Wednesday 31 March 2010

Hoa Kỳ, Việt Nam ký thỏa thuận năng lượng hạt nhân


Việt Nam Cập nhật Thứ Ba, 30 tháng 3 2010

Hoa Kỳ, Việt Nam ký thỏa thuận năng lượng hạt nhân

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, nói ‘đây là thời khắc quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia’
Hình: ASSOCIATED PRESS

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, nói ‘đây là thời khắc quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia’


Hôm 30/3, đại diện hai nước đã ký một thỏa thuận được coi là có thể mở đường cho các công ty Hoa Kỳ giúp Việt Nam xây dựng các nhà máy hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao.

Thỏa thuận mới đề cập tới vấn đề an toàn hạt nhân cũng như các quan ngại về vấn đề phổ biến hạt nhân.

Theo hãng tin AP, tại lễ ký với ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak nói rằng ‘đây là thời khắc quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia’.

Trong khi đó, Thông Tấn Xã Việt Nam trích lời ông Tiến nói rằng ‘chủ trương nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đảm bảo an toàn, an ninh và chống phổ biến vũ khí hạt nhân’.

Ông Michalak cũng thông báo rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân do Tổng thống Barack Obama chủ trì tại Washington vào tháng tới.

Ông Michalak cho rằng, bản ghi nhớ lần này sẽ là cơ sở để tiến tới một cuộc đàm phán cấp chính phủ về vấn đề sử dụng hạt nhân cho mục đích hòa bình giữa hai nước.

Theo các thống kê, nhu cầu năng lượng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 16% một năm từ nay cho tới năm 2015.

Tin cho hay, Việt Nam cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân với Nga, Trung Quốc, Pháp, Nam Triều Tiên, Ấn Độ và Argentina.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã thông qua việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận.

Cũng trong năm 2009, Việt Nam đã ký một thỏa thuận với Nga, theo đó một công ty của nước này sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2014 và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Trong khi đó, AP trích lời ông Michalak cho biết phải mất sáu tháng tới một năm để hai bên thảo luận về các thỏa thuận sâu rộng hơn nhằm mở đường cho các công ty Hoa Kỳ tham gia vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam.

Nguồn: AP, VNA

source

VOA Vietnamese

Wednesday 24 March 2010

Tiếng kêu cứu từ thôn bản chịu đói suốt 10 tháng


Thứ Năm, 25/03/2010 - 10:50
Tuyên Quang:


(Dân trí) - Bố mẹ nhốt con trong nhà để đi tìm cái ăn, mấy ngày sau mới đưa được củ mài về, con đã lả gần chết. Đói, không có củ thì vặt tạm lá rừng, lá nào sâu ăn được mình cũng ăn được… Chuyện về cái đói ở Pác Củng kể cả ngày không hết.

Đã nhiều tháng nay, người dân thôn Pác Củng, xã Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang phải kéo nhau đổ dồn lên núi tìm củ mài, củ sắn, rau rừng để cầm cự với cái đói tấn công người dân suốt 10 tháng qua.

Đường vào thôn Pác Củng rất khó đi, thôn nằm lọt trong một thung lũng bốn bề là núi. (Ảnh: Thế Cường)

Cả thôn đói dài đói dạc

Thôn Pác Củng nằm giữa một thung lũng sâu và hẹp, bốn bên là núi cao chót vót. Ông Trần Văn Nên - Trưởng thôn Pác Củng - cho biết, trước đây toàn bộ người dân trong thôn sống du canh du cư, từ năm 1985 mới về định cư tại đây cho đến nay.

Cả thôn có 40 hộ dân thuộc hai dân tộc Sán Chỉ và Dao. Mỗi nhà trong thôn chỉ có một mảnh ruộng nhỏ. Nhưng vào những tháng giáp mưa, tìm khắp Pác Củng cũng không kiếm nổi một giọt nước để trồng trọt.

Chúng tôi vượt núi tìm đến Pác Củng, đi dọc con dốc dài, gập ghềnh, bắt gặp những đứa trẻ chừng 5, 6 tuổi đang lúi húi đào bới bên sườn rừng. “Bản tôi tính đến nay ít nhất cũng đã phải chịu đói 10 tháng rồi. Đói không phải là chỉ ăn cháo mà đến củ mài, củ sắn cũng không có mà ăn…”, trưởng thôn Nên lý giải.
Đám trẻ nhếch nhác, đờ đẫn chờ người lớn mang cái ăn về. (Ảnh: Thế Cường)

Hóa ra năm vừa rồi nước hiếm quá, lúa lại không được mùa, tháng 9 thu hoạch lúa mà tháng 10, hầu như cả bản đã phải lũ lượt kéo nhau lên rừng tìm củ, tìm rau sống qua ngày.

Chuyện về cái đói ở Pác Củng kể cả ngày không hết. Có nhà bố mẹ nhốt con trong nhà để đi tìm cái ăn, mấy ngày sau mới đưa được củ mài về, con đã lả gần chết. Hộ nào cũng đói, hộ nào cũng đi tìm củ mài, thế nên bây giờ đi bộ mấy cây số, tìm mỏi mắt may ra mới thấy cái ăn. Ông Nên bảo đói quá, không có củ thì vặt tạm lá rừng, lá nào sâu ăn được thì mình cũng ăn được.

