Sunday 23 August 2009

Thượng nghị sĩ James Webb công du Việt Nam, đẩy mạnh quan hệ giữa hai nước



Cập nhật lúc: 8/20/2009 4:07:28 PM



Vận động tranh cử, từ trái: Barack Obama, James Webb và vợ, bà Hồng Lê

Thượng nghị sĩ James Webb đã bắt đầu đến thăm Việt Nam trong chuyến công du 5 nước Đông Nam Á gồm Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Cùng đi với ông có vợ ông là bà Hồng Lê. Ông Webb nói được tiếng Việt.

Vị thượng nghị sĩ 63 tuổi có một quá khứ và một quá trình khá đặc biệt. Trước hết ông là “dân Thủy Quân Lục Chiến” phục vụ trong chiến cuộc Việt Nam và đã được tưởng thưởng 6 huy chương trong đó lớn nhất là huy chương Navy Cross.

Ông Webb còn là một nhà văn, một nhà báo, một nhà cố vấn kinh doanh, một nhà làm chính trị.

Ông còn là Bộ Trưởng Bộ Hải Quân trong Bộ Quốc Phòng.

Sự nghiệp chính trị cũng khá “sôi nổi”. Thoạt tiên ông là đảng viên đảng Dân Chủ, bỏ đảng này, qua đầu quân đảng Cộng Hòa rồi lại quay về đảng Dân Chủ.

Bây giờ vị thế của ông Webb rất sáng giá tại Thượng Viện, với chức vụ là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.

Trong cuộc nói chuyên với BBC Việt Ngữ ngày 7.8.09 giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng giải thích: “Thượng viện có ảnh hưởng gián tiếp đến chiến trường ngoại giao”, vị giáo sư người Việt sống ở thủ đô Washington tin rằng tiếng nói của ông Webb được chính quyền Obama lắng nghe, vì sự từng trải của vị TNS này.

Ngày 15 tháng Bảy vừa qua trong cuộc điều trần Thượng viện do ông Webb triệu tập, đại diện hành pháp cùng như giới nghiên cứu Mỹ bàn về hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc tại Biển Đông.

Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng bảo lãnh an ninh trong vùng để Đông Nam Á phát triển mà không bị hù dọa.

Ông Webb cho rằng suy giảm dần dần ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á, nhất là hải quân, có thể làm cho Trung Quốc trở nên mạnh bạo hơn.

Theo ông Webb, nếu Hoa Kỳ muốn duy trì vai trò cường quốc tại Á châu, lãnh đạo Mỹ cần tính chuyện cải thiện số lượng và sức mạnh của lực lượng chiến đấu trên biển.

Theo tin của Thông Tấn Xã Việt Nam, hôm Thứ Tư vừa qua tại Hà Nội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thượng nghị sĩ James Webb.

Theo TTXVN, “Thượng nghị sĩ James Webb cho rằng cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay”.


TTXVN cho biết trong cuộc gặp gỡ báo chí, Thượng nghị sĩ Webb cho biết mục đích của chuyến thăm làm việc hai tuần tại 5 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam là khẳng định tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với Mỹ cũng như giúp nhân dân Mỹ hiểu thêm về tầm quan trọng của khu vực này, thể hiện rằng Mỹ muốn tái khởi động việc thúc đẩy mối quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Trong thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam, từ ngày 18 – đến 22.8, Thượng nghị sĩ James Webb sẽ ghé thăm Đà Nẵng và Sài Gòn

----------------------------------------

source

TiVi Tuan San

Wednesday 19 August 2009

Giá lúa vẫn thấp dù được ‘can thiệp’




Chính phủ muốn nông dân có lời khi trồng lúa nhưng thực tế cuộc sống lại khác.

Việt Nam đang có kế hoạch mua lúa của nông dân với giá tối thiểu, để bảo đảm thu nhập của người trồng lúa.

Chính phủ muốn công ty lương thực tại các tỉnh giữ giá 3.800 đồng một ký lúa để bù đắp chi phí sản xuất cho nông dân.

Đề nghị này nhằm giúp giá lúa không bị suy giảm quá mức trong thời kỳ thu hoạch.

Kế hoạch này dự tính sẽ thực hiện trong tháng Tám, với 21 doanh nghiệp tham gia. Với giá thu mua khoảng 3.800 đồng một cân lúa, Hiệp hội cho rằng nông dân đã có lãi khoảng 30 phần trăm.

Tại tỉnh Sóc Trăng, dù công ty lương thực tỉnh đang lên kế hoạch mua tới 20.000 tấn lúa, giá thóc ở ngoài thị trường chỉ ở mức trung bình.

Tuy không rẻ rúng, nhưng người trồng lúa không lời được bao nhiêu. Nông dân Phùng Văn Châu từ huyện Tịnh Trị, Sóc Trăng, cho rằng đến lúc thu hoạch đại trà có thể giá lúa còn giảm xuống nữa.

Giá lúa năm nay khoảng 2.800 đồng một ký. Như hiện nay cũng có lời, nhưng lời ít lắm

Phùng Văn Châu - Nông dân

“Giá lúa năm nay khoảng 2.800 đồng một ký. Như hiện nay cũng có lời, nhưng lời ít lắm. Một hécta, nếu trúng vụ, thu lời khoảng 2.5 triệu đồng. Nếu mà thu hoạch rộ giá lúa sẽ bị giảm liền. Vô vụ là giá lúa bắt đầu sụt.”

Chưa đạt hiệu ứng

Một nông dân khác cho rằng chương trình can thiệp của chính phủ chỉ mang tính chất bình ổn giá lúa, chứ chưa kích giá lên.

Theo Hiệp hội Lương thực, chính sách mua lúa để bình ổn giá sẽ được thông báo rộng rãi, công khai tại các điểm mua và trên phương tiện truyền thông để các hộ nông dân sản xuất lúa biết, qua đó họ thể kiểm soát lại hoạt động thu mua của doanh nghiệp.

Tuy nhiên báo trong nước tỏ ra hoài nghi về cách thu mua này. Bản tin của đài truyền hình Việt Nam nói đến sự thiệt thòi của nông dân khi bán lúa, với giá thấp hơn nhiều so với cam kết 3.800 đồng một ký lô của chính phủ.

