Wednesday 23 September 2009

Bước Tiến Mới Trong Vấn Đề Da Cam



09-0913-04-Defoliation.jpgĐức Hà
OneViet.com

Bước khai thông tích cực trong việc giải quyết những tồn tại của chiến tranh đã diễn ra tại Hà Nội tuần này khi hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam ngồi vào bàn thảo luận trong nỗ lực khắc phục hậu quả của Chất Da Cam.
Trong phiên họp thứ tư kéo dài trong ba ngày của Ủy Ban Cố Vấn Hỗn Hợp - Joint Advisory Committee (JAC) diễn ra thứ Ba vừa qua, Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ nhanh chóng tài trợ các dự án y tế và tẩy rửa các vùng đất bị chất khai quang gây ô nhiễm nặng.
Trong thời gian từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 20 triệu gallons chất diệt cỏ ở miền nam Việt Nam - trong đó 12 triệu gallons là một loại hóa chất chứa trong thùng có kẻ vạch màu cam, với mục đích khai quang các khu rừng rậm rạp và giải tỏa các vùng đất quanh các căn cứ quân sự. Hóa chất dioxin với những tác hại lâu dài trên con người và cả môi sinh, vẫn được xem như vướng mắt cuối cùng đè nặng lên mối quan hệ giữa hai nước cựu thù được bình thường hóa kể từ năm 1995.
Lên tiếng tại buổi họp, ông Lại Minh Hiền, thuộc Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về khắc phục hậu quả Chất Da Cam/dioxin tại Việt Nam nói rằng Việt Nam đặt mốc thời gian 2015 để hoàn tất công tác đánh giá hậu quả của Chất Da Cam/dioxin, bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam cho hay. Theo kế hoạch hành động, Việt Nam sẽ nỗ lực khoanh vùng và xác định diện tích bị nhiễm độc nặng cần tẩy rửa, đồng thời làm thống kê đầy đủ về lượng người trên toàn quốc có tiếp xúc với hóa chất, dự trù trong thời gian từ 2011 đến 2012.

Trong quá khứ phía Việt nam vẫn thường đưa con số từ 3 đến 4.8 triệu người có tiếp xúc với Agent Orange, đưa đến 400,000 tử vong và tật nguyền, cùng nửa triệu trẻ sinh dị dạng. Trong cuộc phỏng vấn dành cho dành cho BBC nhân Ngày Da Cam Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Y Khoa Đại Học Sidney, cho biết các khoa học gia đại học Columbia Mỹ ước tính vào khoảng 3 triệu người bị phơi nhiễm, còn nạn nhân thì cần phải xác định nồng độ dioxin và mối liên hệ với các bệnh tật mới có thể kết luận cụ thể.
Mặt khác, các cựu chiến binh Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, kể cả Nam Hàn đều được công ty Dow Chemical, Monsanto và Diamond Shamrock bồi thường qua hòa giải ngoài tòa trong khi các đơn kiện từ phía Việt Nam đều bị bác vì theo tòa hóa chất được dùng để diệt cây cỏ chứ không chủ đích nhắm vào người do đó không vi phạm luật quốc tế về vũ khí hóa học.

Tẩy Rửa

Cho đến nay công tác tẩy rửa được chú trọng vào khu vực quanh sân bay Đà Nẵng, nơi quân đội Mỹ đã tồn trữ, pha chế và chuyển lên máy bay chất khai quang để rải vùng miền trung Việt Nam. Hai phía đã đạt được những bước đầu trong việc tạm thời kiểm soát được chất dioxin. Kế tiếp là tìm cách loại ra khỏi lòng đất. Ước tính chi phí để rửa sạch ba khu vực “nóng” được xem là ô nhiễm nặng nhất là vùng sân bay Đà Năng, Phù Cát và Biên Hòa lên đến 58 triệu đô-la. Cho đến nay chính phủ Mỹ đã dành riêng một ngân khoản lên đến 8 triệu đô-la để chi dùng vào việc khắc phục hậu quả của tác nhân Da Cam.
Tuy vậy, không chỉ Washington, nhiều tổ chức nhân đạo và quốc tế như Cộng Hòa Tiệp, UNDP, Anh, Pháp, Ái Nhĩ Lan, Hàn Quốc … cũng đóng góp vào công tác cứu trợ nhân đạo này. Tổ chức Ford Foundation, vừa tài trợ cho cuộc thảo luận bàn tròn về Chất Da Cam tại hội nghị thường niên các nhà báo Mỹ gốc Á tại Boston, đã đóng góp 11.5 triệu đô-la để làm công tác xét nghiệm mẫu đất bị nhiễm bẩn, cũng như triển khai các phương pháp điều trị, thành lập các trung tâm cứu trợ và giáo dục dành cho nạn nhân và những người bị phơi bày với hóa chất.
Cũng cần nhấn mạnh là hai phía Mỹ và Việt vẫn chưa thống nhất trong vấn đề xác định ai là nạn nhân của Chất Da Cam/dioxin. Việt Nam nói rằng dioxin là nguyên nhân gây nhiều bệnh như ung thư, tiểu đường, Chronic Lymphocytic Leukemia, Hodgkin’s disease, Multiple myeloma … và dị tật bẩm sinh cho dù cho đến nay vẫn không có bằng chứng khoa học cụ thể được quốc tế chấp nhận về mối liên kết hai vấn đề với nhau. Do đó qua nhiều phiên thảo luận, hai bên đã đưa đến việc thành lập JAC.

Ủy Ban Cố Vấn Hỗn Hợp

Theo thông cáo của Đại Sứ Quán Mỹ ở Hà Nội, JAC là diễn dàn song phương dành cho các cuộc đối thoại khoa học về Chất Da Cam/dioxin nhằm tăng cường sự hợp tác và phối hợp khoa học song phương về vấn đề sức khoẻ con người và ảnh hưởng môi trường của Chất Da Cam. Trên cơ sở đó, ủy ban JAC sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của hai chính phủ những khuyến nghị mang tính khoa học.
Thành viên JAC phía Hoa Kỳ gồm đại diện cơ quan Bảo Vệ Môi Trường EPA, Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh CDC, Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế USAID, Bộ Y Tế, Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao. Các thành viên phía Việt Nam gồm Uỷ Ban Chỉ đạo Quốc Gia 33, ủy ban điều phối chính sách về Chất Da Cam/dioxin, Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao, Bộ Y Tế và Viện Khoa Học Công Nghệ.
Các cuộc họp truớc tập trung vào các cuộc trao đổi kỹ thuật về những nghiên cứu y tế và môi trường. Hồi năm ngoái, JAC đã thiết lập các nhóm chuyên trách về y tế và môi trường để tiếp tục hợp tác. Cuộc họp JAC năm nay sẽ là dịp để bàn chi tiết về sự hợp tác song phương trong việc thực hiện các biện pháp về môi trường và y tế. Sau khi tham khảo với Việt Nam, vào tháng Mười năm 2008, USAID công bố khoản tài trợ trị giá 1 triệu đô la (trên tổng số ba triệu) cho ba đối tác tại Đà Nẵng để thực hiện các chương trình dành cho người khuyết tật. Từ đó, các đối tác đã tiến hành một số công việc quan trọng. Vào tháng Sáu, cơ quan EPA và Viện Khoa Học Công Nghệ Việt Nam đã đề xướng một dự án thí điểm tại sân bay Đà Nẵng nhằm thử nghiệm biện pháp khắc phục sinh học như một công nghệ có thể áp dụng để giải quyết sự ô nhiễm dioxin. Đầu năm nay, Quốc Hội Mỹ đã cấp thêm ba triệu đô-la để trợ giúp các hoạt động y tế và tẩy nhiễm dioxin. Khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các dự án về y tế và dự án dành cho người khuyết tật đang được thực hiện tại Đà Nẵng. Phát biểu tại phiên họp ở Hà Nội, Đại Sứ Mỹ Michael Michalak cho hay Hoa Kỳ đã khởi sự thực thi các dự án y tế phục vụ người khuyết tật gần sân bay Đà Nẵng. Ông nói:
“Chúng tôi không chỉ nói. Chúng tôi đã cùng nhau hợp tác trong các dự án cụ thể.”
Ông cho hay thêm rằng hai bên cần có thêm các nghiên cứu khoa học nhằm có thể đưa ra các quyết định về việc tẩy rửa chất dioxin và giải quyết những tác hại có thể có vào con người.
Đáp lại lời than phiền về việc Mỹ chậm tháo khoán các khoản tài trợ, ông Michalak giải thích rằng các gói thầu đang được triển khai và việc loan báo hợp đồng sẽ diễn ra nay mai với hai mục tiêu công tác là lượng định mức ô nhiễm môi trường và chuẩn bị thi công các phương pháp tẩy rửa.
Sau thời gian dài bất đồng quan điểm, Hoa Kỳ và Việt Nam đã khởi sự bàn thảo về hậu quả của hóa chất khai quang vào năm 2006 khi Tổng Thống George Bush viếng thăm chính thức Việt Nam.

*****************************

source

Oneviet

No comments:

Post a Comment