Sunday 28 February 2010

Tận mắt chứng kiến việc giao đất rừng cho người nước ngoài


- Với lời hứa sẽ đền bù đất, cây, mở đường, đưa điện và tạo công ăn việc làm cho bà con thôn xóm, nhiều người dân ở xã Đông Quan (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) đã đồng ý giao đất giao rừng cho Công ty Innov Green (Hồng Kong – Trung Quốc, chi nhánh Lạng Sơn).

Thế nhưng, chưa được hưởng lợi gì từ dự án thì họ đã thấy mình bị “hớ”. Tiền làm thuê trồng rừng bị nợ, những lợi ích khác thì không thấy… Một số ít người dân còn lại thì nhất quyết không đồng ý giao đất rừng cho doanh nghiệp nước ngoài này vì họ không biết con cháu họ sẽ sống bằng gì trên vùng đất khó khăn này?.

Tin lời hứa, dân mất đất trồng rừng?

Xã Đông Quan, huyện Lộc Bình là một xã miền núi nghèo, ngoài nghề trông lúa trên diện tích ruộng khô cằn thì đời sống của các hộ dân trong xã chủ yếu chỉ biết trông chờ vào diện đất đồi núi để trồng rừng, chăn thả trâu bò.

Mô tả ảnh.
Ngoài diện tích đất ruộng, các hộ dân ở thôn Song Sài xã Đông Quan chỉ biết trông chờ vào diện tích đất trồng rừng để mưu sinh. (Ảnh: Duy Tuấn).

Đời sống của bà con xã Đông Quan cứ bình lặng trôi đi như cái nghèo “khó mà thay đổi được” thì bất ngờ năm 2007 Công ty Innov Green (Hồng Kông – Trung Quốc) vào thuê đất rừng với thời hạn 50 năm để trồng bạch đàn lấy gỗ công nghiệp.

Khi vào xã Đông Quan, công ty có nguồn gốc nước ngoài này đã đem theo những lời hứa hẹn mở đường, đưa điện vào thôn và tạo công ăn việc làm cho bà con nên nhiều hộ dân đã tin tưởng giao đất rừng cho công ty và tiến hành trồng bạch đàn.

“Nhiều hộ thận trọng lo cho công ăn việc làm của con cháu mai sau nên nhất quyết không giao đất rừng cho công ty”, ông Vi Văn Mài, trưởng thôn Song Sài, xã Đông Quan cho biết.

Theo chỉ dẫn của ông Mài, chúng tôi được anh Lành Văn Nga, một người dân trong thôn chỉ đường đến nhà chị Lý Thị Thiết ở thôn Song Sài. Xung quanh hai bên đường rộng chừng 40 - 50 cm ngoằn ngoèo uốn lượn là những cây thông đã được người dân trồng từ năm 2004 nhờ dự án trồng thông làm giấy của tỉnh Lạng Sơn.

Anh Nga bảo: “Đường sá khó khăn thế này nên khi nghe công ty vào mở đường, đem điện đến nên không ít bà con cả tin đã giao đất rừng cho công ty của người nước ngoài bất chấp những cây thông xanh tốt nhiều khả năng sẽ bị chặt phá”.

Mô tả ảnh.
Anh Nga không muốn dự án trồng bạch đàn của công ty người nước ngoài sẽ tàn phá đi những cây thông anh đã trồng được 4 - 5 năm nay. (Ảnh: Duy Tuấn).

Trong căn nhà tuềnh toàng được làm bằng gạch đất của chị Lý Thị Thiết, khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện giao đất rừng cho công ty Innov Green, chị Thiết với khuôn mặt buồn rượi cho biết: “Đã nhiều tháng nay tôi mất ăn mất ngủ vì đã trót giao 3,8ha diện tích đất rừng cho Công ty Innov Green trồng bạch đàn. Nhưng khi giao đất cho họ rồi đến nay tôi mới biết mình đã bị lừa…”.

Chị Thiết kể: Đầu năm 2008 người của công ty này và cả người của UBND xã Đông Quan có vào nói với gia đình chị, nếu giao đất rừng cho công ty gia đình chị sẽ được nhận bồi thường tiền đất, tiền trồng thông, ngoài ra gia đình chị còn được nhận vào làm công nhân với mức lương cao.

Tin lời công ty, chị Thiết đã giao 3,8 ha rừng trồng thông cho Công ty Innov Green và chấp nhận bất chấp mưa nắng mất hàng tháng trời đi đào hố, gánh phân lên đồi Pa Cà Nông để trồng bạch đàn cho công ty với mức lương 100 nghìn đồng/ ngày. Nhưng kể từ khi giao đất rừng, trồng bạch đàn cho công ty Inno Green xong đến nay đã hơn 5 tháng chị Thiết vẫn chưa được công ty trả tiền công chứ chưa nói gì đến tiền bồi thường từ đất rừng.

Mô tả ảnh.
Giao thông vào bản Song Sài quá khó khăn nên khi nghe công ty Innov Green mở đường vào bản nhiều hộ dân ở Song Sài đã cả tin giao đất cho công ty. (Ảnh: Duy Tuấn).

“Công ty có hẹn tôi đến ngày 28/1 sẽ trả tiền công, nhưng cứ hết lần này đến lần khác tôi vẫn chưa được công ty trả tiền công đào hố trồng cây, chỉ có thỉnh thoảng nhận được vài trăm tiền tạm ứng. Trong khi đó tiền bồi thường đất và cây thông đến nay tôi vẫn không nhận được vì nay nghe cán bộ nói đất đó của gia đình sử dụng nhưng chưa cấp sổ”, chị Thiết bức xúc.

Chị Thiết dẫn chúng tôi leo trèo hơn 30 phút trên nhiều quả đồi để đến địa điểm đất đồi đã được công ty nước ngoài này trồng bạch đàn. Số cây bạch đàn không thể đếm xuể, tuy đã trồng được 6 tháng nhưng cũng mới chỉ cao được 50cm. Chị Khiết cho biết, toàn bộ vùng bạch đàn này là công sức của chị và người dân Song Sài.

Cũng như gia đình chị Thiết, gia đình chị Bế Thị Cầu cùng thôn Song Sài đã giao 3 ha diện tích đất rừng cho Công ty Innov Green và đi trồng thuê bạch đàn cho công ty nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền công.

Mô tả ảnh.
Giao đất, rừng cho công ty Innov Green chị Thiết trở thành người trắng tay. (Ảnh: Vũ Điệp).

Chị Cầu bức xúc: “Giao đất cho công ty rồi chúng tôi phải đi làm thuê cho họ. Nhưng khi chúng tôi trồng cây xong thì tiền công họ cũng không trả đủ. Chúng tôi có hỏi tiền bồi thường từ đất và cây thì bất ngờ lại được xã cho biết đất không có sổ thì không được bồi thường. Cứ đà này không biết gia đình tôi phải làm gì để kiếm sống”.