Phần lớn nông dân bán lúa cho thương lái, tin của VTV cho hay. Thương lái bán cho nhà máy xay xát. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua nguyên liệu từ các nhà máy này.

Các khâu trung gian này ăn hết lợi nhuận của nguời trồng lúa, và thực tế ít hộ đạt được giá bán như Hiệp hội Lương thực đề nghị.

Thời gian tới, sẽ có thêm thu hoạch vụ hè thu, và nhiều gia đình cần bán lúa. Chuyên gia dự đoán giá lúa sẽ còn giảm. Ứớc mơ đạt được 30 phần trăm lợi nhuận trên mỗi ký lúa của nhà nông rất khó thực hiện.

Xuất khẩu gạo

Giá gạo thế giới giảm, ảnh hưởng đến giá lúa trong nước.

Đã vậy tiền đầu tư cho mỗi ha lúa không hề giảm. Vẫn các chi phí về giống, phân, thuốc, nông dân phải bỏ ra như mọi năm. Nông gia Châu Văn Tuấn muốn thấy nhà nước can thiệp mạnh hơn để đẩy giá lúa lên.

“Sử dụng nông nghiệp năm nay đầu tư vô nặng, phân thuốc lên cao mà cái giá này quá thấp thì nông dân không chắc ổn định cuộc sống. Thấy năm nay yêu cầu nhà nước tạo điều kiện làm sao cho giá lúa nó tăng bổng lên thì nông dân mới phấn khởi được.”

Có thể chính phủ tìm sẽ cách giúp nông dân, nhưng cuối cùng giá lúa của ông Châu Văn Tuấn lại phụ thuộc thị trường xuất khẩu.

Hiện nay giá gạo thế giới đang giảm, lượng gạo tồn kho nhiều, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo kinh doanh chậm lại. Họ chưa hào hứng mua thêm lúa dự trữ. Do vậy giá lúa chỉ ở mức vừa phải, hoặc ‘lời rất ít,’ như một nông dân thừa nhận.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam kêu gọi các công ty xuất khẩu gạo tìm thêm thị trường xuất khẩu, tạo đầu ra cho lúa gạo trong nước. Hiệp hội cũng cảnh báo tình trạng tranh mua, tranh bán làm giảm giá một cách không cần thiết.

source

BBC Vietnamese

Công bố đoạn phim 'xin khoan hồng'

Công bố đoạn phim 'xin khoan hồng'

Nguyễn Tiến Trung khi bị bắt (ảnh của báo Công an Nhân dân)

Nguyễn Tiến Trung bị bắt tại nhà riêng ngày 07/07

Truyền hình nhà nước Việt Nam phát đi đoạn băng, trong đó bốn nhân vật bị bắt gần đây "xin được khoan hồng" của nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Trong băng, Nguyễn Tiến Trung nói anh "rất ân hận vì đã làm liên lụy đến gia đình, người thân và bạn bè và sẽ từ bỏ không tham gia vào Đảng dân chủ Việt Nam và Tập hợp thanh niên dân chủ"

Anh "xin được sự khoan hồng của pháp luật, để tôi có thể sớm trở về với gia đình làm một người công dân tốt".

Trong một diễn biến đặc biệt, chương trình thời sự của VTV tối ngày 19/08 đã dành nhiều phút để chiếu phần "nhận tội" của bốn người.

Ông Trần Anh Kim, bị bắt cùng Tiến Trung ngày 07/07, cũng được thấy là đã nói mình "vi phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" và mong "hưởng khoan hồng".

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, bị bắt hồi tháng Năm, bày tỏ "ân hận về việc làm của mình và thông qua cơ quan an ninh điều tra mong muốn nhận được sự rộng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước".

Luật sư Lê Công Định, người mà trước đó đã được đưa lên truyền hình với bản khai tương tự, lần này cũng được VTV chiếu phần nói về những lần tiếp xúc với giới chức ngoại giao Mỹ.

Phản ứng

Từ Pháp, anh Nguyễn Hoài Nam, em trai Nguyễn Tiến Trung, nói anh tin anh trai "có lý do" khi quyết định làm vậy.

"Sự việc còn quá mới, nhưng tôi tin anh trai của mình có lý do và đã cân nhắc kỹ," Hoài Nam nói.

Đã thấy việc mình làm là đúng, thì dù có chết, cũng không nên làm như thế.

Trần Thị Huệ

Phát biểu với BBC, bà Trần Thị Huệ, em gái ông Trần Anh Kim, nói bà rất buồn khi xem chương trình thời sự.

"Chết vinh còn hơn sống nhục. Đã thấy việc mình làm là đúng, thì dù có chết, cũng không nên làm như thế," bà Huệ nói về hành động "nhận tội" của anh trai.

Bà Huệ cho hay bà nhận được tin của phía an ninh báo rằng ông Kim có thể "chỉ bị xử hai năm tù nếu nhận tội". Nhưng bà nói nhìn hình ảnh anh trai xin khoan hồng, bà cảm thấy "mất mát trong lòng".

Nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Khắc Toàn, từ Hà Nội, nói ông "không chấp nhận lựa chọn như thế của những người đấu tranh có tên tuổi như vậy".

"Tại sao những trí thức ấy không học tấm gương anh dũng. Uy tín của họ chắc chắn bị giảm sút và là bài học đắt giá," ông Toàn nói.

Bạn gái Nguyễn Tiến Trung, cô Nguyễn Hoàng Lan, đang làm luận án tiến sĩ luật khoa tại trường đại học Indiana University của Mỹ, lại có suy nghĩ khác.

Cô cho rằng việc trình chiếu các video nhận tội cho thấy "sự lúng túng" của nhà nước.

"Nếu coi trọng pháp luật, thì cần phải tiến hành tố tụng và xét xử một cách bình thường. Việc tung ra video nhận tội, xin khoan hồng trong các vụ án nhạy cảm này rõ ràng cho thấy Nhà nước lúng túng, và đang chịu sức ép rất lớn của quốc tế."