Đi khắp Pác Củng đâu đâu cũng gặp cảnh người già và trẻ em ngồi tựa bậu cửa những ngôi nhà lụp xụp, đôi mắt đờ đẫn ngóng xa xôi chờ người thân mang cái ăn về.
Chị Bàn Thị Quản bên 4 đứa con đang chờ chồng đi vào rừng đào rau củ về ăn chống đói. (Ảnh: Thế Cường)

Chúng tôi đi qua nhà bà Lý Thị Lịch, gặp bà và con trai Bàn Văn Pú đang nướng một củ sắn. Bà Lịch bảo đã đi từ sáng khắp núi mới kiếm được củ sắn này, về nướng ăn tạm rồi hai mẹ con lại đi tìm tiếp.

Nhà bà Lịch có 5 người con thì 4 con gái đã lấy chồng hết, còn một cậu con trai. Bà bảo: “Đói thế này sắn không có ăn biết sống được không mà lấy vợ”.

Trưởng thôn Trần Văn Nên dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà tối om. Trong góc nhà, bốn đứa trẻ đang nhềnh nhệch khóc. Người mẹ trẻ tưởng như chỉ nhỉnh hơn đứa con lớn vài tuổi - chị Bàn Thị Quản - ngồi bất động ôm đứa con nhỏ mới vài tháng tuổi. Mấy ngày qua hai vợ chồng chị lăn lóc trên rừng mà không kiếm được cái gì ăn. Sáng sớm nay, chồng chị, anh Lý Văn Đoằn, đã phải mang gùi vượt đến một quả núi thật xa tìm củ. Chị Bàn và các con ở nhà, mong chờ vào những thứ anh sẽ mang về vào buổi tối.
Trưởng thôn Trần Văn Nên bên những củ sắn cuối cùng dùng cho 17 miệng ăn trong nhà. (Ảnh:Thế Cường)

Riêng gia đình trưởng thôn Trần Văn Nên cũng có 6 người con; nhưng hiện trong nhà anh có tới 17 khẩu. Cả 17 người ngày nào cũng túa đi khắp rừng núi tìm rau củ giữ mình qua cơn đói.

Tiếng kêu cứu từ bản đói

Thôn Pác Củng có trên dưới 30 em nhỏ. Ngay đầu thôn, một ngôi nhà sàn dựng tạm làm lớp học cho các em. Vào những ngày bình thường, các em sáng đến lớp, chiều đi đào củ trên rừng. Nhưng vào những ngày này các em bỏ cả học để đi kiếm cái ăn.

Trẻ ở đây chỉ học đến lớp 5 là hết. Mà may mắn lắm mới có em biết được một vài chữ. Thời tiết nơi đây cứ buổi sớm và chiều tối lại có sương xuống lạnh buốt nhưng đám trẻ chỉ phong phanh quần áo, thậm chí có trẻ còn không có quần áo mặc. Thế nên sách giáo khoa là điều không tưởng.

Vào Pác Củng không gặp những thiếu nữ xuân thì. Hỏi ra mới biết các cô gái ấy chính là các bà mẹ trẻ đang ẵm những đứa con nhỏ thẫn thờ chờ chồng mang cái ăn về. Những đứa bé được sinh ra tự nhiên như cỏ dại “đương nhiên” chịu đói từ trong bụng mẹ.
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nông và lá đơn kêu cứu gửi tới báo Dân trí. (Ảnh: Thế Cường)

Cách đây chừng 5 năm, ngay đến đường vào Pác Củng cũng không có. Năm 2006, nhờ một tổ chức nhân đạo, con đường mòn vào Pác Củng mới được mở. Khi những cơn đói đang chập chờn mỗi ngày, người dân Pác Củng không còn thời gian để mơ về ánh điện, trẻ con Pác Củng không dám nghĩ tới tương lai.

Trao đổi với PV Dân trí về tình trạng bi đát của người dân thôn Pác Củng, ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nông - xác nhận về cái đói mà người dân đang gánh chịu. Thay mặt 40 hộ bà con thôn Pác Củng, ông Quang viết thư kêu cứu gửi tới báo Dân trí: “Thôn Pác Củng là thôn có tỷ lệ 100% hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn. Mong muốn quý báo hỗ trợ giúp đỡ người dân nơi đây, được phần nào hay phần ấy…”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Thế Cường

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-386555/tieng-keu-cuu-tu-thon-ban-chiu-doi-suot-10-thang.htm

Wednesday 17 March 2010

Hội Địa lý Mỹ giải thích vụ bản đồ Hoàng Sa


Hội Địa lý Mỹ (NGS) vừa có phát ngôn chính thức liên quan tới vụ bản đồ có nội dung sai sự thật về quần đảo Hoàng Sa.

Sau khi các độc giả Việt Nam gửi thư, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam lên tiếng, Hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society) trả lời như sau:

"Nhằm mục tiêu thực hiện Chính sách mô tả bản đồ (Map Policy) một cách chính xác và nhất quán theo lịch sử 122 năm của NGS với tư cách là một tổ chức giáo dục khoa học hoạt động phi lợi nhuận, chúng tôi luôn cố gắng giữ lập trường phi chính trị, tham mưu ý kiến của các nguồn có thẩm quyền từ nhiều bên, và đi đến quyết định độc lập dựa trên các nghiên cứu mở rộng.

Mô tả ảnh.
Hội Địa lý Mỹ cho hay đã nhận được những lời than phiền về các bản đồ trong hệ thống Bản đồ Thế giới, "vốn có tỷ lệ nhỏ nên rất khó để đưa thêm vào thông tin chi tiết đối với một quần đảo nhỏ như Paracel".

