Sunday 18 April 2010

Trung Quốc lại bắt giữ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi


Thứ hai, 19/4/2010, 00:01 GMT+7

Trung Quốc lại bắt giữ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi

10 ngư dân đi trên tàu cá do ông Mai Phụng Lưu làm thuyền trưởng, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, vừa bị phía Trung Quốc bắt giữ trong lúc đang hành nghề ở đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
> Yêu cầu Trung Quốc thả ngay tàu, ngư dân Việt Nam/ Tàu cá Việt Nam lại bị Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc

Tin từ UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, các ngư dân đi trên tàu cá này đã điện về báo cho gia đình rằng họ bị phía Trung Quốc bắt giữ và yêu cầu phải nộp tiền chuộc là 70.000 nhân dân tệ (khoảng 180 triệu đồng) mới thả người về.

Tàu cá của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Trí Tín

Trước đó, tàu cá của ngư dân Tiêu Viết Là ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với 12 lao động cũng bị phía Trung Quốc vô cớ bắt giữ vào ngày 22/3 và đòi tiền chuộc cũng với giá 70.000 nhân dân tệ. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối vào ngày 29/3, yêu cầu phía Trung Quốc thả phương tiện và người vô điều kiện, nhưng mãi đến nay 12 ngư dân vẫn chưa được thả về.

Gia đình của 12 ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã mất liên lạc với người thân suốt gần một tháng qua. Họ đang hoang mang lo lắng cho số phận chồng, con của mình.

Trí Tín

source

http://w12.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/04/3BA1AF4D/

Tuesday 13 April 2010

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân khai mạc tại Washington


HOA KỲ -
Bài đăng : Thứ hai 12 Tháng Tư 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 12 Tháng Tư 2010


Tổng thống Hoa Kỳ tiếp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Ảnh: Reuters
Tú Anh

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về an ninh nguyên tử được khai mạc hôm nay 12/4 tại Washington, với sự tham gia của trên 40 nước. Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi quốc tế cùng ngăn ngừa nguy cơ khủng bố đánh cắp nhiên liệu hạt nhân để làm bom "bẩn".

Hôm nay 12 tháng 4 năm 2010 khai mạc hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về an ninh hạt nhân với sự tham gia của hơn 40 nước. Đây là sáng kiến của tổng thống Mỹ Obama. Trong những ngày qua, tổng thống Mỹ trình bày học thuyết mới về vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ và ký hiệp ước START mới giải trừ vũ khí chiến lược với Nga. Lần này tại hội nghị , ông kêu gọi quốc tế cùng ngăn ngừa nguy cơ khủng bố đánh cắp nhiên liệu để làm bom phóng xạ.

Theo AFP, Nhà Trắng đã báo trước mục tiêu là tổng thống Obama sẽ yêu cầu các nguyên thủ, đặc biệt là các cường quốc hạt nhân, cam kết bảo vệ các kho hạt nhân cũng như chống lại mọi mưu toan đánh cắp, buôn lậu nhiên liệu nguyên tử có thể giúp cho khủng bố chế tạo bom phóng xạ.
Ngoài phiên họp khoáng đại tại trung tâm hội nghị Washington, tổng thống Mỹ sẽ gặp song phương với nhiều lãnh đạo quốc tế như chủ tịch Trung Quốc, thủ tướng Ấn Độ, Pakistan, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ…
Đặc phái viên Nicolas Falez phân tích :

Kẻ khủng bố thu thập chất phóng xạ, chế chất nổ, thực hiện khủng bố. Đây là kịch bản một cuộc tấn công bằng 'bom dơ bẩn'. Cũng may là kịch bản đó chưa hề diễn ra, nhưng mối đe dọa có vẻ rất thực, đến nỗi mà khoảng 40 lãnh đạo thế giới tập hợp lại để thảo luận trên chủ đề này tại Washington.

Đây là lần đầu tiên mà một cuộc họp thượng đỉnh đươc dành riêng cho mối nguy cơ khủng bố hạt nhân. Đó là sáng kiến của tổng thống Obama muốn hành động trong lãnh vực này, sau khi có bước tiến bộ trên con đường giải trừ vũ khí.

Bảo đảm an toàn cho những kho dự trữ plutonium và uranium được làm giàu, là công việc to lớn mà tổng thống Mỹ muốn thực hiện trong những năm tới đây.

Cụ thể là canh chừng những địa điểm dân sự và quân sự, thu lại những chất liệu nguy hiểm đã được xuất khẩu một cách bất cẩn, hoặc tái xử lý những sản phẩm nguy hiểm đang rải ra bốn phương thế giới.