Việc cả bốn người cùng nhận tội, chứng tỏ rằng đây không phải là sự nhận tội xin khoan hồng vì mềm lòng, nản chí.

Nguyễn Hoàng Lan

Cô nói thêm: "Việc cả bốn người cùng nhận tội, chứng tỏ rằng đây không phải là sự nhận tội xin khoan hồng vì mềm lòng, nản chí, sợ hãi, mà vì chắc chắn đã có sự dàn xếp, trao đổi, và có thể cả đe dọa."

"Quyết định nhận tội, xin khoan hồng của cả 4 người có thể là một lựa chọn mềm dẻo trong tình thế đó," cô nhận xét.

Thông tấn xã Việt Nam tường thuật rằng cơ quan an ninh "đang phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án khẩn trương kết luận vụ án, hành vi phạm tội của từng đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật trong thời gian sớm nhất".

source

BBC Vietnamese

Saturday 15 August 2009

Bauxite, khu công nghiệp và sân golf


Bauxite, khu công nghiệp và sân golf

Lao động Trung Quốc tại Tây Nguyên

Lao động Trung Quốc thường có số đông và có tính cộng đồng cao.

Một chuyên gia về nông nghiệp và đất đai nông thôn vừa lên tiếng về dự án Bauxite tại Tây Nguyên và thực trạng sử dụng đất đai, quy hoạch liên quan tới phát triển nông thôn nói chung.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 12/8, Tiến sĩ Vũ Đình Tôn, Giám đốc Trung tâm Liên ngành về Phát triển Nông thôn, thuộc Đại học Nông nghiệp Hà Nội, trước hết, cho biết lý do thời gian qua vì sao xuất hiện các quan ngại về lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc ở địa bàn Tây Nguyên trong các dự án khai khoáng:

"Đây là một vùng rất nhạy cảm và chiến lược của Việt Nam. Nhìn lại lịch sử từ trước đến nay, người Trung Quốc đi đến đâu, có bao giờ họ trở về một cách đơn giản đâu. Thường thì đi đến đâu, họ đều cắm rễ lại."

"Vài nghìn người lao động phổ thông Trung Quốc không phải là chuyện, nhưng nếu đi đến đâu, họ đều ở lại đấy, sinh con đẻ cái, phát triển dân số, mà lại ở một vùng chiến lược, nhạy cảm thì đó là vấn đề đáng nói hơn," ông nói.

Người Trung Quốc đi đâu cũng rất đông, rất nhiều, tính cộng đồng, cố kết lại rất cao, và do đó đây có thể là điều phải suy nghĩ

TS. Vũ Đình Tôn

Theo kinh nghiệm di cư lao động quốc tế, việc lao động phổ thông từ thị trường lao động nước này sang thị trường lao động nước khác, sau đó kết hôn với người địa phương và định cư vẫn tồn tại như một thực tế.

Nhưng trước câu hỏi liệu đã có một tâm lý 'bài Trung Quốc' hay không, Tiến sĩ Tôn khẳng định: "Thực ra, nếu lập luận theo góc độ quyền con người, thì người lao động nói chung, về nguyên tắc đều có quyền tự do di cư lao động, kết hôn, định cư v.v… Nhưng trên thế giới, nhiều nước ngại người Trung Quốc."

"Tại châu Phi hiện nay, một số nơi có hiện tượng người Trung Quốc đi tới đâu, sau đó cũng biến thành ‘China Town’ và rõ ràng một ngày nào đó, nếu không khéo xử lý sẽ trở thành vấn đề."

Xung quanh một số diễn biến xung đột giữa lao động Trung Quốc và người dân Việt Nam ở một vài địa phương được báo chí và truyền thông trong nước đưa tin, kể cả các vụ đụng độ, xô xát giữa người di cư Trung Quốc ở Bắc Phi, như trường hợp ở Algeria mới đây, TS Vũ Đình Tôn nhận xét :

"Nhiều nước ngại vì người Trung Quốc đi đâu cũng rất đông, rất nhiều, tính cộng đồng, cố kết lại rất cao, và do đó đây có thể là điều phải suy nghĩ. Vùng Tây Nguyên của Việt Nam thì lại là một vùng nhạy cảm vì từ trước tới nay vốn dĩ đã hàm chứa nhiều bất ổn."

Đất ruộng và sân gôn

Một sân golf ở đồng bằng sông Cửu Long

Sân golf liệu có tạo ra nhiều lao động như các dự án nói?

Nhìn lại tình hình một số địa phương vài năm qua trưng dụng bất hợp lý đất ruộng nông nghiệp của nông dân vào mục đích xây các khu công nghiệp, được cho là gây xáo trộn nông thôn ở một số nơi, ông Tôn, người đồng thời là Phó Chủ nhiệm Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thuỷ sản, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nói :

"Tình hình đã có sự thay đổi. Hiện nay, trưng dụng đất nông nghiệp xây dựng khu công nghiệp phải có phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ và các tỉnh không tự quyết định được như trước nữa."

"Dân số của Việt Nam còn tiếp tục tăng, nhưng đất đai cũng đã vãn. Nếu các vùng đồng bằng trù phú mà triệt phá hết, thì rất nguy hiểm. Nhà nước cũng đã cảnh giác hơn. Nay không dễ dàng gì biến đất đai nông nghiệp trù phú thành khu công nghiệp như trước."

Tuy nhiên ông Tôn cho biết mặc dù có nhiều ý kiến phản đối, việc lấy đất đai nông nghiệp để xây các sân golf vẫn tiếp diễn: "Hiện có nhiều ý kiến yêu cầu xem xét lại các dự án xây dựng sân golf, nhưng ở nhiều nơi vẫn cứ tiến hành vì nhiều lý do này khác.

Từ nay việc lấy đất canh tác xây sân gôn sẽ khó hơn, nhưng với nhiều dự án bị lên tiếng phản đối, người ta vẫn chưa bỏ sân gôn nào.

TS. Vũ Đình Tôn

"Chắc chắn từ nay việc lấy đất canh tác xây sân gôn sẽ khó hơn, nhưng với nhiều dự án bị lên tiếng phản đối, người ta vẫn chưa bỏ sân golf nào."