Được biết, hàng chục hộ dân khác ở thôn Song Sài giao đất, rừng rồi làm thuê cho công ty này cũng đang bị nợ. Và đến nay khi nghe thông tin không được đền bù đất nữa thì họ không muốn giao đất cho công ty của người nước ngoài.

“Giao rừng cho họ con cháu tôi làm gì để sống?”

Không “cả tin” như các hộ dân giao đất rừng cho công ty Innov Green, nhiều gia đình trong thôn Song Sài và cả thôn Nà Lâu, xã Đông Quan kiên quyết không giao đất rừng cho phía công ty Inno Green. Lý do mà các hộ dân không giao đất đưa ra: Tấc đất tấc vàng, mất đất mất việc làm.

Anh Lành Văn Nga (27 tuổi), ở thôn Song Sài cho biết, cuối năm 2007 đầu năm 2008 công ty Innov Green và người của UBND xã có đến yêu cầu gia đình anh giao 3,1 ha diện tích đất rừng cho công ty, nhưng anh nhất quyết không đồng ý.

’Anh

Anh Ý bức xúc: "Trước đây với diện tích đất rừng chăn thả rộng chúng tôi nuôi trâu nuôi bò thả rất thoải mái, nhưng kể từ khi công ty Inno Green tiến hành trồng 60 ha bạch đàn từ diện tích đất rừng thì việc chăn thả trâu bò của các hộ dân chúng tôi cũng hết sức khó khăn”. (Ảnh: Vũ Điệp)

Anh Nga bảo: “Khi công ty vào lấy đất rừng tôi kiên quyết không đồng ý vì thời hạn thuê đất 50 năm thì đời tôi coi như đã hết, nhưng đến đời con cháu tôi lấy đâu ra đất rừng để làm. Không có đất rừng thì chúng tôi chết đói vì ngoài mấy sào ruộng làm không đủ ăn, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào diện tích đất rừng để trồng rừng và chăn thả”.

Người nông dân tên Nga này còn cho biết thêm, việc anh không đồng ý giao đất cho dự án không chỉ muốn giữ cho con cháu anh mà việc giữ đất còn là để giữ nước nữa.

Cũng như anh Nga, gia đình anh Vy Văn Ý ở thôn Song Sài được giao 3 ha diện tích đất rừng trồng thông theo dự án trồng thông làm giấy của tỉnh Sơn La từ năm 2004. Đến nay dù diện tích thông còn sống không nhiều nhưng đất rừng là nơi để anh chăn thả trâu bò và những hàng thông đang lớn dần sẽ là vốn liếng để anh để lại cho con cháu anh sau này.

Anh Ý bức xúc: Trước đây với diện tích đất rừng chăn thả rộng chúng tôi nuôi trâu nuôi bò thả rất thoải mái, nhưng kể từ khi công ty Inno Green tiến hành trồng 60 ha bạch đàn từ diện tích đất rừng thì việc chăn thả trâu bò của các hộ dân chúng tôi cũng hết sức khó khăn”.

Cùng quan điểm và kiên quyết như gia đình anh Nga, anh Vy, hàng chục hộ dân ở thôn Nà Lâu cũng kiên quyết không giao đất cho Công ty Innov Green.

Bà Bế Thị Chấm, thành viên hội phụ nữ thôn Nà Lâu cho biết: “Năm ngoái khi chúng tôi bắt đầu trồng thuốc lá trên diện tích đất rừng thì UBND xã và người của công ty Innov Green vào bảo dân chúng tôi nhường đất và đi làm công nhân cho công ty. Nhưng chúng tôi không đồng ý. Vì mất đất là chúng tôi không còn gì cả”.

  • Vũ Điệp – Duy Tuấn
  • source
  • Bài 1:
  • http://www.vietnamnet.vn/psks/201003/Giao-dat-rung-cho-nguoi-nuoc-ngoai-dan-song-bang-gi-896474/

    Tận mắt chứng kiến việc giao đất rừng cho người nước ngoài

    Cập nhật lúc 08:00, Thứ Hai, 01/03/2010 (GMT+7)

Friday 26 February 2010

Tướng Đồng Sỹ Nguyên cảnh báo việc cho nước ngoài thuê rừng



Tướng Đồng Sĩ Nguyên lên tiếng về việc một số địa phương cho người nước ngoài thuê dài hạn đất rừng đầu nguồn.

"Với Việt Nam đừng tưởng mạnh mà thắng được yếu"

Nghĩ về sức mạnh cộng hưởng của dân tộc

Trách nhiệm phải lên tiếng

- Được biết ông đã có thư gửi các cấp lãnh đạo có thẩm quyền cảnh báo nguy cơ từ việc cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn. Vì sao ông không đồng tình với việc này?

Ai làm gì tôi không biết nhưng tôi thấy đây là một trách nhiệm phải lên tiếng.

Đặc điểm nước ta nhỏ hơn một tỉnh của Trung Quốc, chiều ngang hẹp, chiều dài dài, độ dốc núi đổ ra biển rất gần, các cơn lũ quét nhanh ngang tiếng động, thiên tai xảy ra liên tục, môi trường ngày càng xấu đi, đặc biệt nước biển dâng mất thêm diện tích ruộng đồng bằng. Đây là một hiểm hoạ cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia.

Ngoài chuyện chặt rừng đầu nguồn gây lũ lụt tôi còn băn khoăn ở chỗ nhiều địa điểm cho thuê có vị trí chiến lược và địa chính trị trọng yếu. Nhớ lại các thời kháng chiến, tất cả các tỉnh đều có căn cứ là các vùng rừng núi, kháng chiến chống Pháp ta có Việt Bắc, kháng chiến chống Mỹ ta có rừng Trường sơn và vùng Tây Nam Bộ. Những đất rừng đầu nguồn này đều nằm trong đất căn cứ hoặc ở vùng biên giới. Ví dụ. Nghệ An đang cho thuê ở Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đây là 3 địa bàn phên dậu quốc gia. Lạng Sơn cũng vậy.

Đảng, Nhà nước ta trong thời đổi mới cần sử dụng đất cho các mục tiêu là cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ quy mô, địa điểm, tính từng mét đất. Triệt để không bán, không cho thuê dài hạn cho nước ngoài kinh doanh, trồng rừng nguyên liệu, địa ốc, sân gôn, sòng bạc... trong khi dân ta còn thiếu đất, thiếu nhà, thiếu việc làm.

Tuy đã muộn, nhưng ngay từ bây giờ, bất cứ cấp nào đều phải trân trọng từng tấc đất của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải có thể làm lại được, còn mất đất là mất hẳn.

Nhiều ý kiến phản đối, chính quyền tỉnh vẫn ký

Tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh Thu Hà

- Có ý kiến cho rằng kiến nghị của ông bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chính xác, do đó phản ứng như vậy là có phần cực đoan?