Chúng tôi không có ý định giải quyết hoặc ủng hộ một bên nào liên quan tới các vùng lãnh thổ tranh chấp hoặc các tên gọi tranh chấp, nhưng chúng tôi theo đuổi chính sách mô tả hiện trạng (de facto policy), có nghĩa là, để miêu tả cho mọi người đọc hoặc người xem có thể tiếp nhận được một cách tốt nhất sự đánh giá của chúng tôi về hiện trạng của một vấn đề.

Đối với vấn đề quần đảo Paracel (tên truyền thống), Hội Địa lý quốc gia đã nhận thức rằng quần đảo này đã bị chiếm và quản lý bởi Chính phủ Trung Quốc từ năm 1974, và vì thế, Hội Địa lý quốc gia thừa nhận tên Trung Quốc là Xisha Qundao như là tên chính.

Điều này nhất quán với Chính sách bản đồ của chúng tôi. Ở các bản đồ khu vực và các bản đồ khác với tỷ lệ thích hợp, chúng tôi cũng đặc biệt định rõ tên Việt Nam là Hoàng Sa cùng với tên truyền thống là Paracel, kèm theo một ghi chú cho biết Trung Quốc đang chiếm đóng và kiểm soát quần đảo, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo.

Chúng tôi tin rằng đây là thực trạng hiện tại theo những gì chúng tôi biết được.

Thời gian gần đây, chúng tôi đã nhận được những lời than phiền về các bản đồ trong hệ thống Bản đồ Thế giới của chúng tôi, vốn có tỷ lệ nhỏ nên rất khó để đưa thêm vào thông tin chi tiết đối với một quần đảo nhỏ như Paracel.

Chúng tôi đã xem xét lại vấn đề một cách cẩn trọng và nhận ra rằng chỉ đơn giản sử dụng cái tên Trung Quốc kèm với chữ "China" để phụ chú mà không có sự giải thích thêm nào có thể dẫn tới việc hiểu sai và diễn dịch sai.

Trong tương lai, chúng tôi hoặc sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin kèm theo trên các bản đồ khác như đã đề cập ở trên, hoặc chúng tôi sẽ không chú thích thêm. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ giúp làm sáng tỏ hơn tình hình hiện tại vốn đã được sử dụng trong các bản đồ khác với tỷ lệ lớn hơn của chúng tôi".

source

http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201003/Hoi-dia-ly-My-giai-thich-ve-vu-ban-do-Hoang-Sa-899406/

Saturday 13 March 2010

Phút hoảng loạn giữa biển của ngư dân bị tàu lạ đâm chìm thuyền



"Anh em đang ngủ say thì bất ngờ choàng tỉnh vì tiếng ầm của âm thanh va chạm, nhìn ra thì thấy một chiếc tàu cỡ lớn rọi đèn pha siêu áp đang bỏ đi. 5 phút sau thuyền chúng tôi chìm", thuyền trưởng Dương Thành Phú kể.
> Tàu lạ đâm chìm thuyền cá, 17 ngư dân thoát chết

Hơn 1 giờ sáng ngày 9/3, thuyền đánh cá của ông Dương Thành Phú với 17 ngư dân, khi neo đậu ở phía đông nam quần đảo Hoàng Sa sau một ngày tung lưới, bất ngờ bị một tàu lạ đâm vào.

“Cứu cứu, tàu chúng tôi bị chìm rồi!", các ngư dân thất thanh la lớn trong cơn hoảng loạn rồi bất lực nhìn chiếc thuyền đang chìm nhanh xuống biển, theo lời kể của thuyền trưởng Phú. Một số người hoảng loạn phi thẳng xuống con sóng đen ngòm để cố thoát thân. Trong khi đó chiếc tàu đâm vào đã tăng tốc rồi khuất dạng trong màn đêm, khiến những ngư dân không thể nhận ra cờ hiệu riêng.

Theo ông Phú, trong vòng chưa đầy năm phút sau cú va chạm, 2/3 phía trước thuyền bị vỡ toang, sau đó chìm nhanh xuống biển. "Trong lúc nhiều ngư dân lao mình xuống biển, tôi còn giữ được bình tĩnh cùng những người còn lại khiêng ném hai thuyền thúng xuống biển để cứu anh em, may mắn mọi người còn đủ cả, chỉ vài người bị thương nhẹ", viên thuyền trưởng nhớ lại.

Còn may hơn nữa, khi tàu đánh cá của anh Nguyễn Thanh Tuấn quê ở thôn Gành Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đánh bắt gần đó kịp thời chạy đến, cứu sống 17 ngư dân đang chống chếnh trên chiếc thuyền thúng bé nhỏ bị nhồi bởi những con sóng lớn. Chiều 12/3, những ngư dân này đã về đến nhà an toàn, song phải đối mặt với nhiều khó khăn khi toàn bộ ngư cụ, thiết bị, đã chìm theo con thuyền.

Tàu thuyền ngư dân đảo Lý Sơn với cờ Tổ Quốc. Ảnh: Trí Tín

Trao đổi với VnExpress.net sáng 13/3, những ngư dân trên chiếc thuyền bị đâm chìm còn nhớ như in hôm ra khơi hừng hực khí thế đúng vào mùng 9 Tết - ngày đầu năm đẹp nhất theo quan niệm tâm linh của cư dân miền biển. Ai cũng có tâm trạng phấn khởi, hy vọng xuất hành vào mùng 9 sẽ gặp nhiều may mắn, cá sẽ đầy khoang.