Được biết, trong báo cáo khả thi nhiều dự án xây dựng sân golf, các nhà đầu tư đều giải trình và khẳng định tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là dân địa phương, song chuyên gia về nông nghiệp, nông thôn này thẳng thắn bác bỏ:

"Tôi không bao giờ nghĩ là sân golf tạo được công ăn việc làm. Vì sân golf không thu hút nhiều lao động, chỉ cần một số ít người đi nhặt bóng và làm cỏ, không hề như trường hợp các nhà máy."

"Mâu thuẫn là sân golf cần đất rất rộng, nhưng lại cần rất ít người lao động."

TS Tôn, người từng có tham luận về sử dụng đất đai nông nghiệp tại một Hội thảo gần nhất về chủ đề tam nông tại Đại học Nông - Lâm Huế, còn nhắc lại một quan điểm được báo chí, truyền thông trong nước phản ánh.

"Sân golf còn không tốt ở một điểm là nó chỉ phục vụ cho một thiểu số người được hưởng lợi từ đây, chẳng hạn những người chơi. Nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều người chơi golf. Chủ yếu phải đợi người nước ngoài tới chơi. Lợi nhuận chưa thu được mấy."

'Bán thất nghiệp'

Nông dân Việt Nam trên ruộng lúa

Nhiều nông dân hiện trong tình trạng thiếu việc làm

Về tình hình việc làm ở nông thôn tổng kết hai năm trở lại đây, trong bối cảnh chịu sức ép khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, Tiến sỹ Vũ Đình Tôn nhận xét :

"Hiện nay, dân số nông thôn trong tổng dân số ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ và số lượng rất lớn. Mật độ dân số ở các vùng đồng bằng quá cao, trong khi đất đai lại bị mất dần; mất cho giao thông, mất cho khu công nghiệp và đang gây ra vấn đề."

Hướng giải quyết theo ông là rất khó, dù hướng đi chung vẫn phải là: "Đa dạng hoá các hoạt động sản xuất, công nghiệp, thủ công nghiệp. Ngay trong sản xuất nông nghiệp, cũng phải đa dạng hoá hoạt động. Còn nếu chỉ trồng lúa sẽ không ăn thua, mà còn phải trồng trọt, chăn nuôi các loại khác v.v… Tức là buộc phải hết sức đa dạng."

Chuyên gia cũng nhắc tới tình trạng lao động nông thôn ra thành phố làm việc, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, hoặc đi xuất khẩu lao động, nhưng do khủng hoảng kinh tế, nhiều người đã phải trở về nhà và tình hình giúp đỡ những lao động này:

Nhưng cũng không nên bi quan. Tôi hy vọng là mỗi địa phương sẽ chủ động theo cách của mình để dần dần tìm giải pháp.

TS. Vũ Đình Tôn

"Nhà nước cũng có nói là cần có hướng để giúp đỡ, nhưng tôi nghĩ là sẽ chẳng giúp đỡ được gì mấy. Các lao động này sẽ phải tự xoay xở lấy. Họ phải quay về nhà làm ruộng, hoặc làm thuê, hoặc tự lo được chừng nào hay chừng nấy."

Song ông tin rằng Việt Nam vẫn đang trong quá trình đô thị hoá, một quá trình phát triển kinh tế, xã hội vốn có thể tiếp tục hấp dẫn nguồn lao động của nông dân: "Ví dụ như họ đi xây, làm đường, làm việc này việc khác, nhưng các nhu cầu này không phải là mãi mãi và nhìn chung, người dân nông thôn, nhất là thanh niên, thiếu tay nghề, vẫn không đủ việc làm."

Tiến sỹ Tôn nhất trí với một số đánh giá tới nay của một số định chế và tổ chức nghiên cứu về việc làm tại nông nghiệp Việt Nam, khi nhận định "người dân nông thôn không hoàn toàn thất nghiệp, nhưng lúc có việc làm, lúc không" và luôn ở trong một tình trạng mà ông gọi là 'bán thất nghiệp':

"Họ sẽ vẫn có một ít ruộng, và phải đi làm thuê mới đủ. Nhìn chung, thời gian tới đây đa số người dân nông thôn sẽ vẫn phải tự xoay là chính. Nhưng cũng không nên bi quan. Tôi hy vọng là mỗi địa phương sẽ chủ động theo cách của mình để dần dần tìm giải pháp."

Tiến sỹ Vũ Đình Tôn, Giám đốc Trung tâm Liên ngành Nghiên cứu Phát triển Nông thôn, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thuỷ sản, thuộc Đại học Nông nghiệp Hà Nội, là tác giả của nhiều nghiên cứu về quy hoạch, sử dụng đất đai nông nghiệp, nông thôn, trong đó, đánh giá và khảo sát về hệ quả các quá trình, chính sách công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn.
-----------------------------------------------------
source
BBC Vietnamese

Wednesday 12 August 2009

Trung Quốc 'thả ngư dân Việt Nam'




Trung Quốc 'thả ngư dân Việt Nam'

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Trung Quốc đồng ý thả toàn bộ số ngư dân Quảng Ngãi bị nước này bắt giữ.

Ông Lê Dũng nói các ngư dân sẽ trở về nhà trong vài ngày tới

Ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, hôm thứ Ba 11/08 nói rằng sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã được thông báo là "phía Trung Quốc đã thả tàu cá QNg 95031 và toàn bộ ngư dân Việt Nam, bao gồm cả 12 ngư dân của 02 tàu cá Quảng Ngãi mà họ đã tạm giữ trước đó".

Tổng cộng 25 ngư dân Việt Nam đã bị giữ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nay Trung Quốc chiếm toàn bộ.

Số ngư dân trên tàu QNg 95031 bị bắt giữ hôm 01/08 là 13 người, trong khi 12 người kia đã bị bắt giam từ ngày 16/06.

Tất cả đều bị cáo buộc vi phạm hải phận Trung Quốc khi bị bắt tại gần quần đảo Hoàng Sa.

Người phát ngôn Lê Dũng nói thêm: "Dự kiến tàu cá QNg 95031 và số ngư dân nói trên sẽ trở về trong một vài ngày tới."

Trong thông cáo ngắn đăng trên website Bộ Ngoại giao Việt Nam, bộ này cho hay "các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc để giải quyết các vấn đề còn tồn tại".

Kênh ngoại giao

Theo lịch trình, trong tháng Tám tại Đà Nẵng sẽ diễn ra cuộc họp trù bị của Ủy ban Liên hiệp Nghề cá Việt – Trung lần thứ Sáu.

Tàu cá VN

Nhiều ngư dân Việt Nam ngại ra biển vì lệnh cấm của Trung Quốc

Ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng cục Khai thác và bảo vệ nguồn thủy sản Việt Nam cũng là chủ tịch Ủy Ban Liên Hiệp nghề cá Việt Trung, đã cảnh báo sẽ bỏ họp nếu Trung Quốc không thả ngư dân Việt Nam.

Trung Quốc chính thức cấm đánh bắt cá tại Biển Đông từ 16/05 tới 01/08 năm nay và đã điều tám tàu tuần tra để theo dõi giám sát khu vực rộng 128.000 km2 tại đây.

Diễn biến này được giới quan sát nhận định là sự khẳng định cứng rắn của Trung Quốc tại một vùng biển còn đang tranh chấp.

Sau một thời gian im lặng thì những ngày gần đây Việt Nam đã đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao, đơn cử qua công hàm hôm 03/08 gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu thả ngư dân.

Việc Trung Quốc cấm đánh cá ở Biển Đông, cùng phản ứng của Việt Nam, vừa liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhưng cũng được nhiều người lồng vào câu hỏi về vị trí thực sự của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Ở trong nước cũng xuất hiện một nguồn dư luận yêu cầu ban lãnh đạo hiện nay phải lên tiếng mạnh hơn trước điều mà họ xem là "sức ép" của Trung Quốc đối với chủ quyền lãnh thổ.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh từ 1974 tới 1989, gần đây gửi thư cho Bộ Chính trị, nói "hữu nghị cũng phải đấu tranh thích hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của Tổ Quốc."

Mới nhất, hồi tháng Bảy, một nhóm hàng chục nhà cách mạng lão thành và cựu chiến binh cũng gửi tâm thư cho Bộ Chính trị yêu cầu "đặt lên bàn nghị sự tất cả những vấn đề về thực trạng trong tổ chức Đảng và mối quan hệ quốc tế, nhất là Việt Nam – Trung Quốc".

------------------------------------------------------------------------

source

BBC Vietnamese

Nghèo đói và lúa gạo


Nghèo đói và lúa gạo

Cảnh gặt lúa ở Bắc Bộ

Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều nhưng thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn thấp.

Đối với nông dân Nguyễn Văn Bảy từ Tiền Giang, vùng nằm trong vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, khủng hoảng kinh tế thế giới tác động đến gia đình ông trên hai mặt.

Giá nông sản giảm nên thu nhập giảm. Và số nhân khẩu phải nuôi trong gia đình bỗng nhiên gia tăng.

“Con của nông dân đi làm ở các khu chế xuất, nhà máy đóng cửa,xí nghiệp giảm người, họ phải quay về mảnh ruộng. Thêm nhân khẩu và thêm gánh nặng cho nông thôn.”

Ông Bảy, nông dân ba đời với mảnh ruộng chừng một ha rưỡi, cho rằng kiến thức thị trường kém làm cho nhiều nông dân thua lỗ, vì họ chậm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Rồi nông dân không có trình độ để theo dõi khủng hoảng cho nên chỉ chạy theo đuôi. Cái gì có giá họ chạy theo đuôi, nó mất giá thì đốn bỏ. Ví dụ như trồng lúa không có giá, thấy người ta trồng tràm, chạy theo trồng tràm, rồi nó ứ không bán được, lại đốn bỏ, cứ vậy, phát triển kinh tế không được.”

Trong khi thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam trong năm lên tới 1000 USD, thu nhập của nông dân không cải thiện được bao nhiêu. Báo trong nước nói một hộ làm lúa ở đồng bằng Bắc Bộ, với hai sào ruộng, một năm làm ra khoảng một triệu rưởi đồng, (85USD). Nông dân Nguyễn Văn Bảy nói chi phí cho sản xuất quá cao đã ăn hết vào thu nhập của gia đình ông.

“Nông sản không bao giờ có giá cao cả, nhưng cái vốn bỏ ra rất lớn. Thí dụ như phân bón cao, tiền công làm ruộng cao, thậm chí gặp phân giả thuốc giả coi như nông dân chịu chết. Thứ hai nữa cái điều kiện hoạt động của nông dân còn lạc hậu dữ lắm, không tân tiến như các nước khác.”

Ông Bảy nhắc đến chuyện lúa thu hoạch trong mùa mưa, và chuyện thiếu nhà kho chứa đã làm giảm phẩm chất, hoặc lãng phí nhiều thóc lúa. Cạnh đó là chuyện bị thương lái ép giá.

Kinh doanh lương thực đâu chỉ có một tổng công ty. Hiện giờ có tới 140 công ty có tư cách xuất khẩu gạo. Đâu chỉ có một mình Vinafood

Trương Thanh Phong - Tổng giám đốc

“Về giá cả nông dân bị ép dữ lắm. Giá gạo xuất cảng có thể lên gần 600 USD một tấn, hoặc trên 800 USD, như thời cao điểm năm 2008. Tuy nhiên lúc đó nông dân không bán được lúa, chính phủ không cho xuất cảng, lấy lý do đảm bảo an ninh lương thực. Không xuất được thì nông dân không bán được. Gạo dồn ứ trong nhà rất nhiều, về sau phải bán giá rẻ.”

Đâu có chuyện đó

Không ít người nói rằng nông dân Việt Nam canh tác lạc hậu, thiếu thông tin, bị thương lái ép giá, trong khi công ty lương thực kiếm lời qua hợp đồng xuất khẩu gạo. Trong những năm gần đây khoảng cách thu nhập giữa người làm ra hạt gạo và giới kinh doanh sống bằng nó, ngày càng rộng thêm.

Ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty Lương thực Miền Nam, doanh nghiệp quốc doanh có doanh số xuất khẩu gạo lớn nhất nước, không tin rằng các tổng công ty lương thực đã có lỗi trong chuyện làm cho nông dân nghèo.

“Kinh doanh lương thực đâu chỉ có một tổng công ty kinh doanh. Hiện giờ có tới 140 công ty có tư cách xuất khẩu gạo. Đâu chỉ có một mình Vinafood,”

“Phát biểu thì họ cứ nói. Nông dân nghèo đâu phải chỉ vì mua lúa mà họ nghèo.”

Giám đốc tập đoàn lương thực lớn nhất VN nói thêm: “Nông dân diện tích trồng lúa nó ít, nhân khẩu nó đông nếu mà bình quân trên đầu người nó thấp quá. Nếu độc canh sống bằng cây lúa không, người nông dân không thể nào khá được.”

Gạo Việt Nam xuất sang Philippines

Hệ thống thu mua gạo xuất khẩu ở Việt Nam có lợi cho thương lái và tổng cty.

Ông Phong cho biết chỉ những hộ có ruộng đất lớn thì trồng cấy hay kinh doanh mới khá. Ở Việt Nam số hộ có chừng 5 héc ta đất trở nên chỉ chiếm có 1%.

Ông Phong, người giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay ngoài gạo, Tổng công ty Lương thực Miền Nam còn kinh doanh lúa mì, thực phẩm chế biến, khách sạn du lịch.

“Các mặt hàng phi lương thực chiếm 40 phần trăm doanh số của công ty.”

“Tổng công ty đâu chỉ mỗi xuất khẩu gạo. Họ kinh doanh đa ngành đa nghề, nhiều mặt hàng sản phẩm khác đâu chỉ có gạo không.”

Nông dân vẫn nghèo

Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia đầu nghành về cây lúa, cho rằng nông dân trồng lúa vẫn là nhóm người nghèo nhất Việt Nam.

“Nông dân bán gạo hiện nay vẫn là những người nghèo nhất do cách tổ chức thị trường trong nước và do sự ép giá của các thương lái,”

“Cạnh đó là cách điều hành xuất khẩu gạo của tổng công ty lương thực.”

Nhà khoa bảng có nhiều năm lăn lộn với nông dân kể lại năm 2008 khối tổng công ty và các công ty lương thực kiếm lời lớn trong khi nông dân thiệt thòi.

“Lúc đó nhà nước cấm không cho xuất khẩu cho nên đâu có ai mua được. Nông dân khi ấy người ta đang cần tiền. Trong khi chỉ có một ông mua, ông ấy mua với giá rẻ, nông dân chịu chết,”

“Xong rồi họ xuất cảng với giá cao. Cho tới giờ này những người nghèo nhất là những người trồng ra lúa bởi vì họ luôn luôn bị lợi dụng.”

Giáo sư Xuân nói nông dân ngày nay bị thiệt thòi bởi thị trường mua bán lúa gạo hỗn loạn.

Nông dân trồng lúa

Diện tích trồng lúa của VN quá nhỏ, nông dân lại độc canh cho nên thu nhập thấp.

“Bây giờ nông dân chúng ta mạnh ai ấy làm, không biết bán gạo cho ai, và không biết bán giá bao nhiêu. Luôn luôn là phập phồng,”

“Còn các công ty họ luôn luôn lợi dụng thị trường để chèn ép người nông dân, làm sao có lời nhất cho họ.”

Giải pháp đối với tình trạng này, theo ông Võ Tòng Xuân là cho nhiều công ty tham gia để thị trường thu mua gạo được cạnh tranh hơn, giảm bớt thế độc quyền của tổng công ty nhà nước. Khi ấy nông dân mới có hy vọng cải thiện thu nhập.

Hiệu trưởng trường Đại học An Giang muốn thấy doanh nghiệp liên kết với nông dân trrong việc tạo ra vùng nguyên liệu xuất khẩu để hai bên cùng có lợi.

“Có cách nào đó doanh nghiệp xuất khẩu gạo tạo ra các vùng nguyên liệu của họ. Rồi từ đó họ chăm sóc giúp đỡ người nông dân ngay từ đầu để làm ra sản phẩm, hay nguyên liệu tốt nhất cho doanh nghiệp để xuất khẩu,”

“Có như thế người nông dân mới an tâm làm ăn. Vì khi ấy người ta biết là trồng cây gì cho ai, với sản lượng ra sao, chất lượng như thế nào. Và chắc chắn nó sẽ được mua bởi cái công ty đặt hàng.”

Bài nằm trong loạt Bắt nhịp Kinh tế Toàn cầu -Taking the Pulse of the Global Economy của BBC World Service, nhìn vào các chỉ số kinh tế, giá cả, chính sách nhà nước, thị trường và tác động của chúng đến đời sống người dân trên thế giới.
-------------------------------------------------------
source
BBC Vietnamese

Saturday 8 August 2009

Triển lãm về Văn hóa Công giáo


Triển lãm diễn ra ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Người cố vấn cho một triển lãm đặc biệt về văn hóa Công giáo nói sự kiện muốn chuyển tải thông điệp văn hóa Công giáo là "một phần của văn hóa Việt Nam".

Cuộc trưng bày về cuộc sống người Công giáo ra mắt ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tháng 12 năm ngoái và sẽ đóng cửa vào hôm 18.5.

Mang tên "Sống trong bí tích - văn hóa Công giáo đương đại Việt Nam", cuộc trưng bày là kết quả hợp tác và sưu tầm từ bốn năm qua giữa nhiều cá nhân và tổ chức trong ngoài nước.

Một người trong số đó là Giáo sư Nguyễn Văn Huy, cựu Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Nói chuyện với BBC, Giáo sư Huy cho hay ý tưởng trưng bày xuất phát từ thực tế là "đời sống bà con Công giáo rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam, nhưng cái mảng ấy chưa được nhìn nhận đầy đủ".

"Thông điệp của bảo tàng là văn hóa Công giáo là một phần của văn hóa Việt Nam. Đó là thực tế lịch sử."