Vài giờ trước khi khai mạc hội nghị an ninh hạt nhân , tổng thống Mỹ tuyên bố, Hoa Kỳ biết là những tổ chức khủng bố như Al Qaida đang tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân. Trong khi đó thì bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng Mỹ đều lên tiếng cảnh cáo Bắc Triều Tiên và Iran về tham vọng chế tạo bom .
Trong số các quốc gia được mời dự hội nghị, Iran , Bắc Triều Tiên và Syrie từ chối. Thủ tướng Israel Netanyahu cử phó thủ tướng thay thế. Giới phân tích cho rằng Israel không muốn để bị chất vấn về kho vũ khí của mình. Theo tạp chí quốc phòng Jane’s của Anh, thì Israel bị nghi ngờ đã chế tạo từ 100 đến 300 đầu đạn nguyên tử.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm Achentina

Về phần Việt Nam, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sau khi tham dự hội nghị an ninh hạt nhân sẽ đi thăm Achentina , Nam Mỹ từ ngày 15 đến 17 tháng tư.
Trong khi đó , ông Robert Hormats, thứ trưởng Mỹ đặc trách kinh tế đến thăm Việt Nam từ hôm nay cho đến ngày 14.
source

RFI Vietnamese

Thứ Ba, 13/04/2010, 10:00 (GMT+7)

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Mỹ

* LHQ kêu gọi đẩy mạnh tiến trình giải trừ hạt nhân
* Ucraina quyết định tiêu hủy hoàn toàn khối lượng urani làm giàu ở cấp độ cao
* Canađa chuyển các kho nguyên liệu hạt nhân sang Mỹ
* Pháp giữ lập trường không từ bỏ vũ khí hạt nhân

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ và nguồn tin nước ngoài, ngày 12-4, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân đã khai mạc tại thủ đô Washington, Mỹ, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo tới từ 49 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Đây là hội nghị lớn nhất do Mỹ chủ trì kể từ sau hội nghị thành lập tổ chức Liên hiệp quốc năm 1945.

>> Quyền được sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu hội nghị chưa từng có tiền lệ và kéo dài hai ngày này bằng một loạt cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước. Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs thông báo sau cuộc hội đàm giữa ông Obama và Tổng thống Ucraina Viktor Yanukovych, Kiep đã quyết định tiêu hủy hoàn toàn khối lượng uranium làm giàu ở cấp độ cao của nước này trước năm 2012.

Đây được coi là cam kết cụ thể đầu tiên của hội nghị. Để thực hiện mục tiêu trên, trong năm nay, Kiep dự định dỡ bỏ một phần quan trọng các kho urani làm giàu.

Tiếp sau cam kết của Ucraina, Thủ tướng Canađa Stephen Harper cũng tuyên bố các kho nguyên liệu hạt nhân lớn tại nước này sẽ được chuyển sang Mỹ để tránh nguy cơ rơi vào tay những phần tử khủng bố. Hiện các nguyên liệu hạt nhân của Canađa đang được cất giữ tại khu vực lò phản ứng hạt nhân Chalk River, phía Đông tỉnh Ontario, nơi vốn cung cấp khoảng 1/3 lượng đồng vị phóng xạ sử dụng cho mục đích y tế của thế giới. Lò phản ứng hạt nhân này đã phải ngừng hoạt động vô thời hạn hồi tháng 5/2009 do sự cố rò rỉ "nước nặng".

Trong các cuộc gặp song phương khác với Quốc vương Abdullah II; Thủ tướng Malaysia Abdul Razak; Thủ tướng New Zeland John Key; và Thái tử các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan, Tổng thống Obama cũng nhận được sự ủng hộ trong một số vấn đề như an ninh hạt nhân, Apganistan... Ông Obama đánh giá các cuộc gặp song phương này là rất "ấn tượng". Trước đó, ngày 11-4, ông Obama cũng đã có các cuộc thảo luận riêng với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh; Thủ tướng Pakixtan Galani; Tổng thống Nam Phi Zuma.

Trong khi đó, phát biểu trên kênh "CBS News" vài giờ trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố Paris sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân do làm như vậy sẽ "hủy hoại an ninh quốc gia trong một thế giới đầy nguy hiểm".

Phát biểu trước khi lên đường đến Washington dự hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki moon đã hối thúc các nước đàm phán về một hiệp ước mới cấm sản xuất nguyên liệu dùng để chế tạo bom hạt nhân, vì theo ông khủng bố hạt nhân là "một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt".