Tôi có thông tin chứ không phải chỉ nghe nói đâu đó. Sở dĩ tôi có thông tin là do anh em ở dưới tỉnh ủy và công an họ báo lên. Ngay khi nhận được tin báo tôi đã gọi về các địa phương để hỏi lãnh đạo tỉnh cũng công nhận với tôi là có chuyện đó.

Ở một số địa phương, công an và bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lên tiếng ngăn cản nhưng chính quyền vẫn ký. Thậm chí, có nơi Chủ tịch tỉnh kí cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn.

Hồi anh Võ Văn Kiệt làm Phó Thủ tướng, anh Kiệt có giao cho tôi làm đặc phái viên hai việc: Một là làm sao chấm dứt được việc đốt rừng; Hai là tạm thời đình chỉ việc xuất khẩu gỗ. Anh Kiệt cho đến lúc cuối đời vẫn còn trăn trở với 2 phần việc này.

Trong một văn bản ủy quyền cho tôi, anh ghi rõ giao đồng chí Đồng Sỹ Nguyên có quyền xử lí tại trận không cần báo, gay gắt đến như thế trong việc giữ rừng giữ đất. Để cứu trợ đồng bào có thực phẩm, anh còn cho chở gạo từ phía Nam ra để người dân có sức trồng rừng.

7 năm được Đảng, Chính phủ giao phụ trách chương trình 327, tôi đã cùng với các bộ, các địa phương lặn lội khắp mọi nẻo rừng, ven biển, các đảo. Đã từng leo nhiều ngọn núi cao hàng 1000m, từ bước chân, qua ống nhòm đã thấy cảnh tàn phá rừng để làm nương rẫy, chặt phá gỗ quý để sử dụng và xuất khẩu.

Việc trồng rừng đầu nguồn là vấn đề sống còn, là sinh mệnh của người dân, không chỉ trồng rừng mà còn phải bảo vệ rừng.

Đã cho thuê hơn 300 ngàn ha rừng

- Đến nay ông đã nhận được phản hồi nào về kiến nghị của mình chưa?

Khi tôi gửi kiến nghị lên thì có nhận được điện thoại của Thủ tướng. Thủ tướng nói với tôi là đã nhận được thư và đang giao cho Bộ Nông nghiệp đi điều tra thực tế. Bộ Nông nghiệp cũng đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng điều tra xong và gửi lại bằng văn bản cho tôi.

- Kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp ra sao, thưa ông?

Bộ Nông nghiệp đồng ý với tôi việc 10 tỉnh cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn là sự thật. Bộ đã trực tiếp kiểm tra tại 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ngoài ra tổng hợp từ báo cáo của 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. 10 tỉnh này đã cho 10 DN nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha, trong đó DN từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.

"Ai làm gì tôi không biết nhưng tôi thấy đây là một trách nhiệm phải lên tiếng". Ảnh: Thu Hà

Đó là một tầm nhìn rất ngắn!

- Giới chức địa phương khi được phỏng vấn đã bác bỏ quan ngại với lý do các dự án đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích của cộng đồng dân cư. Ông nghĩ sao về lập luận này?

Nói như thế là không thuyết phục.

Ngay trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp cũng đã xác nhận một sự thật là một số nơi đã thu hồi đất của dân (đất lâm nghiệp thực tế đã có chủ) để giao cho nước ngoài thuê.

Theo tự nhiên, dân đồng bằng phải có ruộng, người miền núi phải có rừng. Nay cho thuê hết đất rừng thì người dân sẽ mưu sinh thế nào, điều đó cần phải làm rõ. Bao nhiêu cuộc kháng chiến của ta cũng chỉ vì mục tiêu người cày có ruộng, người dân miền núi có rừng. Cách mạng thành công cũng nhờ mục tiêu đó mà người dân hướng theo.

Việc lo cho dân phải là việc đặt lên hàng đầu, trước cả việc thu ngân sách. Cứ dựa vào những lập luận như tăng thu ngân sách để có những quyết định ví dụ như cho người nước ngoài thuê dài hạn đất rừng đầu nguồn là một tầm nhìn rất ngắn!

Sao không tự hỏi vì sao các DN nước ngoài lại chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên? Rõ ràng đó là những tỉnh xung yếu biên giới, có những vị trí địa chiến lược mang tính cốt tử. Bản thân dân nước mình cũng đang thiếu việc làm.Và khi đã thuê được rồi thì liệu họ có sử dụng lao động là người Việt Nam hay là đưa người của họ sang?

Lấy ngay ví dụ việc cho nước ngoài thuê đất ở Đồ Sơn. Tôi đã trực tiếp đến kiểm tra, xung quanh khu vực đó, họ cho đóng những cột mốc to như cột mốc biên giới và không cho người Việt vào đó. Cận vệ của tôi tiếp cận xin vào họ cũng không cho, đến khi tôi trực tiếp xuống xe, làm căng quá mới vào được.

Việc một số địa phương nói rằng có những vị trí cho người nước ngoài thuê vì bao lâu nay vẫn để trống, nói như vậy là vô trách nhiệm, địa bàn anh quản lí mà để như thế tức là đã không làm tròn nhiệm vụ. Hồi tôi đi làm dự án 327, tôi rõ lắm, dân mình lúc nào cũng thiếu đất, muốn làm dự án còn không có mà làm, sao có đất để không được.

Kiến nghị đình chỉ ngay những dự án chưa ký

"Đất đai là thứ tài sản nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của dân tộc,
hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng". Ảnh: Thu Hà

- Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì trước hiện trạng này?

Một số tỉnh đã lỡ ký với doanh nghiệp nước ngoài cần tìm cách thuyết phục họ khoán cho đồng bào tại chỗ trồng. Đặc biệt các tỉnh thuộc vùng xung yếu biên giới, những tỉnh chưa kỷ đình chỉ ngay. Thay vào đó, huy động các doanh nghiệp trong nước đầu tư, kết hợp sử dụng một phần vốn chương trình 5 triệu ha rừng để thực hiện.

Các tỉnh chỉ đạo các huyện, các lâm trường lập ra bộ phận chuyên trách. Trong vòng một năm, chính thức giao khoán đất, khoán rừng cho từng hộ. Trong bản, trong xã cấp sổ đỏ quyền sở hữu sử dụng đất rừng vào mục đích trồng rừng phòng hộ kết hợp rừng kinh tế.

Từ đây, tôi đề nghị mở rộng chương trình xoá đói giảm nghèo ở miền núi thành chương trình làm giàu cho đồng bào miền núi, kết hợp bố trí tái định cư của các công trình. Điều kiện làm giàu ở miền núi tốt hơn ở đồng bằng.

