Wednesday 8 July 2009

Chính quyền đô thị bế tắc với bài toán ngập lụt

Chính quyền đô thị bế tắc với bài toán ngập lụt
09/07/2009 05:12 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Mô hình quản lí đô thị thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải một vấn nạn là ngập lụt và lô cốt xuất hiện trên các tuyến đường lớn. Đây là bài toán nan giải với các cấp chính quyền và người dân thành phố rất không hài lòng.


Mưa lớn kéo dài trong nhiều tháng qua tại thành phố Hồ Chí Minh đã có trên 100 vị trí thường xuyên ngập nhiều lần trong năm, trong đó khu vực nội thành có đến 60 điểm. Nhiều nhất trên các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, D2, D3, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Quận Bình Thạnh), Cao Thắng (Quận 3), Trần Xuân Soạn (Quận 7)….

Lãnh đạo thành phố khuyên người dân nên chấp nhận "sống chung với ngập".
Ảnh: Trần Duy


Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt gia tăng trong suốt đầu năm đến nay không hẳn là do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu mà là tốc độ đô thị hóa chưa đồng bộ với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thoát nước. Mực nước thủy triều của Thành phố từ năm 1999 đến nay cũng liên tục tăng nhanh từ mức 1,22m đến 1,55m. Mặt khác, với hiện trạng gấp khúc trong hệ thống thoát nước là nguyên nhân khiến cho tình trạng ùn ứ cát và bùn trong cống thoát nước, làm giảm tốc độ thoát nước.

Do đó, theo Thạc sĩ Hoàng Phi Long – Giảng viên bộ môn Tài nguyên nước và Môi trường, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM: “Để có thể giải quyết bài toán ngập nước tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, trước mắt các tỉnh thành cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thoát nước tại các đô thị. Ngoài ra, để tránh tình trạng khi dự án thoát nước đi vào hoạt động đã lạc hậu so với thực tế, cần xây dựng thêm những hồ điều tiết nước để giảm áp lực nước cho cống thoát nước trong trường hợp mưa lớn hoặc thủy triều dâng cao”.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết thêm: “Hiện nay, trung tâm chống ngập đang mời các chuyên gia của Tập đoàn Royal Haskoning (Hà Lan) đánh giá lại toàn bộ tính kết nối và hiệu quả chống ngập giữa dự án quy hoạch thủy lợi của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn với 4 dự án chống ngập mà thành phố đang triển khai. Việc đánh giá này dự kiến sẽ hoàn thành trong một năm với chi phí khoảng 1,5 triệu đô la Mỹ do Chính phủ Hà Lan tài trợ”.

Xây dựng một thành phố mới. Tại sao không?
Ảnh: Như Minh.


Tuy nhiên, hàng loạt dự án chống ngập, thoát nước đang triển khai ở TP.HCM như dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước, dự án Nâng cấp đô thị… phải vài năm nữa mới hoàn thành và phát huy hiệu quả.

Như vậy, giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề vẫn đang được các nhà chức trách, chuyên gia nghiên cứu loay hoay bàn bạc. Và chốt lại vấn đề, các chuyên gia và lãnh đạo thành phố khuyên người dân nên chấp nhận “sống chung với ngập”!

Luôn là cơn sóng ào ạt và cuồn cuộn theo nhịp đập kinh tế của cả nước, là cái nôi của sự đổi mới vậy mà Thành Phố Hồ Chí Minh ngày hôm nay lại chùn bước, đưa ra một lời khuyên cho người dân mang tính chất cam chịu?!

Và giải pháp mà chính quyền đô thị đưa ra trước mắt với lời khuyên người dân chấp nhận “sống chung với ngập” đó là Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch được yêu cầu triển khai các cuộc vận động, phát động người dân thành phố kĩ năng bơi lội. Đặc biệt đối với học sinh, sinh viên, người thường xuyên tiếp xúc, hoạt động, hành nghề trên sông, biển để có thể tự cứu mình, cứu người khác bị nạn.

Dù chỉ là giải pháp tạm thời của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa ra, song thật là dở khóc dở cười, thể hiện một sự bế tắc chưa từng có từ trước đến nay với thành phố Hồ Chí Minh. Dường như không giống với hình ảnh của một thành phố trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, luôn tiên phong và đổi mới trên nhiều lĩnh vực trong tâm tưởng của người dân lẫn quốc tế vẫn hằng suy nghĩ và mong đợi.

Ảnh: T.T

Thành phố Hồ Chí Minh là một môi trường rèn luyện khắc nghiệt, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam “trưởng thành” từ đây. Vậy mà ngày hôm nay, thành phố đã trở nên ngột ngạt và quá tải bởi những vấn nạn. Trước tình hình này, cần một bước đột phá mới chẳng hạn như xây dựng một thành phố khác.

Một học giả đã đưa ra giải pháp trong bài viết “Xây dựng một thành phố mới” được đăng tải trên nhiều tờ báo cách đây vài năm.

Thành phố mới như mô tả có thể là nơi tập trung các cơ quan hành chính, các hoạt động dịch vụ cao cấp, các trường đại học, dành thành phố hiện nay cho khu vực dân cư và thương mại.

Chính thành phố tương lai với hạ tầng hiện đại ấy sẽ cho phép chúng ta dịch chuyển vài ba triệu người dân đến sinh sống, không chỉ giải tỏa áp lực dân số của TP.HCM mà còn tạo ra một quỹ đất đáng kể tác động vào thị trường địa ốc vốn hội tụ nhiều bất hợp lý lâu nay. Việc chỉnh trang đô thị cho thành phố cũ khi đó sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn nhờ giá đất xuống thấp làm giảm nhẹ chi phí đền bù giải tỏa.

Thành phố tương lai này sẽ cải thiện không gian sống cho người dân cả hai nơi cũ và mới, là điều kiện để hình thành một phương thức quản lý đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, vừa là mô hình xây dựng các đô thị mới về sau. Chính thành phố này sẽ tạo nên những giá trị mới thúc đẩy kinh tế phát triển.

Qua những bài học về quy hoạch và quản lý đô thị, chúng ta có thể nhận ra một điều, bao nhiêu công sức tiền của đổ ra cho việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh mấy chục năm qua cũng đã đủ để xây dựng một thành phố hoàn toàn mới, hiện đại. Bây giờ mới nghĩ đến điều này, tuy quá muộn nhưng vẫn còn hơn không.

  • Lan Anh (tổng hợp)
  • source
  • http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/7442/index.aspx

No comments:

Post a Comment