua sẽ không giúp ích gì cho tiến trình này.

TS Vương Hàn Lĩnh

Tôi ca ngợi thái độ của Nhà nước chúng tôi trong vụ này.

Những điều cần làm theo tôi là phải tiếp tục tiến hành các hoạt động chính đáng trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Song song cần tiếp tục đấu tranh nếu có vi phạm theo đúng thủ tục luật pháp và thực tiễn quốc tế, sử dụng các công cụ luật pháp để thể hiện quyền của mình.

Đương nhiên Chính phủ cần phải tiếp tục tuyên truyền giải thích tính chất các vụ việc, vi phạm xảy ra và giải pháp ứng xử cho dư luận được biết.

Tiến sỹ Vương Hàn Lĩnh, Viện Luật pháp Quốc tế thuộc ĐH Khoa học Xã hội Trung Quốc: Tôi có được biết về các vụ biểu tình ở Việt Nam hôm Chủ nhật.

Vấn đề Biển Đông gây bức xúc cho cả hai bên, và trên các diễn đàn mạng của Trung Quốc, người dân Trung Quốc cũng tỏ ra rất bất bình trước việc Việt Nam biểu tình.

Tôi cho là nếu không có việc chính phủ bật đèn xanh, thì biểu tình không thể xảy ra được ở Việt Nam. Hãy nhớ sau các cuộc biểu tình cuối năm 2007 Chính phủ Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn biểu tình như thế nào.

Quan điểm của tôi là các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải được dàn xếp một cách hòa bình giữa hai nhà nước, thông qua thương lượng. Những cuộc biểu tình như vừa qua sẽ không giúp ích gì cho tiến trình này.

source

BBC Vietnamese

Wednesday 1 June 2011

tôi đã chứng kiến tận mắt, và cảm thấy rất ghê tởm


Thứ Năm, 02/06/2011, 07:26 (GMT+7)

Thuyền trưởng tàu Bình Minh 02:

"Tôi chứng kiến điều không tin nổi"

TT - Thuyền trưởng Alexander Belov (người Nga) đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về hải trình này và sự kiện tàu Bình Minh 02 bị ba tàu hải giám Trung Quốc cản trở, phá hoại trên thềm lục địa Việt Nam.

>> Tàu Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam

Tối 31-5, tàu Bình Minh 02 về đến cảng Nha Trang, Khánh Hòa sau khi hoàn tất công việc khảo sát địa chấn biển như kế hoạch đề ra từ trước.

Ông Alexander Belov - Ảnh: Q.V.

* Ông đã làm việc ở Việt Nam từ khi nào?

- Tôi ở Việt Nam từ ngày 28-2-2011. Trước đây tôi từng làm việc trên vùng biển của nhiều quốc gia trên thế giới như Na Uy, Iceland, Greenland, Mỹ, Anh, Sudan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga.

* Ông từng gặp những trường hợp như vụ tàu hải giám Trung Quốc gây cản trở, phá hoại tàu Bình Minh 02 ở vùng biển Việt Nam vừa rồi?

- Tôi chưa từng gặp và cũng hi vọng trường hợp vừa rồi sẽ là lần cuối cùng. Vụ chạm trán này cũng là một kinh nghiệm cho tôi. Thông thường những tàu hải giám như tàu Trung Quốc vừa qua phải tìm cách liên lạc với chúng tôi thay vì phá hoại các thiết bị của tàu. Đây là hành động trái pháp luật vì chúng tôi đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

* Trong tình huống đó ông đã xử lý thế nào?

- Lúc đầu chúng tôi cố gắng bắt liên lạc với các tàu Trung Quốc và bảo họ tránh xa các thiết bị của chúng tôi. Tôi nghe trên sóng radio họ đọc một tuyên bố gì đó rằng chúng tôi phải rời đi vì đã vi phạm vào chủ quyền Trung Quốc. Chúng tôi bảo để các quan chức giải quyết vấn đề này. Nhưng họ cố đuổi theo tàu chúng tôi. Cuối cùng, một trong ba chiếc tàu Trung Quốc tiến hành cắt cáp của chúng tôi.

Chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình, sau đó gọi về văn phòng công ty nhờ giúp đỡ, hỏi xin chỉ dẫn hành động kế tiếp và thu hồi thiết bị bị mất nhằm giảm thiểu thiệt hại.