Đất đai là thứ tài sản nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của dân tộc, hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng.

source

http://www.tuanvietnam.net/2010-02-26-tuong-dong-sy-nguyen-canh-bao-viec-cho-nuoc-ngoai-thue-rung

Vụ chó cắn chết người: Nhân chứng nói gì?


Chính trị - Xã hội

Thứ Sáu, 26/02/2010, 08:05 (GMT+7)


TT - Như Tuổi Trẻ đã thông tin, Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa có văn bản thông báo kết thúc điều tra, không khởi tố vụ án hình sự vụ chó bẹcgiê cắn chết bà Phạm Thị Ngắn. Trước thông tin này, các nhân chứng đều tỏ ra bất ngờ và kể lại đầy đủ những điều mắt thấy tai nghe.

"Không hiểu tại sao công an kết luận như thế?" - Anh Nguyễn Văn Khôi (con trai nạn nhân) - Ảnh: Trung tân

“Vụ việc với những chứng cớ rành rành, còn nhiều nhân chứng sống ở đây và khai không biết bao nhiêu lần trước cơ quan công an là họ thấy mẹ tôi xin Nguyễn Đình Sơn cứu nhưng anh này thấy mẹ tôi chết mà không cứu. Giờ không hiểu tại sao công an kết luận như thế?” - anh Nguyễn Văn Khôi, con của nạn nhân Phạm Thị Ngắn (trú tại buôn H’Drát, Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột), bức xúc.

Gặp lại nhân chứng

Viện kiểm sát chưa nhận được quyết định

Một cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột cho biết vẫn chưa nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan cảnh sát điều tra. Về nguyên tắc, theo vị cán bộ này, ngay sau khi có quyết định, cơ quan điều tra phải gửi ngay cho viện. Trong khi đó, theo thông báo của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột thì quyết định không khởi tố vụ án hình sự được ký ngày 11-2.

T.THI

Tiếp xúc với chúng tôi ngày 25-2, các nhân chứng là chị Giang Thị Bích Điệp và chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (trú tại buôn H’Drát) cho hay những gì họ khai với cơ quan cảnh sát điều tra đều giống thông tin hai chị cung cấp cho báo chí trước đây, không hề sai lệch gì cả. Hai nhân chứng trực tiếp nhìn thấy vụ việc tái khẳng định hai chị đã thấy anh Nguyễn Đình Sơn - người làm thuê và quản lý đàn chó - đứng ở gốc dừa cách đó không xa và họ đã gọi rất to.

Một lúc sau, anh Sơn đi lại thì họ gào thét to hơn để anh Sơn cứu bà Ngắn, đồng thời bà Ngắn cũng van xin anh Sơn nhưng anh Sơn bảo: “Ai nhủ vào mót cà phê cho chó cắn chết” rồi bỏ đi.

“Lúc đó tôi hoảng quá chạy lên cây keo để tránh đàn chó thì thấy anh Sơn đứng chỗ mấy cây dừa cách đó không xa. Dù khi ấy không nhìn rõ mặt nhưng tôi có thể nhận ra dáng của anh này vì anh hay lên quán nhà tôi mua hàng, tôi có thể khẳng định đó là anh Sơn. Nhưng khi cán bộ điều tra nói với tôi là “phải khai cho đúng đó có phải anh Sơn không, nếu sai tôi sẽ phải chịu tội”, tôi bấn quá nên không dám khẳng định. Tuy nhiên, khi tôi kêu được một lúc thì anh Sơn đi lại chỗ bãi đá (cách hiện trường khoảng 20m), tôi đã thấy rõ người đứng ở gốc dừa là anh Sơn. Chúng tôi cùng kêu và van xin nhưng anh Sơn đã lạnh lùng bỏ đi dù biết chó cắn chết cô Ngắn!” - chị Nguyễn Thị Thanh Trâm nói.

“Chúng tôi cũng đâu có thù oán với anh Sơn hay gia đình ông Thành mà nói thêm nói bớt. Thấy sao thì tôi nói vậy. Khi sự việc xảy ra tôi đứng trên cây sầu riêng gần nơi cô Ngắn chết có vài ba mét. Thấy anh Sơn, tôi gào khan cổ và gọi điện cầu cứu khắp nơi. Chúng tôi khẳng định anh Sơn có mặt và chứng kiến việc mấy con chó bẹcgiê cắn chết cô Ngắn mà không cứu. Cán bộ điều tra hỏi chúng tôi liên tục hàng chục lần và chúng tôi khẳng định bấy nhiêu lần là có anh Sơn tại hiện trường khi chó đang cắn cô Ngắn. Vậy mà trong kết luận điều tra lại nói khác” - chị Giang Thị Bích Điệp cho biết.

Các nhân chứng (từ trái qua): Giang Thị Bích Điệp, Nguyễn Thị Thanh Trâm, Vũ Thị Huê - Ảnh: T.T.

Lời kể của người ở cổng sau

Chúng tôi tìm gặp chị Vũ Thị Huê (trú tại buôn H’Drát), người ở nhà đối diện với cổng sau rẫy của gia đình ông Phạm Ngọc Thành - bà Nguyễn Thị Hòe, cũng là người cùng với hai con gái có đi mót cà phê vào chiều hôm xảy ra án mạng.

Chị Huê nói: “Trước đó, cổng sau rẫy chỉ có rào một làn lưới B40, làn lưới thường không đóng nên chúng tôi mới vào mót cà phê được. Trước ngày xảy ra vụ việc không có hai bảng ghi: “Rẫy ông Thành 507, ai tự ý vào rẫy chó bẹcgiê cắn chủ rẫy không chịu trách nhiệm” và “Chó dữ, vào rẫy phải có người dẫn”. Hai bảng này được dựng lên ngay ngày đi chôn bà Ngắn”. Bà Huê nói thêm: “Tôi chứng kiến họ chôn bảng và cãi nhau”.

Bà Huê kể: “Bà Ngắn và mấy người kia đi vào được khoảng 20 phút thì mẹ con tôi cũng theo vào lô để mót cà. Gặp anh Sách (người làm thuê trong rẫy bà Hòe và ông Thành) thì anh ấy nói: “Thôi đừng mót nữa, về đi chứ thằng Sơn nó thả chó rồi đấy!”. Chúng tôi cứ nghĩ họ chỉ dọa nên vào tiếp để mót. Mới đi được mấy mét thì gặp anh Sơn đang ngồi xổm dưới gốc cây cà phê. Hai con chó bẹcgiê to và một con chó lai nhỏ đang nằm rất ngoan bên chân anh Sơn. Vì Sơn và nhà tôi quen nhau nên anh ấy nói chúng tôi về đi, không chó nó cắn. Tôi nói là anh phải dắt mẹ con tôi ra thì chúng tôi mới dám ra - bà Huê kể tiếp - Trước đó một vài hôm, anh Sơn vẫn dọa không cho mọi người vào mót. Anh Sơn nói sẽ cho người ném đá vào những ai đi mót cà phê. Anh ta còn dọa thêm nếu ném đá mà vẫn cứ mót cà phê thì sẽ thả chó ra cắn chết”.