Trong chuyến ra khơi lần này, 17 ngư dân đã góp hơn 200 triệu đồng để mua dầu, lương thực, đá lạnh, thẳng hướng ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt thủy sản. Ngư dân Dương Quang Lên cho biết: “Nghĩ xuất hành ra quân đánh bắt vào ngày đẹp đầu năm trở về sẽ bội thu. Ai ngờ lại tay trắng, thảm hại như thế này. May mà còn sống sót trở về với vợ, con, nhìn thấy vợ con chạy ra bến reo mừng tui còn sống mà trong lòng tan nát”.

Mất tất cả từ chuyến ra khơi đầu năm, thành quả suốt ba tuần cật lực lao động trên biển bỗng chốc tan thành bọt sóng, ông Phú ngồi nhẩm tính: “Tàu 420 mã lực cùng phương tiện, thiết bị: máy dò, bộ đàm, Icom, ngư lưới cụ do hơn 10 gia đình góp vốn đóng, cùng 13 tấn cá đỏ vừa đánh bắt được, khoảng 5.000 lít dầu diesel còn lại, lương thực, thực phẩm... bỗng chốc chìm xuống biển, ước tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng”.

Trong số 17 ngư dân đi trên chiếc tàu gặp nạn này, hoàn cảnh của anh Phùng Văn Tâm (39 tuổi) là ngặt nghèo nhất. Bệnh tim của anh khiến kinh tế gia đình kiệt quệ, bao nhiêu tài sản giá trị trong nhà lần lượt “đội nón” ra đi. Sau khi được nhà nước hỗ trợ tiền chữa, bệnh có thuyên giảm, anh Tâm vay mượn bà con lối xóm góp vốn lên tàu ông Phú ra khơi.

“Ngỡ chuyến biển này trở về có chút tiền trả nợ và trang trải sinh hoạt cho vợ, con. Ai ngờ tàu chìm, bao nhiêu cá đánh bắt được ngậm ngùi “trả” lại cho biển. Thôi thì về nhà xin làm thuê cho những tàu cá gần bờ gom góp tiền thời gian đầu, sau đó tính tiếp”, anh Tâm buồn bã tâm sự.

Những ngư dân bị thương nặng trong vụ tàu bị đâm chìm hồi tháng 7/2009. Ảnh: Trí Tín

Ngày 13/3, chính quyền địa phương huyện đảo Lý Sơn đã đến thăm hỏi, động viên 17 gia đình ngư dân gặp nạn. Ông Nguyễn Dự, Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: “Xã đã báo cáo huyện, tỉnh về vụ việc tàu cá ngư dân Lý Sơn bị tàu lạ đâm chìm; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp can thiệp bảo vệ quyền lợi cho ngư dân và có phương án hỗ trợ giúp ngư dân gặp nạn vượt qua khó khăn trước mắt”.

Còn đại tá Bùi Phụ Phú, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết, đã chỉ đạo Đồn 328 huyện đảo Lý Sơn tổng hợp thông tin để báo cáo tỉnh, có hướng hỗ trợ cho các ngư dân gặp nạn tại vùng biển Hoàng Sa vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Giữa tháng 7 năm ngoái, tàu cá của ông Đặng Nam ở Quảng Ngãi đang đánh bắt trên vùng biển giữa Quy Nhơn và Phú Yên, cách đất liền khoảng 200 km, cũng bị một tàu lạ đâm chìm.

Trí Tín

source

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/03/3BA19A3A/

Thursday 11 March 2010

Kiệt sức với bữa ăn 5.000 đồng


Chính trị - Xã hội

Thứ Sáu, 12/03/2010, 07:40 (GMT+7)


TT - Một cuộc khảo sát ở Bình Dương cho thấy bữa ăn của công nhân tại chỗ làm chỉ đáng giá 5000 đồng dù công ty chi cần gấp đôi. Bữa ăn thiếu cả rau, chất béo và đạm. Đã vậy. lúc ở nhà công nhân cũng chỉ đủ tiền nấu hoặc mua bữa ăn đạm bạc như ở công ty.

Suất ăn của công nhân được các công ty chi 8.000-10.000 đồng nhưng nhiều nơi khi qua nhà thầu và các chi phí trung gian nên công nhân chỉ được ăn 4.000-5.000 đồng. Chất lượng bữa ăn rất nghèo nàn, ngay cả rau xanh cũng không đủ, đó là kết quả khảo sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương.

Công nhân mua một gói xôi đậu lót dạ trước khi vào làm - Ảnh: Nguyễn Nam

Khảo sát cho thấy chất lượng dinh dưỡng của mỗi khẩu phần ăn không đủ tái tạo sức lao động, trong khi đó công nhân phải thường xuyên tăng ca.

Cơm công nhân ngày càng đạm bạc

Chiều 11-3, ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương, cho rằng: “Hiện nay vấn đề chất lượng đối với khẩu phần ăn cho công nhân đang ở mức báo động. Qua nhiều năm theo đoàn giám sát của Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tôi thấy suất ăn của công nhân hiện nay rất nghèo nàn. Nhiều công ty có suất ăn 8.000 đồng nhưng khi nhà bếp chi tiền nhân công, tiền hoa hồng... thì suất ăn chỉ còn dưới 5.000 đồng. Trong khi đó, công nhân một ngày đâu chỉ làm việc tám giờ mà còn thường xuyên tăng ca. Suất ăn không đủ chất dẫn đến công nhân không đủ sức làm việc”.