* Là một người có kinh nghiệm đi biển lâu năm, ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự việc?

- Đây thật sự là một tình huống rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vừa rồi, họ biết rõ rằng mình đang làm gì, rằng họ đến đó để phá hủy các thiết bị của chúng tôi.

* Từng làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, có bao giờ ông gặp phải những vụ vi phạm chủ quyền giống như vụ các tàu hải giám Trung Quốc vừa rồi không?

- Không hề! Chúng tôi đang làm việc trên vùng biển của Việt Nam và những chiếc tàu (Trung Quốc) đến, điều này thật khác thường.

* Là công dân của một nước có chủ quyền, ông đánh giá về vụ phá hoại này thế nào?

- Tôi nghĩ không thể chấp nhận được. Một điều không thể tin nổi là có chuyện phá hoại thiết bị như vậy. Nhưng lần này tôi đã chứng kiến tận mắt, và cảm thấy rất ghê tởm.

* Trong vụ việc vừa rồi ông có nhận xét gì về thái độ, cách giải quyết hòa bình của người Việt Nam?

- Tôi cho rằng tình huống vừa rồi được giải quyết khá tốt, thủy thủ đoàn và con tàu đều an toàn, thiết bị không bị hư hỏng quá nhiều.

* Sắp tới ông sẽ tiếp tục làm việc ở Việt Nam?

- Vâng, chắc chắn vì chúng tôi đã có hợp đồng và tôi cũng thích làm việc ở đây.

Chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi

Có mặt trên tàu Bình Minh 02 trong sáng 1-6, chúng tôi chứng kiến không khí khẩn trương, chuẩn bị cho hải trình khảo sát địa chấn tiếp theo. Các kỹ thuật viên, thủy thủ đoàn bắt tay nhận ca làm việc mới từ đội ngũ vừa kết thúc chuyến đi.

Kỹ sư thu nhận tín hiệu địa chấn Trần Văn Nhật đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới, hào hứng nói: “Mấy ngày qua, tôi có liên lạc với anh em trên tàu và biết rõ sự kiện cản trở, phá hoại của tàu Trung Quốc. Sự việc này rất nghiêm trọng, nguy hiểm nhưng anh em chúng tôi vẫn háo hức chuẩn bị chuyến ra khơi tiếp theo. Chúng tôi làm việc trên vùng biển Tổ quốc và chúng tôi hoàn toàn tự tin vì chúng tôi có lẽ phải”.

Trên cabin, thuyền trưởng Trần Anh Vũ đang nhận bàn giao ca mới từ thuyền trưởng Alexander Belov. Anh khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục ra khơi hoàn thành tốt nhiệm vụ trên vùng biển của đất nước có chủ quyền. Đó cũng là nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc”.

Trong đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên khảo sát địa chấn làm việc trên tàu Bình Minh 02 có nhiều người đến từ Canada, Mỹ, Philippines, Malaysia, Anh... Mặc dù chứng kiến sự cản trở, phá hoại của tàu hải giám Trung Quốc nhưng tất cả họ đều khẳng định sẽ tiếp tục làm việc bình thường trên tàu Bình Minh 02 đúng như hợp đồng đã ký từ trước.

Kỹ sư Phạm Khôi - quốc tịch Canada, đội trưởng đội khảo sát địa chấn đã làm việc trên biển Việt Nam - cho biết ngay sau chuyến lên bờ nghỉ để đổi ca này, anh sẽ tiếp tục cùng Bình Minh 02 ra khơi.

“Lúc bị tàu Trung Quốc phá hoại cáp thu tín hiệu địa chấn, tôi không có thời gian để suy nghĩ gì khác ngoài việc cùng anh em cố gắng bảo vệ thiết bị. Nhưng sau đó, tôi nghĩ mình làm việc trên vùng biển thuộc chủ quyền của một quốc gia có chủ quyền thì không có gì phải e ngại. Chắc chắn tôi sẽ còn tiếp tục làm việc lâu dài ở quê hương tôi” - anh Khôi nói.

QUỐC VIỆT - TRẦN PHƯƠNG thực hiện

source

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/440639/Toi-chung-kien-dieu-khong-tin-noi.html