Luật sư Huỳnh Văn Nông:

Phải chờ ý kiến của Viện kiểm sát

Theo quy định của luật pháp, trong vụ việc chó bẹcgiê cắn người ở Đắk Lắk, chúng ta cần chờ xem Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột có ý kiến như thế nào. Trường hợp Viện kiểm sát cho rằng quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra rõ ràng là không có căn cứ thì Viện kiểm sát có thể hủy bỏ quyết định này và ra quyết định khởi tố vụ án.

Còn trong trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột thống nhất với quyết định không khởi tố của cơ quan điều tra, gia đình nạn nhân có thể gửi khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột để được xem xét giải quyết.

Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày gia đình nạn nhân nhận hoặc biết được quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng (điều 328 BLTTHS). Trường hợp khiếu nại không được giải quyết trong thời hạn bảy ngày (điều 329 BLTTHS) hoặc gia đình nạn nhân không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột thì có thể khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Giải quyết của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk là giải quyết cuối cùng.

TRUNG TÂN

______________

Thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột

Tin bài liên quan:

>> Xem clip Dựng lại hiện trường vụ chó Béc giê cắn chết người
>> Dựng lại hiện trường vụ “chó bécgiê cắn chết người”: Nghe rất rõ lời kêu cứu
>> Điều tra thực nghiệm hiện trường vụ chó bécgiê cắn chết người
>> Đàn chó bécgiê cắn chết một phụ nữ
>> Thương cho phận nghèo
>> Vụ chó bécgiê cắn chết người: Cảnh báo về tình thương con người
>> Chủ trang trại chi 120 triệu đồng
>> Chó dữ được “dữ” tới đâu?
>> Thêm một cháu bé bị chó bécgiê cắn trọng thương
>> Không xử lý hình sự vụ chó cắn chết người

Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ đăng lại những nội dung chính thông báo gửi cơ quan báo chí của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột về vụ chó cắn chết bà Phạm Thị Ngắn.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hòe, ông Phạm Ngọc Thành, thường trú tại 128 Lê Thánh Tông, TP Buôn Ma Thuột, có nuôi một đàn chó bẹcgiê và lai bẹcgiê được chăn thả nhốt trong khuôn viên nhà vườn và rẫy với diện tích khoảng 30ha tại buôn H’Drát (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột), trong đó có bốn con bẹcgiê nuôi nhốt trong chuồng và sáu con được chăn thả ở ngoài. Xung quanh rẫy có rào xây, có đào hào và lưới B40 bảo vệ. Ở cổng chính ra vào có biển cảnh báo chó dữ.

Vào khoảng 13g30 ngày 21-1-2010 bà Phạm Thị Ngắn (sinh năm 1955), chị Giang Thị Bích Điệp, Nguyễn Thị Thanh Trâm, Nguyễn Thị Thanh Hương, chị Đặng Thị Thu Hương và Vũ Thị Kim Thúy (chị dâu của Trâm), đều trú tại buôn H’Drát, tự ý đi vào rẫy nhà bà Hòe thuộc lô Bột (tên của từng lô cà phê do gia đình bà Hòe đặt) để mót cà phê trong khi không được sự cho phép của chủ rẫy. Ngoài ra còn có bà Vũ Thị Huê và các con là cháu Mai Thị Thúy và cháu Mai Thị Thúy Nga (ở cùng buôn H’Drát) vào mót cà phê tại lô 04 gần đó.

Trong thời gian này có các anh Nguyễn Đình Sơn, Phạm Văn Sách, Nguyễn Văn Mật là người làm thuê cho gia đình bà Hòe và ông Thành, đang tưới cà phê. Đến khoảng 14g45 cùng ngày thì bị mất điện, anh Sơn, anh Sách và anh Mật ra về, khi ra đến đầu lô 04 thì gặp ba mẹ con bà Vũ Thị Huê đang mót cà phê.

Thấy vậy, cả ba anh yêu cầu ba mẹ con bà Huê đi ra khỏi rẫy, đồng thời dặn hôm sau đừng vào rẫy mót cà phê chẳng may bị chó cắn. Ba mẹ con bà Huê được các anh Sơn, Sách và Mật đi bộ đưa về. Đi được khoảng 30m, anh Sơn bảo anh Mật vào lô cà phê tháo ống nước ra, còn anh Sách về lấy xe công nông (xe càng tay) ra kéo ống nước. Đi thêm khoảng 20m, anh Sơn, anh Sách và ba mẹ con bà Huê nhìn thấy ba con chó lai bẹcgiê của gia đình bà Hòe, ông Thành nuôi thả ở ngoài đang nằm dưới gốc cà phê bên đường nhưng không có biểu hiện gì.

Về gần đến nhà bà Huê, anh Sách đi vào lấy xe công nông, anh Sơn tiếp tục đưa ba mẹ con bà Huê đến nhà cách khoảng 20m. Quãng đường từ lúc anh Sơn đưa ba mẹ con bà Huê đi về khoảng 300m, về đến nhà bà Huê lúc này vào khoảng 15g cùng ngày.

Sau đó anh Sơn đi bộ về rẫy nhà bà Hòe. Về đến nơi, anh Sơn mượn chiếc xe máy để đi thăm người thân đang bị giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk. Mượn được xe, anh Sơn đi tắm rồi quay ra chở anh Mật ở lô 04 về, còn anh Sách đi xe công nông ra lô 04 kéo ống nước trước đó.

Anh Sơn chở anh Mật về đến sân thì điện có trở lại, anh Sơn quay xe máy chạy ra rẫy để đóng cầu dao điện. Khi đi đến khu vực gần mỏ đá thuộc lô Bột, anh Sơn nghe có tiếng người kêu trong lô cà phê. Anh Sơn chạy xe lại gần thì phát hiện được chị Giang Thị Bích Điệp đang đứng trên cây sầu riêng. Anh Sơn xuống xe đi vào gần đến chỗ chị Điệp thì nhìn thấy bà Phạm Thị Ngắn đã bị chết, da đầu bị lột để lộ hộp sọ.

Trong lúc này chị Lê Thị Kim Loan là mẹ của Trâm gọi điện báo cho anh Sách biết có chó cắn người trong rẫy, chị Loan nhờ anh Sách tìm giúp con chị. Anh Sách vừa chạy đến nơi cũng thấy anh Sơn đi đến, Sơn bảo “có người chết rồi” và bảo anh Sách đưa chị Điệp ra khỏi rẫy. Lúc này Trâm, Hương, chị Thúy cũng chạy đến và được anh Sách đưa về.

Sau khi xảy ra sự việc bà Phạm Thị Ngắn bị chó của gia đình bà Hòe, ông Thành cắn chết, ngày 22-1-2010, gia đình bà Hòe, ông Thành đã bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 120 triệu đồng.

Căn cứ tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột có đủ cơ sở kết luận: bà Phạm Thị Ngắn bị chó cắn chết ngày 21-1-2010 không phải do gia đình bà Nguyễn Thị Hòe và anh Nguyễn Đình Sơn hoặc ai đó trong gia đình bà Hòe cố ý thả chó cắn người, hay anh Sơn thấy chó cắn người mà không cứu giúp trong khi có khả năng cứu giúp. Gia đình bà Hòe nuôi chó không giao cho ai là người nuôi và quản lý đàn chó. Khi xảy ra sự việc chó cắn bà Phạm Thị Ngắn không có mặt anh Nguyễn Đình Sơn, Phạm Văn Sách, Nguyễn Văn Mật cũng như những người khác trong gia đình bà Hòe ở đó thấy chó cắn mà không cứu giúp.

Căn cứ khoản 1, điều 107, 108 BLTTHS, ngày 11-2-2010 Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột kết thúc điều tra, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

------------------------------------------------------------------------------

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=365357&ChannelID=3

Sunday 21 February 2010

Cháy' vé tàu xe từ miền Trung vào Nam



Dù các đơn vị kinh doanh vận tải ở miền Trung cho biết đã tăng cường tối đa phương tiện vận chuyển hành khách cho dịp cao điểm sau Tết nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại cho người dân.

Tại Quảng Ngãi, ngày 21/2 (mùng 8 Tết), hầu hết các đơn vị xe khách và ga đã thông báo hết cả vé xe lẫn tàu từ ngày 19 đến ngày 26/2 (mùng 6 đến 13 Âm lịch) khiến nhiều người phải vất vả đón xe dọc đường hoặc quyết định đi xe máy vào Nam.

Tại ngã ba chợ Tre, dọc quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, hàng trăm sinh viên, người dân làm ăn tại TP HCM đành quay trở về nhà vì chưa thể đón được xe vào Nam.

Anh Võ Văn Tài, quê xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành than thở: “Hai vợ chồng ôm con nhỏ đứng ở ngã ba này đón xe tận từ mờ sáng đến chiều mà vẫn chưa thể đón được. Xe nào cũng chật kín, đón được xe thì bị hét giá cao gấp ba lần so với giá vé ngày thường". Hai vợ chồng anh đành phải chở con về nhà đợi sáng mai lại đón tiếp.

Rất đông người dân đứng vất vả đứng dọc đường đón xe. Ảnh: Minh Thu.

Dọc trên quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Sơn Tịnh trong tiết trời se lạnh, bà Trần Thị Tuất, quê xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh lắc đầu ngán ngẩm vì cả ngày trời mà vẫn không sao đón được xe. “Quanh năm bán vé số ở TP HCM gửi tiền về quê nuôi con ăn học. Trước Tết, để có được một vé xe về sum họp với gia đình đã khổ cực trăm bề. Giờ đầu năm lại phải vật vờ đón xe để vào lại trong ấy. Ngày thường đi xe khách từ Quảng Ngãi vào TP HCM cao lắm cũng chỉ 250.000 đồng, giờ thì lên hơn 500.000 đồng mà không có chỗ ngồi trên xe để đi” ", bà Tuất than thở.

Không có vé, nhiều người dân ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức đã chọn phương án “liều” chạy xe máy vào TP HCM. Anh Nam chia sẻ, mua vé trước cả tháng trời vẫn không có. Trong khi ngày mai (mùng 9 Tết) anh phải làm việc. Đón xe ngoài cả ngày trời cũng không được. Giải pháp cuối cùng anh đành rủ đứa em trai đi xe máy vào TP HCM. "Đi mệt tới đâu thì nghỉ tới đó", anh Nam ngao ngán nói.

Tại quầy vé ga Quảng Ngãi, một bảng thông báo đặt từ ngày 19/2 (mùng 6 Tết) với nội dung: “Vé tàu đi Sài Gòn đã hết từ mùng 6 Tết đến 13 Âm lịch. Mong quý khách thông cảm".

Ông Phạm Quỳnh, Trưởng ga Quảng Ngãi cho biết: “Mặc dù công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn đã tăng cường một chiếc tàu SQ1 đưa hành khách từ miền Trung vào TP HCM sau Tết (từ mùng 4 đến 16 Âm lịch), dành riêng cho Quảng Ngãi 600 hành khách mỗi ngày. Tuy nhiên, đến nay chuyến tàu tăng cường ấy cũng đã bán hết vé đến 13 Âm lịch”.

Tại Bình Định, ông Bùi Duy Nghi, Trưởng phòng kế hoạch công ty cổ phần Bến xe khách Quy Nhơn cho biết: “ Từ ngày mùng 4 Tết đến nay số lượng hành khách tăng đột biến. Trung bình có 170 xe xuất bến mỗi ngày tại bến xe khách trung tâm Quy Nhơn. Riêng tuyến TP HCM có khoảng 30 đến 40 xe”. Cùng với số lượng xe tăng lên thì giá vé cũng tăng theo. Các tuyến tăng từ 40 đến 60%, riêng Quy Nhơn đi TP HCM tăng 60%.

"Để phục vụ nhu cầu đi lại ra ngoài tỉnh (đặc biệt các tỉnh phía Nam) của
người dân sau dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, công ty đã huy động thêm nhiều
phương tiên từ nguồn xe khách nội tỉnh, xe chạy khác tuyến, xe hợp đồng và
cả xe của các tỉnh bạn nhưng cũng không đáp ứng kịp nhu cầu", ông Nghi nói

Trong khi đó, ông Lê Đình Thọ, Trưởng Ga Diêu Trì, tỉnh Bình Định cho biết: “Số lượng hành khách đi từ Ga Diêu Trì về các tỉnh là 800 hành khách mỗi ngày. Trong đó tuyến TP HCM là 500 khách. Một ngày số lượng tàu ra vào Ga
Diêu Trì là 36, gấp 5 lần so với ngày thường. Giá vé tuyến Diêu Trì - TP HCM tăng 10 đến 15%. Hiện nay, tại Ga Diêu Trì đã hết vé tàu đi Sài Gòn đến ngày 14 tháng Giêng.

Tại Phú Yên, các hãng xe khách lớn như Thuận Thảo, Cúc Tư, Bình Phương... cho hay vé vào TP HCM các ngày từ mùng 6 đến mùng 10 Tết đã “hết sạch". Riêng hãng xe Thuận Thảo đã hết đến ngày 15 tháng Giêng (Âm lịch). Hiện hãng đang điều động loại xe khách nhỏ (29 chỗ ngồi) để bổ sung. Các đơn vị còn lại chỉ còn loại ghế phụ cạnh tài xế, hoặc còn ghế súp. Giá vé vào TP HCM của một số hãng xe chất lượng cao cũng đã tăng từ 240.000 lên 265.000 đồng một vé.