Tìm hiểu

Người đến xem triển lãm có thể hiểu thêm về các nghi lễ liên quan đến những giai đoạn lớn của mỗi cuộc đời và các ngày lễ lớn trong năm của cộng đồng.

Ví dụ, triển lãm nói về việc giáo dục cho trẻ em trong cộng đồng Công giáo:

Thông điệp của bảo tàng là văn hóa Công giáo là một phần của văn hóa Việt Nam.

Nguyễn Văn Huy

"Để định hướng nếp sống và hướng dẫn trẻ em tham gia các nghi lễ tại nhà thờ, cộng đồng cử ra những người phụ trách thiếu nhi, được gọi là ông "trương", bà "trương" hay ông "quản", bà "quản" và giáo lý viên. Họ là những người tạo dấu ấn đậm nét về niềm tin tôn giáo cho thế hệ trẻ, và vì thế họ được cộng đồng coi trọng."

Trong gian phòng nói về hôn nhân và cuộc sống gia đình, triển lãm giải thích:

"Vì ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân trong Giáo hội và tầm quan trọng của hôn nhân trong một đời người, nên Hội thánh yêu cầu những người chuẩn bị lập gia đình phải học giáo lý hôn nhân trước khi làm lễ cưới. Người ngoài Công giáo muốn kết hôn với người có đạo thì phải nhập đạo hoặc phải cam kết thực hiện tinh thần của hôn nhân Công giáo."

Giải thích về lễ cưới, người đến xem được cho biết: "Trong đám cưới, quan trọng nhất là tổ chức thánh lễ ở nhà thờ, do linh mục hoặc phó tế chủ trì...Ở Hà Nội, đôi tân hôn còn dâng một cặp nến hồng, hoa, rượu, và bánh lễ, kết hợp với lễ vật trên bàn lễ để tạ ơn Thiên Chúa."

Những chi tiết như thế có thể không lạ với người theo Công giáo, nhưng người tổ chức triển lãm, khi nghiên cứu, nhận ra nhiều người ngoài đạo hiểu rất lơ mơ về niềm tin và văn hóa của người theo đạo.

Bà Trần Tuyết Nhung, Phó Giáo sư Lịch sử ở Đại học Toronto và là người tham gia vào dự án, nói với BBC:

"Đây là lần đầu tiên người Công giáo có cơ hội được trưng bày tại một địa điểm lớn, và trong suốt quá trình, nhóm triển lãm đã tìm cả lời khuyên và phê phán từ các nhóm Công giáo."

"Dù đây mới chỉ là một cách miêu tả, ít nhất nó thoát khỏi cách kể thường gặp về quan hệ giữa chủ nghĩa thực dân và Thiên Chúa giáo."

Dù đây mới chỉ là một cách miêu tả, ít nhất nó thoát khỏi cách kể thường gặp về quan hệ giữa chủ nghĩa thực dân và Thiên Chúa giáo.

Trần Tuyết Nhung

Ông Nguyễn Văn Huy tỏ ý tiếc là nội dung cuộc trưng bày cũng chỉ mới giới hạn chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ và Khu Bốn.

"Cuộc sống bà con ở miền Nam chưa được đề cập. Văn hóa Công giáo của bà con ở nước ngoài rất phong phú, nhưng chỉ mới có vài hiện vật, bài viết khơi gợi."

Hồi đầu năm, khi đến Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican, Đức Ông Pietro Parolin, cũng thăm cuộc triển lãm.

Thiên Chúa giáo vẫn là chủ đề gây tranh cãi đối với người Việt trong ngoài nước. Và về mặt chính trị, những diễn biến đòi đất từ một năm qua cũng khiến cho nhiều người trong chính quyền dè chừng tôn giáo này.

Tuy vậy, giáo sư Huy nói cuộc trưng bày được chính phủ Việt Nam ủng hộ và "không chịu sự kiểm duyệt".

Ông nói thêm: "Truyền thống của bảo tàng là chúng tôi làm gì, thì chúng tôi quyết định."

Cuộc trưng bày được thực hiện nhờ tài trợ của Quỹ Ford, tổ chức mới đây cho hay họ sẽ đóng cửa văn phòng ở Hà Nội và Moscow.

--------------------------------------------

source

BBC Vietnamese

Thursday 6 August 2009

'Không đàn áp tôn giáo vụ Bát Nhã'


Tu viện Bát Nhã

Căng thẳng Bát Nhã đặt ra nhiều câu hỏi cho chính quyền

Một quan chức Việt Nam bác bỏ rằng tranh chấp ở tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng, là về vấn đề tự do tôn giáo, mà nói đó là do các đệ tử của pháp môn Làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã không khai báo rõ ràng hoạt động của họ với chính quyền.

Ông Bùi Hữu Dược, thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, được hãng AP trích lời hôm thứ Ba nói rằng các môn đồ đã không tuân thủ theo quy định của địa phương. Ông nói việc chính quyền giám sát các hoạt động của các nhóm tôn giáo trên địa bàn là chuyện bình thường.

Ông Dược còn nói các quan chức “rất ngạc nhiên” khi đọc nội dung website chính của tu viện thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Pháp kêu gọi chính phủ Việt Nam bỏ đi lực lượng an ninh tôn giáo.

Ông Dược được AP trích lời nói rằng: “Quản lý các nhóm tôn giáo không có nghĩa là kiểm soát họ. Chúng tôi chỉ tạo điều kiện cho các nỗ lực làm những điều tốt đẹp cho đất nước”.

Nói là đàn áp tôn giáo thì cũng là hơi cường điệu. Chuyện bên trong nội bộ giữa Làng Mai và Bát Nhã đấu đá nhau là có.

Cư sĩ Minh Mẫn

Các môn đồ của thiền sư Thích Nhất Hạnh bị yêu cầu phải rời khỏi tu viện Bát Nhã ở Đà Lạt, Lâm Đồng vào đầu tháng Chín này sau cuộc va chạm ở địa phương.

Cập nhật

Từ thành phố Hồ Chí Minh, cư sĩ Minh Mẫn, người theo hệ phái Phật Giáo Làng Mai nói với BBC Việt Ngữ hôm nay 06/08 rằng "Gần đây, bên điện lực vào và sẽ câu điện lại nhưng họ yêu cầu các quý thầy phải rút lui".

"Bốn trăm tu sĩ nay bắt phải đi đâu? Thành ra tình hình cũng đang lắng đọng."

Cư sĩ Minh Mẫn, người nói ông liên lạc hàng ngày với các tu sĩ tại tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng, tin rằng nhà nước muốn dứt khoát giải quyết 'chứ không để' vấn đề như hiện nay mà ông đánh giá là đang 'dậm chân tại chỗ'.

Ông tin rằng chủ trương của nhà nước từ cấp trung ương, chứ không phải địa phương là không muốn để các tu sĩ và tín đồ của Làng Mai ở Bát Nhã.

Cư sĩ Minh Mẫn

Cư sĩ Minh Mẫn cho rằng chủ trương là từ trung ương đưa xuống

"Nói là đàn áp tôn giáo thì cũng là hơi cường điệu. Chuyện bên trong nội bộ giữa Làng Mai và Bát Nhã đấu đá nhau là có. Nhưng việc thầy Đức Nghi ở Bát Nhã làm là có hậu thuẫn của nhà nước".

Thầy Minh Mẫn cũng tin rằng chủ trương là của trung ương qua văn thư 1329 của Ban Tôn giáo Chính phủ đưa xuống yêu cầu giải quyết trực tiếp với Bát Nhã.

"Địa phương có chăng là xã hội đen, làm quá trớn...Do địa phương lấy điểm làm vậy thôi nhưng chủ trương triệt để, dứt khoát là từ trung ương."

Vụ việc

Căng thẳng tại tu viện Bát Nhã bùng lên vào cuối tháng Sáu vừa qua, khi một nhóm hung hãn tới đập phá và đe dọa các tu sĩ thuộc pháp môn Làng Mai. Giới chức cũng cắt điện tại khu vực này.

Vụ việc làm nổi bật câu hỏi mà nhà chức trách Việt Nam chưa tìm ra câu trả lời, về sự hoạt động của một hệ phái Phật giáo trở về từ hải ngoại.

Gần 400 tu sinh có liên hệ với Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn ở trong Tu viện Bát Nhã vào đầu tháng Bảy, trong lúc Thượng tọa chủ trì ở đây đòi họ phải ra đi.

Thượng Tọa Thích Đức Nghi, viện chủ tu viện Bát Nhã, trước đây đã mời tăng thân Làng Mai về dạy đạo pháp cho hàng trăm chủng sinh, nhưng quan hệ hai bên đã bị xấu đi trầm trọng.

Được biết từ năm ngoái, Thượng tọa Đức Nghi đã tuyên bố ngừng bảo lãnh tạm trú cho 379 tu sinh.

Đến ngày 08/08/2008, công an địa phương ra công văn trục xuất những tu sinh này khỏi tu viện vì không còn có sự bảo lãnh cư trú.

Tuy vậy, nhóm tăng ni sinh tiếp tục gửi thư kiến nghị đi các nơi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được giới chức VN chào đón vào năm 2005 và 2007

Ngày 19/11/2008, có một cuộc họp ở TP. HCM với sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ.

Quyết định rút ra từ cuộc họp là ủy quyền cho ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng giải quyết.

Đến lượt mình, Giáo hội Phật giáo ở Lâm Đồng nói họ tạm thời bảo lãnh cho các vị tu sinh này ở lại cho đến khi có giải pháp sau cùng.

Tuy vậy, đến hôm nay, mọi việc vẫn không ngã ngũ mà càng trở nên căng thẳng.

Đài BBC vẫn đang tìm cách liên hệ với cả Thượng Tọa Thích Đức Nghi, hệ phái Làng Mai tại Pháp và trưởng ban tôn giáo chính phủ Nguyễn Thế Doanh nhưng chưa được.
---------------------------------------------------------------------
source
BBC Vietnamese

Tuesday 4 August 2009

Thêm ngư dân bị TQ giữ


Ngư dân Việt Nam

Lệnh cấm đánh bắt của TQ đã hết hạn hôm 01/08

Tin cho hay thêm 13 ngư dân thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bị Trung Quốc bắt giữ khi tránh bão tại Hoàng Sa.

Văn phòng UBND huyện xác nhận với BBC rằng ngư dân của họ mới bị Trung Quốc giữ.

Trong khi đó, 12 ngư dân khác vẫn đang bị giam hơn một tháng rưỡi nay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Được biết, số 13 ngư dân mới bị bắt thuộc tàu cá số hiệu QNg 95031 TS, chủ tàu là ông Nguyễn Tấn Lự, người xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Các ngư dân làm nghề lặn, trong số đó có một số ngư dân từ Nha Trang ra hành nghề.

Họ bị bắt giữ vào trưa ngày 01/08 khi cho tàu vào tránh bão tại quần đảo Hoàng Sa. Hiện 13 người này được tin là cũng đang bị giam trên đảo Phú Lâm, nhưng chưa có đòi hỏi gì từ phía Trung Quốc về tiền chuộc.

Giới chức Quảng Ngãi đã yêu cầu Bộ Ngoại giao can thiệp để đòi Trung Quốc trả tự do cho những người này.

Như vậy tới nay có 25 ngư dân Quảng Ngãi đang bị Trung Quốc giữ vì "vi phạm lãnh hải" của Trung Quốc.

Ngư dân Việt Nam nói họ chỉ hoạt động trong ngư trường truyền thống của mình.

Hôm 16/06, 37 người bị bắt lúc đầu nhưng 25 người đã được thả.

Trung Quốc đòi 210 nghìn nhân dân tệ, tức khoảng 30 nghìn đôla Mỹ, tiền chuộc cho 12 ngư dân còn lại.

Quan điểm chính thức của phía Việt Nam là xác định không nộp tiền phạt, vì điều đ́ó đồng nghĩa với thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Quan chức Việt Nam khẳng định việc đòi tự do cho ngư dân đang được tiến hành qua các kênh ngoại giao.

--------------------------------------------------------

source

BBC Vietnamese