Gần 59%

Là tỉ lệ cơ sở cung cấp khẩu phần ăn chưa hợp lý như khuyến nghị quốc gia về dinh dưỡng. Đây là kết quả khảo sát tại 58 cơ sở của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương. Trong đó, thiếu năng lượng có 16 cơ sở, thiếu đạm có 9 cơ sở, thiếu béo có 9 cơ sở và 100% cơ sở thiếu rau xanh, củ quả trong khẩu phần ăn...

Theo ông Sơn, Bình Dương hiện có khoảng 500.000 công nhân, nếu vấn đề về sức khỏe của công nhân không được quan tâm, kiểm soát đúng mức sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ đáng lo ngại.

Giá tiền một suất ăn của công nhân phải chịu chi phối của các khoản như thuế VAT, nhân công, vận chuyển, bảo hiểm... Điều đáng nói là nhà ăn còn bớt xén do phải chi hoa hồng giao tiếp (chi phần trăm trên khẩu phần ăn của công nhân) cho người trong công ty để có hợp đồng cung cấp suất ăn.

Kết quả khảo sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương cho thấy có tới 65,52% cơ sở phải chi hoa hồng kiểu này.

Giá nấu ăn vào thời điểm khảo sát trung bình là 9.400 đồng/suất, tuy nhiên có tới 91,38% cơ sở cho rằng có thể nhận nấu ăn với mức 7.000-8.000 đồng/suất trong thời điểm hiện tại nhưng không đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Cũng theo khảo sát này, trên thực tế một số cơ sở hiện nay chỉ nấu ăn với giá 4.000-6.000 đồng/suất, không đảm bảo dinh dưỡng cho công nhân.

Một bữa ăn của công nhân tại nhà trọ - Ảnh: Ngân Hà

Có nơi chỉ còn ăn 4.000-5.000 đồng/bữa

Đợt khảo sát cho thấy với tình hình cung cấp suất ăn như hiện nay, số cơ sở cung cấp thức ăn thiếu đạm sẽ không dừng ở mức 15,52%. Vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn cũng rất thấp nên nguy cơ thiếu chất này ở công nhân rất cao.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương, đa số cơ sở nấu ăn cho công nhân đều mua thịt có nguồn gốc thịt đông lạnh nhập khẩu. Trong khi đó, hơn một nửa số cơ sở thực hiện chế độ lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định, chiếm 58,6%. Vấn đề này sẽ gây khó khăn cho việc tìm nguyên nhân phục vụ công tác điều tra và xử lý ngộ độc thực phẩm nếu xảy ra. Theo một cán bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, điều đáng chú ý là rất nhiều doanh nghiệp thiếu hẳn rau xanh.

Mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương vừa có buổi làm việc với Công ty TNHH Green River Wood and Lumber (xã An Phú, Thuận An) để giải quyết kiến nghị của hàng trăm công nhân liên quan đến chất lượng bữa ăn. Công nhân phản ảnh mỗi bữa ăn được chi 8.000 đồng/người. Tuy nhiên, công ty đã tổ chức cho người ở ngoài đấu thầu nấu ăn, do đó thực chất mỗi bữa ăn của công nhân chỉ còn 4.000-5.000 đồng/người. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, nhà thầu cho biết họ phải chi 10% tiền thuế, tiền công phục vụ, vận chuyển, tiền lãi...

Theo ông Nguyễn Văn Khương - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đang chi tiền ăn cho công nhân dưới 10.000 đồng/bữa, có doanh nghiệp chỉ chi 6.000 đồng/bữa. Điều đáng nói là từ sau tết, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm có xu hướng tiếp tục tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống của công nhân.

ANH THOA

No bụng nhưng thiếu chất

Bữa ăn ở công ty thì đáng báo động về chất lượng, còn bữa cơm ở nhà trọ của công nhân cũng không khá hơn. Họ thường chọn mua các thực phẩm rẻ tiền ở các chợ tạm về chế biến.

Công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM) mua cá khô về ăn tối - Ảnh: MAI VINH

Nguyên nhân chính vì lương thấp, giá sinh hoạt tăng khiến công nhân tìm đủ mọi cách tính toán và cách chủ yếu là hạn chế chi tiêu trong ăn uống hằng ngày.

Ngán cơm công ty

Đang giờ ăn cơm giữa ca tại Công ty F (Khu chế xuất Linh Trung 1, Q.Thủ Đức, TP.HCM) thì một nữ công nhân ngất xỉu. Các công nhân bên cạnh vội vàng bế nữ công nhân này xuống phòng y tế. “Xỉu là bình thường. Có nhiều người sáng chưa ăn uống gì đã vào làm thì chịu sao nổi” - một công nhân tên Đông nói.

Nhiều công nhân suy nghĩ sáng chỉ cần ăn qua loa, vào làm việc đến giữa ca ăn cơm công ty cho “cứng bụng”, tiết kiệm được tiền. Nhưng trên thực tế, bữa cơm giữa ca của nhiều công ty tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM hiện nay không phải là dễ nuốt.

Bác sĩ Lê Thị Kim Quý, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết nếu không nạp đủ các chất cơ bản như tinh bột, đạm và béo thì người lao động sẽ không đủ sức làm việc. Cơ thể cũng không hấp thụ được các chất vitamin khác, gây nên tình trạng suy nhược sức khỏe về lâu dài.

Theo các khảo sát, công nhân còn có thói quen hay ăn mặn để tiết kiệm tiền mua thức ăn, ăn được nhiều cơm cho no bụng nhưng lại không đủ chất dinh dưỡng để tái tạo sức lao động.

Theo khảo sát của chúng tôi, khẩu phần ăn của công nhân hiện nay chỉ khoảng 7.000 đồng, công ty nào “chịu chơi” cũng chỉ 10.000 đồng là đụng trần. Đó là chưa kể những hao hụt từ quy trình mua thức ăn, chế biến... để ra một phần ăn. Một cán bộ thuộc

Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết qua các cuộc khảo sát, tuy khẩu phần ăn cho mỗi công nhân là 7.000-8.000 đồng nhưng thực tế khi đến với công nhân chỉ còn 3.000-4.000 đồng. Đó là chưa tính đến các yếu tố khác như điều kiện nấu nướng, vệ sinh... góp phần làm giảm chất lượng bữa ăn của công nhân.

Anh Nguyễn Công Hà, công nhân Công ty C (Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương), cho hay: “Mỗi bữa ăn công ty cho 8.000 đồng, do giá cả tăng nên đĩa cơm chỉ có mấy cọng rau, vài miếng thịt mỡ ăn cho qua bữa chứ nói gì đến chất lượng”. Anh N.T., một nhân viên bếp ăn làm việc lâu năm tại Công ty F, thừa nhận với 7.000 đồng trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay thì rất khó nấu được một bữa ăn đảm bảo chất dinh dưỡng cho công nhân.

Cơm nhà không khá hơn

Tại khu trọ gần khu chợ tạm, đối diện Khu chế xuất Linh Trung 1, mới hơn 5 giờ sáng công nhân đã lục tục thức dậy chuẩn bị bữa ăn. Người thì ăn mì gói với rau, người chiên cơm nguội ban tối còn lại, có phòng nấu một nồi cơm rồi chế hai gói mì làm canh cho bốn người ăn.

Trên khu vực vành đai cầu vượt Linh Xuân kéo dài đến cổng Khu chế xuất Linh Trung 1, mỗi buổi sáng đều tấp nập những người bán thức ăn nhanh cho công nhân. Công nhân nào chi mạnh tay hơn thì ăn xôi chả 5.000 đồng, ai muốn rẻ thì có ngay xôi đậu 2.000 đồng. Các món khác như bắp, bịch sữa đậu nành, bánh bột chiên... giá từ 1.500-2.000 đồng được nhiều công nhân chọn mua. Nhiều công nhân sợ trễ giờ làm vừa đi vừa cầm bắp, xôi ăn ngấu nghiến. Có người chỉ uống bịch sữa đậu nành cầm hơi để vào làm. Đó là chưa kể có nhiều công nhân vào xưởng với cái bụng rỗng không. “Làm đến trưa là ăn giữa ca nên buổi sáng ăn gì mà chẳng được. Mua như thế này vừa tiện mà rẻ nữa” - một công nhân mua xôi cho hay.

“Điện ba ngàn, nước vừa tăng thêm hai ngàn nữa thành mười ngàn, chưa tính đến phòng trọ vừa tăng giá thêm năm mươi ngàn nữa. Đồ ăn thức uống ngoài chợ sau tết lại tăng nên phải tính dữ lắm” - Phương Dung, công nhân thuộc Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), than thở. Buổi chiều Dung ra khu chợ gần Khu chế xuất Tân Thuận mua thức ăn về nấu cho cả phòng. Dung mua ba trái cà chua 6.000 đồng, con cá điêu hồng 17.000 đồng và 3.000 đồng rau muống thái sẵn. Vậy là xong thức ăn cho bốn người. Tính cả tiền mua gia vị, gạo và gas thì một bữa ăn tại phòng trọ của Dung, mỗi công nhân chi trung bình khoảng 8.000 đồng.

NGUYỄN NAM - ANH THOA

source
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=367829&ChannelID=3

Thursday 4 March 2010

Công an TP Buôn Ma Thuột nói gì về "Vụ chó cắn chết người"?


Pháp luật

Thứ Bảy, 06/03/2010, 08:16 (GMT+7)


* Chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh xem xét hồ sơ
* Gia đình nạn nhân được luật sư tư vấn pháp lý miễn phí

TT - Để làm rõ những thông tin còn khác nhau giữa kết luận của cơ quan điều tra và lời khai của các nhân chứng trong vụ chó cắn chết bà Phạm Thị Ngắn, chúng tôi đã trao đổi với trung tá Trần Đức Thịnh - phó trưởng công an, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Cảnh sát leo lên cây để thực nghiệm hiện trường - Ảnh: Thái Bá Dũng

* CSĐT đã dựa trên những căn cứ nào để đi đến kết luận không khởi tố vụ án hình sự?

- Lời khai của hai nhân chứng trực tiếp là chị Điệp và chị Trâm trước và sau có mâu thuẫn, nhất là về khoảng cách. Ví dụ trong lời khai ban đầu chị Điệp nói khoảng cách từ chỗ chị đến cây dừa nơi anh Sơn đứng chỉ có 20m, chị Trâm nói 60m. Tình tiết thứ hai là chị Điệp nói rằng khi gọi anh Sơn thì anh Sơn vào và thấy chó cắn bà Ngắn cũng không đúng thực tế.

Gia đình nạn nhân được luật sư tư vấn pháp lý miễn phí

Luật sư Tạ Quang Tòng, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk, cho biết đã tiếp anh Nguyễn Văn Khôi (con trai bà Phạm Thị Ngắn) tại Câu lạc bộ thông tin và tư vấn pháp lý (Nhà Văn hóa & thông tin Đắk Lắk) để tư vấn miễn phí về pháp lý. Luật sư Tòng cho biết: “Anh Khôi đã đến tìm chúng tôi để xin được tư vấn những bước tiếp theo của vụ việc như gửi đơn đến đâu, như thế nào... Bước đầu chúng tôi đã hướng dẫn anh Khôi làm các thủ tục và làm đơn gửi đến những cơ quan theo đúng luật định”.

* Thực tế như thế nào, thưa ông?

- Thực tế không đúng như thế. Thực tế mà chúng tôi xác định là khi nghe tiếng kêu, anh Sơn đi vào và nhìn thấy chị Điệp đang ở trên cây, anh Sơn có nói câu: “Ai nhủ vào đây cho cắn?”, lúc đó bà Ngắn đã bị chó kéo đi mười mấy mét và đã chết, cơ thể không còn nguyên vẹn. Tức khi anh Sơn thấy thì bà Ngắn đã chết, chứ không phải như lời khai rằng anh Sơn nói như thế xong rồi bỏ đi cho chó cắn bà Ngắn chết.

Thực tế thứ hai là khoảng cách giữa chị Điệp và chị Trâm đến chỗ anh Sơn đứng như lời khai là không đúng, không phải vài chục mét mà lên đến 248m. Khi tiến hành thực nghiệm hiện trường để xác định khoảng cách thực tế và tầm nghe, từ chỗ cây sầu riêng chị Điệp trèo lên không nhìn thấy người đứng ở gốc dừa vì bị những cây cà phê che phủ, còn từ chỗ cây keo nơi chị Trâm trèo tuy xa hơn nhưng vì trống trải hơn nên nhìn thấy người đứng chỗ cây dừa, song không thấy rõ là ai.

* Thực nghiệm tại hiện trường từ chỗ chị Điệp không nhìn thấy người đứng ở gốc dừa nhưng tiếng kêu cứu thì người đứng ở gốc dừa có nghe thấy không?

- Có nghe nhưng nghe không rõ, chỉ nghe tiếng “anh ơi!”, còn những tiếng sau đó thì không nghe và cũng không biết tiếng kêu phát ra từ đâu.

* Biên bản thực nghiệm hiện trường không có chữ ký của nhân chứng và những người dân có mặt. Lý do từ chối ký vào biên bản được những người này giải thích với báo chí là vì biên bản thực nghiệm không thể hiện đúng thực tế hiện trường, cụ thể họ nghe rất rõ tiếng kêu cứu nhưng biên bản ghi là không nghe. Vấn đề này được đánh giá thế nào?

- Chúng tôi thực nghiệm hiện trường với sự tham gia của nhiều cơ quan chứ không phải riêng cơ quan chúng tôi hay cá nhân cán bộ điều tra làm, mà có sự chứng kiến của đại diện viện kiểm sát, chính quyền địa phương. Kết quả biên bản ghi nhận là khách quan, còn nhân chứng và người dân trình bày thế nào là quyền của họ. Họ có thể nói rằng họ nghe thấy hoặc nhìn thấy, nhưng thực tế người của chúng tôi đưa ra thì không nghe thấy.

Ông Trần Đức Thịnh - Ảnh: T.B.Dũng

* Phóng viên Tuổi Trẻ và các báo có mặt ở buổi thực nghiệm đó cũng như người dân chứng kiến hôm đó nghe tiếng kêu cứu rất rõ, thưa ông?

- Nếu là người có chú tâm thì nghe thấy, chứ bình thường người không biết có sự việc xảy ra và không chú tâm thì không thể nghe thấy. Không có nghĩa có kêu là bắt buộc người ta phải nghe, không thể suy diễn như thế được. Và thực tế hôm đó không phải anh Sơn đứng đó mà anh Phương đứng đó.

* Vậy người đứng ở gốc dừa hôm xảy ra vụ việc CSĐT xác định là ông Phương?

- Là anh Phương, là người cho anh Sơn mượn xe, anh Phương đứng câu cá ở đó. Khi ghi lời khai thì anh Phương nói rằng không nghe tiếng kêu cứu.

* Khi điều tra, CSĐT có cho đối chất giữa hai nhân chứng là chị Điệp và chị Trâm với ông Sơn?

- Không, trong trường hợp này không cần thiết phải đối chất. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch đối chất nhưng khi lấy lời khai của chị Điệp và chị Trâm, cộng với thực nghiệm hiện trường thấy có mâu thuẫn nên chúng tôi không cho đối chất.

* Vì sao ông Sơn không có mặt ở buổi thực nghiệm hiện trường?

- Việc anh Sơn có mặt tại hiện trường là không cần thiết, vì nếu đưa anh Sơn đến đó để thực nghiệm thì mặc nhiên sẽ tạo cho người ta cách hiểu rằng hôm đó anh Sơn đứng ở gốc dừa. Và nếu cho anh Sơn đứng ngay gốc dừa thì có nhắm mắt người ta cũng chỉ ra đó là anh Sơn, vậy thì sao khách quan được. Tâm lý người dân là muốn anh Sơn đứng đó để đối chất, nhưng lúc cao trào như vậy thì làm sao cho anh Sơn đứng đó được. Chúng tôi đã lấy lời khai của những người liên quan để xác định lúc xảy ra vụ việc anh Sơn đã làm gì, đi đâu, lúc mấy giờ, ai nhìn thấy... nên mới kết luận được anh Sơn không nhìn thấy lúc chó cắn bà Ngắn.