Do “cháy” vé xe vào Nam nên hàng trăm người dân ở các địa phương ở Phú Yên phải nhờ người quen đặt vé tại Quy Nhơn (Bình Định) hoặc Nha Trang (Khánh Hòa) rồi đi nối chuyến vào Sài Gòn.

Trí Tín

source

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/02/3BA18E21/

Friday 19 February 2010

Xung quanh việc Tập đoàn RAAS tuyên bố rút khỏi cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 7:45, 16/02/2010


7:45, 16/02/2010




Người dân ở cù lao Thới Sơn (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) hiện đang lâm vào cảnh "cười dở, mếu dở" khi ông chủ của Tập đoàn RAAS là Hoàng Kiều tuyên bố, tập đoàn này sẽ rút khỏi cuộc thi Hoa hậu Thế giới dự kiến sẽ được tổ chức tại cù lao Thới Sơn vào năm 2010. Bởi đơn giản, khi cù lao Thới Sơn không còn là địa phương diễn ra cuộc thi sắc đẹp danh giá, thì phút chốc cơn điên loạn của thị trường bất động sản bỗng dưng... tỉnh táo hẳn.

Nhiều người dân cứ tưởng mình đang ngồi trên một đống vàng giờ buộc phải nhìn nhận mình chỉ đang ngồi trên một... đống đất, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở chuyện sốt đất và lạnh đất tại cù lao Thới Sơn này.

RAAS được dư luận tại Việt Nam biết nhiều thông qua những lần đưa Hoa hậu Thế giới (HHTG) về Việt Nam làm từ thiện. RAAS cũng được biết đến bởi Dự án Ngàn sao với dự tính ban đầu là xây dựng để phục vụ cho cuộc thi HHTG 2010 (trước khi ông Hoàng Kiều muốn chuyển địa điểm từ Khánh Hòa về Tiền Giang), dự tính được tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), nhưng vấp phải sự phản đối của giới truyền thông. Bởi, một số người cho rằng ông Hoàng Kiều "dựa hơi" HHTG để... chiếm đất làm kinh doanh. Và chắc chắn, nếu dự án này được xúc tiến, thì nó sẽ xâm hại đến cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, làm mất cân bằng tự nhiên tại Hòn Tre (Nha Trang, Khánh Hòa).

Sau khi những thông tin này được đưa ra, ông Hoàng Kiều rất giận, ông viết thư ngỏ gửi đến rất nhiều nơi tuyên bố: "Tôi không ăn đất". Đương nhiên, cái giận của ông Hoàng Kiều là có lý. Bởi, với tư cách là nhà đầu tư, ông có quyền chọn địa điểm để xin đầu tư, còn cho hay không là việc của UBND tỉnh Khánh Hòa. Thế nên, việc UBND tỉnh Khánh Hòa khi bị giới truyền thông phản đối đã quay sang đổ lỗi cho Tập đoàn RAAS đương nhiên là không sòng phẳng, xét về bất cứ phương diện nào. Lần ấy, có thể thông cảm cho cái giận của ông Hoàng Kiều.

Ông Hoàng Kiều (giữa) cùng hai HHTG 2007 và 2008.

Nhưng lần này, khi ông Hoàng Kiều tuyên bố rút khỏi cuộc thi HHTG 2010 của RAAS với lý do: "Sợ tổ chức ở Tiền Giang thì sẽ làm hai tỉnh Tiền Giang và Khánh Hòa mất lòng nhau", thì có vẻ dư luận bắt đầu so sánh tuyên bố của RAAS với cái tính trẻ con hoặc cơn giận dỗi của những tay tỉ phú.

Không nói ra, nhưng ai cũng biết chuyện ông Hoàng Kiều rút HHTG 2010 từ Khánh Hòa về Tiền Giang là do ông giận UBND tỉnh Khánh Hòa. Dẫu cho trước đây, khi còn mật thiết, ông rất mạnh miệng tuyên bố sẽ chi 10 triệu USD để RAAS được quyền tổ chức cuộc thi HHTG 2010 tại Nha Trang. Dĩ nhiên, 10 triệu USD ấy nhằm phục vụ cho công tác tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất... Và cho dù Dự án Ngàn sao không thành hiện thực, ông cũng sẽ ủng hộ hết mình cho cuộc thi HHTG 2010 được dự tính tổ chức tại nơi này.

Thế cho nên, khi ông kiên quyết chuyển HHTG về Tiền Giang thì lập tức gây ra một cơn chấn động thông tin. Bởi đơn giản, những ai rành về vùng sông nước miền Tây Nam Bộ này đều hoài nghi về khả năng tổ chức thành công một cuộc thi nhan sắc ở cái xứ mà dòng sông chở lặc lè phù sa, thích hợp cho việc... trồng trọt hơn là những nơi để các người đẹp đến từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về để cùng nhau khoe sắc.

Nhưng, với tiềm lực kinh tế của ông Hoàng Kiều, dư luận vẫn có thể tạm tin khi những chiến lược trong công tác chuẩn bị cho cuộc thi liên tục được cập nhật trên báo chí, nhất là lúc ông Hoàng Kiều bỏ ra vài chục tỉ để mua đất tại cù lao Thới Sơn phục vụ cho việc xây sân khấu, nơi ăn nghỉ của các thí sinh...

Rồi đột ngột, ông Hoàng Kiều dội một gáo nước lạnh vào mặt dư luận khi tuyên bố, HHTG được tổ chức ở đâu là chuyện do... Chính phủ quyết định, còn RAAS không dính dáng gì.

Trước khi "phủi tay", ông chủ của Tập đoàn RAAS còn nói sẽ "nhường quyền tổ chức cuộc thi HHTG 2010 lại cho tỉnh Khánh Hòa". Và cũng trong cuộc điện đàm ngày 27/1/2010, Tổ chức HHTG cũng đã đồng ý để UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc thi vào năm 2010 với điều kiện phải có văn bản xác nhận số tiền 10 triệu USD trước ngày 12/2/2010 nếu muốn tổ chức cuộc thi này.

Tuy nhiên, bởi những cuộc thi sắc đẹp ở nước ta đã được xã hội hóa nên UBND tỉnh Khánh Hòa không thể sử dụng ngân sách để "ứng" 10 triệu USD được, nên buộc phải huy động sự tài trợ của các doanh nghiệp. Nhưng, trước một cuộc thi mà RAAS đã biến nó thành "bó hành, quả ớt" ngoài chợ chiều, thì chẳng doanh nghiệp nào muốn dây vào để vừa mất tiền vừa bị ảnh hưởng đến thương hiệu.