Dự kiến tại hội nghị, ông Ban Ki Moon sẽ kêu gọi triệu tập Hội nghị về Giải trừ quân bị của LHQ vào tháng 9 tới để thúc đẩy hơn nữa tiến trình giải trừ hạt nhân.

Theo kế hoạch, ông Obama sẽ chủ tọa hai phiên họp toàn thể chủ chốt của hội nghị, tập trung vào cách thức mà các chính phủ dự định đối phó với mối đe dọa từ các loại nguyên liệu hạt nhân không được bảo đảm an toàn. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden cũng đã tiếp hàng chục nhà lãnh đạo tới từ các quốc gia đang phát triển để thảo luận về những mục tiêu của Phong trào Không liên kết (NAM) cũng như cam kết của Chính quyền Obama về một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Mục tiêu của hội nghị là đạt được một thỏa thuận kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ phổ biến nguyên liệu hạt nhân. Ngày 13-4 (theo giờ Mỹ), sau phiên họp toàn thể, hội nghị sẽ ra tuyên bố chung chính thức công nhận mối đe dọa nghiêm trọng mà chủ nghĩa hạt nhân gây ra. Tuyên bố này cũng sẽ ủng hộ các nỗ lực đảm bảo an toàn cho các nguyên liệu hạt nhân có rủi ro cao trong vòng 4 năm tới và về các hoạt động mà các nước sẽ thực hiện ở cấp quốc gia và quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân là sự kiện quan trọng thứ ba trong vòng 2 tuần qua có liên quan vấn đề an ninh hạt nhân, trong đó có việc ký kết một hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giữa Mỹ và Nga cũng như việc Nhà Trắng công bố Báo cáo đánh giá vị thế hạt nhân (NPR) 2010.

TTXVN

source

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/373312/Khai-mac-Hoi-nghi-thuong-dinh-An-ninh-hat-nhan-tai-My.html

Friday 9 April 2010

VN tìm đồng thuận Asean về Biển Đông



Phiên họp kín của lãnh đạo Asean

Như trông đợi, tại hội nghị cấp cao khu vực, các nước Asean chỉ bày tỏ "tin tưởng" rằng các bên liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì an ninh, ổn định tại Biển Đông chứ không đưa ra được văn bản thỏa thuận nào.

Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Asean 16 khi nhắc tới chủ đề nhạy cảm này viết: "Giao cho các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao liên quan tăng cường sử dụng các cơ chế và công cụ hiện có của Asean như... Tuyên bố của các bên về Ứng xử ở Biển Đông (DOC)".

Trả lời câu hỏi của BBC, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói Asean "tin tưởng rằng với thiện chí của các bên và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ và thực hiện tốt DOC cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982".

Ông Dũng nói: "Vấn đề duy trì hòa bình, ổn định và an ninh Biển Đông là lợi ích chung và là quan tâm lớn của các nước Asean cũng như các nước trong cả khu vực".

"Các quan chức Asean và Trung Quốc đã thống nhất sẽ sớm nhóm họp để bàn biện pháp thúc đẩy triển khai thực hiện DOC."

Trước hội nghị, quan chức Việt Nam bày tỏ hy vọng có thể thúc đẩy tuyên bố DOC, ký năm 2002 và vốn không có tính ràng buộc pháp lý, thành một bộ Quy tắc ứng xử (COC) chặt chẽ hơn.

Nay với tuyên bố của chủ tịch hội nghị, xem ra các nước Asean chỉ dừng lại ở việc tiếp tục phấn đấu thực thi DOC, mà nhiều người đánh giá là không có hiệu quả.

Đi tìm đồng thuận

Thực ra giới quan tâm tới chủ đề Biển Đông cũng đã nhìn thấy trước kết quả này.

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia Việt Nam kỳ cựu tại Học viện Quốc phòng Úc châu, nói với BBC: "Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông không thể giải quyết một cách chóng vánh được".

"Điều mà Việt Nam có thể hy vọng nhất, là đạt được đồng thuận của các nước Asean về cách thức đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng mạnh bạo, làm sao để ngăn ngừa Trung Quốc đưa ra các hành động đơn phương (tại Biển Đông)."

Ông Thayer nói: "Quá khứ đã cho thấy, khi nào Asean đoàn kết và cứng rắn thì Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách có hành động tích cực đối với quan ngại của Asean."

"Ngược lại, khi Asean đánh mất trọng tâm thì Trung Quốc sẽ ngay lập tức lợi dụng. Như trường hợp của Philippines, khi Trung Quốc chiếm đảo Vành khăn (Mischief Reef) từ tay Manila năm 1995, Asean thoạt đầu tỏ ra ủng hộ Philippines một cách mạnh mẽ".

Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng

Liệu Việt Nam có "đơn thương độc mã" trong chủ đề Biển Đông?

"Nhưng rồi khi Asean chuyển sự chú ý tới chỗ khác, thì Philippines bị bỏ rơi, đơn độc đương đầu với Trung Quốc trên cơ sở song phương".

Bắc Kinh luôn nhấn mạnh tranh chấp Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan, và muốn thương lượng với từng quốc gia, trong khi Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy cách tiếp cận đa phương và quốc tế hóa.

Giáo sư Thayer cho rằng, việc Việt Nam cần làm bây giờ là phải khơi gợi lại quan tâm của các nước Asean, thuyết phục họ là cần có nỗ lực chung để thương lượng với Trung Quốc về bộ quy tắc COC.

Liệu Việt Nam có "đơn thương độc mã" hay không trong một công việc nặng nề như vậy?

Bạn và đồng minh

Tiến sỹ Ian Storey, chủ biên tạp chí Đông Nam Á Hiện đại tại Singapore, chuyên gia về tranh chấp Biển Đông, cho rằng dù không đạt được kết quả gì chính thức, chỉ việc thúc đẩy được chủ đề Biển Đông vào nghị trình Asean đã là một thành công của Hà Nội.

"Đây là bước tiến lên phía trước, và đáng ra phải làm từ lâu rồi."

Nhưng ông cảnh báo: "Vấn đề chính là Asean tỏ ra không thể nào đồng thuận với nhau về Biển Đông, kể từ khi mở rộng khối hồi giữa những năm 1990".

Hà Nội đang đứng trước áp lực thời gian, vì khi ghế chủ tịch Asean chuyển sang cho Brunei năm 2011, Việt Nam sẽ mất cơ hội dùng diễn đàn khu vực để vận động cho các chủ đề thiết thân của mình.

Quá khứ đã cho thấy, khi nào Asean đoàn kết và cứng rắn thì Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách có hành động tích cực đối với quan ngại của Asean.

GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc châu

Các chuyên gia nói mấu chốt ở chỗ quan tâm không đồng nhất giữa các quốc gia Asean về chủ đề Biển Đông.

Theo giáo sư Carlyle Thayer, ngoài Trung Quốc chỉ có bốn quốc gia Asean trực tiếp tham gia tranh chấp chủ quyền tại khu vực này.

"Thế nhưng ngay trong bốn nước, Brunei và Malaysia quan tâm kiểu khác, còn Việt Nam và Philippines quan tâm kiểu khác. Tranh chấp chủ quyền của Brunei là với chính Malaysia, chứ không phải Trung Quốc và bản thân Malaysia tỏ ra miễn cưỡng trong việc đối đầu với Bắc Kinh."

"Việt Nam và Philippines là hai nước bị thiệt thòi nhất nếu Trung Quốc đạt được tuyên bố chủ quyền của mình."

Trong tiếp xúc song phương kéo dài nửa tiếng đồng hồ hôm thứ Năm 08/04, thủ tướng Việt Nam và tổng thống Philippines đã bàn với nhau về tranh chấp Biển Đông.

Ông Nguyễn Tấn Dũng và bà Gloria Macapagal-Arroyo thống nhất cùng nhau kiếm tìm giải pháp "hai bên cùng có lợi" (win-win solution).

Bộ trưởng Công thương Philippines Jesli Lapus, người có mặt trong cuộc gặp, được trích lời nói: "Việt Nam đồng ý sẽ kiếm dịp để hai bên cùng thảo luận chủ đề này."

Ông Lapus nói thêm rằng hải quân hai nước cũng sẽ hợp tác để giảm thiểu căng thẳng trong khu vực tranh chấp, và Thủ tướng Dũng đã yêu cầu Philippines thả ngư dân Việt Nam mà nước này đang giam giữ trên "tinh thần nhân đạo".

Một yếu tố mới là tại Hội nghị Thượng đỉnh 16, các nước Asean ngỏ ý muốn đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các đối tác ngoài khối, tiêu biểu là có thể thu nạp Nga và Hoa Kỳ trong khuôn khổ Họp cấp cao Đông Á.

Cơ chế họp cấp cao Đông Á, bắt đầu từ 2005, có sự tham gia của Asean, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.

source

BBC Vietnamese