* Việc gia đình ông Thành nuôi và chăn thả chó dẫn đến chết người như vậy có phải chịu trách nhiệm hành chính, có vi phạm các quy định hiện hành không?

- Nếu họ nuôi chó mà thả rông ngoài đường, không bịt mõm rồi cắn làm lây bệnh dại, gây thương tích hoặc chết người thì có dấu hiệu phạm tội. Còn ở đây người ta nuôi trong khu vực vườn rẫy nhà người ta và nếu tôi không nhầm thì chưa thấy có văn bản nào quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc này.

* Một số luật sư cho rằng dù không cố ý, không mong muốn sự việc xảy ra thì chủ nuôi chó trong trường hợp này vẫn có dấu hiệu phạm tội “vô ý gây chết người”. Quan điểm của CSĐT như thế nào?

- Đó là suy diễn, làm gì có chuyện vô ý làm chết người! Trong việc này không thể nói là vô ý làm chết người được. Chúng tôi xác định hai việc: ở đây không có chuyện cố tình không cứu giúp người trong điều kiện có thể cứu giúp và không có chuyện vô ý làm chết người.

Chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh xem xét hồ sơ

Chiều 5-3, thượng tá Đoàn Quốc Thư - chánh văn phòng, người phát ngôn của Công an tỉnh Đắk Lắk - cho biết giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo cơ quan CSĐT cấp tỉnh xem xét hồ sơ vụ chó cắn chết người tại xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột).

Ông Thư cho biết thêm: “Giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo Công an TP Buôn Ma Thuột phải hết sức cầu thị, xem xét những chi tiết mà báo chí nêu xem trong quá trình điều tra có điều gì sai sót. Nếu có việc để xảy ra sai sót, lọt người lọt tội cần phải sửa sai, điều tra lại. Nhưng cho đến giờ báo cáo của Công an TP Buôn Ma Thuột là kết quả điều tra không có sai sót”. Theo ông Thư, ngay cả trường hợp Viện KSND TP Buôn Ma Thuột đồng tình với kết luận điều tra của Công an TP Buôn Ma Thuột, nhưng trong quá trình xem xét lại hồ sơ cơ quan điều tra cấp tỉnh phát hiện sai sót thì sẽ kiến nghị Viện KSND tỉnh xem xét lại.

Hỏi về chi tiết nhân chứng và người dân chứng kiến buổi thực nghiệm hiện trường không ký tên vào biên bản, ông Thư cho biết báo cáo của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột nêu lý do là “người dân sợ gì đó nên không ký”. “Hôm thực nghiệm hiện trường có đại diện của Viện KSND TP Buôn Ma Thuột giám sát những việc đó và có trách nhiệm báo cáo những việc đó với lãnh đạo viện. Anh giám sát ở đó mà đồng tình với những việc đó thì đúng hay sai anh phải chịu trách nhiệm” - ông Thư cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Nam - phó viện trưởng Viện KSND TP Buôn Ma Thuột - cho biết kiểm sát viên được phân công tham gia giám sát buổi thực nghiệm hiện trường có báo cáo tình tiết nhân chứng và người dân chứng kiến không ký vào biên bản nhưng không báo lý do vì sao.

Trong khi đó có mặt tại buổi thực nghiệm, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận nhân chứng và người dân không đồng ý ký vào biên bản vì cho rằng các điều tra viên đã viết thiếu nhiều chi tiết và có nhiều chi tiết không đúng thực tế thực nghiệm.

Ông Nguyễn Hồng Nam cho biết đã mời hai nhân chứng Giang Thị Bích Điệp và Nguyễn Thị Thanh Trâm đến làm việc để làm rõ thêm các lời khai của hai nhân chứng này nhưng chưa thấy hai nhân chứng đến làm việc.

Giải thích lý do không có mặt tại Viện KSND TP Buôn Ma Thuột, chị Nguyễn Thị Thanh Trâm cho biết: “Gia đình sợ không an toàn cho em khi đi ra ngoài nên không đồng ý cho đi”. Bà Lê Thị Kim Loan - mẹ chị Trâm - giải thích thêm: “Sau khi xảy ra vụ việc, bây giờ gia đình tôi không dám cho con đi xa như thế, ngộ nhỡ có người thù ghét đón đường làm hại thì sao?”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Kiệm - mẹ chị Giang Thị Bích Điệp - cho biết chị Điệp cũng mới nhận được thư mời nhưng vì có con nhỏ và gia đình cũng lo ngại không an toàn nên không để chị đến làm việc theo thư mời.

Khi phóng viên Tuổi Trẻ liên lạc trở lại qua điện thoại chiều 4-3, ông Nguyễn Hồng Nam cho biết mẹ của hai nhân chứng Điệp và Trâm đã đến viện để thông báo lý do vì sao hai nhân chứng không có mặt. Họ yêu cầu viện kiểm sát muốn lấy lời khai thì xin mời vào nhà, cho dù phải làm việc mấy ngày cũng được. Chiều 5-3, ông Nam cho biết do đã cuối tuần nên việc tiếp xúc nhân chứng sẽ diễn ra vào tuần sau.

N.Triều - T.Tân

NGUYỄN TRIỀU - TRUNG TÂN thực hiện

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=366740&ChannelID=6