Cuối cùng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi tuyên bố "Khánh Hòa không chi tiền cho thi HHTG". Vậy là, một cuộc thi sắc đẹp rất danh giá được nhiều quốc gia trên thế giới xin đăng cai tổ chức, phút chốc tin vào "ông RAAS" để... đi lạc vào nước mình và biến ngay thành cái... của nợ, mà "muốn ôm vào thì ôm chẳng được, muốn vứt ra thì cũng chẳng biết vứt đi đâu". Tất cả những sự rắc rối ấy, được "Tổng đạo diễn" Hoàng Kiều một mình dựng lên.

Vô hình trung thông qua sự việc này, ông Hoàng Kiều cứ như là một tay câu chuyên nghiệp với "miếng mồi" là HHTG 2010 để... đi câu những "con mồi" mình thích.

Lần này, thì ông Hoàng Kiều đã minh chứng được "quyền lực" của mình đối với hai tỉnh Khánh Hòa và Tiền Giang. Bởi, HHTG cứ như con rối trong tay ông, ông bảo "Đi thì đi, ở là ở mà về là về". Thích thì ông làm, không thích thì ông... nghỉ chơi. Mà theo chỗ tôi được biết, thì ở những địa phương ông muốn xin đăng cai tổ chức cuộc thi HHTG 2010, ông buộc phải ký vài bản cam kết để làm tin.

Tổ chức một sự kiện văn hóa lớn, luôn có những ràng buộc nhất định về nhiều mặt, chứ đâu phải là chuyện trẻ con để rồi "hôm nay thương cho cái bánh, ngày mai ghét nên đòi lại". Vậy thì không hiểu sao, ông Hoàng Kiều vẫn có thể "tọa sơn quan... dư luận" bởi những tuyên bố của mình mà không vấp phải bất cứ một sự phản ứng nào, ngoại trừ sự phản ứng của dư luận.

Đã đến lúc, các địa phương cần phải tỉnh táo bởi những cuộc thi mang tính hình thức nhiều hơn là có ý nghĩa về mặt tinh thần, để tránh tự biến mình thành trò cười cho dư luận bởi chủ ý của một ai đó. Có thể, đó là một trọc phú hợm hĩnh hoặc là một người lớn nhưng mang trong mình tính khí thất thường của trẻ con(?!)


K.L
source

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2010/2/71691.cand.

Tuesday 2 February 2010

Một vạn công nhân đình công ở Trà Vinh

Trên 10.000 công nhân Công ty giày da Mỹ Phong (Trà Vinh) đình công

(VOV) - Nguyên nhân do công nhân bức xúc về việc Công ty không công bố quy chế khen thưởng ngay từ đầu năm. Nhiều tiêu chí xét khen thưởng đưa ra cuối năm quá cao nên công nhân khó đạt được.

Liên tiếp từ ngày 29/1 đến 1/2, trên 10.000 công nhân Công ty giày da Mỹ Phong, huyện Tiểu Cần và chi nhánh Công ty tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đồng loạt đình công.

Nhiều công nhân cho biết, các danh hiệu khen thưởng, tiền lương, tiền thưởng Tết của công nhân bị khấu trừ vô lý. Việc xét khen thưởng không công bằng trong tính toán tiền lương, tiền thưởng, nhiều công nhân khi ký hợp đồng lao động không biết được nội dung bản hợp đồng. Đặc biệt, một số cán bộ còn xúc phạm nhân phẩm của công nhân nữ.

Tại buổi đối thoại trực tiếp giữa ban Giám đốc công ty và công nhân để tìm giải pháp khắc phục tình trạng đình công, ông Lê Minh Công, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu lãnh đạo công ty có hình thức xử lý các cá nhân xúc phạm công nhân; không được trừ tiền chuyên cần của công nhân; cho phép công nhân được nghỉ phép khi gia đình có tang hoặc lúc đau ốm khi có giấy xác nhận của chính quyền địa phương và của ngành y tế. Ngoài ra, công đoàn công ty cần tăng cường phổ biến luật lao động cho công nhân./.

Hữu Trãi
source
http://vovnews.vn/Home/Tren-10000-cong-nhan-Cong-ty-giay-da-My-Phong-Tra-Vinh-dinh-cong/20102/133968.vov

Một vạn công nhân đình công ở Trà Vinh

Khoảng hơn 10.000 công nhân nhà máy Giày da Mỹ Phong (Trà Vinh) đình công trong nhiều ngày vì bất bình trước chính sách khen thưởng Tết.

Lý do được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) giải thích là "Công ty không công bố quy chế khen thưởng ngay từ đầu năm.

Nhiều tiêu chí xét khen thưởng đưa ra cuối năm quá cao nên công nhân khó đạt được".

Trả lời BBC Việt ngữ, Tổng thư ký Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, cho biết cuộc đình công vẫn tiếp tục diễn ra cho tới chiều ngày 02/02.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Việt Trung, chỉ có một số người thuộc diện bị giới chủ trừ lương và không trả tiền thưởng bởi trong năm họ nghỉ một số ngày để lo việc gia đình.

"Và việc một số trường hợp này đã gây phẫn nộ trong đông đảo công nhân".

Ông Trung cũng nói về điều ông gọi là thậm chí một đốc công người Đài Loan còn có lời "xúc phạm tới chị em công nhân".

Truyền thông trong nước cho hay cuộc đình công diễn ra tại cả hai chi nhánh công ty ở huyện Tiểu Cần và tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Báo điện tử của VOV cho biết thêm, theo nhiều công nhân, "các danh hiệu khen thưởng, tiền lương, tiền thưởng Tết của công nhân bị khấu trừ vô lý".

"Việc xét khen thưởng không công bằng trong tính toán tiền lương, tiền thưởng, nhiều công nhân khi ký hợp đồng lao động không biết được nội dung bản hợp đồng."

Trong khi đó, thông tin từ Phong trào Lao động Việt, một tổ chức không chính thức tự nhận là đấu tranh cho quyền lợi người lao động ở trong nước, thì nói "tập thể công nhân uất ức vì bị chủ trừ tiền hai lần, một lần khi nghỉ phép và một lần trước Tết".

Tổ chức này cũng cho biết công nhân đã hô hào ủng hộ nhau đình công, và hai người bị cho là tổ chức đình công đã bị tạm giữ.

Theo Phong trào Lao động Việt, công ty Mỹ Phong có hai chi nhánh, một tại huyện Tiểu Cần có gần 7.000 công nhân, gồm 8 xưởng máy và đang xây dựng thêm 8 xưởng nữa. Chi nhánh 2 ở huyện Trà Cú có gần 4.000 công nhân gồm 4 xưởng máy, hiện đang xây thêm 4 xưởng và hai kho.

Công ty Mỹ Phong, liên doanh với Đài Loan, cũng đang xây dựng chi nhánh lớn tại tỉnh Vĩnh Long.

Công ty này thành lập năm 2005.

source

BBC Vietnamese