Saturday 8 August 2009

Triển lãm về Văn hóa Công giáo


Triển lãm diễn ra ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Người cố vấn cho một triển lãm đặc biệt về văn hóa Công giáo nói sự kiện muốn chuyển tải thông điệp văn hóa Công giáo là "một phần của văn hóa Việt Nam".

Cuộc trưng bày về cuộc sống người Công giáo ra mắt ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tháng 12 năm ngoái và sẽ đóng cửa vào hôm 18.5.

Mang tên "Sống trong bí tích - văn hóa Công giáo đương đại Việt Nam", cuộc trưng bày là kết quả hợp tác và sưu tầm từ bốn năm qua giữa nhiều cá nhân và tổ chức trong ngoài nước.

Một người trong số đó là Giáo sư Nguyễn Văn Huy, cựu Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Nói chuyện với BBC, Giáo sư Huy cho hay ý tưởng trưng bày xuất phát từ thực tế là "đời sống bà con Công giáo rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam, nhưng cái mảng ấy chưa được nhìn nhận đầy đủ".

"Thông điệp của bảo tàng là văn hóa Công giáo là một phần của văn hóa Việt Nam. Đó là thực tế lịch sử."

Tìm hiểu

Người đến xem triển lãm có thể hiểu thêm về các nghi lễ liên quan đến những giai đoạn lớn của mỗi cuộc đời và các ngày lễ lớn trong năm của cộng đồng.

Ví dụ, triển lãm nói về việc giáo dục cho trẻ em trong cộng đồng Công giáo:

Thông điệp của bảo tàng là văn hóa Công giáo là một phần của văn hóa Việt Nam.

Nguyễn Văn Huy

"Để định hướng nếp sống và hướng dẫn trẻ em tham gia các nghi lễ tại nhà thờ, cộng đồng cử ra những người phụ trách thiếu nhi, được gọi là ông "trương", bà "trương" hay ông "quản", bà "quản" và giáo lý viên. Họ là những người tạo dấu ấn đậm nét về niềm tin tôn giáo cho thế hệ trẻ, và vì thế họ được cộng đồng coi trọng."

Trong gian phòng nói về hôn nhân và cuộc sống gia đình, triển lãm giải thích:

"Vì ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân trong Giáo hội và tầm quan trọng của hôn nhân trong một đời người, nên Hội thánh yêu cầu những người chuẩn bị lập gia đình phải học giáo lý hôn nhân trước khi làm lễ cưới. Người ngoài Công giáo muốn kết hôn với người có đạo thì phải nhập đạo hoặc phải cam kết thực hiện tinh thần của hôn nhân Công giáo."

Giải thích về lễ cưới, người đến xem được cho biết: "Trong đám cưới, quan trọng nhất là tổ chức thánh lễ ở nhà thờ, do linh mục hoặc phó tế chủ trì...Ở Hà Nội, đôi tân hôn còn dâng một cặp nến hồng, hoa, rượu, và bánh lễ, kết hợp với lễ vật trên bàn lễ để tạ ơn Thiên Chúa."

Những chi tiết như thế có thể không lạ với người theo Công giáo, nhưng người tổ chức triển lãm, khi nghiên cứu, nhận ra nhiều người ngoài đạo hiểu rất lơ mơ về niềm tin và văn hóa của người theo đạo.

Bà Trần Tuyết Nhung, Phó Giáo sư Lịch sử ở Đại học Toronto và là người tham gia vào dự án, nói với BBC:

"Đây là lần đầu tiên người Công giáo có cơ hội được trưng bày tại một địa điểm lớn, và trong suốt quá trình, nhóm triển lãm đã tìm cả lời khuyên và phê phán từ các nhóm Công giáo."

"Dù đây mới chỉ là một cách miêu tả, ít nhất nó thoát khỏi cách kể thường gặp về quan hệ giữa chủ nghĩa thực dân và Thiên Chúa giáo."

Dù đây mới chỉ là một cách miêu tả, ít nhất nó thoát khỏi cách kể thường gặp về quan hệ giữa chủ nghĩa thực dân và Thiên Chúa giáo.

Trần Tuyết Nhung

Ông Nguyễn Văn Huy tỏ ý tiếc là nội dung cuộc trưng bày cũng chỉ mới giới hạn chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ và Khu Bốn.

"Cuộc sống bà con ở miền Nam chưa được đề cập. Văn hóa Công giáo của bà con ở nước ngoài rất phong phú, nhưng chỉ mới có vài hiện vật, bài viết khơi gợi."

Hồi đầu năm, khi đến Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican, Đức Ông Pietro Parolin, cũng thăm cuộc triển lãm.

Thiên Chúa giáo vẫn là chủ đề gây tranh cãi đối với người Việt trong ngoài nước. Và về mặt chính trị, những diễn biến đòi đất từ một năm qua cũng khiến cho nhiều người trong chính quyền dè chừng tôn giáo này.

Tuy vậy, giáo sư Huy nói cuộc trưng bày được chính phủ Việt Nam ủng hộ và "không chịu sự kiểm duyệt".

Ông nói thêm: "Truyền thống của bảo tàng là chúng tôi làm gì, thì chúng tôi quyết định."

Cuộc trưng bày được thực hiện nhờ tài trợ của Quỹ Ford, tổ chức mới đây cho hay họ sẽ đóng cửa văn phòng ở Hà Nội và Moscow.

--------------------------------------------

source

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment