Thursday 9 July 2009

Đau đáu số phận người thân bị Trung Quốc bắt giữ

Đau đáu số phận người thân bị Trung Quốc bắt giữ

Sau nhiều ngày mất liên lạc, thuyền trưởng Hưởng, một trong 12 người đang bị phía Trung Quốc tạm giữ, đã điện thoại về đảo Lý Sơn với vỏn vẹn một câu duy nhất: "Nộp tiền chuộc chưa?”. Liên lạc bị ngắt giữa chừng...
> VN yêu cầu Trung Quốc bồi thường ngư dân bị bắt

Những ngày qua, bà Phạm Thị Bé, vợ thuyền trưởng tàu QNg 6517-TS Nguyễn Chí Thạnh (một trong 12 ngư dân còn đang bị tạm giữ ở Hoàng Sa) mất ăn mất ngủ vì lo lắng cho tình trạng sức khoẻ của chồng. Bà Bé nghẹn ngào cho biết, ông Thạnh mắc bệnh viêm gan, chạy chữa mất khoảng 40 triệu đồng rồi nhưng chưa khỏi bệnh. Trước hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, người chồng đã gắng gượng ra khơi để kiếm tiền chữa bệnh, trang trải nợ nần.

"Ai ngờ chuyến đi lần này tàu lại gặp họa như thế này. Nếu Trung Quốc cứ tạm giữ chồng tôi lâu ngày như thế này chắc ổng chết mất”, bà mếu máo nói.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Chánh văn phòng UBND xã An Hải - anh trai thuyền trưởng Thạnh bức xúc nói, ông điện thoại cho viên phiên dịch Trung Quốc hỏi thăm sức khỏe em trai nhưng họ không cho gặp mà cứ nằng nặc đòi tiền chuộc. "Họ bảo có bao nhiêu tiền cứ nộp qua tài khoản, phía Trung Quốc sẽ xem xét cho về sớm. Hoàn cảnh nghèo khó, gia đình biết lấy tiền đâu mà nộp tiền phạt chuộc người thân về bây giờ”, ông phân trần.

Trước tình hình ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ ở Hoàng Sa, tàu thuyền ở cảng cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn tấp nập ra khơi đánh bắt bình thường. Ảnh: Trí Nguyễn

Ba hôm trước, sau nhiều ngày bị mất liên lạc, thuyền trưởng Dương Văn Hưởng là một trong 12 ngư dân còn đang bị phía Trung Quốc tạm giữ ở đảo Phú Lâm, đã liên lạc điện thoại về Lý Sơn cho ông Dương Văn Thọ (chủ tàu - người đã được thả về từ Hoàng Sa).

Ông Thọ kể, người thuyền trưởng chỉ hỏi được vỏn vẹn một câu: "Gia đình đã nộp tiền chuộc chưa?”. Nhận được câu trả lời "bây giờ không biết lấy tiền đâu ra mà nộp”, viên phiên dịch Trung Quốc cầm điện thoại này nhắc “Có tiền nộp phạt thì những ngư dân còn lại mới được thả về”, rồi ngắt máy, không thể liên lạc được nữa. Sáng 9/7 ông Thọ liên lạc lại với viên phiên dịch một lần nữa, cuộc đối thoại cũng diễn ra và kết thúc tương tự.

Ông Nguyễn Xuân Hước, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho VnExpress.net biết, sau hơn 3 tuần bị bắt giữ, ba thuyền trưởng và 9 ngư dân vẫn còn bị Trung Quốc tạm giữ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Bên Trung Quốc vẫn liên tục yêu cầu gia đình các ngư dân có thân nhân đang bị tạm giữ ở Hoàng Sa khẩn trương nộp tiền phạt để được thả người về.

Ông Nguyễn Dự, Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết thêm, lãnh đạo xã phải thường xuyên động viên tâm lý gia đình các ngư dân, kiên quyết không nộp phạt, tránh tình trạng nôn nóng, chạy vạy vay mượn nộp tiền chuộc vô lý để rồi rơi vào khốn khó.

Trước tình hình này, ông Trương Quang Tưởng, Giám đốc Sở Ngoại Vụ Quảng Ngãi chia sẻ: “ Dù phía Trung Quốc có chuyển 12 ngư dân Lý Sơn còn bị tạm giữ ở đảo Phú Lâm đi đến đâu thì Cục lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng có trách nhiệm can thiệp, bảo vệ bằng con đường ngoại giao để ngư dân sớm được thả về nước”.

Chiều nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục yêu cầu Trung Quốc thả vô điều kiện và bồi thường cho các ngư dân và tàu cá Việt Nam, do họ bị phía Trung Quốc bắt khi đang đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

"Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe và tài sản của ngư dân bị bắt, sớm thông báo về tình hình và kết quả giải quyết vụ việc này cho Việt Nam theo đúng quy định của hiệp định lãnh sự được ký kết giữa hai nước", ông Dũng lên tiếng.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, 8/7, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, sẽ xử lý vấn đề chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế. "Đây là chủ quyền của nước ta. Việt Nam cương quyết bảo vệ chủ quyền và có những biện pháp hỗ trợ cần thiết đối với ngư dân", ông Phúc nói.

Trí Nguyễn

source

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/07/3BA110FF/

No comments:

Post a Comment